KHAI PHÓNG: ĐỂ CÓ MỘT CÁI ĐẦU SÁNG

GIẢN TƯ TRUNG

Trích: Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh; NXB. Tri Thức, tái bản 2021

Với cái đầu được khai minh, khai phóng (cái đầu “sáng”), con người sẽ có khả năng minh định được ai là ai, cái gì là cái gì, mình là ai.

Minh định (“minh” là “sáng” và định” là “phân”) có nghĩa là có khả năng  phân biệt một cách sáng suốt được “ai là ai”, có khả năng nhìn nhận được sự khác biệt giữa người này với người khác. Chẳng hạn, nếu nhìn vào giới có học thì sẽ minh định được ai là trí thức, ai là trí ngu, ai là trí dỏm, ai là trí gian và ai là trí nô; nhìn vào giới làm ăn thì sẽ minh định được ai là doanh nhân, ai là trọc phú, ai là con buôn; nhìn vào giới ca hát thì sẽ minh định được ai là nghệ sĩ và ai là thợ hát; nhìn vào báo giới thì minh định được ai là nhà văn và ai là bồi bút…

Trong những xã hội mà kim tiền lên ngôi, vàng thau đều khó phân, các thang giá trị bị đảo lộn, việc minh định được “cái gì là cái gì” (đâu là phải – trái, đúng – sai, lẽ sống – lẽ chết, chân – giả, thiện – ác, chính – tà, tốt – xấu, hay – dở, nên – không nên, đáng trọng – đáng khinh…) quả thật không dễ chút nào!

Vậy làm sao để có thể minh định được “đúng – sai”? Dựa vào đâu để mà xác định là “đúng”, dựa vào đâu để xác định là “sai”? Mỗi người có thể có một “hệ quy chiếu” (chính là tư tưởng, hệ thống quan niệm, “hệ điều hành”) riêng để dựa vào đó mà “vạch lằn ranh” cho mình. Tuy nhiên, có một hệ quy chiếu chung để minh định được đúng – sai, phải – trái, đó là, người ta thường sẽ dựa vào sự phù hợp với bốn cái “đạo” sau đây:

  • “Đạo luật” (hiến pháp của nhân dân, pháp luật của nhà nước, luật pháp quốc tế)
  • “Đạo lý” (của gia đình, của tổ chức, của địa phương, của dân tộc, của thế giới tiến bộ)
  • “Đạo thiêng” (nếu theo một tôn giáo nào đó, như đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa…)
  • “Đạo sống” (của bản thân – chính là “con người bên trong” của mình)

Nếu việc gì, điều gì phù hợp với cả bốn cái đạo này thì thường được xem là “đúng”/”tốt”, nhưng nếu chỉ cần vi phạm một trong bốn cái đạo này thường bị xem là “sai”/”xấu”. “Thường” là vậy, chứ không phải “luôn luôn”, bởi vì cũng có những trường hợp người ta không dựa vào cả bốn cái “đạo”, mà chỉ dựa vào một hay hai cái trong bốn cái “đạo” này để xác định “đúng – sai” hay để hành động mà thôi.

Câu chuyện về phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc trên xe buýt của nước Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Ở thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama của Mỹ vào năm 1955, sẽ là phạm tội hình sự nếu như một người da đen từ chối nhường chỗ cho một người da trắng khi được đề nghị. Thế nhưng, vào một ngày nọ, một phụ nữ da đen tên là Rosa Parks đã nhất quyết không nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng bước lên xe buýt và chấp nhận bị cảnh sát áp tải đi sau đó. Hành động thách thức của Rosa Parks đã làm dấy lên phong trào tẩy chay hệ thống xe buýt Montgomery và mở màn cho một phong trào rộng lớn hơn là tranh đấu nhân quyền cho người da màu tại Hoa Kỳ. Và lãnh tụ của những phong trào đó, bằng phương thức đấu tranh bất bạo động, không ai khác chính là vị mục sư vĩ đại Martin Luther King, Jr. Thông thường thì “đạo luật” sẽ đi từ “đạo lý” và hai cái này thường không mâu thuẫn nhau. Nhưng trong câu chuyện trên cho thấy, đạo luật và đạo lý (hay nói cách khác, pháp lý và đạo lý) lại không khớp nhau và thậm chí lại trái nghịch nhau, vì pháp lý đã không xuất phát từ đạo lý.

Với những người làm cách mạng, họ thường chỉ quan tâm đến đạo sống mà họ theo đuổi chứ không quan tâm đến pháp lý hay đạo lý, vì họ không công nhận cái pháp lý hay đạo lý đó và họ muốn làm cách mạng để thay đổi nó. Đó cũng là lý do vì sao mà những người cách mạng lại sẵn sàng vi phạm pháp lý và chấp nhận tù đày, thậm chí hi sinh cả tính mạng hay chấp nhận bị bôi nhọ danh dự trong xã hội để đấu tranh cho đạo lý và đạo sống tốt đẹp mà họ tin theo.

“Đạo lý” của xã hội rất đa dạng, có thể là đạo lý của làng, đạo lý của nước, đạo lý của thế giới tiến bộ, và đạo lý của các “xã hội” này có khi lại rất mâu thuẫn nhau. Vậy mình phải minh định được đâu là “đúng – sai”, “tốt – xấu” để chọn cho mình cách hành động phù hợp. Và đôi khi, “đạo sống” của bản thân cũng không trùng với “đạo lý” của xã hội, không trùng với những cái mà xã hội xem là “bình thường”. Chẳng hạn, ở một số xã hội thì việc ăn thịt chó được cho là bình thường, nhưng đối với một số người thì ăn thịt chó là hành động không thể chấp nhận được, vì chó được xem là “bạn” của con người, nên con người không thể ăn thịt “bạn” của mình được!

Ngoài ra, có những người chọn đạo lý của thế giới tiến bộ làm “đạo sống” cho mình, nhưng họ lại sống trong những xã hội mà “luân thường đạo lý” của xã hội đó lại khác xa với các chuẩn giá trị của thế giới văn minh, tiến bộ. Trong trường hợp này thì chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa “đạo lý” của xã hội và “đạo sống” của bản thân. Khi đó, chắc hẳn là người đó sẽ chọn hành động theo đạo sống của bản thân, theo lẽ sống, giá trị sống, nguyên tắc sống của chính mình.

Ngược lại, có những người sống lâu trong những xã hội mà “luân thường đạo lý” của xã hội đó lại khá xa lạ với các chuẩn giá trị của thế giới văn minh, và “đạo lý” của xã hội đó đã ngấm sâu vào mình và trở thành “đạo sống” của mình lúc nào không hay. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người đó được chuyển đến sống trong thế giới văn minh, tiến bộ? Chắc hẳn để có thể tồn tại một cách bình thường thì người đó sẽ phải khai phóng bản thân để minh định được “đúng – sai” và điều chỉnh “đạo sống” của mình.

Nhiều người thường cho rằng chỉ cần sống với “đạo sống” của mình là đủ, mà không cần phải nghĩ nhiều đến ba cái đạo kia. Thực ra, những người suy nghĩ sâu xa thường sẽ biết cách xác lập và hình thành “đạo sống” của bản thân sao cho “đạo sống” này vừa “đúng” và “tốt” với mình, vừa không trái với “đạo luật” của nhà nước, không trái “đạo lý” của xã hội (nhất là xã hội văn minh, tiến bộ), và cũng không trái với giáo lý và đức tin tôn giáo mà họ đã chọn (vì khi đó Phật hay Chúa hay Thánh cũng đã ở trong lòng họ, và giáo lý cũng là một phần hiển nhiên trong nguyên tắc sống của họ). Khi đó họ chỉ cần “sống đúng với con người của mình” là đủ.

Nếu như việc minh định được “ai là ai” và “cái gì là cái gì” như đã phân tích ở trên là điều rất khó, thì việc minh định được “mình là ai” có lẽ là điều còn khó khăn hơn nữa với bất cứ ai. Vì trong tất cả những ngộ nhận của con người thì ngộ nhận về bản thân mình là đáng sợ nhất. Ngộ nhận về sự hiểu biết của mình, ngộ nhận về tài năng của mình, ngộ nhận về văn hóa của mình, ngộ nhận về đóng góp của mình, ngộ nhận về uy tín và phẩm giá của mình… Và trong tất cả các ngộ nhận về bản thân thì có lẽ ngộ nhận về phẩm giá và ngộ nhận về sự hiểu biết của mình là nguy hại nhất. Do vậy, minh định được “mình là ai”, “đâu là mình”, hiểu biết của mình ra sao, mình giỏi cái gì và giỏi cỡ nào, mình đóng góp được gì… là một phần trọng yếu trong năng lực “khai phóng” của mỗi người.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG TỰ TRỌNG
  2. NHÂN TÍNH, QUỐC TÍNH VÀ CÁ TÍNH
  3. TA LÀ SẢN PHẨM CỦA CHÍNH MÌNH

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM