GYALWANG DRUKPA XII
Thứ Bảy, ngày 13 tháng 11 năm 2010 00:00
Đôi khi có người hỏi tôi những câu rất lạ lùng, chẳng hạn như “Tại sao Ngài lại muốn tổ chức hoặc khuyến khích các đạo hữu và đệ tử của Ngài làm những việc khiến thể xác rất mệt mỏi, thí dụ như hành hương triều bái thánh địa Pad Yatra, thực hành Ngondro, làm vườn nhổ cỏ, v.v…?” Thông thường tôi chỉ mỉm cười. Tại sao con người thời hiện đại lại thường có những câu hỏi lạ kỳ như vậy? – đây chính là thắc mắc nảy sinh trong tâm trí tôi. Cách đây nhiều thế kỷ, chúng ta chẳng hề có những máy móc hiện đại khiến cho đời sống của chúng ta trở nên vô cùng thoải mái, thế nhưng sự thoải mái đó đã khiến chúng ta trở nên thế nào? Xét về khía cạnh thể chất, dường như chúng ta có vẻ được tiện nghi hơn. Mỗi khi xem lại những bức ảnh cũ kỹ chụp mọi người phải đi bộ trên những đoạn đường lầy lội hoặc đang làm những công việc nặng nhọc, chẳng hạn như phải giặt quần áo bằng tay, hái rau, v.v… chúng ta lại cảm thấy mình vô cùng may mắn. Thế nhưng liệu trong tâm chúng ta có tốt đẹp hơn không?
Tâm trí chúng ta vọng động hơn, cứ như một con thú hoang, chẳng thể nào ngồi yên một chỗ và chúng ta không thể có được sự bình yên. Mới đây tôi đã phải đặt chế độ kiểm soát đối với việc truy cập mạng lướt web hoặc xem Facebook trên núi Druk Amitabha Mountain. Những phương tiện giao tiếp hiện đại này có thể biến chúng ta thành những con nghiện dính vào những công việc vô cùng mất thời gian. Bản thân tôi cũng đã phải chấm dứt việc ngồi chăm chăm vào máy tính trong nhiều giờ đồng hồ, mà chẳng đạt được điều gì. Người ta gọi đó là thế giới “ảo” và tôi cảm thấy đây là một từ diễn tả rất chính xác thế giới của máy vi tính, bởi vì “ảo” có nghĩa là “ảo ảnh”, tức là không có thật. Cả thế giới bây giờ bị dính vào hiện tượng “ảo” này. Một số người bạn của tôi bị nghiện trồng cây “ảo”, chăm sóc thú nuôi “ảo”, sở hữu những doanh nghiệp “ảo”, v.v…, tất cả nghe thì có vẻ rất dễ thương nhưng thực sự lại có thể trở nên nguy hiểm. Người ta chẳng cần gặp nhau để giao tiếp nữa, chỉ cần ngồi vào máy tính, cầm lấy điện thoại di động và tất cả những công cụ kiểu như vậy để có thể gửi tin nhắn cho nhau, trò chuyện dông dài với những người bạn, trong số đó có cả những người có khi chưa từng gặp hoặc nói chuyện trực tiếp bao giờ. Vì thế nên có một vài người bạn của tôi còn có tới hàng ngàn những “người bạn” mà họ chẳng hề quen. Một thế giới kỳ lạ! Chúng ta phải là chủ sai khiến những máy móc đó, chứ không phải là ngược lại. Nếu chúng ta không thể tự kiểm soát bản thân và ngăn cho mình không trở nên nghiện ngập, thì chúng ta sẽ phải rất cẩn thận và tỉnh giác. Bất cứ thứ gì gây nghiện cũng đều không có lợi.
Như các bạn đã biết, thoạt đầu tôi nghĩ chỉ cần thực hiện hành hương Pad Yatra 2 năm một lần, nhưng giờ đây tất cả những “ảo ảnh” đó đang ngày một hoạt động tích cực hơn, tôi nghĩ có lẽ tốt hơn hết là nên đi một chuyến Pad Yatra lớn mỗi năm và tổ chức vài chuyến Pad Yatra nhỏ trong thời gian giữa đó. Tôi cần phải kéo chính mình ra ngoài để đi dạo xung quanh và cảm thấy có sự kết nối với thiên nhiên. Thậm chí tôi đã phải tự hứa với chính mình rằng tôi sẽ không dùng máy tính quá 2 giờ mỗi ngày. Nếu không thì chẳng mấy chốc tôi sẽ không còn thị lực nữa. Rồi tâm trí của tôi cũng sẽ lưu lạc tới tận một cảnh giới “ảo” nào đó, thật không may đó cũng chính là một dạng khác của luân hồi. Tôi định gọi đó là luân hồi “ảo”. Rồi đối với một vài người trong các bạn tôi cũng sẽ sớm trở thành “ảo ảnh”! Sẽ chẳng còn cần phải đích thân lễ lạy, bạn sẽ có thể dùng một biểu tượng hình người trên máy tính thay bạn làm việc đó. Sẽ chẳng cần phải gặp bậc thầy để đón nhận ân phúc gia trì và đón nhận giáo pháp, ngay cả việc đó cũng có thể thực hiện trên mạng “ảo”. Tôi không định nói điều đó không tốt. Đó có thể là phương tiện nhưng không nên trở thành mục đích. Chúng ta không phải là người máy, chúng ta cần phải có những sự kết nối “thực” chứ không phải “ảo” với mọi người xung quanh và với thiên nhiên, để hiểu được rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên, chính chúng ta là thiên nhiên!
Bạn cần thường xuyên kiểm điểm lại chính mình. Giây phút bước chân vào văn phòng hay giây phút bước chân vào phòng ngủ, bạn đang làm gì? Bạn có thường nói chuyện một cách bình thường tử tế với cha mẹ, vợ chồng hay bạn bè của mình không? Bạn có ra vườn hay đến công viên để hít thở khí trời và thưởng thức màu sắc của cỏ hoa, cây cối không? Hay bạn vội vàng nhảy ngay vào máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay và háo hức kiểm tra xem mình có nhận được email hay tin nhắn nào không? Hay khi bạn lái xe, bạn có thực sự lái xe trong sự tỉnh thức, hay bạn còn cầm di động và bận rộn gửi tin nhắn? Tất cả những hoạt động “ảo” này thường đưa chúng ta xa rời thực tại và xa rời tự tính của chúng ta.
Vì vậy, việc tôi đã làm cuối tuần vừa rồi là kéo toàn thể ni chúng của tôi, hàng trăm sư ni, đi bộ một chuyến Pad Yatra tới Gokarna, một trong những đỉnh núi cao nhất của Thung lũng Kathmandu. Đây không chỉ là một chuyến luyện tập đi bộ hay khởi động chuẩn bị cho chuyến hành hương Pad Yatra tới Sikkim sắp tới, mà còn là một bài tập về thiền định để kéo thân vật chất này quay trở lại gần hơn với nội tâm. Và rồi tất nhiên, trên đường đi chúng tôi cũng thu nhặt vô số rác. Có lẽ bạn nghĩ rằng trên những dãy núi cao thế chắc hẳn phải rất sạch sẽ và yên bình. Thế nhưng sự thật là con người hoàn toàn không biết trân trọng môi trường thiên nhiên, thay vì thế họ làm môi trường ô nhiễm bằng cách vứt vỏ ni-lông bừa bãi, rồi đồ ăn thừa, chai nước, chai nhựa và đủ thứ rác thải không phân hủy khác. Tôi vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy những núi rác mà chúng tôi thu lượm được. Nếu như con người không chuyển tâm và nếu như mọi người trong chúng ta không học cách phát triển nội tâm và trí tuệ của chính mình, thì chỉ một vài người chúng ta cho dù có làm vệ sinh môi trường mãi thì cũng chẳng bao giờ sạch được. Tôi nghĩ cần phải giáo dục rất nhiều kết hợp với thật nhiều hoạt động, không chỉ mình chúng ta làm mà tất cả mọi người trên thế giới phải cùng làm, như vậy chúng ta mới có thể góp phần khiến cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, xanh tươi hơn và an lạc hơn.
Bộ hành Pad Yatra cần phải được coi là một hoạt động nhập thất tích cực. Vì vậy mọi người cần ý thức được rằng họ không nên có những tư tưởng kỳ vọng nực cười khi tham gia vào bất cứ chuyến hành hương Pad Yatra nào. Tôi biết văn phòng của tôi đã phải từ chối một số người đăng ký, có rất nhiều nguyên nhân. Khi tham gia vào một đoàn hành hương, đặc biệt là một đoàn hành hương triều bái thánh địa, mỗi khách hành hương cần phải ý thức hoàn toàn về cách hành xử và động cơ của mình. Tôi biết có một số người tham gia để có thể được lân mẫn chúng tôi, mà thật không may đa số trường hợp tôi lại là mục tiêu chính. Bạn cần phải có được sự kết nối về tâm linh! Đó mới là tất cả! Tâm chí thành với Thượng sư không phải là một chủ đề tình cảm, nếu bạn có bất cứ động cơ nào tương tự thì kết quả cuối cùng sẽ là một thảm họa đối với chính bạn. Một số người không được chấp nhận vì có vấn đề về sức khỏe, một số khác lại không được chấp nhận vì tôi biết có nhiều người gặp rất nhiều khó khăn, phải đi vay mượn tiền để có thể tham gia hành hương, mà chẳng có phương cách nào để trả được nợ. Tôi không hề muốn khuyến khích những cách làm này. Rất có thể làm như vậy sẽ gây tổn hại tới sự thực hành tâm linh của bạn cũng như mối liên hệ của bạn với gia đình tâm linh. Hãy xem lại khả năng của mình và hành động cho phù hợp. Tôi cho rằng Pad Yatra không phải là cách duy nhất để bạn thực hành tâm linh.
Tôi rất hoan hỷ vì lần này trong chuyến đi dạo tới Mirik sau chương trình tại Darjeeling, tôi có được cơ hội gặp lại một người bạn thân thiết từ lâu, Ngài Khenpo Lodo Donyod. Ngài đã mời tôi tới thăm tự viện của Ngài và tôi đã nhận lời. Ngài có hàng trăm vị tăng nhỏ tuổi và trẻ tuổi đang tu trì, học đọc và hiểu chư kinh, giáo lý, đây thực sự là một điều vĩ đại mà Ngài đang thực hiện.
Tôi cũng vô cùng xúc động vì được Ngài Thuksey Rinpoche tôn quý lái xe đưa đi các nơi. Đôi lúc Ngài trợ giúp tôi như một thị giả và chăm sóc tôi vô cùng tận tình chu đáo. Đôi khi tôi cảm thấy rất thú vị. Trong đời trước, Ngài là pháp tử của hóa thân đời thứ 10 của tôi và là bậc thầy của tôi. Giờ đây, Ngài lại trở thành đệ tử của tôi. Phải nói rằng đây quả thực là mối liên hệ thú vị. Chúng tôi cùng ngồi trên một chiếc xe, cùng đi các nơi và trò chuyện vui vẻ với nhau. Các bạn nếu đã biết tôi từ lâu chắc hẳn đều biết tôi hay cần dùng đến xe hơi. Đây quả thực là một món quà lớn đối với tôi, cho dù tôi không hề trông đợi điều gì. Cho dù trong kinh có nói rằng bạn cần phải cúng dường bất cứ thứ gì thượng sự thích và bất cứ thứ gì thượng sư cần (nhưng tất nhiên, trước khi bạn xưng tán hoặc tôn xưng một ai đó là thượng sư, bạn cần phải kiểm tra và suy xét cẩn trọng xem người đó có phải là một bậc thượng sư chân chính hay không.) Tôi mong rằng mình cũng có thể làm như vậy đối với các bậc thượng sư của mình. Đa phần các bậc thượng sư của tôi đều đã rời xa, chỉ còn ba hay bốn người trong số các Ngài vẫn còn trụ thế. Mỗi lần hạnh ngộ các Ngài, tôi đều cố gắng hết sức để hoàn thành tâm nguyện của các Ngài. Bằng cách hoan hỷ thực hiện viên mãn những tâm nguyện đó tức là tôi đang thực hành tâm chí thành. Điều kỳ lạ là có một số đệ tử của tôi lại chỉ thực hiện tâm nguyện của tôi nếu như điều đó phù hợp với tâm nguyện riêng của họ.
Đã hết giờ tôi dùng máy tính rồi. Xin chào tạm biệt các bạn!