KHAO KHÁT SỰ ĐỒNG NHẤT – TỰ TRUYỆN GANDHI

MAHATMA GANDHI

Trích: Tự truyện Gandhi; Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải; NXB. Hồng Đức; Công ty TNHH Văn hóa Khai Tâm, 2018

Mahatma Gandhi (1869 – 1948) tên thật là MOHANDAS KARAMCHAND GANDHIchào đời vào sáng ngày 2 tháng 10 năm 1869 trong một căn nhà nhỏ tại Porbandar thuộc vùng Kathiawad – một vùng biển phía Tây Ấn Độ – thuộc Bombay. Thân phụ Mohandas Karamchand Gandhi tên Karamchand Gandhi, thân mẫu là bà Putlibai, gia đình Gandhi thuộc giai cấp thương gia (Vaishya, đẳng cấp thứ 3 theo đạo Hindu).

Ông được nhân dân Ấn Độ tôn vinh là Cha già của dân tộc. Toàn bộ cuộc đời ông dành để thực hành một đời sống Phạm hạnh, đề cao tinh thần bất bạo động (Ahimsa) và những hoạt động vì lợi ích của toàn bộ người dân Ấn Độ, không phân biệt họ xuất thân từ tầng lớp giai cấp nào. Bằng niềm tin, nỗ lực và sự kiên trì không mệt mỏi cho lý tưởng phụng sự mà ông đã phát nguyện và dấn thân đã góp phần dẫn đến sự kiện Ấn Độ được chính phủ Anh trao trả độc lập vào ngày 15/08/1947, Mohandas K. Gandhi đã được ông Mountbatten – Phó quốc trưởng Ấn Độ – tôn vinh là “Kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà tự do Ấn Độ thông qua những viên gạch bất bạo động” (the architech of India’s freedom through non-violence).

Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm Tự truyện Gandhi kể về khoảng thời gian Mahatma Gandhi đang vận động và hướng dẫn những người nông dân trong cuộc tranh đấu bất bạo động xin miễn thuế lợi tức do bởi nạn mất mùa, đói kém ở Kheda.

Cuộc đấu tranh ở Kheda được phát động trong khi chiến tranh ở Âu châu đang tiếp diễn. Bấy giờ một cuộc khủng hoảng bắt đầu, và vị Phó vương đã mời nhiều lãnh tụ dự một Hội nghị chiến tranh họp ở Dehli. Tôi cũng được mời tham dự. Tôi đã nói trước đây về những mối thân thiện giữa Lord Chelmsford, vị Phó vương và tôi.

Thể theo lời mời tôi đến Dehli. Tuy nhiên, tôi đưa ra nhiều lẽ để từ chối việc tham dự vào Hội nghị, mà lẽ chính là những lãnh tụ như những huynh đệ(1) Hồi giáo Ali đã không được mời. Lúc đó họ đang ở tù. Tôi chỉ gặp họ một vài lần nhưng đã nghe nói nhiều về họ. Mọi người đều ca tụng tinh thần phục vụ và lòng Hakim Saheb, nhưng Rudra và Dinabandhu Andrews đã ca tụng ông ta rất nhiều với tôi. Tôi đã gặp ông Shuaib Qureshi và ông Khwaja tại Hội Hồi giáo ở Calcutta. Tôi cũng đã liên lạc với các bác sĩ Ansari và Abdur Rahman. Tôi đang tìm cách kết thân với những người Hồi giáo tốt, và mong mỏi tìm hiểu tâm hồn người Hồi giáo qua sự tiếp xúc với những đại điện trong sạch nhất và có lòng ái quốc nhất của họ. Bởi thế, tôi không bao giờ đợi phải năn nỉ mới đi với họ bất cứ đâu để gần gũi họ hơn.

Ở Nam Phi tôi đã sớm nhận ra rằng những người Ấn giáo và Hồi giáo không bao giờ có tình bạn chân thật. Tôi không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để dẹp tan những chướng ngại cản đường đưa đến sự thống nhất. Bản tính tôi không thể nào làm vừa lòng ai bằng cách nịnh hót, hoặc phải làm mất lòng tự trọng của mình. Nhưng những kinh nghiệm của tôi ở Nam Phi đã làm cho tôi tin chắc rằng chính vì vấn đề thống nhất Ấn – Hồi mà thuyết Bất hại của tôi bị thử thách cam go nhất, và vấn đề này đã đem lại môi trường rộng lớn nhất cho những cuộc thí nghiệm của tôi về Bất hại. Ngày nay tôi vẫn còn tin như thế. Vào mọi lúc trong đời, tôi luôn luôn nhận thấy rằng Thượng đế đang thử thách tôi.

Đã có những niềm xác tín mãnh liệt khi từ Nam Phi trở về, tôi tìm cách liên lạc với những huynh đệ. Nhưng trước khi chúng tôi có thể thiết lập mối liên lạc mật thiết, họ đã bị biệt giam. Maulana Mahomed Ali thường viết những bức thư dài cho tôi từ Betul và Chhindwada khi nào những người giữ tù cho phép. Tôi xin được viếng thăm những huynh đệ nhưng vô hiệu.

Ssau khi những huynh đệ Ali bị tù, tôi được những người bạn Hồi giáo mời dự một phiên họp của Hồi giáo ở Calcutta. Khi được yêu cầu phát biểu, tôi nói với họ về bổn phận của những người Hồi giáo là phải tìm cách can thiệp cho những huynh đệ mình được phóng thích. Ít lâu sau đó, những người bạn này đưa tôi đến viếng trường Đại học Hồi giáo ở Aligarh. Ở đấy tôi mời những thanh niên đi tu để phụng sự đất mẹ.

Sau đó, tôi bắt đầu trao đổi thư từ với chính quyền để xin cho các huynh đệ Hồi giáo được phóng thích. Về phương diện này tôi nghiên cứu những quan điểm của những huynh đệ về hoạt động của họ trong vấn đề Khilafat(2). Tôi đã thảo luận với những người bạn Hồi giáo và cảm thấy rằng nếu muốn trở thành một người bạn đích thực của họ, thì tôi phải cố hết sức mình để giúp đỡ họ trong việc xin phóng thích những huynh đệ, và tìm một lối dàn xếp thỏa đáng cho vấn đề Khilafat. Tôi không có thẩm quyền đi sâu vào những giá trị tuyệt đối của vấn đề, miễn sao những yêu sách của họ không có gì trái đạo đức. Trong địa hạt tôn giáo, những tín ngưỡng đều khác nhau và tín ngưỡng của một người đối với họ là tối thượng. Nếu tất cả mọi người đều cùng có một niềm tin đối với mọi vấn đề của tôn giáo, thì sẽ chỉ có một tôn giáo duy nhất trong hoàn cầu. Dần dà tôi nhận thấy yêu sách của Hồi giáo về Khilafat không những không tương phản với một nguyên tắc đạo đức nào, mà chính vị Thủ tướng Anh cũng công nhận sự chính đáng của yêu sách Hồi giáo. Bởi thế tôi cảm thấy cần cố giúp đỡ họ để thực thi lời hứa của vị Thủ tướng Anh. Lời hứa này đã có những mệnh đề khá minh bạch, nên tôi chỉ cần cứu xét giá trị của yêu sách Hồi giáo để lương tâm được an ổn mà thôi.

Những bạn hữu và những người phê bình đã chỉ trích thái độ của tôi trong vấn đề Khilafat. Mặc dù bị chỉ trích, tôi vẫn cảm thấy tôi không có lý do gì xét lại vấn đề hay hối tiếc về sự cộng tác của tôi với những người Hồi giáo. Tôi sẽ giữ một thái độ tương tự nếu có một trường hợp tương tự xảy ra.

Chú thích

  1. Huynh đệ: theo nghĩa là đạo hữu, bạn đồng đạo (nguyên văn: Brothers).
  2. Phong trào Khilafat (1915 – 1923): Phong trào của người Hồi giáo Ấn Độ phản đối việc chính phủ Anh bãi bỏ thể chế Khilafat ở Đế quốc Ottoman cũng như áp dụng những chính sách trừng phạt nhục nhã đối với quốc gia này sau Thế chiến thứ nhất. (BT)

Bình luận

Nguyễn Thủy viết:

Xin cảm ơn tác giả đã đăng các bài viết. Tôi rất muốn được đọc hết toàn bộ tác phẩm Tự truyện Gandhi. Rất mong tác giả đưa các phần còn lại của cuốn tự truyện này để mọi người cùng được đọc. Xin chân thành cảm ơn


Bài viết liên quan

  1. CUỘC THỬ THÁCH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  2. THÁNH GANDHI – CON NGƯỜI VĨ ĐẠI
  3. NHỮNG TRIẾT LÝ SỐNG BẤT HỦ CỦA MAHATMA GANDHI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH RỤT RÈ: ÁO GIÁP CỦA TÔI 
  2. CUỘC THỬ THÁCH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. NHỮNG CON SÂU TRONG NỒI CANH – TỰ TRUYỆN GANDHI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP