HỌC TẬP CÁCH NÓI CỦA NHỮNG MC TRUYỀN HÌNH NỔI TIẾNG

CARMINE GALLO

Trích: 10 Bí Quyết Thành Công Của Những Diễn Giả Mc Tài Năng Nhất Thế Giới; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

---???---

Sau ngần ấy năm làm công việc viết bài để đọc cho khán giả nghe, kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với bạn là: hãy viết bằng những câu tương đối ngắn nhưng có khả năng truyền thông tin hiệu quả nhất.

– Peggy Noonan

Tại sao tôi lại dành hẳn một chương để nói về phong cách trình bày? Bởi vì nó quan trọng hơn những từ ngữ mà bạn thực sự sử dụng. Có thể bạn đã biết những số liệu này từ trước, nhưng việc lặp lại cũng rất đáng quý ở đây: 55% hiệu quả truyền thông là nhờ hình ảnh trực quan (ngôn ngữ cơ thể, việc tiếp xúc bằng ánh mắt); 38% là nhờ âm thanh (cao độ, tốc độ, thay đổi độ to nhỏ); và chỉ có 7% hiệu quả truyền thông liên quan đến những từ ngữ cụ thể.

? Vấn đề không phải là giọng nói, mà là cách nói

Trong quyển The Eye of the Storm, Robert Slater gọi John Chambers của Cisco vừa là huấn luyện viên vừa là hoạt náo viên. “Chỉ riêng tính bùng nổ trong phần trình bày của ông cũng mang lại ấn tượng về một người đàn ông lúc nào cũng muốn chạy đua, chẳng bao giờ chịu chậm lại. Và thực sự ông cũng chưa bao giờ dừng lại. Ông là một diễn viên. Ông là một người thuyết giáo. Ông là một huấn luyện viên. Ông là đầu não của công ty. Ông là tất cả những yếu tố này hợp thành. Ngay cả khi ông là một diễn giả uể oải, thì những tân binh cũng cảm thấy thật hấp dẫn và lắng nghe sếp của mình một cách tôn trọng. Một diễn giả di chuyển khắp vị trí khán giả thì không tẻ nhạt tí nào. Ông luôn tỏ ra nhiệt huyết và đầy sức sống”.

Nhiệt huyết và đầy sức sống. Hãy tưởng tượng xem cuộc đời của bạn sẽ khác đi như thế nào nếu đó là những từ mà mọi người mô tả về bạn. Tôi tin rằng bạn sẽ tiến gần đến mục tiêu đó một khi bạn có thể nhận diện và áp dụng những bí quyết giao tiếp đơn giản được trình bày trong quyển sách này. Còn bây giờ, hãy quay lại với Chambers, người luôn biết cách tìm kiếm những điểm mạnh của chính mình. Ông luôn thay đổi cách trình bày của mình, lúc nhanh lúc chậm. Ông sử dụng câu ngắn, gãy gọn và rõ ràng. Giọng nói của ông thì không chê vào đâu được, và do đó mọi người luôn chú ý lắng nghe ông. Một điểm lưu ý khá thú vị về Chambers đó là giọng nói của ông không sâu như Cronkite hay Brokaw, nhưng ông vẫn được xem là một trong những diễn giả doanh nghiệp vĩ đại trong thời đại chúng ta.

Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải có được một “giọng nói phát thanh viên”. Hầu hết những người cố gắng tạo ra một giọng trầm, sâu đều có kết quả là giả tạo, không tự nhiên. Điều này đã diễn ra với những người dẫn chương trình truyền hình thiếu kinh nghiệm. Họ cố gắng trở thành một điều gì đó không phải là bản thân họ. Thêm vào đó, thị hiếu của khán giả hiện đại cũng đang dần thay đổi. Thính giả đương thời thích những diễn giả thể hiện một cách tự nhiên, không giả tạo.

? Trình bày thông điệp ở tốc độ tối đa 

Những lãnh đạo doanh nghiệp như Larry Ellison, Giám đốc điều hành Oracle, luôn tạo ra những câu chuyện thú vị và giúp các phóng viên chuyên mục có việc làm đều đặn. Ellison nhiều khi cũng khoa trương, hung hăng và sáng chói. Những công ty lớn nhất thế giới, bao gồm hầu hết các ngân hàng và các hãng hàng không, đều sử dụng cơ sở dữ liệu của Oracle. Khi bạn rút tiền từ máy ATM, rất có thể phần mềm của Oracle đang được sử dụng để điều khiển giao dịch này. Khi bạn đặt chỗ máy bay, cũng rất có thể phần mềm của Oracle đang giúp nhân viên bán vé thực hiện điều này dễ dàng hơn. Oracle xuất hiện khắp nơi. Thành công của Oracle đã mang lại phần thưởng không tưởng cho các nhà đầu tư, khi cổ phiếu của họ đã tăng hơn 40.000% kể từ lần đầu tiên nó được bán ra cho công chúng vào năm 1986, và giúp Ellison trở thành người giàu thứ năm trên thế giới.

Ellison là một người dẫn chương trình có sức thuyết phục mạnh mẽ. Jesse Berst, tay bút chuyên mục của tờ PC Week đã từng mô tả Ellison là sự kết hợp hiếm hoi của ba yếu tố: chuyên sâu kỹ thuật, am hiểu kinh doanh và thu hút tột bậc. Còn David Sheff, cộng tác viên của tờ Playboy đã viết rằng “Ellison có thể thúc đẩy cả đội quân của mình bằng sự đam mê và lòng nhiệt huyết”.

Phong cách trình bày của Ellison chính là một phần tạo nên sức cuốn hút nơi ông. Kỹ năng truyền đạt thông điệp của ông thật đáng kinh ngạc. Ông không ngại sử dụng những khoảng ngừng hiệu quả. Ông nói lúc nhanh lúc chậm. Ông tạm nghỉ vài nhịp. Ông có một giọng nói mượt mà, lôi cuốn. Phong cách trình bày của ông bình dị, không giả tạo, cuốn hút và đầy sức sống.

Sau đây là một đoạn trích ngắn gọn từ một bài trình bày của Ellison trong đó ông mô tả lợi ích của việc “lập cụm máy”, nghĩa là việc kết nối một lượng lớn các máy tính tiêu chuẩn với nhau để cùng thực hiện một nhiệm vu, giống như những siêu máy tính truyền thống nhưng với chí phí nhỏ gấp nhiều lần:

“Đây là lợi ích thứ hai của việc lập cụm máy [giơ lên 2 ngón tay]. Theo cách làm cũ, nếu các bạn muốn chạy nhanh hơn [nâng cao tốc độ nói], thì các bạn phải mua một chiếc máy mạnh hơn, và sau đó là một chiếc máy mạnh hơn và mạnh hơn nữa. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn chi tất cả số tiền của mình vào chiếc máy mạnh nhất mà bạn có thể mua? Lúc đó, làm sao hệ thống của bạn có thể chạy nhanh hơn được nữa kia chứ? [tạm dừng] Bạn không thể. [tạm dừng] Bạn không thể. Dĩ nhiên, trừ phi bạn có các cụm máy [nói nhanh hơn]. Vậy thì, thay vì phải mua máy ngày càng mạnh hơn, bạn chỉ cần mua một chiếc máy khác [tạm dừng], và một chiếc máy khác [tạm dừng], và rồi một chiếc máy khác [tạm dừng], và cứ thế. [tạm dừng]. Đó chính là hiệu quả theo nhu cầu. Sẽ không có giới hạn nào ngăn cản được hiệu quả bạn mong muốn”.

Dù có hay không thì bạn cũng sẽ quan tâm đến yếu tố “lập cụm máy” mà ông muốn nói đến. Khán giả của Ellison đã làm điều đó, và còn hơn cả quan tâm bởi vì bài diễn thuyết của ông thu hút được sự chú ý của họ. Cũng như Chambers, Ellison là một diễn giả của doanh nghiệp, người khuấy động linh hồn của khách hàng, nhân viên và các nhà đầu tư. Trong khi thông điệp của ông chứa đầy tính nhiệt huyết, mạnh mẽ và rõ ràng, thì phong cách trình bày ấn tượng và ngôn ngữ cơ thể quyết đoán đã góp phần nâng cao sức cuốn hút tổng quát của ông. Bằng cách cải thiện phong cách trình bày, bạn cũng có thể làm tương tự – mê hoặc khán giả của mình.

? Hãy cho ông ấy một giải thưởng Tony! 

“Tony Blair là nhà giao tiếp xuất sắc nhất trong thời hiện đại”. Đó là lời của tờ báo Independent tại London số ra ngày 1/10/2003. Trong khi người Anh đã chứng kiến Blair vươn lên nắm quyền qua nhiều năm thì người Mỹ mới thực sự nhận thức ban đầu về ông trên một mạng truyền hình tên là C-SPAN, nơi mà hàng tuần họ có thể xem ông bảo vệ các chính sách của mình trước Quốc hội Anh. Nhiều khi tôi ước gì tổng thống Mỹ cũng phải đối mặt với kiểu tra xét như vậy của Quốc hội. Quốc hội là một chốn đông người đầy khó khăn. Ngay cả chương trình Saturday Night Live cũng chế giễu về điều đó.

Cuộc chiến ở Iraq đã tạo ra một lời mời hiếm hoi để Blair nói chuyện trước một hội nghị phối hợp của Quốc hội Mỹ vào ngày 17/7/2003. Bài nói của Blair đã làm cả hội đồng phải choáng. Trong khi ngôn từ được soạn thảo mượt mà thì ngữ điệu, sự nhiệt huyết và ngôn ngữ hình thể của ông đã tạo nên tiếng vang với công chúng Mỹ. Ngày hôm sau, báo chí đã ca ngợi bài nói chuyện xứng đáng là một lời biện hộ nhiệt huyết cho cuộc chiến ở Iraq. Ngay cả những người chỉ trích chính quyền Mỹ và chính sách chiến tranh của họ, như thượng nghị sĩ California Diannce Feinstein, cũng nói rằng đó là “bài diễn thuyết hay nhất mà tôi từng được nghe”. Chúng ta không tranh luận về cuộc chiến Iraq ở đây. Chúng ta muốn công nhận rằng Blair là một diễn giả đầy sức thuyết phục. Chấm hết. Chúng ta đang nhận diện và áp dụng những bí quyết đơn giản nằm ở phía sau kỹ năng thuyết phục và phong cách nói chuyện cuốn hút của ông. Tôi biết rằng một số diễn giả mà tôi chọn để phân tích có thể có những luận điểm gây tranh cãi. Có thể bạn sẽ thích một vài người, và ghét một vài người khác. Những tôi nghĩ chúng ta có thể hoàn toàn đồng ý rằng họ đã thực hiện một nhiệm vụ xuất sắc trong việcquảng bá cho dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp, như trong trường hợp Blair.

Philip Stephens là một cộng tác viên cao cấp của tờ Financial Times . Ông chuyên đưa tin về tình hình chính trị ở Anh, thường xuyên phỏng vấn Tony Blair và đánh dấu các mốc quyền lực của Tony Blair trong quyển sách của mình tựa đề Tony Blair: The Making of a World Leader . Stephens đã viết thẳng thắn về phong cách trình bày của Blair như sau “Ông xuất sắc trong vai trò một diễn giả tự nhiên. Một người đàn ông trẻ với khả năng đồng cảm cùng khán giả theo bản năng, thổ lộ những ngôn từ và thể hiện những ngữ điệu phù hợp đúng lúc”.

Blair đã chế ngự khán giả vì ông đảm bảo được sự tương xứng giữa cách ông trình bày và ấn tượng của bản thân các ngôn từ. Không được tạo ra sai sót, ông luôn tự nhủ điều đó. Blair rất cẩn trọng với từng từ, cụm từ và phong cách trình bày của mình. Là thủ tướng, Blair có hàng tá người có thể giúp ông viết diễn văn, nhưng ông thích tự mình làm lấy điều đó, soạn diễn văn cho mình. Tại sao ư? Vì ông viết cho bản thân ông trình bày.

? Viết để đọc cho người khác nghe 

Peggy Noonan đã viết một số cụm từ đáng nhớ nhất trong lịch sự hiện đại khi làm việc trong vai trò người soạn diễn văn cho Ronald Reagan và George Bush cha. Trong quyển sách mang tên Simply Speaking của mình, Noonan đã củng cố tầm quan trọng của việc giữ cho câu cú ngắn gọn và dễ nói, đặc biệt là những câu được viết để đọc to lên. Những câu dài dòng sẽ khó đọc bởi vì “bạn sẽ hết hơi, nhấn sai từ cần thiết, lạc giọng”.

Patricia Dean là phó giám đốc của trường báo chí uy tín Annenberg School of Journalism tại USC. Chúng tôi biết nhau hồi tôi còn là sinh viên trường Northwestern, còn Dean điều hành chương trình phát sóng tại trường báo chí Medill School of Journalism. Nhiều phóng viên phát thanh truyền hình nổi tiếng mà bạn biết là những người được Dean đỡ đầu. Trong vai trò người hướng dẫn, cô ấy là số một. Theo Dean, “những phóng viên truyền hình thường trú biết rõ kịch bản phải được viết để đọc thành tiếng và kịch bản phải thuận tiện để họ trình bày. Cách diễn đạt vụng về và câu cú phức tạp thường rất khó đọc và làm cho công việc khó khăn hơn để khán giả theo dõi. Một bài trình bày đều đều, tẻ nhạt sẽ phá hủy ngay cả bài diễn văn xuất sắc nhất”.

Một trong những diễn giả mà Dean ưa thích là nhà thơ Maya Angelou, ngườiđược ca ngợi là một trong những giọng đọc xuất sắc nhất của văn học đương đại. Những từ ngữ của Angelou gây ấn tượng rất sâu sắc, nhưng chúng chỉ trở nên sống động với phong cách trình bày ấn tượng của bà. Mặc dù có một loạt sách bán rất chạy như I Know Why the Caged Bird Sings, nhưng sự nổi tiếng của Angelou chỉ trở nên nổi bật từ khi bà đọc một trong những bài thơ On the Pulse of Morning của mình trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993. Những từ ngữ trong bài thơ nói về hy vọng và sự hồi sinh được viết rất mượt mà, nhưng chỉ đến ngày đó thì hầu hết mọi người mới chỉ bắt đầu đọc thơ của bà. Bằng cách sử dụng giọng nói của mình, Angelou đã mang lại cho tác phẩm của mình một chiều hướng hoàn toàn mới. Nhiều bài báo vào ngày hôm sau lễ nhậm chức đó đã khen ngợi Angelou về phong cách trình bày đầy cuốn hút và mạnh mẽ của bà, nó cũng để lại ấn tượng sâu sắc không kém gì ngôn ngữ trong bài thơ.

Dĩ nhiên bạn không cần phải thể hiện phần phát biểu của mình trong cuộc họp công ty lần kế tiếp với một phong thái khoan thai, trầm tư và ấn tượng đến mức đó. Nhưng sự thật là ở đây có một điều gì đó đáng để chúng ta học tập. Angelou đã dừng nghỉ ở những thời điểm quan trọng, hùng hồn với những từ then chốt và biến đổi giọng điệu cùng tiết tấu để làm cho ngôn ngữ của bài thơ sống động. Bà đã tạo cho sự hiện diện của mình một sức thu hút lớn vì bà yêu thích ngôn ngữ và tỏ ra hết sức thận trọng với những ngôn từ được chọn cũng như cách phối âm và cách trình bày của mình. Bà đã chỉ cho chúng ta thấy rằng cả ngôn từ lẫn cách sử dụng ngôn từ đều đóng vai trò thiết yếu đối với việc thu hút khán giả.

? Điều mà các phóng viên đều biết, nhưng chúng ta thì không 

Jennings. Brokaw. Cronkite. Wallace. Đó là những tên tuổi đã khiến tôi phải đăng ký học chương trình thạc sĩ về kỹ thuật lên sóng. Thời học đại học, tôi nhớ có những lần mình đã chạy vội về nhà sau giờ học để được ngồi xem chương trình World News Tonight with Peter Jennings của ABC. Quả thật lúc đó tôi đã say mê chương trình này một cách kỳ lạ. Jennings có giọng đọc rất ấn tượng, nhưng chính cách sử dụng giọng nói của anh mới làm cho lời của anh trở nên mượt mà. Nhịp đọc của anh nhanh nhưng không quá nhanh. Anh biết cách biến đổi tiết tấu. Mọi âm tiết đều rõ ràng và dễ hiểu. Jennings còn nhấn mạnh ở những từ ngữ quan trọng nhất trong đoạn văn, và anh thường nói chậm lại để nêu bật những khái niệm chủ chốt.

Trong quyển Put Your Best Foot Forward , nhà tư vấn thẩm phán nổi tiếng Jo-Ellan Dimitrius viết rằng: “Giới truyền thông phát sóng đã chi hàng triệu đô-la để tìm kiếm những giọng đọc hoàn hảo. Họ đã khám phá rằng giọngđọc lý tưởng phải truyền cảm, trầm ấm, vừa phải, rõ ràng, đủ lớn và không có những yếu tố làm phân tán sự chú ý”. Dimitrius đã phát hiện ra rằng người có giọng đọc lý tưởng như thế cũng sẽ tỏ ra có sức thuyết phục nhất trong bồi thẩm đoàn. Các thẩm phán thường thích những người có giọng nói như thế. Tôi khám phá ra rằng hầu hết những người phát ngôn của các tổ chức đều có những giọng nói rất hoàn hảo; nhưng không giống Jennings, họ đã không biết cách sử dụng giọng nói đó một cách hiệu quả. Nó cũng tương tự với việc có một chiếc Ferrari mà cứ đậu trong gara. Thỉnh thoảng bạn cũng nên chạy vài vòng chứ!

? Một chân dung phong cảnh đầy ấn tượng

 Sau đây là 5 kỹ thuật cơ bản có thể giúp bạn cải thiện phong cách trình bày của mình. Hãy áp dụng những kỹ thuật này để biến lần trình bày tiếp theo của mình thành một sự kiện có chất lượng như bản tin được lên sóng.

  1. Tạo giọng điệu riêng
  2. Điều chỉnh tốc độ
  3. Dừng… để tạo ấn tượng
  4. Nhấn mạnh những từ khóa
  5. Phát âm rõ ràng

? Tạo giọng điệu riêng

 Bạn có còn nhớ lời mô tả về cựu thống đốc bang California như một diễn giả tẻ nhạt mà tôi đã nói ở phần trước không? Điều đó có nghĩa là ông ấy không có chút biến tấu nào với giọng nói của mình hoặc thay đổi cao độ hay giọng điệu trình bày. Những giọng nói đều đều rất tẻ nhạt. Nó không truyền được cảm hứng cho người nghe mà trái lại, tạo cảm giác rất u ám. Những giọng nói như thế có tác dụng ru ngủ tuyệt vời còn hơn cả thuốc ngủ! Giọng nói của bạn cần phải giống như một chân dung phong cảnh đầy ấn tượng với đỉnh đồi và thung lũng, được biến tấu với cao độ, âm lượng và nhịp điệu. Phải có những lúc cần lên cao và xuống thấp, uốn, lượn và ngoặt. Tôi cam đoan là giọng nói của bạn sẽ cuốn hút khán giả và khiến họ ngây ngất.

? Điều chỉnh tốc độ 

Đa phần những người giao tiếp giỏi nhất trong kinh doanh nói đều nhanh hơn bình thường một chút. Tôi đã khám phá ra điều này từ khi mới bước vào nghề khi so sánh tốc độ đọc của mình với những nhà báo lên sóng như Peter Jennings. Cùng một nội dung, tốc độ đọc của anh nhanh hơn của tôi. Và âm giọng của anh cũng hay hơn.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy độc giả thích nghe những giọng nói có tốc độ nhanh hơn trung bình một chút. Một cuộc nghiên cứu trên tờ International Journal of Instructional Media hồi tháng 1/2001 đã khám phá rằng “những diễn giả nói nhanh hơn được cảm nhận là có nhiều kiến thức hơn, nhiệt tình hơn, và có sức sống hơn những người nói ở tốc độ trung bình”.

Những người lên sóng như Jennings không phải là những người duy nhất có giọng đọc nhanh hơn bình thường. Tôi đã phân tích cả tốc độ nói của Steve Jobs, Giám đốc điều hành Apple và John Chambers, Giám đốc điều hành Cisco. Trong những buổi trình bày trước truyền hình trực tiếp, họ nói từ 190 đến 195 từ một phút. Một điều đáng chú ý là cả hai đều sử dụng PowerPoint và thảo luận về những tài liệu được thể hiện trên màn hình chiếu. Nhờ làm chủ được tài liệu trình bày nên họ không tạo ra sự ngắt quãng thừa trong khi trình bày. Đó chính là chìa khóa – làm chủ được tiến trình trình bày của mình. Hầu hết chúng ta thường bị chi phối bởi tiến trình trình bày. Nội dung tiếp theo sẽ trình bày, mức độ chuẩn bị, sự lo lắng, hồi hộp… tất cả đều có thể khiến cho chúng ta nói chậm lại. Chỉ khi nào chúng ta hoàn toàn cảm thấy thoải mái, tự tin thì lúc đó ngôn ngữ mới được thể hiện một cách dễ dàng.

? Dừng… để tạo ấn tượng

Trong buổi nói chuyện trước Hạ nghị viện hai ngày sau vụ khủng bố tại Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001, Tony Blair đã hứa sẽ giúp Mỹ đấu tranh chống nạn khủng bố trên toàn cầu. Blair hiểu rõ nếu ông biết tạm dừng vào những thời điểm thích hợp, bài nói của ông sẽ thể hiện được tính dã man của bọn khủng bố và sự nghiêm trọng của sự việc. Và ông đã tạm dừng rất lâu trước và sau câu nói “Có một điều cần được nêu rõ ở đây. Những người che chở hoặc hỗ trợ quân khủng bố sẽ phải chọn lựa, hoặc là chấm dứt việc bảo vệ cho kẻ thù của chúng ta, hoặc sẽ bị đối xử như những kẻ thù”.

Còn bạn, bạn không cần phải là người đứng đầu một quốc gia mới có thể khai thác sức mạnh của sự tạm dừng đầy ấn tượng ấy. Ở vai trò người phát ngôn, bạn cần phải phát huy được tiềm năng trình bày của mình bằng cách tạo những khoảng dừng hợp lý để khán giả có thể “thấm” thông điệp của bạn.

? Nhấn mạnh những từ khóa

Sau nhiều thập kỷ ngồi trước máy quay truyền hình, Stuart Varney – phát thanh viên của kênh truyền hình Fox News, được xem là một diễn giả rất thành công. Chìa khóa giúp ông trình bày thông điệp của mình đạt hiệu quả tối đa chính là việc nhấn mạnh những từ khóa trong câu.

Năm 2003, tôi đã có dịp nghe một bài diễn văn của Varney. Cũng giống như tất cả những diễn giả giỏi khác, sau vài lời trao đổi thân thiện, Varney bắt đầu điểm cốt lõi của buổi nói chuyện bằng cách phác thảo ra những điểm chính mà ông sắp trình bày. Sau đây là nội dung bài nói chuyện của ông (những từ in nghiêng là những từ được Varney nhấn mạnh): 

Tôi muốn trình bày với các bạn ba điểm. 

Trước hết, tôi muốn tóm tắt tình hình kinh tế Mỹ hiện nay . Hãy tin tôi, thời điểm diễn ra buổi gặp mặt này là tuyệt đối phù hợp bởi vì theo quan điểm của tôi, tương lai của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc chiến đang diễn ra ở Iraq. Vì thế tôi muốn thảo luận vị thế hiện nay của chúng ta, điều gì đã đưa chúng ta đến vị thế này, và hướng phát triển của nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Tôi là một người lạc quan. Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm nói về một giai đoạn mở rộng mới của nền kinh tế Mỹ. 

Thứ hai, tôi muốn thảo luận điều mà tôi gọi là kết cấu mới của nền kinh tế toàn cầu, bởi vì nó đã dịch chuyển và thay đổi rất ấn tượng trong những năm gần đây. Theo tôi, hiện nay chúng ta đang trải qua một nền kinh tế toàn cầu song cực . Trong đó, nước Mỹ như một người tiêu dùng khổng lồ còn Trung Quốc là nhà sản xuất khổng lồ, nhà máy của cả thế giới. Hiện nay đây là hai cực của nền kinh tế toàn cầu mới này. Nền kinh tế này có những ý nghĩa lớn lao đối với hoạt động ngoại giao quốc tế, kinh doanh quốc tế và kinh tế quốc tế. 

Thứ ba, tôi sẽ nói về tỷ lệ sinh đẻ, [những tiếng cười lớn]. Đây không phải là một bài diễn văn tẻ nhạt về kinh tế. Tôi muốn nói đến tỷ lệ sinh đẻ trong ngày hôm nay bởi vì ở các nước phát triển, đột nhiên tỷ lệ sinh đẻ tụt giảm vô cùng mạnh mẽ . Hiện nay, chúng ta đang ở thời điểm có thể nhận thấy rõ dân số đang giảm một cách nhanh chóng ở gần 30 đến 40 nước. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà chúng ta kỳ vọng trong vài năm trước, khi cho rằng dân số thế giới sẽ bùng nổ mãi mãi . Và nếu suy nghĩ kỹ , bạn có thể nhìn thấy rất rõ những tác động sâu sắc mà điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cuộc sống của chúng ta, lên đời sống kinh tế và đời sống kinhdoanh. Sự tác động ấy trở nên sâu sắc khi dân số bắt đầu co lại . Đó là những gì mà tôi sắp bàn đến ở đây.

Hãy để sức mạnh của những từ khóa trong các câu giúp bạn thể hiện phần trình bày của mình sôi nổi, nhiệt huyết hơn thay vì một giọng điệu đều đặn, tẻ nhạt. 

? Phát âm rõ ràng

Những người giao tiếp xuất sắc trong kinh doanh luôn phát âm rõ ràng từng chữ. Bạn có thể hiểu rõ ràng tất cả những điều họ nói. Peter Jennings của kênh ABC là một bậc thầy về điều này. Peter không bao giờ nuốt âm ở cuối từ. Vấn đề mà hầu hết các diễn giả nói bằng tiếng Anh thường gặp phải là không phát âm rõ phụ âm cuối trong những từ kết thúc bằng “nt”. Ví dụ, hầu hết mọi người đều đọc lướt và bỏ âm nên từ “can’t” thường được nghe thành “can”, “won’t” thành “won”. Đây là những lỗi tương đối dễ khắc phục. Ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp của mình, tôi cũng không đạt được chuẩn phát âm tốt. Và bạn có tin không, bằng cách đọc đi đọc lại những từ khó phát âm và dễ gây nhầm lẫn, tôi đã cải thiện được cách phát âm của mình. Đó là một phương pháp rất hiệu quả!

Hy vọng đến đây bạn đã nắm bắt được thêm một điều quan trọng khác cần chú ý đến để đạt được hiệu quả mong muốn cho phần trình bày của mình trước bất kỳ khán giả nào. Cách bạn thể hiện thông điệp quan trọng không kém bản thân chính ngôn từ được sử dụng trong thông điệp đó. Hãy luôn duy trì sự chú ý của khán giả bằng cách sử dụng tất cả những kỹ thuật mà những người giao tiếp xuất sắc nhất trong giới kinh doanh và truyền thông áp dụng: biến tấu giọng điệu, tiết tấu, tốc độ, sử dụng khoảng dừng để tách biệt những ý tưởng và cụm từ then chốt, nhấn mạnh những từ khóa và phát âm thật rõ ràng. 

BÀI TẬP HUẤN LUYỆN

1. Học hỏi từ những bậc thầy

Hãy truy cập vào trang web của quyển sách này (www.carminegallo.com) để tìm thêm về tiểu sử và quan sát những đoạn phim minh họa về những diễn giả bậc thầy. Hãy chú ý lắng nghe và nhận xét cách họ làm cho ngôn từ trở nên sống động bằng giọng điệu, cao độ, tiết tấu, nhấn mạnh và khoảng dừng. Nhất là không bao giờ có hai câu được trình bày giống hệt nhau!

2. Viết để đọc thành tiếng

Hãy sưu tầm và đọc to tiêu đề cùng vài đoạn đầucủa một số bài báo mà bạn có được, và nhận xét xem tờ nào có giọng văn gần gũi với phong cách nói chuyện trực tiếp như trên các phương tiện truyền thông phát sóng hơn. Ngoài ra, hãy chú ý xem cái nào dễ đọc hơn, nghe tự nhiên hơn? Sau cùng, hãy tìm xem đâu là những bài viết có giọng văn tường thuật ngắn gọn và thể hiện được sự biến đổi trong giọng điệu và tiết tấu, đồng thời có nhấn mạnh những từ khóa.

3. Bài tập luyện phát âm

Hãy viết ra những từ khó phát âm nhất đối với bạn, đọc chúng nhiều lần và thu băng lại. Sau đó, nghe xem bạn có phát âm rõ ràng hay không. Hãy tiếp tục tập luyện và tăng tốc độ dần lên cho đến khi bạn có thể phát âm rõ ràng từng chữ một dù là ở tốc độ đọc lướt nhanh chóng.

???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ TIN, MẠNH MẼ, TẬP TRUNG VÀO Ý CHÍNH CẦN NÓI
  2. HÃY NÓI VỚI TẤT CẢ CẢM HỨNG HÃY CHIA SẺ NGỌN LỬA CỦA TRÁI TIM

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM