SHUNRYU SUZUKI
Shunryu Suzuki (1904-1971) là một thiền sư phái Tào Động, người lập Tu Viện Phật giáo đầu tiên ngoài châu Á (Trung tâm Núi Thiền Tassajara). Ông lập trung tâm Thiền San Francisco (năm 1966), và nhiều tổ chức Thiền có ảnh hưởng tại Hoa Kỳ. Tác phẩm nổi tiếng: Thiền Tâm, Sơ Tâm (Zen Mind, Beginner’s Mind) in 1970.
——-???——-
? “Khi tu Thiền, bạn hòa mình cùng Thiền. Khi ấy không còn “bạn” và không còn “zazen” (tọa thiền). Khi bạn quỳ lạy, khi ấy không còn Đức Phật và không còn “bạn”. Bạn quỳ lạy, chỉ thế thôi. Đây chính là cõi Chân Như.”
Khi chúng ta tu zazen (tọa thiền), tâm hồn chúng ta tĩnh lặng và mộc mạc. Nhưng thường thì tâm hồn chúng ta rất bận rộn và phức tạp, và chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung vào những gì mình đang làm. Sở dĩ như thế là vì chúng ta thường suy nghĩ trước khi hành động, và sự suy nghĩ này để lại một số vết hằn nhất định. Hoạt động của chúng ta bị che khuất bởi một số ý tưởng nào đó. Suy nghĩ của chúng ta không những để lại vết hằn mà còn khiến chúng ta có nhiều ý niệm khác về các hoạt động khác. Các vết hằn và ý niệm này khiến tâm hồn trở nên phức tạp. Khi chúng ta làm một việc gì đó với một tâm hồn giản dị và trong sáng, chúng ta không mang theo bất kỳ ý niệm nào hoặc bất kỳ chiếc bóng nào, khi ấy, hoạt động của chúng ta trở nên mạnh mẽ và minh bạch. Nhưng khi chúng ta làm một việc gì đó với một tâm hồn phức tạp, trong mối quan hệ với người khác, việc khác, hoặc với xã hội, khi ấy, hoạt động của chúng ta trở nên rối bời.
Chúng ta thường nghĩ rằng những gì mình đã làm là những việc tốt, nhưng thực ra có thể hoàn toàn không tốt như bạn nghĩ. Khi về già, chúng ta thường tự hào về những gì mình đã làm. Khi những người khác lắng nghe một ai đó kể về những việc anh ta đã làm với ánh mắt tự hào, họ cảm thấy buồn cười vì họ biết rằng sự hồi tưởng của anh ta chỉ là phiến diện. Họ biết rằng những gì anh ta kể với họ không hoàn toàn đúng với những gì anh ta đã làm. Hơn nữa, nếu anh ta tự hào về những gì mình đã làm, chính sự tự hào đó sẽ đem lại rắc rối cho anh ta. Việc lặp đi lặp lại sự hồi tưởng phiến diện sẽ khiến tâm hồn anh ta bị méo mó, mãi đến khi anh ta trở thành một người gàn dở và bướng bỉnh. Đây là một ví dụ về vết hằn của suy nghĩ. Dĩ nhiên chúng ta cần nhớ những gì mình đã làm, nhưng chúng ta không nên bám chặt lấy chúng với niềm tự hào ở một chừng mực nào đó.
Nếu bạn tu zazen (tọa thiền), dù chỉ trong khoảnh khắc, thì đó chính là zazen (tọa thiền). Khi thực hành bạn cần toàn tâm toàn ý hiến mình cho bài thực tập. bạn không nên mang theo bất kỳ ý nghĩ nào vè bài luyện tập của ngày hôm qua. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn lãng quên nó. Nếu bạn hiểu vấn đề này, mọi suy nghĩ đối ngẫu và mọi rắc rối trong cuộc sống sẽ tự dưng biến mất.
Khi tu Thiền, bạn hòa mình cùng Thiền. Khi ấy không còn “bạn” và không còn “zazen”(tọa thiền). Khi bạn quỳ lạy, khi ấy không còn Đức Phật và không còn “bạn”. Bạn quỳ lạy, chỉ thế thôi. Đây chính là cõi Chân Như.
Trích: “Thiền – Khai Sáng Trí Năng Xả Bỏ Ưu Phiền”
Tác giả: Shunryu Suzuki
Dịch và Hiệu đính: Lê Tuyền – Lê Gia (hiệu đính)
NXB: Thời Đại
Ảnh: Thiền sư Shunryu Suzuki