KHOA HỌC ĐÃ LÀM GÌ CHO CHÚNG TA?

SWAMI SIVANANDA

Trích: Phúc Lạc Thánh Thiện; Nguyên tác tiếng Anh: Bliss Divine; Dịch giả: Swami Sitaramananda; Việt dịch và phát hành bởi TT. Sivananda Yoga Vedanta VN; NXB. Tôn Giáo, 2020

Những tiến bộ khoa học có thực sự làm chúng ta hạnh phúc không? Đó là câu hỏi thường được hỏi hiện nay. Khoa học đã làm được gì cho chúng ta?

Giờ đây khoa học có thể vượt giới hạn của thời gian và không gian. Bạn có thể đi từ Ấn Độ tới Luân Đôn chỉ trong vòng ba mươi sáu tiếng đồng hồ. Đó quả thực là điều tuyệt diệu! Trái đất giờ đây trở nên rất, rất nhỏ bé. Nhưng khoa học có thực sự góp phần đem lại hạnh phúc cho loài người không? Câu trả lời rõ ràng là không. Nó nhân lên những ham muốn và sự xa hoa. Sự xa hoa của ngày hôm nay trở thành một điều tất yếu của ngày mai. Khoa học đã biến con người trở thành một kẻ ăn mày.

Khoa học phát minh ra rất nhiều thứ phi thường. Các nhà khoa học nỗ lực không kể ngày đêm trong phòng thí nghiệm để phát minh ra nhiều thứ hơn nữa. Nhưng khoa học làm cho cuộc sống này trở nên phức tạp, và làm cho sự đấu tranh trong cuộc đời càng mãnh liệt hơn. Nó làm tăng lên sự bồn chồn của tâm trí. Nó không góp phần đem lại sự bình an cho con người. Tất cả mọi người đều thừa nhận thực tế này.

Khoa học đã có một sự tiến bộ vượt bậc trong thế kỷ hai mươi. Bom nguyên tử có thể tàn phá cả một vùng rộng lớn chỉ trong chớp mắt. Tất cả các phát minh như đài phát thanh, điện thoại, sự cảm từ xa, tivi, máy bay không người lái, mìn, xe tăng, đài bỏ túi, bom trong chiếc bút máy hay một điếu thuốc, cung điện dưới lòng đất, đường hầm, bom hạt nhân, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, súng phòng không, bom hơi độc, thủy lôi, tàu ngầm đều đáng kinh ngạc. Nhưng các nhà khoa học không thể cải thiện được tình trạng đạo đức của con người. Họ không thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp, nghèo nàn, chiến tranh, nạn đói, tình trạng chia rẽ giữa các cộng đồng, giữa các quốc gia và chính phủ.

Khoa học phân tích con người. Khoa học cho rằng con người là một sinh vật được tạo bởi rất nhiều các chất vật lý và hóa học. Tuy nhiên không một nhà khoa học nào có thể tập hợp những yếu tố hóa học này của cơ thể con người và tạo ra một sinh vật thuần nhất mà có thể sống, nói năng và hành động như con người.

Nhà khoa học bắn phá các nguyên tử, theo dõi sự chuyển động của các điện tử trong phòng thí nghiệm, dành cả đời để tìm hiểu về thiên nhiên và bí mật của vật chất và năng lượng, phát minh ra nhiều thứ, tìm hiểu về quy luật của tự nhiên, nhưng anh ta vẫn không thể nhận thức thấu đáo về điều bí ẩn của tạo hóa, của Đấng Sáng Tạo và ý nghĩa của cuộc sống.

KHOA HỌC CÓ NHƯỢC ĐIỂM

Các nhà khoa học vô cùng bận rộn trong việc nghiên cứu thế giới bên ngoài. Họ hoàn toàn quên mất việc tìm hiểu về thế giới bên trong. Khoa học chỉ có thể cho bạn kiến thức về vẻ bề ngoài mà bạn có thể nhận thức bằng giác quan chứ không thể cho bạn tri thức về Thực Tại đằng sau chúng. Khoa học không thể trả lời câu hỏi cơ bản: Chất liệu cơ bản nào tạo ra thế giới? Tôi là ai? Chân Lý cuối cùng là gì?

Khoa học nói rằng mục đích cuối cùng của mọi thứ là không biết được, không thể nhận biết được. Nhưng Vedanta dạy rằng mục đích cuối cùng là Brahman hay Đấng Vô Hạn và Ngài có thể được nhận ra bằng cách lắng nghe, suy ngẫm và thiền định.

Kiến thức của nhà khoa học thì hữu hạn và thiển cận. Nó không phải là kiến thức thực sự của Chân Lý. Các nhà khoa học mải mê vào hiện tượng nhất thời. Kiến thức của họ dựa vào các công cụ máy móc bên ngoài, kính hiển vi, v.v. Những học thuyết cũ được thay thế bởi học thuyết mới. Kiến thức của họ không giống như kiến thức đúng đắn và không thể sai lầm về Bản Ngã của các nhà hiền triết và các Yogi.

VẬT CHẤT VÀ TÂM LINH

Khoa học có giới hạn của nó. Khoa học không có một công cụ nào có thể thu thập những trữ liệu về cuộc sống siêu cảm giác hay đời sống tâm linh hoặc những nhân tố siêu phàm tồn tại trong hình thái vi tế mà chúng ta không thể nhìn thấy. Trải nghiệm thực sự bao gồm trải nghiệm của ba trạng thái, cụ thể là thức, mơ và ngủ sâu. Người theo Vedanta nghiên cứu ba trạng thái ý thức này. Anh ta thu được những hiểu biết thực sự từ trạng thái ngủ sâu. Anh ta có một tư tưởng về sự tồn tại của trạng thái thứ tư hay trạng thái Turiya từ trạng thái ngủ sâu.

Linh hồn vượt ngoài giới hạn của lĩnh vực khoa học vật lý. Linh hồn vượt ngoài tầm với của khoa học vật liệu. Con người là một linh hồn khoác lên mình cơ thể vật chất, Linh hồn cực kỳ tinh tế. Nó tinh tế hơn cả thinh không, tâm trí và năng lượng. Ý thức và trí óc thuộc về linh hồn chứ không thuộc về cơ thể vật chất. Ý thức là bằng chứng cho sự tồn tại của linh hồn. Linh hồn là phần bất tử của con người.

Khoa học là việc nghiên cứu có hệ thống các sự việc. Khoa học cố gắng rút giảm những điều quan sát được vào trong một hệ thống. Nếu điều nào được cho là có lý bởi khoa học thì nó phải được nhận biết bằng các giác quan. Nhưng tri giác là kiến thức sai lầm. Trực giác mới là kiến thức đúng đắn. Kiến thức trực giác là kiến thức cao siêu nhất. Nó là kiến thức bất diệt, vô tận về Chân Lý.

Một nhà khoa học là một người hướng ngoại. Anh ta bắn phá các nguyên tử. Anh ta không thể tìm thấy Ý Thức Thanh Khiết ở đó. Anh ta sẽ phải thu các giác quan lại và dựa vào chính Bản Ngã Nội Tại của mình. Anh ta phải lặn sâu vào đại dương của Ý Thức về Brahman.

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO

Khoa học không phải là kẻ thù của tôn giáo, mà là một bước chuẩn bị cho tôn giáo.

Khoa học là kẻ thù của sự mê tín dị đoan. Cả khoa học và tôn giáo đều trên đường tìm ra Chân Lý. Quan điểm của chúng về bản chất là giống nhau, nhưng lĩnh vực ứng dụng thì khác nhau. Raja Yoga là một ngành khoa học chính xác. Các phương pháp của nó rất có tính khoa học. Một nhà khoa học là một Raja Yogi bên ngoài. Các vị Rishi Hindu, các nhà tiên tri và nhà hiền triết đã nhận ra mối quan hệ hòa hợp giữa khoa học và tôn giáo. Sự tách biệt khoa học ra khỏi tôn giáo là lý do có sự lẫn lộn và sự mâu thuẫn. Khoa học là tôn giáo khi được ứng dụng để tìm ra Chân Lý trong những khách thể bên ngoài đến từ tự nhiên hữu hạn. Tôn giáo là khoa học khi được áp dụng để tìm ra Sự Vô Hạn, Bhuma, Chủ Thể – Chân Lý mà nằm bên dưới tất cả các đối tượng.

Khoa học giải thích rằng điều chính và quan trọng là năng lượng. Tôn giáo giải thích rằng điều chính là Bản Ngã, “Atman”. Khoa học phân tích, phân loại và giải thích hiện tượng. Nhưng Brahma-Vidya (kiến thức về Brahma) dạy bạn vượt lên trên những hiện tượng và đạt được sự bất tử.

Thực ra, con đường khoa học và con đường tôn giáo để tìm ra Chân Lý bố sung cho nhau chứ không mâu thuẫn lẫn nhau. Tôn giáo và khoa học giống như hai anh em sinh đôi vậy. Chúng giúp đỡ lẫn nhau, hài hòa với nhau để tìm ra Chân Lý và sống cuộc đời dựa trên Chân Lý ở đây.

Khoa học làm việc dựa trên những cơ sở lập luận, còn tôn giáo thì dựa trên các giá trị. Nơi khoa học kết thúc là nơi tôn giáo bắt đầu. Sự theo dõi và khám phá sát sao của khoa học mang con người lại gần hơn với Đấng Tối Cao. Ai là người mang lại sức mạnh cho các điện tử? Bản chất của những điện tử này là gì? Sức mạnh nào có thể kết hợp bốn nguyên tử Nitơ với một nguyên tử Oxy? Ai làm ra các quy luật của tự nhiên? Tự nhiên thì mù quáng. Vậy trí thông trinh nào đem sự sống cho thiên nhiên? Nếu chỉ nghiên cứu về vật chất năng lượng và quy luật vật lý, nếu chỉ tìm hiểu về tăng lượng tâm trí và quy luật tâm trí thì chúng ta không thể trở nên hoàn hảo. Chúng ta nên có kiến thức trọn vẹn và sụ nhận thức rõ về cái nền tảng nằm ẩn sau những tên gọi và hình dáng và tất cả những hiện tượng vật chất và tinh thần. Chỉ có vậy chúng ta mới có thể trở thành một bậc thầy hoàn hảo hoặc người tinh thông hay Arhata hay Buddha.

Tâm trí và trí tuệ là những công cụ hữu hạn. Chúng không thể nhận ra Thực Tại vô hạn, nhưng chúng là những phương tiện. Khi trí tuệ trải qua nhiều giai đoạn của sự lý luận và khi nó trở nên thanh khiết thì lúc đó Chân Lý trở nên rõ ràng. Tôn giáo thực sự bắt đầu khi trí tuệ kết thúc.

Đừng nghĩ rằng tôn giáo là giáo điều cứng nhắc, thuộc thế giới bên kia, rằng tôn giáo chỉ là truyền thống của những người tin tưởng mù quáng hay những người không có lý trí. Tôn giáo là khoa học có lý trí nhất. Đó là khoa học về đời sống, khoa học về con người đúng như bản chất thực thụ của mình, chứ không phải chỉ là cái mà con người tự cho là mình. Nền tảng cho tất cả khoa học đời thường là Brahma-vidya hay khoa học tâm linh. Brahma-vidya đứng đầu trong tất cả các ngành khoa học vì nhờ nó ta đạt được sự bất tử. Những trải nghiệm trần tục chỉ là một phần, còn những trải nghiệm tâm linh là trải nghiệm toàn diện. Nếu bạn biết khoa học cao nhất là Brahma-vidya thông qua trực giác trực tiếp thì bạn sẽ có kiến thức về tất cả các ngành khoa học vật chất khác; giống như bạn sẽ có kiến thức về tất cả đồ vật làm bằng đất sét vì bạn có kiến thức về thứ đất sét ấy. Bạn không thể học Khoa Học của các khoa học này ở bất kỳ trường đại học nào. Bạn phải học hỏi nó từ một vị Guru đã giác ngộ Bản Ngã, sau khi bạn tự kiểm soát giác quan và tâm trí của mình.

Ta không nên hoàn toàn phớt lờ vật chất, nhưng vật chất nên phụ thuộc vào tâm linh. Khoa học nên phụ thuộc vào Brahma-vidya. Khoa học không phải là căn nguyên hay sự kết thúc của tất cả mọi thứ. Nếu bạn kết thúc cuộc đời mình trong phòng thí nghiệm thì bạn không thể tận hưởng niềm phúc lạc bất diệt của Linh Hồn được. Bạn không thể đạt được sự bất tử và sự hoàn hảo. Bạn không thể đạt tới kiến thức tối thượng mà có thể giúp bạn thoát khỏi vòng luân hồi. Khoa học không thể cứu rỗi linh hồn bạn.

Hãy tìm kiếm bên trong. Đừng đứng như một kẻ ăn xin trước cánh cửa của sức mạnh khoa học mà có khả năng sẽ giết bạn nhiều hơn là chữa lành. Đừng để cho các nhà khoa học chi phối mình. Họ không thể giải thích điều gì cả. Khoa học không biết gì về nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của suy nghĩ, nguồn gốc và số phận của bản tánh con người và của vũ trụ. Có rất nhiều câu hỏi mà chỉ có tôn giáo mới đưa ra được lời giải, chứ không phải khoa học.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỨC PHẬT LÀ BẬC THẦY CÁC NHÀ KHOA HỌC
  2. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. HÔM QUA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
  2. CÁCH SỬ DỤNG THỜI GIAN
  3. CUỘC SỐNG LÀ QUÀ TẶNG LỚN NHẤT CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. MƯU MÔ CỦA CÁI THIỆN
  2. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  3. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ