HỨA VÀ GIỮ LỜI HỨA

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Trong suốt những năm qua, nhiều người hỏi tôi có cách nào đấy giúp họ trưởng thành hơn để tự giải quyết các vấn đề, nắm bắt cơ hội, và có một cuộc sống thành công. Câu trả lời của tôi rất đơn giản, với năm chữ “Hứa và giữ lời hứa”.

Thoạt nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng tôi tin, nó hàm chứa rất nhiều điều. Nếu cả gia đình đều cố gắng thực hiện nguyên tắc hứa và giữ lời hứa với nhau, vô vàn những điều tốt  đẹp  khác sẽ được tạo ra sau đó.

Cynthia (con gái tôi):

Khi tôi 12 tuổi, bố hứa là đưa tôi đi cùng trong chuyến công tác đến San Francisco. Tôi rất hào hứng. Hai bố con sẽ ở lại đó trong hai ngày một đêm, và lên kế hoạch cho từng việc sẽ  làm. Bố sẽ bận họp trong ngày đầu tiên, nên tôi sẽ dạo chơi trong khách sạn. Sau khi bố họp xong, chúng tôi dự định sẽ đón xe đi ăn uống tại khu phố của người Trung Quốc. Sau đó chúng tôi đi xem phim, rồi đi xe điện, quay trở lại khách sạn, ăn kem hoa quả trong phòng. Tôi nôn nóng chờ tới ngày đó.

Và ngày đó cũng đến. Thời gian trôi qua chậm chạp khi tôi phải đợi ở khách sạn. Đã sáu giờ mà bố vẫn chưa về. Cuối cùng vào lúc 6 giờ 30, ông về cùng với một người bạn thân – một “đối tác” làm ăn quan trọng. Tôi còn nhớ trái tim tôi đã tan nát thế nào khi nghe người đàn ông đó nói, “Stephen, tôi rất vui vì anh đã ở đây. Tối nay, tôi và Lois rất muốn mời anh tới khu cá voi và ăn đồ hải sản cùng chúng tôi”. Khi bố nhắc đến sự có mặt của tôi, người đàn ông này nói thêm,“Tất nhiên, cô bé cũng có thể tới, chúng tôi rất vui được đón tiếp”.

Ái chà, tôi nghĩ, mình chúa ghét hải sản, và thể nào mình cũng sẽ bị tống ra ghế sau, trong khi bố trò chuyện với bạn. Mọi hy vọng và kế hoạch của tôi coi như tan thành mây khói.

Người đàn ông đó nài nỉ bố tôi nhận lời. Lúc đó, tôi chỉ  muốn nói chen vào: “Bố! Bố đã hứa đây là thời gian của chúng ta mà bố!”. Nhưng tôi chỉ mới 12 tuổi, nên chỉ biết khóc thầm trong lòng mà thôi.

Và rồi… tôi không bao giờ quên cái cảm giác thú vị vụt đến, khi nghe bố nói: “Thề có Chúa, tôi thực sự rất muốn gặp hai bạn. Nhưng đây là thời gian đặc biệt của tôi và con gái. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho từng phút. Anh thật tốt bụng vì đã mời chúng tôi”. Tôi nhìn thấy người đàn ông đó đã thất vọng như thế nào, nhưng tôi nghĩ là ông ta hiểu.

Hai bố con đã thực hiện tất cả những gì được lên kế hoạch, không bỏ sót một cái gì. Đó là thời gian vui vẻ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nghĩ không có cô bé nào yêu bố mình như tôi vào tối hôm đó.

Tôi tin rằng bạn khó tìm được một khoản gửi vào tài khoản tình cảm nào lại có sức tác động đến gia đình nhiều hơn việc hứa và giữ lời hứa. Hãy nhớ lấy điều đó! Một lời hứa sẽ mang lại sự náo nức, mong chờ và hy vọng. Và những gì  chúng ta hứa trong gia đình là những điều quan trọng và nhạy cảm nhất.

Lời hứa cơ bản nhất là lời hứa trong hôn nhân. Cũng quan trọng không kém là lời hứa mặc định đối với các con của mình –  đặc biệt khi chúng còn nhỏ – là chúng ta sẽ chăm sóc, dạy dỗ chúng. Điều đó giải thích vì sao ly hôn và từ bỏ con cái lại là những khoản “rút ra” mang lại nhiều nỗi đau đớn. Vì nó khiến  ta có cảm giác mình đã phá vỡ những lời hứa thiêng liêng nhất.

Một người quen, từng giúp tôi trong một dự án đặc biệt, một hôm đã kể về cuộc ly hôn đáng buồn mà anh ta vừa trải qua. Dù vậy, anh ta tự hào về việc giữ lời hứa với chính bản  thân và với người vợ trong nhiều tháng trước đó như thế nào. Cho dù cuộc tranh cãi  về  pháp lý và tình cảm  đang diễn ra, anh không bao giờ nói xấu vợ – đặc biệt trước mặt con cái. Anh đã làm nên một sự thay đổi – không chỉ trong cảm  nhận của con cái về bản thân chúng, mà còn trong cảm nhận của chúng về bố mẹ mình, về gia đình, cho dù đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Anh ấy không thể nào diễn tả hết được sự hài lòng, niềm vui khi giữ được lời hứa của mình.

Thậm chí khi lời hứa đã bị phá vỡ, bạn vẫn có thể thay đổi được tình thế. Tôi nhớ một anh bạn có lần đã không thực hiện được những cam kết của anh ta với tôi. Sau đó, anh ta đến xin tôi cho thêm một cơ hội để sửa chữa, nhưng tôi từ chối. Vì theo những gì tôi biết về anh ta, tôi không chắc anh ta có thể làm “nên cơm nên cháo” hay không nữa.

Tuy nhiên, anh ta hứa: “Trước đây đúng là tôi  đã  không làm được gì cả. Tôi có lỗi khi không đặt hết tâm trí vào công việc. Xin hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa. Lần này không  những tôi sẽ hoàn thành, mà còn hoàn thành thật xuất sắc”.

Tôi đồng ý và anh ta đã làm được như lời hứa, hoàn thành mỹ mãn. Trong mắt tôi, anh ta lúc đó thậm chí còn tốt hơn lúc khởi đầu cam kết làm việc với nhau. Anh ta thật can đảm khi quay trở lại để giải quyết khó khăn, sửa chữa sai lầm một cách đáng nể. Điều đó đã tạo ra một khoản gửi vào rất lớn trong Tài khoản Ngân hàng Tình cảm với tôi.

—–☘️☘️☘️—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH