GIẢN TƯ TRUNG
Trích: Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh; NXB. Tri Thức, tái bản 2021
Năm 2009, giáo sư Robert Sapolsky là nhân vật được đại học Stanford mời phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường này. Bài phát biểu của khách mời trong lễ tốt nghiệp của đại học Stanford luôn là tâm điểm chú ý của cộng đồng đại học thế giới, nhất là giới trẻ, chứ không chỉ của riêng sinh viên trường này, vì nó thường chứa đựng những thông điệp, những tư tưởng hết sức độc đáo. Chẳng hạn năm 2005, bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp trường này với thông điệp “Hãy khát khao, hãy dấn thân!” đã làm trẻ khắp thế giới “dậy sóng”. So với Steve Jobs, giáo sư Robert Sapolsky ít nổi tiếng hơn với đại chúng, nhưng trong giới thần kinh học, ông là cái tên hàng đầu. Bài phát biểu của ông năm đó có chủ đề “Thứ riêng có của giống người” (The uniqueness of humans), và nó cũng đã khiến không ít người phải suy ngẫm.
Bài phát biểu có đoạn:
“Chúng ta là người không phải bởi vì tế bào não bộ của chúng ta khác biệt, thực ra thì cấu trúc căn bản của bộ não chúng ta cũng giống như của một con ruồi mà thôi… Chúng ta độc đáo… không phải bởi vì chúng ta là sinh vật duy nhất có sức mạnh giết chóc, kể cả là giết chóc có tổ chức. Một nhóm tinh tinh cũng có khả năng tụ lại cùng nhau, tổ chức tuần tra ở biên giới lãnh địa của chúng và nếu phát hiện thấy một con ở nhóm khác xâm nhập thì chúng sẽ giết ngay kẻ xâm nhập đó…”
Robert Sapolsky còn nói rằng, điều khiến loài người chúng ta trở nên độc đáo không phải là khả năng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (ai cho ta cái gì thì ta cho lại cái ấy), hay “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (cái gì ta không muốn thì cũng đừng làm cho người khác); vì loài vật cũng có tập quán “có qua có lại” đó. Mà con người độc đáo vì chúng ta có thể không trả đũa lại người khác ngay cả khi họ làm điều tồi tệ với mình (biết tha thứ). Con người cũng không phải là sinh vật duy nhất biết đồng cảm với đồng loại của mình. Điều độc đáo của con người, thứ riêng có của giống người là chúng ta có khả năng đồng cảm với cả những giống loài khác, biết rung cảm trước những giá trị vô hình, chẳng hạn như có thể rơi nước mắt trước một bức tranh.
Và điều quan trọng nhất khiến chúng ta là con người, là khả năng khiến những điều tưởng chừng như không thể thành những điều có thể nhất… Có một vị nữ tu nọ tên là Helen Preiean, và bà đã dành cả đời mình để xoa dịu về tinh thần cho những phạm nhân đang chờ tử hình ở một nhà tù bang Louisiana. Ở đó có những phạm nhân là những sinh vật đáng sợ nhất, đáng lên án nhất trên trái đất này, và người ta thường hỏi bà: “Tại sao sơ lại dành thời gian cho những hạng người như vậy?”. Bà thường trả lời một cách rất đơn giản rằng: “Hành động nào càng không thể tha thứ được, chúng ta lại càng phải tha thứ. Người nào càng đáng ghét, chúng ta lại càng phải tìm cách để yêu thương họ”. Câu trả lời ấy đã khiến tôi kinh ngạc vì một thứ năng lực tuyệt vời đến mức không thể tin được của giống người”.
Như vậy, bài phát biểu của giáo sư Robert Sapolsky đã nhắc đến một “năng lực làm người” quan trọng khác là năng lực khai tâm. Nói đơn giản, năng lực làm người, ngoài cái đầu khai phóng, còn cần có một trái tim “có hồn”, một trái tim biết rung lên trước cái đẹp (không chỉ là cái đẹp hữu hình, mà đặc biệt là cái đẹp vô hình, cái đẹp không nhìn thấy và không sờ thấy), một trái tim biết thổn thức trước những nỗi đau, một trái tim biết biết phẫn nộ trước cái sai cái xấu và cái ác, một trái tim tràn đầy tình thương yêu và giàu lòng trắc ẩn. Một người mà không còn xúc cảm, không còn tin vào điều gì, nhất là những điều tốt đẹp trong cuộc đời này nữa, cũng như không còn biết đau chung nỗi đau của người khác thì về cơ bản, người đó đã “chết lâm sàng”.
Albert Einstein, một nhà bác học vĩ đại, cũng là một hiền triết, từng nói: “Thế giới trở nên nguy hiểm, không phải bởi những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả”. Nói một cách cụ thể hơn, trong bất kỳ một xã hội nào những người tử tế luôn nhiều hơn những kẻ ba trợn, nhưng nếu những người tử tế chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả thì những kẻ ba trợn thiểu số đó sẽ quậy tan nát cái xã hội này. Do đó, thế giới này, xã hội này trở nên nguy hiểm chính là vì những người tử tế chỉ đứng nhìn và không làm gì cả.
Vì vậy, nếu con người chỉ sống vô hại (không làm gì xấu cho ai là được!) thì có khi vẫn chưa thực sự là “vô hại”, bởi điều đó rất gần với “vô hồn”, “vô tâm” và “vô cảm”, thậm chí cả “vô minh” nữa. Hơn thế nữa, chúng ta có thể vô tình tiếp tay cho cái ác tràn lan bởi sự vô tâm, vô cảm đó của chính mình mà không hề hay biết.
Như vậy, có thể nói một cách hình tượng rằng để có thể “làm người” đúng nghĩa, mỗi cá nhân cần có một cái đầu sáng để minh định và một trái tim nóng để rung cảm. Và tất nhiên, chúng sẽ “sáng” và “nóng” hơn khi được cất giữ trong một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng đáng tiếc là số đông loài người thường chỉ quan tâm đến việc “trang hoàng” cho sức vóc bên ngoài hay cho cái “túi vật chất” của mình mà dễ bỏ quên hai cái “túi” rất quan trọng là “túi văn hóa” (gồm hai ngăn là đầu “minh định” + tim “có hồn”) và “túi chuyên môn” (gồm hai ngăn là đầu “chuyên gia” + tim “yêu nghề”). Nếu hai “túi” này nghèo nàn, thì dù có muốn làm người, e cũng không được, vì khi thiếu năng lực làm người, con người khó mà đạt được sự thăng hoa, viên mãn trên hành trình sống và làm việc của chính mình. Thêm nữa, nếu không có hai cái “túi” này mà kiếm được nhiều tiền, nhiều quyền hay nhiều danh thì chắc chắn là bằng con đường “tà đạo”.
Có người hỏi rằng: Sao tôi thấy có khối người “đầu tối, tim nguội” mà họ vẫn cứ sống… nhơn nhơn, thậm chí là giàu có và đầy tự hào về bản thân mình đấy thôi? Đó là một thắc mắc rất phổ biến, ngay cả triết gia Socrates thời xưa cũng từng bị phản biện như vậy.
Chuyện kể rằng:
Triết gia Socrates đã tìm ra một nguyên lý tuyệt đối tối cao cho đức hạnh như sau: Ăn ở đạo đức còn hơn là phạm tội. Khi đã phạm tội thì thà bị xử còn hơn lẩn trốn.
Các ngụy biện gia phản bác lại rằng: Người ta thấy rất nhiều kẻ phạm tội vẫn sống giàu có sung sướng ngoài vòng pháp luật.
Socrates bàn: Người có bệnh được bắt trúng bệnh có sướng hơn không?
Trả lời: Có!
Socrates: Người có bệnh được uống thuốc đắng để chữa trị có tốt hơn không?
Trả lời: Có!
Socrates: Kẻ có tội cũng giống người có bệnh vậy, nó được bắt đúng tội, được trừng trị đúng tội sẽ tốt hơn. Còn bảo nó giàu, nhưng lương tâm cắn rứt làm sao mà hạnh phúc?!
Khổ một cái, nếu một người không có lương tâm, không có “con người bên trong” thì lấy gì mà cắn rứt (như dân gian vẫn thường đùa: lương tâm nó bị… rụng hết răng rồi, nên không cắn hay không rứt gì được!). Nếu một người mà “bên trong” không có “tí lòng” nào cả thì làm gì có chuyện “thẹn với lòng’’ mình. Hoặc có lương tâm, có “tí lòng” nhưng lại không minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai thì có khi làm sai cũng không biết là sai (thậm chí còn tưởng là đúng), nói chi là cắn rứt lương tâm. Nên cũng chẳng có gì là lạ khi dù có gây họa cho mình và cho người thì có khi những người này vẫn bình thường, thậm chí có khi còn vui vẻ, thoải mái hay tự hào nữa.
Cuộc sống luôn tồn tại những mâu thuẫn và giằng xé lạ lùng như vậy. Chính vì vậy mà nó đòi hỏi con người phải thường xuyên dùng đến cái đầu khai phóng, trái tim có hồn, phải dùng đến cái đầu sáng và trái tim nóng, cũng như phẩm chất tự tin của mình để giải quyết những vấn đề của mình, mà không hẳn là lúc nào cũng giải quyết được. Nhưng đó chính là công việc của “nghề làm người”, bởi như Pascal từng nói: “Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ”. Chính khả năng minh định và trái tim rung cảm là thứ làm nên sức mạnh thượng đẳng của con người, của giống người, là thứ mà nếu không có nó thì con người sẽ chẳng khác gì so với những loài sinh vật khác.