TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU – PHẦN 2

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói quen để Thành đạt - Stephen R. Covey; Nxb Trẻ; Cty Sách First News

Trong phần 1 chúng ta đã tìm hiểu về tài khoản tình cảm và khoản ký gửi đầu tiền: #1 Hiểu rõ từng cá nhân . Trong phần tiếp theo CSAV xin giới thiệu với đọc giả 3 khoản ký gửi quan trọng nữa mà chúng ta có thể chăm sóc tài khoản tình cảm cho nhau cũng như đôi khi vô tình rút mất. Mời bạn cùng đọc:

#2 Quan tâm đến những điều nhỏ nhất

Trong mối quan hệ giữa con người với nhau, những điều có vẻ như nhỏ nhặt lại là những cái lớn. Những cử chỉ, cách thể hiện, ứng xử dù rất nhỏ đối với người này lại ảnh hưởng rất lớn đến tài khoản tình cảm của họ trong lòng người khác. Chỉ cần một ánh nhìn thiếu thiện cảm, một sự quan tâm không đúng mực, một lời nói vô tình… cũng rút đi một “khoản chi” rất lớn trong “tài khoản” ấy.

Tôi nhớ lại một kỳ nghỉ với hai đứa con trai nhiều năm trước đây. Sau khi cùng nhau trải qua một ngày vui chơi dã ngoại, đi xem thể dục dụng cụ, các trận đấu vật, ăn bánh mì “hot dog”, chúng tôi rủ nhau đi xem phim. Giữa buổi chiếu phim, Sean, lúc đó mới bốn tuổi, lăn ra ngủ trên ghế. Anh trai của nó, Stephen, sáu tuổi, còn thức và cùng tôi xem hết bộ phim. Khi xem xong, tôi ẵm Sean ra xe ô-tô và đặt nó vào ghế sau. Buổi tối hôm đó trời rất lạnh nên tôi cởi áo khoác ra choàng lên người thằng bé. Khi về đến nhà, tôi vội vàng bế Sean vào phòng ngủ. Sau khi Stephen thay đồ ngủ và đánh răng, tôi nằm cạnh nó để nói chuyện về chuyến đi chơi.

“Chuyến đi chơi thế nào Stephen?”

“Dạ, tốt”, thằng bé trả lời.

“Con có thích không?”

“Dạ, có.”

“Con thích gì nhất?”

“Con không biết. Chắc là đấu vật.”

Có vẻ như thằng bé không muốn nói gì thêm. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao Stephen lại không cởi mở hơn. Bình thường, nó rất sôi nổi mỗi khi đi chơi về. Nhưng lần này, nó im lặng suốt quãng đường về. Tôi hơi thất vọng, và cảm thấy có gì đó không ổn. Stephen nằm quay mặt vô tường. Tôi ngạc nhiên không rõ vì sao. Nhổm người lên, tôi thấy nước mắt đang trào ra ở khóe mắt thằng bé.

“Có việc gì không ổn vậy con?”

Nó quay mặt lại, nước mắt chảy ràn rụa, mếu máo: “Bố, nếu con bị lạnh, bố có cởi áo khoác cho con không?”.

Trong toàn bộ sự kiện diễn ra vào buổi tối đặc biệt đó, điều quan trọng nhất đối với Stephen lại là cử chỉ chăm sóc nhỏ nhặt – một biểu thị yêu thương nhất thời – của tôi dành cho Sean, em trai nó. Sự kiện đó là một bài học sâu sắc đối với bản thân tôi cho đến tận bây giờ. Con người ta vốn rất mềm yếu và dễ tủi thân, dù có được che đậy bằng vẻ bề ngoài cứng rắn và nhẫn tâm nhất. Có thể tuổi tác và kinh nghiệm sống tạo ra nhiều sự khác biệt, nhưng tựu trung, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người vẫn ẩn chứa những tình cảm mềm yếu.

#3 Giữ cam kết

Giữ lời hứa hay làm đúng cam kết là ký gửi một khoản lớn vào tài khoản tình cảm của bạn, ngược lại sẽ bị mất đi một khoản lớn. Tài khoản tình cảm của bạn vơi hay đầy đều do cách cư xử của chính bạn. Và trong thực tế, không có “khoản chi” nào lớn hơn “khoản chi” không thực hiện lời hứa quan trọng đối với một người. Một lần bạn thất hứa, người ta sẽ khó tin bạn ở những lần tiếp theo. Người ta thường xây dựng niềm hy vọng từ những lời hứa, đặc biệt là khi chúng có liên quan đến sinh kế của họ.

Là bậc làm cha làm mẹ, tôi luôn cố gắng không bao giờ đưa ra lời hứa không có tính khả thi. Với những cân nhắc rất thận trọng, tôi cố gắng tính toán hết mọi khả năng bất ngờ có thể khiến tôi không giữ được lời hứa của mình.

Tất nhiên, những điều bất ngờ vẫn cứ xảy ra và tôi vẫn cố thực hiện, hoặc giải thích tình hình một cách cặn kẽ với những người có liên quan và mong được họ thông cảm. Đối với con cái, nếu rèn luyện được thói quen luôn giữ đúng lời hứa, bạn sẽ bắc được chiếc cầu lòng tin nối liền sự thông hiểu giữa bạn và bọn trẻ. Khi con bạn muốn làm một điều gì đó trái ý bạn, bạn có thể nói cho chúng biết hậu quả của việc làm đó thông qua kinh nghiệm bạn có, chẳng hạn như : “Con à, nếu con làm điều đó, bố tin rằng hậu quả sẽ là…”. Một khi con bạn đã có lòng tin nơi bạn, vào lời hứa của bạn, nó sẽ nghe theo lời bạn khuyên dạy.

#4 Làm rõ các kỳ vọng

Hãy thử tưởng tượng những khó khăn bạn có thể gặp phải nếu bạn và sếp có những nhận định khác nhau về việc ai là người có trách nhiệm xây dựng bản mô tả chi tiết công việc của bạn.

“Khi nào tôi có được bản mô tả chi tiết công việc của tôi ?”, bạn có thể hỏi.

“Tôi đang chờ anh đưa cho tôi bản đề xuất để chúng ta thảo luận”. Sếp của bạn trả lời.

“Tôi nghĩ rằng việc xác định công việc cụ thể tôi phải làm là do anh đặt ra.”

“Đó không phải là việc của tôi. Anh không nhớ sao ? Ngay từ đầu, tôi đã nói rằng làm việc thế nào phần lớn là do anh quyết định.”

“Tôi cứ nghĩ rằng ý anh nói chất lượng công việc là do tôi. Nhưng tôi thực sự không biết công việc của tôi là gì.”

Sự không rõ ràng của kỳ vọng đối với các mục tiêu cần thực hiện sẽ có hại đến quan hệ giao tiếp và sự tin cậy.

“Tôi đã làm đúng những gì anh yêu cầu và đây là bản báo cáo.”

“Tôi không cần bản báo cáo. Mục tiêu là giải quyết được vấn đề – không phải là để phân tích và báo cáo lại những điều đó.”

“Tôi tưởng rằng mục tiêu là nêu ra cách giải quyết vấn đề để chúng ta có thể giao cho người khác thực hiện.”

Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe thấy những cuộc đối thoại như thế này?

“Anh đã nói…”

“Không, anh sai rồi. Tôi đã nói thế này…”

“Anh không nói như vậy, anh chưa bao giờ nói rằng tôi phải …”

“Ồ, không phải vậy, tôi đã nói rõ ràng…”

“Anh chưa bao giờ nhắc đến…”

“Nhưng đó là thỏa thuận của chúng ta…”

Hầu hết vướng mắc phát sinh trong các mối quan hệ đều do xung đột hay những kỳ vọng mơ hồ xung quanh vai trò và mục tiêu. Dù nguyên nhân có xuất phát từ thái độ và cách cư xử của bên nào thì chúng ta vẫn có thể tin chắc rằng kỳ vọng mơ hồ sẽ dẫn đến hiểu lầm, thất vọng và mất lòng tin.

Nhiều kỳ vọng có tính chất tiềm ẩn. Dù không được nêu ra hay tuyên bố một cách rõ ràng dứt khoát nhưng người ta vẫn cứ đưa chúng vào những hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, trong hôn nhân, cả chồng lẫn vợ đều có những kỳ vọng tiềm ẩn về vai trò của mình. Mặc dù những kỳ vọng này chưa bao giờ được thảo luận, hay thậm chí đôi khi còn không được bản thân họ công nhận, nhưng nếu thực hiện, họ vẫn có thể tạo ra một khoản ký gửi lớn vào tài khoản tình cảm của mối quan hệ, ngược lại, họ sẽ bị mất đi một khoản lớn.

Đó là lý do vì sao việc đặt ngay lên bàn tất cả các kỳ vọng mỗi khi bạn rơi vào một tình huống mới trở nên rất quan trọng, vì mọi người sẽ bắt đầu phán xét lẫn nhau thông qua những kỳ vọng đó. Nếu họ cảm thấy những kỳ vọng cơ bản của họ bị vi phạm, thì khoản dự trữ lòng tin sẽ không còn. Chúng ta vẫn thường tạo ra nhiều hoàn cảnh tiêu cực nhưng lại cứ nghĩ đơn giản rằng những kỳ vọng của mình là hiển nhiên, rằng chúng sẽ được người khác hiểu rõ và chia sẻ.

Việc làm rõ các kỳ vọng ngay từ đầu chính là tạo ra một khoản ký gửi lớn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư trước hết về thời gian và sức lực nhưng sẽ tiết kiệm được về sau. Khi các kỳ vọng không rõ ràng và không được chia sẻ, người ta sẽ trở nên khó xử về mặt tình cảm. Những hiểu lầm đơn giản có nguy cơ trở nên phức tạp, có thể dẫn đến những xung đột cá nhân, khiến mối quan hệ dễ bị phá vỡ.

Làm rõ các kỳ vọng đòi hỏi phải có sự thành thật. Mọi sự sẽ thuận tiện hơn nếu người ta hành động như thể những khác biệt không hề tồn tại và cùng nỗ lực giải quyết, nhằm đi đến những kỳ vọng chung mà các bên đều hài lòng.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM