HÔM NAY, NGAY BÂY GIỜ, CHÚNG TA ĐANG CÓ MỘT NGÀY TUYỆT ĐẸP

RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

Trích: Bài Giảng Cuối Cùng; Vũ Huy Mẫn dịch; Nhà Xuất Bản Trẻ - 2009

(Randy Pausch là giáo sư Đại Học Carnegie Mellon, Từ năm 1988 đến năm 1997, ông dạy tại Đại học Virginia. Năm 2006 ông được chẩn đoán ung thư tụy giai đoạn cuối và chỉ còn vài tháng để sống. Ông đã tham gia chương trình “Bài Giảng Cuối Cùng” dành cho các giáo sư trước khi chia tay giảng đường và cống hiến thật sự xuất sắc. Tạp chí Time đã vinh danh ông trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới, và đài truyền hình ABC tuyên bố ông là một trong ba “nhân vật của năm” 2007. )

Cuộc phiêu lưu y học của tôi bắt đầu từ mùa hè năm 2006, khi tôi thấy đau nhẹ ở vùng bụng trên. Sau đó, có triệu chứng vàng da, và bác sĩ nghi tôi bị bệnh viêm gan. Nhưng rồi mọi sự lại chứng tỏ đó chỉ là một nghi ngờ rất lạc quan. Ảnh chụp cắt lớp cho thấy tôi bị ung thư tụy, và chỉ cần mười giây tra cứu trên Google, tôi đã biết đây là một tin tồi tệ tới mức độ nào. Ung thư tụy có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư; một nửa số người mắc bệnh sẽ chết trong vòng sáu tháng, và 96% sẽ chết trong vòng năm năm.

Tôi tiếp cận việc chữa trị giống như đã tiếp cận nhiều thứ khác, với tư cách một nhà khoa học. Tôi đã đặt rất nhiều câu hỏi để được hiểu biết nhiều hơn, và thấy như mình đang đưa ra các giả thuyết và luận giải cùng bác sĩ. Tôi ghi âm các buổi trao đổi với bác sĩ để có thể nghe lại những giải thích của họ một cách kỹ càng hơn ở nhà. Tôi tìm những công trình ít người biết đến trong các tạp chí và mang theo tới các buổi hẹn. Các bác sĩ thường thông cảm, và đa phần đều nghĩ tôi là một bệnh nhân thú vị bởi đã quan tâm tới mọi thứ. (Thậm chí, họ còn không trách cứ khi tôi dẫn theo người biện hộ – bạn và là đồng nghiệp của tôi, Jessica Hodgins – tới các buổi hẹn để hỗ trợ tinh thần cho tôi và, với kỹ năng nghiên cứu tuyệt vời của cô, giúp tra cứu và xem xét các thông tin y học.)

Tôi nói với các bác sĩ là tôi sẵn sàng chấp nhận mọi biện pháp giải phẫu cũng như uống bất cứ thứ gì trong tủ thuốc của họ, bởi tôi có một mục tiêu: Tôi muốn sống lâu nhất có thể cho Jai và các con. Trong buổi hẹn đầu tiên của tôi với bác sĩ phẫu thuật Herb Zeh ở Pittsburgh, tôi nói: “Xin nói rõ. Mục tiêu của tôi là sống và ở trong số bệnh nhân của ông mười năm.”

Tôi là một trong số rất ít bệnh nhân được làm “giải phẫu Whipple”, gọi theo tên của bác sĩ đã phát minh ra quy trình phức tạp này vào những năm 1930. Cho tới những năm 1970, 25% số bệnh nhân đã tử vong khi qua giải phẫu này. Ðến năm 2000, nguy cơ tử vong giảm xuống còn có 5%, nếu được thực hiện bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Mặc dù vậy, tôi vẫn biết là mình đang phải bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn, nhất là sau giải phẫu còn có đợt hóa trị và xạ trị vô cùng độc hại.

Trong lần phẫu thuật, bác sĩ Zeh đã cắt bỏ không chỉ các khối u, mà cả túi mật, một phần ba tụy, một phần ba dạ dày và cả thước ruột non của tôi. Khi phục hồi sau giải phẫu, tôi đã chữa trị hai tháng tai Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston, dùng những liều hóa trị liệu rất mạnh cộng với xạ trị liều cao hàng ngày ở vùng bụng. Từ 82kg, cân nặng của tôi đã giảm xuống chỉ còn 62kg, và cuối cùng, rất khó khăn để có thể bước đi nổi. Tôi trở về nhà ở Pittsburgh, ảnh chụp cắt lớp cho thấy không còn ung thư. Tôi dần lấy lại được sức lực.

Đến tháng tám, tôi trở lại khám định kỳ hàng quý ở MD Anderson. Jai và tôi bay tới Houston, để các con ở nhà với một người giữ trẻ. Chúng tôi đã thu xếp chuyến đi như một kỳ nghỉ lãng mạn. Chúng tôi tới một công viên nước rất lớn, và tôi đã chơi trò trượt ván tốc độ rất thú vị.

Ngày 15 tháng 8 năm 2007, một ngày thứ tư, Jai và tôi tới MD Anderson để xem kết quả các ảnh chụp cắt lớp mới nhất với bác sĩ ung thư Robert Wolff. Trong phòng khám, một y tá hỏi tôi vài câu thông thường. “Randy, trọng lượng của ông có thay đổi gì không? Ông vẫn dùng thuốc như cũ chứ?” với giọng líu lo vui vẻ, cô y tá nói, “Bác sĩ sẽ tới khám cho ông ngay.” khi bước ra khỏi phòng và khép cửa lại.

Phòng khám có máy vi tính, và tôi thấy cô y tá vẫn để bệnh án của tôi trên màn hình. Tất nhiên là tôi biết cách xoay sở với chiếc máy tính, nhưng lúc này thì chẳng cần làm điều gì đặc biệt cả. Toàn bộ biểu đồ của tôi đang hiện lên trước mặt.

“Mình có nên xem một chút?” Tôi nói với Jai – Tôi chẳng thấy băn khoăn gì về những điều sắp làm, vì thực ra, đó là bệnh án của chính tôi.

Tôi nhìn quanh và thấy kết quả xét nghiệm máu. Có 30 chỉ số về máu, nhưng tôi biết chỉ số cần nhìn: CA 19-9, đánh dấu khối u. Khi tìm thấy, chỉ số là quá cao, 208. Một giá trị bình thường phải là dưới 37. Tôi coi lại chỉ số đúng một giây.

“Vậy là hết.” – tôi nói với Jai. – “Số phận của anh đã được định đoạt.”

“Anh nói vậy là thế nào?” – Jai hỏi.

Tôi nói với cô về chỉ số CA 19-9. Jai đã tự tìm hiểu về chữa trị ung thư để đủ biết ý nghĩa của con số 208: một bản án tử hình. “Chẳng khôi hài gì cả.” – cô nói. – “Anh đừng đùa giỡn nữa.”

Lôi các ảnh chụp cắt lớp ra, tôi bắt đầu đếm. “Một, hai, ba, bốn, năm, sáu,…”

Tôi có thể nghe thấy sự hoảng sợ trong giọng của Jai, “Ðừng nói với em là anh đang đếm các khối u.” Tôi chẳng biết làm gì, chỉ tiếp tục đếm to. “Bảy, tám, chín, mười,…” Tôi thấy tất cả. Ung thư đã di căn sang gan.

Jai bước tới bên máy tính, thấy mọi thứ thật rõ ràng bằng chính mắt của cô, rồi ngã vào cánh tay tôi – chúng tôi cùng khóc. Và lúc đó tôi phát hiện chẳng có khăn giấy nào ở trong phòng. Tôi vừa biết mình sắp chết, và trong khi không thể ngừng suy luận logic tôi nghĩ: “Một phòng khám như thế này, vào một thời điểm như thế này, có nên có một hộp khăn giấy? Rõ ràng, đây là một khiếm khuyết trong phục vụ.”

Có tiếng gõ cửa. Bác sĩ Wolff bước vào với xấp tài liệu trong tay. Nhìn từ Jai sang tôi đến các ảnh chụp cắt lớp trên máy tính, ông biết việc gì vừa xảy ra. Tôi quyết định nói trước. “Chúng tôi đã biết.” – tôi nói.

Lúc này, Jai bị sốc, khóc nức nở. Tôi cũng vô cùng buồn, nhưng lại rất ấn tượng với cách thức bác sĩ Wolff đối đầu với trách nhiệm của ông. Ông ngồi xuống cạnh Jai để an ủi cô. Một cách trầm tĩnh, ông giải thích với Jai rằng ông sẽ không tiếp tục cố gắng để cứu mạng sống của tôi nữa. “Những gì chúng tôi muốn làm.” – ông nói. – “Là kéo dài thời gian còn lại của Randy để ông có thể có chất lượng sống cao nhất. Bởi vì, trong tình trạng hiện thời, y học không có cách gì giúp duy trì cuộc sống của ông theo đúng chu kỳ sống bình thường được nữa.”

“Đợi đã.” – Jai nói. – “Có phải bác sĩ nói với tôi là đã hết cách? Chỉ có vậy, từ chỗ ‘chúng ta sẽ chiến đấu với căn bệnh’ tới ‘cuộc chiến đấu đã kết thúc’? Liệu có thể ghép gan được không?”

Không, bác sĩ nói, không làm được nữa khi di căn đã xuất hiện. Ông nói về hóa trị liệu giảm nhẹ – điều trị không nhằm chữa bệnh, mà chỉ để giảm triệu chứng, có thể kéo dài thêm vài tháng – và về việc tìm cách để tôi được thoải mái và gắn bó với cuộc sống trong những ngày cuối cùng.

Toàn bộ cuộc trao đổi khủng khiếp này là siêu thực đối với tôi. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng và hụt hẫng cho bản thân, đặc biệt là cho Jai – cô vẫn không ngừng khóc. Tôi, một mặt, vẫn là Randy. Tư duy Khoa học, đang thu thập các dữ kiện và hỏi bác sĩ về các lựa chọn. Mặt khác, tôi bị mắc kẹt trong khung cảnh lúc đó, và bị thu hút bởi cách bác sĩ Wolff truyền đạt tin dữ cho Jai. Tôi tự nghĩ: “Hãy xem ông làm điều đó như thế nào. Chắc chắn là trước đây ông đã từng làm việc này nhiều lần rồi, và ông làm nó rất tốt. Ông đã tập dượt rất cẩn thận, và mọi thứ vẫn rất chân thành và tự nhiên.”

Tôi nhớ cách ông ngả lưng dựa vào ghế, rồi khép mắt lại trước khi trả lời một câu hỏi, gần như là điều đó giúp ông suy nghĩ được kỹ lưỡng hơn. Tôi ngắm điệu bộ của ông, cách ông ngồi bên Jai. Thấy như tách mình khỏi mọi thứ, tôi nghĩ: “Ông không quàng tay lên vai cô. Tôi hiểu vì sao. Như vậy sẽ tỏ ra quá tự tin. Nhưng ông nghiêng người, bàn tay ông đặt lên đầu gối của cô. Ôi, ông làm việc này thật giỏi.”

Tôi mong mỗi sinh viên y khoa định theo ngành ung thư có thể được nhìn thấy những gì tôi đang thấy. Tôi quan sát bác sĩ Wolff sử dụng ngôn từ để nói những câu với ý nghĩa thật tích cực. Khi chúng tôi hỏi, “Còn bao lâu nữa thì tôi chết?” ông đã trả lời, “Ông có thể có ba tới sáu tháng với sức khỏe tốt.” Điều này nhắc tôi nhớ tới thời gian ở Disney. Nếu hỏi nhân viên Disney: “Mấy giờ công viên đóng cửa?” Họ sẽ trả lời: “Công viên mở cửa tới 8 giờ tối.”

Theo một cách nào đó, tôi có cảm giác: được giải thoát. Trong qua nhiều tháng trời căng thẳng, Jai và tôi đã chờ đợi xem liệu các khối u có, và bao giờ thì, xuất hiện trở lại.Lúc này mọi sự đã rõ ràng với một đống các khối u. Sự chờ đợi đã kết thúc. Bây giờ chúng tôi có thể chuyển sang đối phó với những thứ kế tiếp.

Kết thúc buổi hẹn, bác sĩ ôm hôn Jai và bắt tay tôi. Jai và tôi cùng bước ra, đi vào hiện thực mới của chúng tôi.

Rời khỏi phòng bác sĩ, tôi nghĩ về những gì tôi đã nói với Jai trong công viên nước, sau khi chơi trò trượt ván. “Ngay cả khi các kết quả chụp cắt lớp ngày mai có tồi tệ, anh vẫn muốn em biết rằng anh cảm thấy rất sung sướng vì được sống, được ở đây ngày hôm nay, với em. Bất kể nhận được tin gì, anh sẽ không chết khi nghe nó. Anh sẽ không chết ngày hôm sau, hoặc ngày sau đó nữa. Vậy nên hôm nay, ngay bây giờ, chúng ta đang có một ngày tuyệt đẹp. Và anh muốn em biết rằng anh đang tận hưởng nó.”

Tôi nghĩ về điều đó, nghĩ về nụ cười của Jai. Tôi đã biết.Đó là cách mà tôi cần phải sống phần còn lại của cuộc đời mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MÀI GIŨA NHÂN CÁCH VÀ NÂNG CAO TÂM HỒN
  2. MƠ ƯỚC LỚN

Bài viết khác của tác giả

  1. CÂU CHUYỆN NĂM MỚI
  2. LỜI KHUYÊN VỀ LÀM VIỆC NHÓM – BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG
  3. BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – CON SƯ TỬ BỊ THƯƠNG VẪN MUỐN GẦM

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG