LỜI KHUYÊN VỀ LÀM VIỆC NHÓM – BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG

RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

Trích: Bài Giảng Cuối Cùng; Việt dịch: Vũ Huy Mẫn; NXB. Trẻ, 2009

The last lecture - Randy PauschGiáo sư trường đại học Carnegie Mellon, Randy Pausch (23/10/1960-25/07/2008), đã có bài giảng cuối cùng tại hội trường McConomy trong khuôn viên của trường đại học vào ngày 18/09/2007. Trong nội dung bài trình bày của mình, “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ”, Pausch đã nói về những bài học của mình và đưa ra lời khuyên cho các sinh viên cách thức làm thế nào để đạt được những mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân của họ.

Tác phẩm “Bài giảng cuối cùng”, nguyên tác “The last lecture”, là quyển sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ thời báo New York Times được viết bởi đồng hai tác giả Randy Pausch — một giáo sư ngành Khoa học máy tính, tương tác người-máy, và thiết kế tại đại học Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania — và Jeffrey Zaslow của tờ báo Wall Street. Quyển sách đề cập đến nội dung bài giảng mà GS. Randy Pausch đã trình bày tại đại học Carnegie Mellon vào 09/2007 như đã nói ở trên.

—– ??? —–

LÀM VIỆC NHÓM – BẮT ĐẦU BẰNG CÁCH NGỒI LẠI CÙNG NHAU

Khi luôn phải làm việc cùng người khác, tôi cố gắng hình dung chúng tôi ngồi cùng nhau với một xấp các quân bài. Sự thôi thúc của tôi là đặt tất cả các quân bài lên bàn, lật ngửa, và nói với cả nhóm: “Nào, chúng ta cùng nhau có thể làm gì với những quân bài này?”

Khả năng làm việc được tốt trong nhóm là một kỹ xảo quan trọng và cần thiết trong cả công việc lẫn cuộc sống gia đình. Để dạy kỹ xảo này, tôi luôn ghép sinh viên thành các nhóm làm việc trong các đề án.

Với năm tháng, việc cải tiến động lực nhóm trở thành một nỗi ám ảnh đối với tôi. Vào ngày đầu tiên của mỗi học kỳ, tôi tách lớp học thành hàng chục nhóm bốn người. Rồi trong ngày thứ hai, tôi phát cho sinh viên một trang tài liệu với tiêu đề “Những lời khuyên để làm việc thành công trong nhóm.” Chúng tôi cùng trao đổi, từng điểm một. Một số sinh viên thấy những lời khuyên của tôi không xứng với họ. Họ nhướng mắt, nghĩ rằng đã biết cách hợp tác tốt với nhau. Họ đã được học những thứ đó ở nhà trẻ, và không cần những lời khuyên sơ đẳng của tôi.

teamwork

Khả năng làm việc được tốt trong nhóm là một kỹ xảo quan trọng và cần thiết trong cả công việc lẫn cuộc sống gia đình. – ảnh từ internet

Nhưng hầu hết những sinh viên có ý thức đều đón nhận chúng. Họ nhận thấy tôi đang cố gắng truyền đạt cho họ những điều rất cơ bản. Có chút ít gì đó giống như huấn luyện viên Graham tới buổi tập mà không mang theo bóng. Ðây là một số những lời khuyên của tôi:

? Làm quen với mọi người một cách đúng mực: Tất cả đều bắt đầu bằng việc giới thiệu. Hãy trao đổi các thông tin để liên lạc với nhau. Hãy đảm bảo là bạn phát âm đúng tên của từng người.

Hãy tìm những điểm chung: Bạn luôn có thể tìm được những điểm chung với người khác, và từ đó, sẽ dễ dàng hơn để nói về những điểm khác biệt. Thể thao không phân biệt chủng tộc và sự giàu-nghèo. Và nếu không có gì khác nữa, thì chúng ta vẫn có chung một thứ là thời tiết.

Cố gắng tạo các điều kiện tối ưu cho việc làm quen: Hãy đảm bảo là không ai bị đói, lạnh hoặc mệt mỏi. Gặp gỡ, làm quen với nhau qua bữa ăn nếu có thể được, thức ăn làm cuộc gặp mặt trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ. Đó là lý do tại sao ở Hollywood mọi người lại đi “ăn trưa” cùng nhau.

Ðể mọi người đều nói: Không ngắt lời người khác. Nói to hơn, nhanh hơn không làm cho ý tưởng của bạn tốt hơn chút nào cả.

Hãy kiềm chế cái tôi: Khi thảo luận các ý tưởng, hãy gắn nhãn và viết chúng xuống. Nhãn phải mô tả về ý tưởng, không phải về người có ý tưởng: “câu chuyện về chiếc cầu” chứ không phải “câu chuyện của Jane.”

Biểu dương lẫn nhau: Hãy tìm vài lời tốt đẹp để nói, ngay cả khi có một chút nói ngoa. Những ý tưởng tồi tệ nhất vẫn có thể có những nét hay nếu bạn thật cố gắng xem xét.

Hãy phát biểu các lựa chọn như những câu hỏi: Thay vì nói “Tôi nghĩ là chúng ta cần phải làm A, chứ không phải B,” hãy cố gắng để nói “Sẽ như thế nào nếu chúng ta làm A, thay vì B?” Như vậy sẽ cho phép mọi người đưa ra ý kiến thay vì phải bảo vệ một lựa chọn.

Khi kết thúc bài giảng ngắn, tôi nói với sinh viên là tôi có một cách khá tốt để điểm danh. “Sẽ dễ dàng hơn cho tôi nếu tôi điểm danh các bạn theo nhóm.” – Tôi nói. – “Nhóm một, các bạn hãy giơ tay lên … Nhóm hai?…” Khi tôi gọi mỗi nhóm, các cánh tay giơ lên. “Có ai để ý điều gì không?” – tôi hỏi. Không ai có câu trả lời. Do vậy tôi gọi lại tên các nhóm. “Nhóm một?… Nhóm hai?… Nhóm ba?…” Các cánh tay từ khắp các góc trong phòng lại giơ lên.

Thỉnh thoảng bạn phải tạo một chút kịch tính khi truyền đạt cho sinh viên, đặc biệt về những vấn đề mà họ nghĩ là họ đã biết. Ðây là những gì tôi đã làm: Tôi tiếp tục điểm danh cho tới lúc rồi cũng phải lên giọng. “Vì cớ quái quỷ gì mà các anh các chị vẫn ngồi cùng với bạn của mình?” – Tôi hỏi. – “Tại sao các anh các chị không ngồi cùng những người trong nhóm của mình?”

Một số người biết tôi bực mình nhằm gây tác động, nhưng ai cũng thấy sự nghiêm trọng. “Tôi sẽ ra khỏi lớp.” – Tôi nói. – “Và sẽ trở lại sau sáu mươi giây. Khi quay trở lại, tôi trông đợi các bạn sẽ ngồi cùng với nhóm của mình! Tất cả đã hiểu chưa?” Tôi bước ra khỏi lớp và nghe như sinh viên nhốn nháo thu nhặt túi sách, lục tục ngồi lại theo nhóm.

Khi quay trở lại, tôi đã giải thích, những lời khuyên của tôi về làm việc theo nhóm không phải để xúc phạm trí tuệ hay sự trưởng thành của mọi người. Tôi chỉ muốn cho họ thấy là họ đã bỏ quên một thứ rất đơn giản – thực tế là họ cần phải ngồi với người cùng nhóm – và như vậy, chắc chắn họ có thể thu lượm được nhiều điều bổ ích từ việc ôn lại những thứ rất cơ bản.

Tại buổi lên lớp tiếp theo, và suốt thời gian còn lại của học kỳ, sinh viên của tôi luôn luôn ngồi cùng nhóm của họ.

MỘT LỜI XIN LỖI TỒI CÒN TỆ HƠN LÀ KHÔNG XIN LỖI

Một lời xin lỗi không thể chỉ là đỗ hay rớt. Tôi luôn nói với sinh viên: Khi nói lời xin lỗi, nếu nó không đạt điểm A, thì chẳng có ý nghĩa gì cả. 

Những lời xin lỗi miễn cưỡng hoặc thiếu chân thành thường còn tồi tệ hơn là hoàn toàn không xin lỗi, bởi khi đó người nhận sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu bạn đã làm điều sai trái trong ứng xử với người khác, thì nó giống như có sự nhiễm độc trong mối quan hệ của bạn. Một lời xin lỗi tốt sẽ giống như liều thuốc kháng sinh; còn một lời xin lỗi dở sẽ giống như xát muối vào vết thương.

Làm việc trong các nhóm là điều cốt yếu đối với các lớp học của tôi, và sự va chạm giữa các sinh viên là điều không thể tránh khỏi. Một số sinh viên sẽ không phản ứng gì. Một số khác, do tự mãn mà thành coi thường các bạn cùng nhóm. Tới giữa học kỳ, những lời xin lỗi luôn luôn là cần thiết. Nếu sinh viên không làm điều đó, thì mọi thứ sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Do vậy tôi thường dành cho các lớp học của tôi một quy trình nhỏ về những lời xin lỗi.

Tôi bắt đầu bằng việc mô tả hai loại xin lỗi dở:

  1. “Tôi xin lỗi vì bạn cảm thẩy bị tổn thương do những việc tôi đã làm.” (Ðó là một cố gắng để an ủi xúc cảm, nhưng hiển nhiên là bạn không muốn đắp chút thuốc nào lên vết thương)
  2. “Tôi xin lỗi về những gì tôi đã làm, nhưng bạn cũng phải xin lỗi tôi về những gì bạn đã làm.” (Ðó không phải là đưa ra một lời xin lỗi. Đó là yêu cầu một lời xin lỗi.)

Những lời xin lỗi đúng đắn bao gồm ba phần:

  1. Điều tôi làm là sai.
  2. Tôi cảm thấy tồi tệ vì đã làm tổn thương bạn.
  3. Tôi có thể làm tốt hơn như thế nào?

Đúng, một số người có thể lợi dụng bạn khi trả lời câu hỏi thứ ba. Nhưng hầu hết mọi người sẽ trân trọng những cố gắng cầu tiến của bạn. Họ có thể nói với bạn về những cách đơn giản và dễ dàng để làm mọi việc được tốt hơn. Và thường, họ cũng sẽ tự cố gắng để góp phần làm cho mọi việc được tốt hơn.

Sinh viên sẽ nói với tôi: “Nếu tôi xin lỗi và người kia không xin lỗi lại thì sao?” Tôi trả lời họ: “Ðó là điều bạn không thể kiểm soát được, vậy đừng để nó chi phối bạn.” Nếu người kia nợ bạn một lời xin lỗi, và từ ngữ trong lời xin lỗi của bạn là đúng mực và chân thành, bạn vẫn có thể không nghe thấy gì từ họ trong một thời gian. Thật ra cũng chẳng sao khi người khác không có cùng xúc cảm để xin lỗi vào đúng thời điểm mà bạn thực hiện điều đấy. Vậy hãy kiên nhẫn. Nhiều lần, tôi đã thấy các sinh viên xin lỗi, và nhiều ngày sau đó, những bạn cùng nhóm của họ đến xin lỗi lại. Sự kiên nhẫn của bạn vừa được trân trọng, vừa được đền đáp.

HÃY TÌM ĐIỀU TỐT NHẤT Ở MỖI NGƯỜI

Đó là một lời khuyên rất tốt mà tôi đã nhận được từ Jon Snoddy, vị anh hùng của tôi ở Disney Imagineering. Tôi bị thuyết phục bởi cách ông diễn đạt điều đó. “Nếu bạn đợi đủ lâu.” – Ông nói. – “Mọi người sẽ gây bất ngờ và ấn tượng cho bạn.”

Như ông nhìn sự việc: Nếu bạn thất vọng với mọi người, nếu họ làm bạn tức giận, đó có thể chỉ bởi vì bạn chưa cho họ đủ thời gian.

Jon cảnh báo với tôi rằng đôi khi cần phải rất kiên nhẫn – kể cả hàng năm. “Nhưng cuối cùng, mọi người sẽ cho bạn thấy mặt tốt của họ. Hầu như mỗi người đều có một mặt tốt. Chỉ cần chờ đợi. Cái tốt sẽ bộc lộ.” – ông nói.

NẾU NGAY TỪ ĐẦU BẠN KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ THÀNH CÔNG

… Hãy thử, thử dùng một sáo ngữ.

Tôi thích các sáo ngữ. Càng nhiều càng tốt. Theo tôi, nguyên nhân để các sáo ngữ được nhắc đi nhắc lại, là bởi vì chúng thường đúng.

Các nhà giáo không cần phải ngại ngần trước các sáo ngữ. Bạn có biết tại sao không? Bởi người trẻ tuổi không biết tới những câu nói đó! Họ là những cử tọa mới, và họ được truyền cảm hứng với các sáo ngữ. Tôi đã thấy điều đó nhiều lần trong lớp học của tôi.

Hãy khiêu vũ với người đi cùng. Ðó là một sáo ngữ mà cha mẹ tôi luôn nói với tôi, và nó có thể được áp dụng cho đêm vũ hội cuối năm học[41]. Ðó nên là câu thần chú trong giới kinh doanh, trong giới hàn lâm và trong gia đình. Là một lời nhắc nhở về sự trung thành và sự biết ơn. 

May mắn là thứ nảy sinh khi sự chuẩn bị gặp gỡ với cơ hội. Ðây là câu nói của Seneca, triết gia La Mã sinh năm thứ 5 truớc công nguyên. Câu nói vẫn còn đáng giá để được nhắc lại thêm ít nhất là hai ngàn năm nữa.

Dù bạn nghĩ là bạn có thể hoặc không thể, bạn vẫn đúng. Ðó là một câu trong danh mục các sáo ngữ của tôi dành cho những sinh viên mới.

Ngoài những thứ đó ra, thì cuộc chơi đã ra sao? Tôi sẽ nói như vậy với sinh viên, như một lời nhắc nhở: Không nên tập trung vào những vấn để nhỏ, trong khi lại bỏ qua những vấn đề chính.

Tôi cũng rất thích những trào lưu văn hóa đại chúng. Tôi không thấy có vấn đề gì khi các con tôi xem Superman, không phải vì anh ta khỏe mạnh và biết bay, mà bởi anh ta chiến đấu cho “lẽ phải, công bằng và con đường Mỹ.” Tôi rất thích câu này.

Tôi thích bộ phim Rocky[42], thích cả nhạc cảnh trong phim. Cái tôi thích nhất là Rocky đã không quan tâm tới việc anh thắng hay thua trong trận đấu ở cuối phim. Anh chỉ không muốn bị đánh gục. Đó là mục tiêu của anh. Trong những lúc trị liệu đau đớn nhất, Rocky đã là một tấm gương cho tôi, bởi anh đã nhắc nhở tôi: Điều quan trọng không phải là bạn đánh mạnh như thế nào, mà là bạn bị đánh ác liệt ra sao… Và hãy cứ tiếp tục tiến lên.

Tất nhiên, trong tất cả các sáo ngữ trên thế gian này, tôi thích nhất các sáo ngữ về bóng bầu dục. Các đồng nghiệp thường thấy tôi đi trong hành lang của Carnegie Mellon tung quả bóng bầu dục lên xuống trước mặt. Hành động này thật sự giúp tôi suy nghĩ được tốt hơn. Có thể, các sáo ngữ cũng như các ẩn dụ bóng bầu dục có cùng hiệu ứng như vậy đối với tôi. Nhưng một vài sinh viên của tôi, cả nữ lẫn nam, lại có vẻ khó thích nghi. Họ thảo luận về thuật toán máy tính còn tôi lại nói về bóng bầu dục. “Xin lỗi.” – Tôi nói với họ. – “Nhưng việc các bạn học thêm vài thứ cơ bản về bóng bầu dục sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc tôi phải học thêm một mớ các sáo ngữ đời thường khác.”

Tôi muốn sinh viên của tôi sẽ thắng một lần cho Gipper[43]. Sinh viên của tôi đều biết: Quan trọng không phải là việc bạn thắng hay thua, mà là việc bạn chơi như thế nào.

THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA MỌI NGƯỜI

Nhiều sinh viên của tôi rất thông minh. Tôi biết họ sẽ ra trường, bước vào thế giới công việc và sáng tạo ra những sản phẩm phần mềm, những đề án hoạt hình và những thiết bị giải trí tuyệt vời. Tôi cũng biết họ có tiềm năng để làm thất vọng cả triệu người trong tiến trình đó.

Chúng ta, những kỹ sư và chuyên gia tin học, không phải luôn luôn nghĩ về cách làm thế nào phát triển được các sản phẩm dễ sử dụng. Có nhiều người thật kém cỏi trong việc giải thích các công việc phức tạp theo cách thức đơn giản. Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách nhỏ hướng dẫn sử dụng máy ghi băng hình (VCR) thì bạn hiểu về sự thất vọng mà tôi muốn nói tới.

Do vậy mà tôi muốn nhấn mạnh với sinh viên về tầm quan trọng của việc nghĩ tới người sử dụng cuối cùng trong các sáng tạo của họ. Làm cách nào để tôi có thể nói rõ với họ việc đừng sáng tạo thứ công nghệ làm thất vọng người dùng là quan trọng ra sao? Tôi đã nghĩ ra một cách chắc chắn thành công.

Khi giảng lớp “Giao diện người dùng” ở Ðại học Virginia, vào ngày đầu tiên, tôi mang một máy VCR còn hoạt động tới lớp. Tôi đặt chiếc máy lên bàn, ngay phía trước. Tôi rút một chiếc búa, đập tan chiếc máy. Rồi tôi nói: “Nếu chúng ta làm một thứ khó sử dụng, mọi người sẽ thất vọng. Họ sẽ tức giận tới mức muốn phá hủy nó. Chúng ta không muốn sáng tạo những thứ để mọi người muốn phá hủy.”

Sinh viên nhìn tôi và tôi có thể nói là họ bị sốc, ngơ ngác và có một chút thích thú. Sự việc đã gây hứng thú cho họ. Họ nghĩ: “Không biết ông thầy này là người thế nào, nhưng chắc chắn ngày mai mình phải đến lớp để xem ông ta sẽ biểu diễn trò gì tiếp theo.”

Randy Pausch and Gabe Robbins

GS. Randy Pausch (tác giả quyển sách Bài giảng cuối cùng, bên phải) và GS. Gabriel Robins tại ĐH Virginia – ảnh từ trang http://www.cs.virginia.edu

Tôi đã thu hút được sự chú ý của họ. Đó luôn luôn là bước đầu tiên để giải quyết một vấn đề bị bỏ quên. (Khi tôi rời Ðại học Virginia để tới Carnegie Mellon, bạn và đồng nghiệp của tôi, giáo sư Gabe Robins đã tặng tôi một chiếc búa với một bảng khắc chữ gắn kèm. Bảng chữ ghi: “Thật nhiều VCR, mà thật ít thời gian!”)

Tất cả sinh viên từ những ngày ở Ðại học Virginia của tôi hiện đã gia nhập đội ngũ những người làm việc. Khi họ sáng tạo những công nghệ mới, tôi hy vọng, thỉnh thoảng tôi lại xuất hiện trong ký ức của họ, tay vung chiếc búa, nhắc nhở họ về những kẻ thất vọng, đang gào thét cho sự giản đơn.

—– ??? —–

Dưới đây là liên kết đến một số bài giảng của GS. Randy Pausch theo thời gian, đã được GS. Gabriel Robins (giáo sư giảng dạy chuyên ngành Khoa học máy tính tại ĐH Virginia, Hoa Kỳ) tổng hợp. Bạn đọc quan tâm có thể vào xem tại đây.

Chú thích

[41] Ở Mỹ và Canada dạ hội khiêu vũ được tổ chức cuối năm học. Nam sinh thường mặc comlê đen, thắt cà vạt đen. Nữ sinh mặc váy dạ hội với đóa hoa cài trên ngực do bạn nam tặng. Thông thường, vũ hội bắt đầu bằng việc tới thăm nhà bạn bè để chụp ảnh chung. Một nhóm bạn thường thuê một chiếc limousine để đến vũ hội. Ở đó họ ăn tối, khiêu vũ, bình chọn Vua và Hoàng hậu vũ hội.

[42] Rocky: Bộ phim do Sylvester Stallone viết và đóng, nói về câu chuyện giấc mơ Mỹ của Rocky Balboa, một người không được học hành nhưng có tấm lòng tốt. Kinh phí làm phim chỉ có 1,1 triệu đôla, quay trong 28 ngày, nhưng lại kiếm được 117,2 triệu đôla và ba giải Oscar. Sau đó, năm phim kế tiếp đã ra đời: Rocky II, III, IV, V và Rocky Balboa.

[43] George “The Gipper” Gipp (1895-1920): Cầu thủ bóng bầu dục xuất sắc, chơi cho đội trường Đại học Notre Dame. Ông mất ở tuổi 25 do viêm phổi. Trên giường bệnh, ông đã nói với Knute Rockne – người được coi là vận động viên và huấn luyện viên xuất sắc nhất trong lịch sử bóng bầu dục của Mỹ – một câu mà sau này trở thành một sáo ngữ bất hủ “Hãy thắng một trận cho Gipper”. Sáo ngữ “Thắng một trận cho Gipper” sau này cũng được dùng như một khẩu hiệu chính trị.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HÃY PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI BẠN
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  3. BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG

Bài viết khác của tác giả

  1. HÔM NAY, NGAY BÂY GIỜ, CHÚNG TA ĐANG CÓ MỘT NGÀY TUYỆT ĐẸP
  2. CÂU CHUYỆN NĂM MỚI
  3. BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – CON SƯ TỬ BỊ THƯƠNG VẪN MUỐN GẦM

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?