HỢP NHẤT VỚI TOÀN BỘ SỰ SỐNG

ECKHART TOLLE

? Ẩn dưới dáng vẻ bên ngoài, mọi thứ không chỉ kết nối với nhau mà còn kết nối với Cội nguồn của sự sống. Ngay cả một hòn đá, và dễ hơn nữa là một bông hoa, một con chim, có thể cho bạn thấy con đường trở về với Thượng đế, với Cội nguồn, với bản thể nguyên thủy của bạn. Khi bạn nhìn vào, hay nắm lấy nó và để nó tồn tại mà không dán nhãn (bằng ngôn từ hoặc thái độ), bạn sẽ thấy kinh ngạc. Nét tinh túy của chúng âm thầm truyền tải đến bạn và phản ánh bản chất con người bạn.

☀️ Tại sao bản ngã thích đóng vai trò? Tất cả đều xuất phát từ một giả định, một sai lầm cơ bản, một ý nghĩ vô minh. Ý nghĩ đó có thể là “Tôi chưa đầy đủ, chưa toàn vẹn”. Ý nghĩ tiếp theo có thể là “Do đó tôi phải đóng vai trò này để có thể có được những gì mình mong muốn, để tôi hoàn thiện con người mình”, hay “Tôi cần đạt được nhiều hơn để có thể trở nên tốt hơn nữa”. Nhưng bạn không thể hơn chính bạn bởi vì bên dưới “lớp vỏ” hình hài, bạn là một với sự sống. Về hình thức, bạn đang và sẽ luôn thua kém hơn một số người và vượt trội hơn một số người khác. Còn về bản chất, bạn không thua kém hơn hay vượt trội hơn bất kỳ ai. Lòng tự trọng và khiêm tốn đích thực phát triển khi bạn nhận ra điều đó. Dưới con mắt của cái tôi, lòng tự trọng và khiêm tốn trái ngược nhau; nhưng trên thực tế chúng là một và như nhau.

? “Tôi” có thể là gì khi tách biệt khỏi sự sống? Điều đó hoàn toàn không thể xảy ra. Vì thế không có cái gì như là “Sự sống của tôi” và “Tôi không có sự sống”. Tôi là sự sống. Tôi và sự sống là một. Không thể nào khác được. Vậy làm sao tôi có thể mất đi sự sống của mình? Làm sao tôi mất đi cái gì đó mà ngay từ đầu mình không hề có? Làm sao tôi có thể mất đi cái gì đó là Tôi? Điều đó là không thể.

☀️ Chân lý không thể tách rời với bản chất đích thực của bạn. Đúng vậy, bạn chính là Chân lý. Chúa Jesus muốn truyền tải điều quan trọng này khi Ngài nói “Ta là con đường, là chân lý và là sự sống”. Những lời này nếu được hiểu đúng sẽ là một trong những gợi ý về Chân lý mạnh mẽ và trực tiếp nhất. Trên thực tế, Chúa Jesus đề cập đến cái Tôi tồn tại sâu thẳm bên trong, tức nhân dáng nguyên thủy của mọi người, của mọi hình thức sống. Một số nhà huyền học Kitô giáo gọi đó là Chúa trong lòng; Phật tử gọi đó là Phật tánh; với người theo đạo Hindu, đó là Atman, Đại ngã, Thượng đế vĩnh hằng. Khi bạn liên hệ với chiều kích ấy trong bản thân mình – và xem nó là trạng thái tự nhiên của bạn, chứ chẳng phải thành tựu phi thường gì – mọi hành động và mối quan hệ của bạn sẽ phản ánh tính thống nhất với sự sống. Đây chính là tình yêu.

? Chấp nhận những điều tốt đẹp vốn có trong cuộc sống là nền tảng cho sự sung túc.

☀️ Nguồn gốc của sự sung túc không nằm bên ngoài bạn. Hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào sự dồi dào, dư dật ở xung quanh. Nhìn vào sức sống đang căng tràn muốn nơi – những tia sáng mặt trời ấm áp ôm ấp làn da, những bông hoa tỏa hương khoe sắc rực rỡ bên gánh hàng hoa, cảm giác khi cắn vào quả mọng nước, hay ướt sũng trong cơn mưa rào… Sức sống căng đầy trong mỗi bước đi. Sự sung túc quanh bạn đánh thức sự sung túc ngủ yên bên trong, rồi để cho nó tuôn trào. Khi bạn mỉm cười với một người lạ, một dòng năng lượng tuôn ra. Bạn trở thành người cho đi. Hãy thường xuyên tự hỏi “Mình có thể cho đi điều gì?”, “Trong hoàn cảnh này, mình có thể giúp đỡ bằng cách nào?”. Bạn không cần phải sở hữu bất cứ cái gì để cảm thấy sung túc. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy sung túc, mọi vật chắc chắn sẽ đến với bạn. Sự sung túc chỉ đến với những người đã có nó trong tay.

? Cây non không hề mong muốn bất cứ điều gì bởi vì nó thuộc về tổng thể, và tổng thể hành động thông qua nó. Chúa Jesus từng nói: “Hãy ngắm những đóa hoa huệ ngoài đồng kia, xem chúng mọc lên thế nào. Chúng chẳng làm việc khó nhọc, cũng không kéo chỉ; thế nhưng ngay cả vua Solomon dù sang trọng đến đâu, cũng không được mặc đẹp như một bông hoa nào trong số những bông hoa ấy”. Có thể nói rằng tổng thể – tức sự sống – muốn cây non trở thành cây trưởng thành, nhưng cây non không xem bản thân nó tách biệt với sự sống và do đó không muốn gì cho bản thân nó cả. Cây non là một với điều mà sự sống mong muốn. Đó là lý do tại sao nó không hề lo lắng hay căng thẳng. Và nếu phải chết non, nó sẽ ra đi một cách dễ dàng. Nó sẵn sàng dâng nộp cho cái chết cũng như sẵn sàng dâng nộp cho sự sống. Nó cảm nhận, dù mờ mịt, sự bén rễ của mình trong sự sống vĩnh hằng.

☀️ Bất cứ khi nào sự mất mát tang thương diễn ra, hoặc là bạn kháng cự hoặc là bạn nhẫn nhịn. Một số người trở nên cay đắng hay oán hận sâu sắc; những người khác thì trở nên giàu lòng trắc ẩn, sáng suốt và đầy tình thương. Kháng cự là do nội tâm bạn co lại, do “lớp vỏ” cái tôi cứng lại, bạn khép mình lại. Còn nhẫn nhịn nghĩa là bạn chấp nhận cái tồn tại, bạn cởi mở với sự sống.

? Khi bạn nhẫn nhịn, khi bạn dâng nộp, một chiều ý thức mới mở ra. Nếu cần phải hành động, hành động của bạn sẽ liên kết với tổng thể và được trí tuệ sáng tạo, tức là ý thức hỗ trợ. Hoàn cảnh và con người khi đó trở nên hữu ích, sẵn sàng hợp tác. Nếu không thể hành động, bạn nghỉ ngơi trong sự yên bình và tĩnh tại nội tâm đến cùng với sự dâng nộp. Bạn nghỉ ngơi trong lòng Thượng đế.

☀️ Khi ta không còn nhầm lẫn giữa Tôi là ai với hình tướng tạm thời, khi đó cái vô hạn và vĩnh hằng – tức Thượng đế – có thể bộc lộ qua ta và hướng dẫn cho ta. Cội nguồn Thiêng liêng ấy giải phóng ta khỏi sự lệ thuộc vào hình tướng. Tuy nhiên, sự nhận biết đơn thuần bằng lý trí hay niềm tin rằng “Tôi không phải là hình tướng này” thì chẳng hề có tác dụng. Câu hỏi quan trọng là: Vào lúc này, tôi có thể cảm nhận sự hiện diện của không gian nội tâm hay không, mà thật ra có nghĩa là tôi có thể cảm nhận sự hiện diện của chính mình hay không?

? Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có nhận thức được sự việc đang diễn ra ngay lúc này, nhận ra không gian nội tâm vô tận, sống động mà trong đó mọi sự diễn ra?”.

☀️ Nếu bình an thật sự là điều bạn muốn, bạn sẽ chọn bình an. Nếu cảm giác an bình quan trọng đối với bạn hơn bất cứ điều gì khác, và nếu bạn thực sự biết bạn là thực thể tâm linh, bạn sẽ tiếp tục không phản ứng và hoàn toàn tỉnh táo khi đương đầu với con người hoặc hoàn cảnh đầy thử thách. Bạn sẽ ngay lập tức chấp nhận hoàn cảnh và thống nhất với hoàn cảnh thay vì tách rời bản thân. Khi đó, một lời phản hồi sẽ xuất hiện từ sự tỉnh táo ấy: Bạn là ý thức, chứ không phải là cái tôi nhỏ bé như bạn từng nghĩ. Lời phản hồi ấy sẽ mạnh mẽ, hiệu quả và không biến bất cứ ai hay hoàn cảnh nào trở thành kẻ thù.

? Là một với khoảnh khắc Hiện tại không có nghĩa là bạn không còn khởi xướng sự thay đổi hay không thể hành động, mà động lực thực hiện hành động xuất phát từ một cấp độ sâu sắc hơn, chứ không phải từ sự mong muốn hay sợ hãi của bản ngã. Hòa hợp với khoảnh khắc Hiện tại mở ra ý thức cho bạn và dẫn đến hòa hợp với tổng thể – khoảnh khắc Hiện tại là một phần của tổng thể. Tổng thể, tức sự sống, khi đó hành động thông qua bạn.

☀️ Sự sống sẽ cho bạn bất cứ trải nghiệm nào có ích nhất cho sự tiến hóa của ý thức. Làm thế nào để biết đây là trải nghiệm mà bạn cần? Bởi vì đây là trải nghiệm bạn đang có ngay lúc này.

? Ngay bây giờ, làm thế nào để thấy bình an? Bằng cách hòa nhã với khoảnh khắc Hiện tại. Khoảnh khắc Hiện tại là “sàn đấu” mà trong đó trò chơi sự sống diễn ra. Một khi bạn đã làm hòa với khoảnh khắc Hiện tại, hãy nhìn những gì xảy ra, những gì bạn có thể thực hiện hoặc chọn lựa thực hiện, hay đúng hơn là những gì sự sống thực hiện thông qua bạn.

☀️ Bí mật của nghệ thuật sống, bí quyết của mọi thành công và hạnh phúc là: Thống nhất với sự sống. Thống nhất với sự sống là thống nhất với Hiện tại. Khi đó bạn nhận ra mình không sống cuộc sống của mình, mà là sự sống đang sống trong bạn. Sự sống là vũ công, còn bạn là điệu nhảy.

? Thượng đế là sự sống duy nhất vượt thoát khỏi hình tướng. Tình yêu hàm chứa hai mặt: người yêu và người được yêu – chủ thể và đối tượng. Vì thế tình yêu là sự thừa nhận tính thống nhất trong thế giới nhị nguyên. Đây là sự ra đời của Thượng đế trong thế giới hình tướng. Tình yêu giúp cho thế giới trở nên bớt trần tục, bớt u mê, và trong suốt hơn để được ánh sáng ý thức soi chiếu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA SỰ VÂNG PHỤC(PHẦN 1)
  2. PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
  3. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ