LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 THÓI QUEN ĐỂ THÀNH ĐẠT; Biên dịch: VŨ TIẾN PHÚC, Hiệu đính: Tổ Hợp Giáo Dục PACE; FIRST NEWS, NXB Trẻ.

Đạo đức tính cách hình thành dựa trên khái niệm cơ bản về những nguyên tắc chi phối tính hiệu quả của con người. Đó là các quy luật tự nhiên tồn tại, bất biến và không cần tranh cãi trong bản chất con người, cũng giống như định luật vạn vật hấp dẫn chẳng hạn.

Người ta tìm thấy ý tưởng về sự tồn tại và ảnh hưởng của các nguyên tắc này trong một câu chuyện về sự thay đổi mô thức của Frank Koch đăng trên tạp chí  Proceedings của Học viện Hải quân.

Hai chiếc tàu chiến được điều động đến hỗ trợ một cuộc tập trận dài ngày trên biển trong điều kiện thời tiết xấu. Tôi phục vụ trên chiếc tàu chỉ huy và được giao nhiệm vụ đứng gác trên boong khi màn đêm buông xuống. Tầm nhìn hạn chế vì sương mù bao phủ nên vị thuyền trưởng cũng ở lại trên boong tàu để theo dõi mọi hoạt động.

Không lâu sau khi trời tối, hoa tiêu mạn phải báo cáo:

“Có đốm sáng bên phải mũi tàu”.

“Đốm sáng càng gần hay xa dần so với tàu chúng ta?”, thuyền trưởng hỏi lại.

“Thưa thuyền trưởng, càng gần!”, hoa tiêu trả lời và điều này có nghĩa tàu của chúng tôi có nguy cơ va vào một con tàu nào đó.

Vị thuyền trưởng ra lệnh cho tín hiệu viên: “Phát tín hiệu cho con tàu đó: cả hai tàu đang chạy hướng thẳng vào nhau, yêu cầu họ đổi hướng 20 độ”.

Tín hiệu ngay lập tức được truyền đi, và chúng tôi nhanh chóng nhận được tín hiệu trả lời của chiếc tàu kia: “Yêu cầu tàu các ông đổi hướng 20 độ”.

Thuyền trưởng ra lệnh: “Truyền tín hiệu: Tôi là thuyền trưởng, tôi yêu cầu tàu các anh đổi hướng 20 độ”.

Bên kia trả lời: “Tôi là binh nhì, tôi đề nghị các ông phải đổi hướng 20 độ!”.

Đến lúc này thì vị thuyền trưởng nổi cáu, ông hét lên: “Truyền tín hiệu: Chúng tôi là tàu chiến. Các anh phải đổi hướng 20 độ ngay lập tức!”.

Đèn tín hiệu bên kia nhấp nháy: “Tôi là hải đăng”.

Thế là chúng tôi buộc phải đổi hướng.

Sự thay đổi mô thức của vị thuyền trưởng, và cả của chúng ta khi đọc bài tường thuật này, khiến chúng ta xem xét tình huống theo một quan điểm hoàn toàn khác. Chúng ta có thể thấy rằng thực tại đã bị thay thế bởi nhận thức hạn chế của ông ấy – một thực tại quan trọng đối với chúng ta trong việc hiểu cuộc sống hàng ngày cũng như đối với vị thuyền trưởng trong nhiệm vụ điều khiển con tàu giữa sương mù.

Các nguyên tắc cũng giống như ngọn hải đăng. Chúng là những quy luật tự nhiên phải được con người tuân thủ. Cũng như Cecil B. de Mille nhận xét về các nguyên tắc trong bộ phim nổi tiếng của ông, “Mười điều răn của Chúa” (The Ten Commandments), rằng: “Chúng ta phải tuân theo các quy luật đã được đặt ra, nếu chống lại những quy luật ấy, có nghĩa chúng ta đang chống lại chính mình”. Trong khi mỗi người có thể nhìn vào cuộc sống của bản thân, vào các mối quan hệ qua lại dưới lăng kính của mô thức hay “bản đồ” – vốn hình thành từ kinh nghiệm hay sự quen thuộc – thì những “tấm bản đồ” này lại không phải là “lãnh thổ” mà chỉ là những “thực tại chủ quan” diễn tả “lãnh thổ” mà thôi.

“Thực tại khách quan” hay “lãnh thổ” bao gồm các nguyên tắc, quy luật tự nhiên chi phối sự phát triển và hạnh phúc của con người. Điều này có nghĩa các quy luật này đã hòa quyện vào cấu trúc của mọi xã hội văn minh trong suốt chiều dài lịch sử và là nguồn gốc của mọi gia đình và thể chế xã hội. Độ chính xác của “tấm bản đồ” miêu tả “lãnh thổ” không ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của “lãnh thổ”.

Như vậy, sự tồn tại của các nguyên tắc, các quy luật tự nhiên nêu trên đã trở nên rõ ràng đối với bất cứ ai có suy nghĩ sâu sắc và biết xem xét các chu kỳ lịch sử của xã hội. Những nguyên tắc, quy luật này thỉnh thoảng lại xuất hiện trong đời sống. Tùy theo mức độ nhận thức và thích nghi của con người, chúng đưa họ phát triển theo hướng tồn tại và ổn định, hoặc đẩy họ đến chỗ tan rã và diệt vong.

Những nguyên tắc tôi đang nói đến tuyệt nhiên không phải là những điều khó hiểu, bí hiểm, hay mang màu sắc của một tôn giáo đặc biệt nào đó, mà là những điều hiển nhiên đối với mọi tôn giáo, trong các triết lý xã hội và các hệ thống đạo đức đã có từ lâu đời. Những nguyên lý hay quy luật tự nhiên này gần như là một phần trong điều kiện sống của con người, của ý thức và lương tâm con người. Chúng gần như tồn tại trong mỗi cá nhân, không phụ thuộc vào điều kiện xã hội và ý muốn chủ quan của con người, cho dù chúng có thể bị vùi dập hay làm cho tê liệt bởi những điều kiện bất lợi hay sự phản kháng nào đó.

Ví dụ, khi tôi nói về nguyên tắc công bằng thì sẽ nảy sinh ra khái niệm công bằng và công lý. Dường như trẻ con cũng có một ý thức bẩm sinh về sự công bằng, cho dù được rèn luyện trong điều kiện ngược lại. Tuy có một sự khác biệt rất lớn giữa định nghĩa và việc thực hiện công bằng, nhưng nhận thức về sự công bằng lại là một nhận thức chung.

Nguyên tắc  trung thực và lương thiện tạo cơ sở cho sự tin cậy – điều cốt yếu cho sự hợp tác, phát triển bền vững trong bản thân của một con người và trong các mối quan hệ của con người với nhau.

Một nguyên tắc nữa là nhân quyền. Khái niệm cơ bản trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã nêu rõ giá trị của nguyên tắc này: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng: mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Ngoài ra còn có một số nguyên tắc khác như: phụng sự, hoặc ý tưởng muốn cống hiến, nguyên tắc chất lượng hay hoàn hảo.

Nguyên tắc tiềm năng cho rằng chúng ta là phôi thai có thể lớn lên, phát triển, tạo ra ngày càng nhiều nguồn lực. Gắn liền với nguyên tắc tiềm năng là nguyên tắc phát triển – tức là quá trình giải phóng tiềm năng và phát triển tài năng. Quá trình này cũng cần đến các nguyên tắc như kiên trì, bồi dưỡng và khuyến khích.

Nguyên tắc không phải là thực hành, vì thực hành là một hoạt động đặc trưng, một hành động cụ thể. Thực hành có thể thành công trong trường hợp này nhưng chưa chắc đã thành công trong trường hợp khác, như việc cha mẹ không nhất thiết phải nuôi đứa con thứ hai giống như cách nuôi đứa con đầu lòng.

Nếu thực hành là việc làm cụ thể trong từng hoàn cảnh thì nguyên tắc lại là chân lý cơ bản, sâu sắc và có tính phổ biến, có thể áp dụng cho từng cá nhân, gia đình, tổ chức… Khi chân lý thâm nhập vào các thói quen, chúng sẽ giúp con người tạo ra khả năng thực hành, xử lý hiệu quả các vấn đề khác nhau trong cuộc sống.

Nguyên tắc định hướng cách ứng xử của con người. Chúng có giá trị lâu dài, bền vững và là những vấn đề cơ bản, hiển nhiên. Chúng ta có thể nhanh chóng hiểu được tính hiển nhiên của nguyên tắc nếu xem xét sự vô lý khi cố gắng đạt được thành công bằng cách làm ngược lại các nguyên tắc này. Thật vô lý nếu chúng ta coi sự bất công, lừa đảo, hèn hạ, vô dụng, tầm thường, hay suy đồi là nền tảng vững chắc cho thành công và hạnh phúc lâu dài. Mặc dù người ta có thể tranh cãi với nhau về cách định nghĩa, cách thể hiện và thực hiện các nguyên tắc này, nhưng chúng luôn tồn tại trong nhận thức của họ.

Các “bản đồ” hay mô thức của chúng ta càng gắn kết chặt chẽ với các nguyên tắc, quy luật này bao nhiêu thì chúng càng chính xác và có hiệu quả bấy nhiêu. Những “bản đồ” chính xác sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sự thành đạt của cá nhân và duy trì các mối quan hệ bền vững hơn nhiều so với nỗ lực thay đổi thái độ và hành vi của chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI
  3. TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU – PHẦN 2

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ