BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG

RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

Trích: Bài giảng cuối cùng; Randy Pausch & Jeffrey Zaslow; Việt dịch: Vũ Huy Mẫn; NXB. Trẻ; 2009

The last lecture - Randy PauschGiáo sư trường đại học Carnegie Mellon, Randy Pausch (23/10/1960-25/07/2008), đã có bài giảng cuối cùng tại hội trường McConomy trong khuôn viên của trường đại học vào ngày 18/09/2007. Trong nội dung bài trình bày của mình, “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ”, Pausch đã nói về những bài học của mình và đưa ra lời khuyên cho các sinh viên cách thức làm thế nào để đạt được những mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân của họ.

Tác phẩm “Bài giảng cuối cùng”, nguyên tác “The last lecture”, là quyển sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ thời báo New York Times được viết bởi đồng hai tác giả Randy Pausch — một giáo sư ngành Khoa học máy tính, tương tác người-máy, và thiết kế tại đại học Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania — và Jeffrey Zaslow của tờ báo Wall Street. Quyển sách đề cập đến nội dung bài giảng mà GS. Randy Pausch đã trình bày tại đại học Carnegie Mellon vào 09/2007 như đã nói ở trên.

—– ??? —–

CUỘC ĐỜI TÔI TRONG CHIẾC MÁY TÍNH

Có thể sắp xếp lại chính xác các ước mơ tuổi thơ của mình như thế nào?

Làm sao để mọi người có thể liên kết được với những ước mơ tuổi thơ của họ? Là một nhà khoa học, trước đây tôi đã không mấy để ý tới những câu hỏi như vậy.

Bốn ngày liền, tôi ngồi bên máy tính trong ngôi nhà mới ở Virginia, quét ảnh để chuẩn bị bài thuyết trình bằng PowerPoint. Tôi quen tư duy trực quan, nên bài thuyết trình sẽ không cần văn bản. Tôi thu thập 300 ảnh của gia đình, sinh viên và đồng nghiệp, cùng những ảnh đặc sắc có thể minh họa cho những mơ ước tuổi thơ. Tôi ghi vài lời lên mỗi tấm ảnh để khi đứng trên bục giảng, chúng sẽ nhắc tôi cần nói những gì.

Trong khi chuẩn bị bài, cứ chín mươi phút tôi lại đứng dậy chơi với các con. Jai thấy sự cố gắng của tôi, nhưng vẫn nghĩ tôi đã dành quá nhiều thời gian cho bài giảng, nhất là lại vào lúc chúng tôi vừa chuyển tới ngôi nhà mới. Cô muốn tôi phải sắp xếp những thùng đồ còn chất ngổn ngang quanh nhà.

Lúc đầu Jai không định dự buổi thuyết trình. Cô thấy cần ở lại Virginia với các con và giải quyết hàng mớ thứ phát sinh do việc chuyển nhà. Còn tôi thì vẫn kiên trì nhắc: “Anh muốn em có mặt.” Sự thực là tôi hết sức cần cô ở đó. Cuối cùng cô đồng ý sẽ bay tới Pittsburgh vào sáng ngày tôi thuyết trình.

Tôi phải tới Pittsburgh trước một ngày, do vậy, lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 17 tháng 9, ngày Jai tròn bốn mươi mốt tuổi, tôi hôn tạm biệt vợ và các con rồi lái xe ra sân bay. Chúng tôi đã kỷ niệm sinh nhật Jai ngày hôm trước với bữa liên hoan nhỏ ở nhà anh trai cô. Dù vậy, chuyến đi của tôi vẫn là một nhắc nhở không vui với Jai rằng cô sẽ không có tôi cho sinh nhật này và tất cả các sinh nhật kế tiếp.

Tới Pittsburgh, tôi được Steve Seabolt đón tại sân bay. Anh là bạn tôi, vừa từ San Francisco bay đến. chúng tôi thân nhau từ mấy năm nay, khi tôi làm việc trong thời gian nghỉ sabbatical[5] tại Electronic Art, một hãng làm các trò chơi video, nơi anh làm giám đốc, chúng tôi đã trở nên thân thiết như anh em.

Steve và tôi ôm chào nhau, thuê một chiếc xe, vừa lái vừa kể những chuyện vui. Steve nói anh vừa đến nha sĩ còn tôi thì khoác lác rằng sẽ không bao giờ cần tới bác sĩ nha khoa nữa.

Chúng tôi dừng lại ở một quán ăn nhỏ. Tôi đặt máy tính lên bàn, lướt nhanh qua các hình ảnh của bài thuyết trình, nay đã được cắt xuống còn 280.

“Vẫn còn dài quá.” – Steve nói. – “Mọi người sẽ chết mất khi cậu kết thúc bài giảng.”

Người phục vụ, một cô gái tóc vàng độ tuổi ba mươi đang mang thai, tới bàn đúng lúc bức ảnh chụp các con tôi ở trên màn hình. “Các cháu bé thật xinh” – cô nói, và hỏi tên các con tôi. Tôi bảo: “Đây là Dylan, Logan, Chloe…” Cô nói con gái cô cũng tên Chloe, và cả hai chúng tôi cùng cười vì sự trùng lặp đó. Steve và tôi tiếp tục xem các hình trên PowerPoint.

Khi cô gái mang thức ăn tới, tôi chúc mừng cô sắp có con. “Chắc chắn là cô rất vui mừng.” – tôi nói.

“Không hẳn như vậy.” – cô đáp. – “Ðó chỉ là một sự ngẫu nhiên.”

Khi cô buớc đi, tôi ngạc nhiên về sự thẳng thắn của cô. Lời nói ngẫu hứng của cô nhắc nhở tôi về những nhân tố ngẫu nhiên tham gia vào cả sự sinh ra trong cuộc sống… và sự ra đi vào cõi chết. Ðây là người đàn bà, có một đứa con qua một sự ngẫu nhiên, mà chắc chắn cô sẽ yêu thương nó. Còn với tôi, qua sự ngẫu nhiên của căn bệnh ung thư, tôi sẽ phải bỏ lại ba đứa con lớn lên thiếu vắng tình thương yêu của cha.

Một tiếng sau, một mình trong phòng khách sạn, với những ý nghĩ về các con vẫn mông lung trong đầu, tôi tiếp tục cắt bớt và sắp xếp lại các hình cho bài giảng. Kết nối internet trong phòng không được tốt đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm tư liệu trên mạng. Thêm nữa, tôi bắt đầu thấy phản ứng phụ của đợt hóa trị liệu từ mấy ngày trước. Tôi bị chuột rút, buồn nôn và đau bụng.

Làm việc tới nửa đêm, tôi thiếp đi, rồi hốt hoảng tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng. Một phần trong tôi đã hoài nghi liệu bài nói chuyện có được suôn sẻ. Tôi nghĩ: “Đó là hậu quả của tham vọng muốn nói về cả cuộc đời của mình chỉ trong một tiếng đồng hồ!”

Tôi vẫn loay hoay, cân nhắc, sắp xếp lại các hình. Tới 11 giờ, tôi thấy mọi thứ sáng sủa, mạch lạc hơn. Tất cả rồi sẽ ổn. Tôi đi tắm và mặc đồ. Cuối buổi sáng, Jai từ sân bay tới, rồi cùng ăn trưa với Steve và tôi. Chúng tôi có một cuộc trao đổi nghiêm túc, Steve hứa sẽ giúp quan tâm tới Jai và các con tôi.

1 giờ 30 chiều, một phòng máy tính, nơi tôi từng làm việc một thời gian dài, được dành để vinh danh tôi; tôi chứng kiến lễ kéo rèm trương tên tôi trên cửa. 2 giờ 15, ngồi trong phòng làm việc, tôi lại cảm thấy thật kinh khủng, hoàn toàn mệt mỏi và kiệt quệ, tưởng lúc lên bục giảng, chắc sẽ phải đóng bộ tã dành cho người lớn mà tôi đã cẩn thận mang theo.

Steve bảo tôi cần nghỉ một chút trên ghế đi-văng và tôi đã nằm xuống, nhưng vẫn đặt máy tính trên bụng để xem lại bài thuyết trình. Tôi cắt thêm sáu mươi hình nữa. Lúc 3 giờ 30, một vài người đã bắt đầu xếp hàng đợi vào nghe tôi nói. 4 giờ, đứng dậy khỏi ghế, tôi thu mấy thứ đồ, rảo bước qua khuôn viên đại học để tới giảng đường. Còn gần một giờ nữa, tôi sẽ phải lên bục giảng.

CON VOI Ở TRONG PHÒNG

Jai đã đợi ở sảnh, giảng đường đông đến bất ngờ – 400 người. Khi tôi bước lên bục để chuẩn bị các thứ, Jai thấy tôi khá bối rối. Tôi không hề tìm bắt ánh mắt của một ai. Cô biết tôi không dám hướng về đám đông, vì như vậy tôi có thể bắt gặp một người bạn, hoặc một sinh viên cũ, và tôi sẽ quá xúc động bởi những giao tiếp bằng mắt đó.

Có tiếng xì xào nơi thính giả. Với những ai tò mò tới để xem một người bị ung thư tụy trông ra sao, chắc sẽ có câu hỏi: Đó có phải là tóc thật của tôi không? (Vâng, tôi vẫn còn nguyên tóc sau hóa trị liệu) Liệu họ có thể cảm nhận là tôi đã rất gần kề cái chết khi nghe tôi nói? (Câu trả lời của tôi: “Hãy đợi xem!”)

Chỉ còn vài phút nữa là bắt đầu, tôi vẫn duyệt lại bài, xóa đi vài hình, sắp xếp lại vài hình khác. Tôi vẫn tiếp tục rà soát cho tới khi có người nào đó nhắc “Chúng ta đã sẵn sàng.”

……

Tôi không mặc com-lê, không mang cà vạt, không lên bục giảng với áo vét bằng vải len có miếng lót bằng da ở khuỷu tay như các giáo sư vẫn thuờng mặc. Thay vào đó, tôi chọn bộ đồ hợp nhất với giấc mơ tuổi thơ tìm thấy trong tủ.

Ðảm bảo, thoạt nhìn, tôi giống anh chàng ghi thực đơn ở một quầy ăn nhanh. Nhưng thực ra tấm hình trên chiếc áo ngắn tay tôi mặc là một biểu tượng danh dự, bởi các Imagineer[6] của hãng Walt Disney đều mang nó. Năm 1995, tôi dành sáu tháng nghỉ sabbatical để làm việc như một Disney Imagineer. Ðó là một điểm sáng của cuộc đời tôi, sự hoàn tất của một ước mơ tuổi thơ. Ðó là lý do tại sao tôi lại đeo bảng tên “Randy” hình bầu dục được cấp lúc làm việc ở Disney. Tôi muốn tôn vinh kinh nghiệm sống này, và tôn vinh chính Walt Disney, người đã nói câu nổi tiếng, “Nếu bạn dám mơ ước điều gì, bạn sẽ có thể thực hiện được điều đó.”

Giáo sư Randy Pausch tại buổi trình bày bài giảng cuối cùng “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ”

Tôi cám ơn thính giả đã tới dự, mở đầu bằng vài câu đùa, rồi nói: “Tôi xin nói để nếu có ai đó ở đây chưa rõ ngọn nguồn, rằng, khi có một con voi ở trong phòng, thì cần giới thiệu nó, cha tôi thường bảo tôi như vậy. Nếu nhìn các ảnh chụp cắt lớp, các bạn sẽ thấy có khoảng mười khối u ở gan của tôi, các bác sĩ nói tôi chỉ còn ba tới sáu tháng khỏe mạnh. Ðó là một tháng trước đây. Vậy các bạn có thể làm phép tính.”

Tôi chiếu một hình lớn ảnh chụp cắt lớp gan lên màn chiếu. Hình mang tựa đề “Con voi ở trong phòng” và tôi vẽ thêm các mũi tên đỏ chỉ vào từng khối u. Tôi cho hình dừng lại để cử tọa có thể đếm các khối u. “Ðúng vậy.” – tôi nói. – “Ðó là sự thật. Chúng ta không thay đổi được, chỉ có thể quyết định phải ứng xử ra sao. Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.”

Lúc đó, tôi thực sự cảm thấy khỏe mạnh, sảng khoái, như Randy của ngày xưa, không ngại ngần trước đám đông cử tọa. Tôi biết mình trông vẫn khá sung sức, và một số người còn khó nhận biết là tôi đã kề gần cái chết. Vậy nên tôi đề cập tới điều này. “Nếu tôi không tỏ ra ốm yếu hoặc buồn rầu như lẽ ra phải thế, thì tôi xin lỗi đã làm các bạn thất vọng.” – tôi nói, và sau trận cười của cử tọa, tôi tiếp: “Xin cam đoan, tôi không phủ nhận. Không phải là tôi không biết điều gì đang xảy ra.”

“Gia đình tôi – vợ tôi và ba đứa con – chúng tôi vừa trốn chạy. Chúng tôi mua một ngôi nhà rất đáng yêu ở Virginia, và chúng tôi làm điều này, bởi đó sẽ là nơi ở tốt hơn cho gia đình trong tương lai.” Tôi chiếu hình ngôi nhà ngoại ô vừa mua. Trên bức hình ghi hàng chữ: “Tôi không phủ nhận.”

Jai và tôi quyết định nhổ rễ, rời bỏ ngôi nhà và bạn bè mà chúng tôi yêu quý. Chúng tôi gói ghém mọi thứ, ném mình vào cơn bão tố của việc di chuyển, thay vì chôn chân ở Pittsburgh, chờ tôi chết. Chúng tôi chuyển nhà vì biết rằng khi tôi mất đi, Jai và các con sẽ cần sống gần gia đình lớn của cô để có thể nhận được sự giúp đỡ và thương yêu của họ. Tôi cũng muốn cử tọa thấy tôi vẫn khỏe mạnh và lạc quan. Cơ thể tôi bắt đầu hồi phục sau đợt hóa trị, xạ trị liệu kéo dài. Tôi đang trong giai đoạn điều trị duy trì. “Lúc này sức khỏe tôi rất tốt.” – tôi nói. – “Tôi nghĩ đúng như vậy, sự vĩ đại nhất của ảo giác mà các bạn có thể thấy là tôi thật sự khỏe mạnh. Ðúng ra, tôi còn khỏe hơn hầu hết các bạn ở đây.”

GS. Randy Pausch cùng vợ và các con

Tôi bước qua một bên, tới giữa bục giảng. Vài tiếng trước đó, tôi không dám chắc có đủ sức để làm nổi việc sắp làm, nhưng giờ đây, tôi thấy hoàn toàn tin tưởng. Tôi cúi xuống sàn, và bắt đầu làm các động tác hít đất.

Trong tiếng cười vui và vỗ tay ngạc nhiên của cử tọa, tôi gần như đọc được vẻ lo lắng của mọi người. Đây không phải là một người đang chết. Đây đúng là tôi. Tôi đã có thể bắt đầu.

—– ??? —–

NHỮNG KỸ NĂNG ĐỂ LÃNH ĐẠO

Như bao đứa trẻ Mỹ sinh năm 1960, mọt sách và sớm tinh khôn, tôi đã dành một phần tuổi thơ để mơ ước được trở thành Thuyền trưởng James T.Kirk[15], người chỉ huy con tàu Enterprise[16]. Tôi không xem mình là Thuyền trưởng Pausch, nhưng tưởng tượng ra một thể giới mà trong đó tôi dần sẽ trở thành Thuyền trưởng Kirk.

Với những đứa trẻ giàu tham vọng và có chút ít thích thú khoa học, không có thẩn tượng nào lại lớn hơn James T. Kirk của Star Trek[17]. Thật ra, tôi tin một cách một nghiêm túc rằng, tôi đã trở thành một người thầy, một đồng nghiệp – có thể cả một người chồng – tốt hơn, bởi đã xem đã xem cách Kirk chỉ huy Enterprise.

Hãy nghĩ xem. Nếu bạn đã coi loạt phim truyền hình này, bạn sẽ thấy Kirk không phải là người thông minh nhất trên tàu. Ông Spock, sĩ quan, là người có trí tuệ và luôn logic. Tiến sĩ McCoy có tất cả kiến thức y học của nhân loại vào những năm 2260. Scotty là kỹ sư trưởng, người có hiểu biết kỹ thuật để điều khiển con tàu, ngay cả khi bị người ngoài hành tinh tấn công.

Vậy những kỹ năng của Kirk là gì? Tại sao ông lại lên tàu và được chỉ huy nó?

Câu trả lời: Ðó là những kỹ năng được gọi là “sự lãnh đạo”.

Tôi đã học được rất nhiều thứ qua việc nhìn cách thức Kirk làm việc. Ông là đặc trưng của một nhà quản lý năng động, biết cách đại diện và phân quyền, có niềm say mê sáng tạo và trông rất đẹp trong những bộ đồ ông mặc. Ông không bao giờ tự nhận mình có nhiều khả năng hơn thuộc cấp. Ông luôn thừa nhận họ là những người thông thạo những gì họ đang làm trong lĩnh vực của họ. Nhưng ông là người xác lập tầm nhìn, quyết định tiếng nói, và là người chịu trách nhiệm về tinh thần. Thêm nữa, Kirk có duyên tán tỉnh phụ nữ trên mọi hành tinh ông tới. Bạn cứ tưởng tượng tôi, một cậu bé mười tuổi, mang kính cận, say mê ngồi xem truyền hình ở nhà. Mỗi khi Kirk xuất hiện trên màn hình, tôi thấy ông như một vị thần Hy Lạp.

Và ông có những đồ chơi thật kỳ diệu! Khi còn là một đứa trẻ, tôi bị mê hoặc bởi ông có thể ở trên một hành tinh nào đó và có một chiếc máy – thiết bị liên lạc Star Trek – để nói chuyện với những người đang ở trên tàu. Bây giờ tôi cũng có một thiết bị như vậy ở trong túi. Ai biết được, chính Kirk là người đã cho chúng ta làm quen với điện thoại di động.

Vài năm trước đây, tôi nhận được một cú điện thoại (trên thiết bị liên lạc của tôi) của một tác giả từ Pittsburgh tên là Chip Walter. Ông cùng với William Shatner (diễn viên đóng vai Kirk) viết một cuốn sách về việc những thành tựu khoa học, ban đầu được tưởng tượng trong Star Trek, đã báo trước cho những tiến bộ công nghệ ngày nay như thế nào. Thuyền trưởng Kirk có mong muốn được tới thăm phòng thí nghiệm về thực tế ảo của tôi ở Carnegie Mellon.

Uớc mơ tuổi thơ của tôi là trở thành Kirk. Nhưng tôi vẫn coi ước mơ này đã trở thành hiện thực khi Shatner xuất hiện. Thật kỳ diệu được gặp thần tượng thời niên thiếu của bạn, nhưng còn kỳ diệu hơn, khi thần tượng đến với bạn để xem những công việc kỳ diệu mà bạn đang thực hiện trong phòng thí nghiệm của mình.

Các sinh viên cùng tôi làm việc ngày đêm để xây dựng một thế giới thực tế ảo giống như chiếc cầu của Enterprise. Khi Shatner tới, chúng tôi đặt chiếc “mũ-màn hình” to tướng lên đầu ông. Chiếc mũ có một màn hình ở bên trong, và khi quay đầu, ông có thể tự chứng kiến, quanh 360 độ, những hình ảnh về con tàu cũ của ông. “Trời ơi, lại còn có cả những cánh cửa thang máy.” – ông nói. Và chúng tôi còn có một bất ngờ nữa cho ông: còi báo động phát tín hiệu đèn đỏ. Ngay lập tức, ông hét, “chúng ta đang bị tấn công!”

Shatner lưu lại ba tiếng, và đặt vô số câu hỏi. Một đồng nghiệp sau này có nói với tôi: “Ông ta hỏi liên tục và hình như vẫn chưa thật thỏa mãn.”

Còn tôi thì vô cùng ấn tượng. Kirk, ý tôi là Shatner, là một thí dụ điển hình về một người biết rất rõ điều mình không biết, sẵn sàng thú nhận điều đó, và không muốn đi, cho tới khi hiểu ra vấn đề. Với tôi, đó là cách hành xử thật anh hùng. Tôi mong, mọi sinh viên cao học đều có thái độ như vậy.

Trong quá trình chữa trị ung thư, khi được thông báo là chỉ có 4% bệnh nhân ung thư tụy có thể sống được năm năm, một dòng từ bộ phim Star Trek – Sự giận dữ của Khan – ngay lập tức xuất hiện trong đầu tôi. Trong phim, các học viên của đội tàu gặp một kịch bản được mô phỏng để tập, theo đó, bất kể học viên làm gì, toàn đội tàu sẽ bị giết. Trong phim có giải thích, khi Kirk còn là học viên, ông đã lập trình lại sự mô phỏng bởi “ông không tin vào kịch bản không-ai-thắng.”

Tới nay, một số đồng nghiệp tinh tường đã tỏ ra coi thường sự mê muội của tôi với Star Trek. Nhưng phải nói, ngay từ lúc đầu, nó đã rất hữu ích đối với tôi.

Sau khi biết tin về bệnh tình của tôi, Shatner đã gửi cho tôi một tấm ảnh chụp ông trong vai Kirk. Trên tấm ảnh ông ghi: “Tôi không tin vào kịch bản không-ai-thắng.”

ÐỪNG THAN VÃN, HÃY LÀM VIỆC TÍCH CỰC HƠN

Trong cuộc sống, có quá nhiều người hay than vãn về các vấn đề của họ. Tôi luôn tin rằng nếu bạn lấy một phần mười năng lượng cho việc than vãn để dùng vào việc giải quyết vấn đề, thì bạn sẽ ngạc nhiên thấy công việc trôi chảy.

Tôi biết những người thật tuyệt vời, không bao giờ than vãn. Một trong những người đó là Sandy Blatt, chủ nhà trọ lúc tôi học cao học. Khi ông còn là một thanh niên, một chiếc xe tải đã đè trúng ông khi ông đang xếp dỡ các thùng hàng xuống hầm chứa của tòa nhà. Ông ngã lăn xuống mấy bậc cầu thang, rớt xuống hầm. “Cú ngã có xa không?” – tôi hỏi. Câu trả lời của ông rất đơn giàn: “Ðủ xa.” Cả phần đời còn lại, ông bị liệt cả hai tay lẫn hai chân.

Sandy là một vận động viện tuyệt vời, và tại thời điểm xảy ra tai nạn ông đã đính hôn. Ông không muốn trở thành gánh nặng cho vị hôn thê, nên đã nói với bà, “Em không hề cam kết với hoàn cảnh như thế này. Anh sẽ hiểu, nếu em muốn rút lui. Em có thể ra đi trong bình yên.” Và bà đã làm như vậy.

Tôi gặp Sandy khi ông đang ở độ tuổi ba mươi, và ngay lập tức, ông đã chinh phục tôi bằng thái độ của ông. Ông không bao giờ than vãn về cảnh ngộ của mình. Ông làm việc rất nghiêm túc và được cấp giấy phép để hành nghề tư vấn hôn nhân. Ông đã kết hôn và nhận con nuôi. Và khi nói về tình trạng sức khỏe của mình, ông nói rất thực tế. Có lần ông giải thích với tôi, nhiệt độ thay đổi khiến người bị liệt rất khó chịu bởi họ không biết rung mình. “Anh có thể đưa cho tôi cái chăn được không, Randy?” Ông chỉ nói có vậy.

Người không than vãn mà tôi ngưỡng mộ nhất có lẽ là Jackie Robinson, cầu thủ người Mỹ da đen đầu tiên chơi bóng bầu dục ở giải ngoại hạng. Ông đã phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc mà ngày nay nhiều thanh niên không hề muốn nghĩ tới. Ông biết ông phải chơi tốt hơn những cầu thủ da trắng, và ông biết ông phải làm việc tích cực hơn nhiều. Và đó là những thứ ông đã làm. Ông không bao giờ than vãn, ngay cả khi cổ động viên nhổ nước bọt vào ông.

Tôi có một bức ảnh của Jackie Robinson treo trong phòng làm việc, và tôi khá buồn vì nhiều sinh viên của tôi không biết, hoặc biết rất ít về ông. Nhiều người còn không hề để ý tới bức ảnh đó. Lớp trẻ lớn lên với tivi màu nên chẳng hề dành thời gian để quan sát những bức ảnh đen trắng. Đó là điều rất không hay. Thật không có tấm gương nào tốt hơn những con người như Jackie Robinson và Sandy Blatt. Thông điệp trong những câu chuyện của họ là: Than vãn chẳng làm được gì với tư cách một chiến lược.

Tất cả chúng ta đều chỉ có hữu hạn thời gian và năng lượng. Thời gian chúng ta dành để than vãn chẳng hề giúp đạt được các mục đích của chúng ta. Và nó không làm chúng ta hạnh phúc hơn lên.

KHÔNG CÓ VIỆC GÌ LÀ KHÔNG XỨNG ĐÁNG VỚI BẠN

Đã có ghi nhận khá rõ ràng là có sự gia tăng về đòi hỏi quyền lợi trong lớp trẻ ngày nay. Tôi đã chứng kiến điều này trong các lớp học của tôi.

Nhiều sinh viên cao học năm cuối cứ nghĩ rằng họ phải nhận được việc làm bởi khả năng sáng tạo xuất sắc của họ. Quá nhiều người không hài lòng với ý nghĩ họ phải bắt đầu từ bậc thang thấp nhất.

Lời khuyên của tôi luôn luôn là: “Đáng nhẽ bạn phải sung sướng vì nhận được một công việc ở phòng xếp thư. Và khi tới đó, việc bạn cần làm là: hãy trở thành người thật giỏi trong công việc sắp xếp các lá thư.

Không ai muốn nghe có người nói: “Tôi không giỏi việc sắp xếp thư, bởi việc này không xứng với tôi.” Không có công việc nào là không xứng với chúng ta. Và nếu bạn không thể (hoặc không muốn) sắp xếp thư, thì lấy gì chứng minh bạn có thể làm bất cứ việc gì?

Sau khi các sinh viên ETC của chúng tôi được các công ty tuyển vào thực tập nội trú hoặc làm những công việc cơ bản, chúng tôi thường yêu cầu các công ty cho chúng tôi phản hồi xem họ làm việc như thế nào. Những người phụ trách hầu như không bao giờ có một lời tiêu cực về năng lực hoặc về hiểu biết kỹ thuật của họ. Nhưng khi chúng tôi nhận được một phản hồi tiêu cực, thì hầu như bao giờ cũng là về việc những nhân viên mới thấy họ quá lớn so với công việc của họ. Hoặc là họ đã trông ngóng được lên chức và ngồi trong phòng làm việc to hơn.

Năm mười lăm tuổi, tôi có lao động ở một trang trại, xới cỏ cho các vườn dâu tây, và hầu hết những người lao động cùng tôi là những người làm công nhật. Một vài giáo viên cũng lao động ở đó để kiếm thêm chút tiền trong dịp nghỉ hè. Tôi tranh luận với cha tôi là công việc này không xứng với các giáo viên. (Tôi đoán là tôi ám chỉ rằng công việc cũng không xứng với tôi.) Cha tôi đã cho tôi một bài học nhớ đời. Ông tin rằng lao động chân tay không phải không xứng với bất kỳ ai. Ông bảo ông thích tôi làm việc tích cực và trở thành người đào mương giỏi nhất thế giới, hơn là làm một kẻ thượng lưu tự-gây-ấn-tượng quẩn quanh bên một chiếc bàn.

Tôi đã quay lại trang trại dâu tây đó và vẫn không thích công việc. Nhưng tôi đã được nghe những lời của cha tôi. Tôi giám sát thái độ của tôi và đã xới cỏ một cách tích cực hơn.

KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC

Khi đang học năm cuối của trường phổ thông, tôi nộp đơn xin vào Ðại học Brown và đã không được nhận. Tôi ở trong danh sách đợi. Tôi đã gọi điện cho văn phòng nhập học cho tới khi cuối cùng họ quyết định nhận tôi. Họ thấy tôi quá muốn được vào trường.

Tính bền bỉ, kiên trì đã giúp tôi vượt được bức tường gạch.

Tới lúc tốt nghiệp Brown, tôi không hề nghĩ sẽ học tiếp cao học. Mọi người trong gia đình tôi đi học, rồi nhận việc làm. Họ không bao giờ tiếp tục theo đuổi con đường giáo dục cao hơn.

Nhưng Andy van Dam, “ông cậu Dutch” và thầy tư vấn của tôi ở Brown, đã khuyên tôi “Hãy lấy bằng tiến sĩ. Hãy trở thành giáo sư.” “Sao tôi lại cần làm việc đó?” – tôi hỏi ông.

Và ông nói: “Bởi vì cậu là một người bán hàng rất giỏi, và nếu cậu đi làm cho một công ty, họ sẽ sử dụng cậu làm người bán hàng. Nếu cậu trở thành người bán hàng, cậu cũng có thể bán thứ hàng rất đáng giá, như giáo dục chẳng hạn.” Tôi mãi mãi biết ơn lời khuyên này.

Andy bảo tôi nộp đơn xin vào đại học Carnegie Mellon, nơi ông đã gửi những sinh viên xuất sắc nhất của ông. “Cậu sẽ được nhận vào đó, không có vấn đề gì cả.” – ông nói. Ông đã viết cho tôi một bức thư giới thiệu.

Các giáo sư ở Carnegie Mellon đọc thư giới thiệu nhiệt tình của ông. Họ xem điểm học khá tốt và điểm thi vào cao học không mấy hoàn chỉnh của tôi. Họ xem xét lại hồ sơ xin học của tôi.

Và họ đã từ chối tôi.

Tôi được nhận vào một số chương trình tiến sĩ ở các trường khác, nhưng Carnegie Mellon thì không muốn nhận tôi. Tôi tới văn phòng của Andy và đặt lá thư từ chối lên bàn. “Tôi muốn ông biết Carnegie Mellon đã đánh giá những giới thiệu của ông cao như thế nào.” – tôi nói.

Vài giây sau khi thấy bức thư trên bàn, ông nhấc điện thoại. “Tôi sẽ giải quyết việc này. Tôi sẽ đưa cậu vào.” – ông nói.

Nhưng tôi ngăn ông. “Tôi không muốn giải quyết việc theo cách đó.” – tôi nói với ông.

Rồi chúng tôi đưa ra một thỏa thuận. Tôi sẽ xem xét các trường đã nhận tôi. Nếu không thấy thỏa mãn với bất cứ trường nào, tôi sẽ quay lại và chúng tôi sẽ thảo luận. Các trường khác cuối cùng chẳng mấy thích hợp, và tôi đã nhanh chóng quay lại chỗ Andy. Tôi nói với ông là tôi quyết định bỏ học cao học và nhận một việc làm.

“Không, không, không.” – ông nói. – “Cậu phải lấy bằng tiến sĩ, cậu phải vào Carnegie Mellon.” Ông nhấc điện thoại và gọi cho Nico Habermann, Trưởng khoa Khoa học Máy tính của Carnegie Mellon, cũng là một người Dutch. Họ nói với nhau về tôi một thoáng bằng tiếng Dutch, sau đó Andy gác máy và nói với tôi: “Đến văn phòng của ông ta lúc 8 giờ sáng mai.”

Nico thuộc trường phái cổ điển, phong cách hàn lâm Âu Châu. Rõ ràng, cuộc gặp mặt với tôi chỉ xảy ra như một đặc ân đối với người bạn Andy của ông. Ông hỏi tại sao ông cần xét lại đơn xin học của tôi, sau khi khoa đã có kết luận. Một cách thận trọng, tôi nói: “Sau khi khoa của ông xem xét, tôi có nhận được học bổng toàn phần của Phòng Nghiên cứu Hải quân[48].” Nico nghiêm trang trả lời, “Có nguồn tiền không thuộc vào tiêu chuẩn nhập học của trường; chúng tôi tài trợ sinh viên từ các nguồn kinh phí nghiên cứu.” Và rồi ông nhìn kỹ tôi. Chính xác hơn, ông nhìn xuyên qua tôi.

Có vài khoảnh khắc then chốt trong cuộc đời của mỗi người. Và người ta may mắn nếu có thể nhận thức được khi khoảnh khắc đó xảy ra. Tôi biết lúc đó tôi đang ở trong một khoảnh khắc như vậy. Với tất cả sự hãnh diện về tuổi trẻ, và đôi chút ngạo mạn, tôi nói: “Xin lỗi, tôi không nói tới hệ quả về tiền bạc, mà muốn nói rằng họ chỉ thưởng có mười lăm học bổng như vậy trên toàn quốc. Tôi nghĩ đó là một vinh dự rất thích đáng, và tôi xin lỗi nếu nói ra như vậy quá tự phụ về phần tôi.”

Đó là câu trả lời duy nhất tôi có, nhưng đó là sự thật. Rất từ từ, khuôn mặt đông cứng của Nico ấm lên và chúng tôi chuyện trò thêm ít phút nữa.

Sau khi gặp gỡ thêm với một số giảng viên khác, cuối cùng tôi đã được Carnegie Mellon nhận vào học, và tôi đã có được bằng tiến sĩ. Đó là một bức tường gạch mà tôi đã vượt qua nhờ có sự giúp đỡ to lớn từ một người thầy tư vấn và những sự bày tỏ chân thành.

Cho tới khi bước lên bục trình bày bài giảng cuối cùng, tôi chưa bao giờ kể với sinh viên và đồng nghiệp ở Carnegie Mellon rằng tôi đã bị từ chối khi xin vào học ở đây. Tôi đã ngại ngần điều gì? Rằng tất cả mọi người sẽ nghĩ là tôi không đủ thông minh để cùng chung thuyền với họ? Rằng họ sẽ ít tôn trọng tôi hơn?

Thật thú vị, những bí mật bạn quyết định tiết lộ vào cuối cuộc đời bạn.

Ðáng nhẽ tôi phải kể câu chuyện này từ nhiều năm nay, bởi đạo lý là: Nếu bạn thật sự mong muốn một điều gì, thì đừng bao giờ bỏ cuộc (Và khi được chấp nhận thì hãy quảng cáo về nó.)

Những bức tường gạch ở đó là có một nguyên nhân. Và khi bạn đã vượt qua được chúng – ngay cả khi thực chất ai đó đã phải quẳng bạn qua – thì vẫn rất có ích cho mọi người nếu bạn nói với họ, bạn đã làm việc đó như thế nào.

—– ??? —–

Toàn văn buổi trình bày bài giảng cuối cùng của GS. Randy Pausch, bạn đọc có thể nghe và theo dõi tại đây: https://www.cmu.edu/randyslecture/

Chú thích

[5] Sabbatical: Kỳ nghỉ tách khỏi công việc. Nguyên lý sabbatical có nguồn gốc ở nhiều đoạn trong Kinh thánh với điều răn cứ bảy năm một lần phải ngừng làm việc đồng áng. Ngày nay, người ta thường lấy sabbatical để hoàn tất một mục tiêu, như viết một cuốn sách, hoặc đi nghiên cứu ở một nơi khác. Trong giới hàn lâm, sabbatical thường có sau sáu năm làm việc liên tục, và thường kéo dài nửa năm với toàn bộ lương, hoặc một năm với nửa lương.

[6] Imagineer (chính thức được biết đến như một Walt Disney Imagineer): Nhân viên của Walt Disney Imagineering, hoặc bất kỳ nhân viên nào khác của công ty Walt Disney được mang chức danh này. Hầu hết các Imagineer làm việc tai trụ sở chính ở Glendale, California, để sáng tạo các ý tưởng và trò chơi cho các công viên Disney. Trong lúc thực hiện những đề án lớn, các Imagineer thường làm việc tại chỗ từ sáu tháng tới một năm. Các Imagineer có thể bao gồm nghệ sĩ, nhà văn, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà trang trí ngoại cảnh, nhà xây dựng mô hình, nhà quản lý xây dựng, kỹ thuật viên và nhà thiết kế.

[15] James Tiberius Kirk: Nhân vật chính và là nhân vật giả tưởng trong loạt phim Star Trek. Diễn viên Canada, William Shatner, đóng vai này trong suốt bốn mươi năm.

[16] The Enterprise (còn được gọi là “Starship Enterprise”): Tên của những con tàu ngôi sao giả tưởng, trung tâm điểm của các phim truyền hình và phim truyện Star Trek.

[17] Star Trek: Phim truyền hình khoa học viễn tưởng Mỹ rất nổi tiếng của tác giả Gene Roddenberry. Star Trek gồm sáu tập phim công chiếu từ năm 1966, cùng mười phim truyện, hàng chục trò chơi máy tính và video, hàng trăm cuốn truyện, cũng như một thềm công viên ở khu giải trí Las Vegas. Riêng loạt phim truyền hình đầu tiên cũng đã đủ tạo thành một hiện tượng độc đáo, là khởi nguồn cho nhiều trào lưu văn hóa quần chúng.

[48] The office of Naval Research (ONR), trụ sở ở Arlington, Virginia (Ballston), thuộc Bộ Hải quân Hoa Kỳ có nhiệm vụ điều phối, thực hiện và quảng bá các chương trình khoa học và công nghệ của Hải quân Hoa Kỳ thông qua các trường phổ thông, đại học, cơ quan chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận và vì lợi nhuận.

Bình luận

[…] chia, chỉ có thể thay đổi cách chơi chúng” (Randy Pausch, tác giả quyển sách Bài giảng cuối cùng). Luôn lạc quan đón nhận những gì đến với mình và tận dụng tối đa chúng, […]


Bài viết khác của tác giả

  1. HÔM NAY, NGAY BÂY GIỜ, CHÚNG TA ĐANG CÓ MỘT NGÀY TUYỆT ĐẸP
  2. CÂU CHUYỆN NĂM MỚI
  3. LỜI KHUYÊN VỀ LÀM VIỆC NHÓM – BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ