HARVEY DEUTSCHENDORF
“Hy vọng, rõ ràng không giống với lạc quan. Đó không phải sự đoán chắc chuyện gì đó sẽ trở nên tốt đẹp, nhưng chắc chắn là sẽ có điều gì đó có ý nghĩa, cho dù kết quả thế nào đi chăng nữa”.
– VACLAV HAVEL, CỰU TỔNG THỐNG CỘNG HÒA SÉC –
Lạc quan là khả năng nhìn ra hy vọng và giữ tinh thần tích cực trong mọi tình huống và thời điểm, cho dù hiện tại có thể ảm đạm đến đâu. Khi mọi chuyện tốt đẹp, thật dễ dàng để có thể vui vẻ và có tâm trạng tốt. Tuy nhiên, thành công đòi hỏi chúng ta phải có thể nhìn ra hy vọng và cơ hội ngay cả sau những thất bại lớn. Một trong những tính cách chung của tất cả những người thành đạt là khả năng bật dậy sau thất bại. Có thể bạn đã nghe những câu chuyện nổi tiếng về những người thành đạt và sự đấu tranh của họ để vượt qua nghịch cảnh. Tất cả các diễn giả đều kể những câu chuyện như thế về họ.
“Cái không giết chết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh hơn.”
– FRIEDRICH NIETZSCHE, NHÀ TRIẾT HỌC ĐỨC THẾ KỶ 19 –
Thất bại là bước cần thiết trên con đường tới thành công. Tôi có đọc một bài báo về những triệu phú tự lực trẻ tuổi, tất cả họ đều chưa đến 40 tuổi, đã tạo ra sự nghiệp kinh doanh thành đạt. Người ta thấy rằng, trung bình, họ đã phải thất bại với khoảng 17-18 công ty trước khi tìm được công ty giúp họ thành công. Điều này nghe rất giống cách tôi hẹn hò trước đây. Rõ ràng là những triệu phú tự lực này phải rất lạc quan.
Lạc quan khi mọi chuyện tốt đẹp thật quá dễ dàng. Nhưng để duy trì cảm giác lạc quan dù đang phải trải qua những bi kịch tồi tệ nhất thì sao? Robin Sharma nói rằng, nếu chúng ta trốn tránh nỗi đau thì có thể chúng ta đang trốn tránh cả tiềm năng phát triển cá nhân, thường đi cùng những khó khăn trong cuộc sống. Chính trong thời điểm thử thách này, chúng ta thường tìm thấy những bài học khiến chúng ta có thể vươn lên tới một cấp độ mới. Cuộc đấu tranh khó khăn nhất buộc chúng ta phải đẩy lùi sức ỳ, và tìm ra những nguồn lực và thế mạnh mà trước đó ta chưa từng biết đến. Rất nhiều cuốn sách vĩ đại và các bản nhạc tuyệt vời, ra đời khi tác giả đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn của cuộc sống. Cho dù lúc đó có thể chúng ta không nhận ra, nhưng luôn tiềm ẩn bên trong một món quà nào đó chúng ta sẽ tìm ra khi chúng ta thật sự cố gắng. Tôi đã tìm thấy món quà đó khi bị thất nghiệp một vài năm trước đây. Cảm thấy bực bội và dễ bị tổn thương, tôi dồn toàn bộ sức lực vào việc viết, điều trước đây tôi luôn khao khát muốn làm nhưng chưa thật sự nghiêm túc theo đuổi. Tới thời điểm đó, tôi vẫn chưa tìm thấy điều gì khiến tôi có đủ xúc cảm để thấy cần được nói ra. Phải đấu tranh với khoảng thời gian thất nghiệp khiến tôi có đủ động lực cần thiết để nghiêm túc bắt tay vào việc viết, và nó đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi hoàn thành cuốn sách và tìm được một nhà xuất bản. Điều này đem lại cho tôi sự thỏa mãn vô cùng và lần đầu tiên tôi nhận ra tiềm năng thật sự của mình. Một kinh nghiệm đau thương buộc tôi phải khám phá và phát triển lòng can đảm, sự kiên trì, trí tưởng tượng và sự chủ động.
Tinh thần Lạc quan hoạt động như thế nào
Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về đề tài lạc quan. Mặc dù hầu hết chúng ta đều thấy rằng, những người lạc quan thường thành đạt hơn, nhưng có thể chúng ta không nhận ra rằng, họ cũng thường sống lâu hơn và có cuộc sống lành mạnh hơn.
Trong cuốn sách Learned Optimism (Tạm dịch: Học cách lạc quan), Martin Seligman trình bày rất nhiều nghiên cứu về sự khác biệt giữa những người lạc quan và những người bi quan. Điều gì khiến một số người tiếp tục tiến lên sau hàng loạt thất bại, trong khi những người khác từ bỏ chỉ sau dấu hiệu khó khăn đầu tiên? Điều tự nhiên là mọi người có tâm trạng đi xuống khi gặp phải những thất bại lớn. Tuy nhiên, những người lạc quan không cảm thấy buồn mãi. Họ nhanh chóng nhìn nhận tình huống và xem xét những cách họ có thể thay đổi kết quả cho lần sau.
Những gì chúng ta tự nói với mình
Theo Seligman, cách mọi người tự giải thích các sự kiện và tình huống với bản thân mình xác định họ có phải là những người tích cực hay không. Những người nhìn vào mặt tốt của vấn đề thường nhìn nhận thất bại chỉ là tạm thời thay vì coi nó là vĩnh viễn. Trong khi không giũ bỏ trách nhiệm đối với những thất bại, họ thường nhìn vào bức tranh rộng hơn và nhìn ra nhiều lý do vì sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy. Với họ, lâm vào một tình huống tồi tệ hay một lỗi lầm không có nghĩa họ là kẻ khiếm khuyết, vô giá trị và sẽ chẳng đi được đến đâu trong cuộc sống này. Nếu họ thật sự nhìn nhận rằng, sơ suất của họ dẫn đến tình huống hoặc sự kiện tiêu cực đó thì họ sẽ tìm cách thay đổi hành vi trong tương lai.
Tính linh hoạt
Linh hoạt là một phần rất quan trọng trong việc trở thành một người lạc quan. Càng có khả năng thích nghi và thoải mái trước sự thay đổi, chúng ta càng có thể kiểm soát môi trường xung quanh mình. Người linh hoạt biết nhiều cách nhìn nhận tình huống và giải quyết vấn đề khác nhau. Biết được điều này, người lạc quan nhìn nhận tương lai theo hướng tích cực. Linh hoạt cho phép họ kiểm soát môi trường tốt hơn và định hình tương lai theo cách tốt nhất có thể. Những người kém linh hoạt nhìn thấy ít sự lựa chọn và thường coi mình là nạn nhân của hoàn cảnh và môi trường. Trong khi nhìn nhận các sự kiện và tình huống tiêu cực chỉ là tạm thời, những người lạc quan coi khả năng học hỏi, thay đổi, phát triển, và thích nghi là vĩnh cửu và là một phần con người họ.
Thực tế
Lạc quan cũng có nghĩa là có một nền tảng vững chắc vào thực tế. Thử nghiệm điều có ít cơ hội thành công và nhiều nguy cơ đem lại kết quả xấu không phải là lạc quan; đó là sự liều lĩnh điên rồ. Ví dụ như một người không có kế hoạch cho quãng thời gian nghỉ hưu vì anh ta tin rằng mình sẽ trúng xổ số. Điều này rất ngu ngốc, không chỉ vì cơ hội trúng xổ số rất ít mà còn vì niềm tin đó sẽ ngăn không cho anh ta thực hiện những hành động cụ thể cần thiết để đảm bảo thời gian nghỉ hưu tốt đẹp.
Thừa nhận thành công
Những người tiêu cực, coi các sự kiện tích cực là do may mắn hoặc kết quả của các tác động bên ngoài và bản thân họ không có khả năng kiểm soát các tác động đó. Hiếm khi họ nhận ra giá trị của những đóng góp của bản thân. Mặc dù một người lạc quan nhận trách nhiệm cho một thất bại nhưng họ cũng thừa nhận công lao của mình khi mọi chuyện tốt đẹp. Điều này không có nghĩa là những người lạc quan là những kẻ khoe khoang khoác lác, tự cho mình cái gì cũng biết, chỉ loanh quanh bảo mọi người phải làm gì và phải sống cuộc đời của họ như thế nào. Đơn giản, họ là những người có đủ lòng tự trọng để tự khen mình khi đạt được một điều gì đó đáng giá. Sự tự tin của họ với người khác có thể giống như sự hợm hĩnh. Làm thế nào để phân biệt giữa một người có lòng tự trọng cao và một kẻ huênh hoang khoác lác, cố gắng tạo cho mình vỏ bọc tốt đẹp trước mặt mọi người? Những người thật sự tự tin không có nhu cầu dìm người khác xuống. Họ không cảm thấy bị đe dọa trước thành tích của người khác và sẽ ủng hộ người đó trên con đường tìm kiếm thành công.
Tìm kiếm điều tốt đẹp
Tác giả bán chạy Bob Nelson, trong cuốn 1001 Ways to Take Initative at Work (Tạm dịch: 1001 cách dẫn đầu trong công việc), chia sẻ về giá trị của tinh thần lạc quan tại nơi làm việc như sau. “Đừng tự động gán điều tiêu cực cho bất kỳ ai. Thay vào đó, hãy tìm kiếm điều tốt đẹp ở tất cả những người bạn gặp và trong mọi việc bạn làm. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp cảm thấy tốt hơn nhiều thế nào với sự có mặt và thúc đẩy tinh thần của bạn.”
Có những lúc khó khăn, ngay cả đối với những người lạc quan, để có thể nhìn ra điều tích cực trong một tình huống nào đó. Trong trường hợp đó, những người lạc quan sẽ tập trung sức lực và nỗ lực vào việc tiến lên. Họ nhẫn nhịn và sẽ chiến đấu vào một ngày khác. Những người lạc quan là những người sống sót cuối cùng.
Lạc quan và thành công
Với Robin Sharma, lạc quan là một phần thiết yếu và quan trọng để tất cả chúng ta có thể đạt tới khả năng của mình. Ông thấy, lạc quan thường bị hạ tầm quan trọng, và tranh luận rằng nếu chúng ta lạc quan hơn, điều đó sẽ có tác dụng lớn trong việc vượt qua các trở ngại và giúp chúng ta trở thành người tốt nhất.
Đặt mục tiêu, về bản chất, là một bài tập về tinh thần lạc quan. Nếu chúng ta không tin rằng mình có thể đạt mục tiêu thì ngay từ đầu, việc đặt mục tiêu đã không có ý nghĩa gì cả. Những người đạt được nhiều mục tiêu, về bản chất, lạc quan hơn những người đặt mục tiêu thấp. Những người gặt hái được nhiều thành tích luôn đặt ra mục tiêu cao phù hợp với cấp độ lạc quan của họ. Những lý tưởng chúng ta đặt ra chỉ có thể đạt được thông qua việc có tầm nhìn đối với mục tiêu, đạt mục tiêu đó, và sau đó lại đặt ra một mức cao hơn. Cũng giống các vận động viên nhảy cao, chúng ta đặt các mức xà cao hơn mỗi lần chúng ta đạt được các mục tiêu của mình. Chỉ bằng việc không ngừng thử thách bản thân và tin vào khả năng của mình, chúng ta mới có thể khám phá hết và đạt được khả năng cao nhất của mình.
“Có rất ít điều trong thế giới này có sức mạnh hơn một cú hích tích cực. Một nụ cười. Một lời lạc quan và hy vọng. Một quan điểm “tôi có thể” mỗi khi mọi việc khó khăn.”
– RICHARD M. DEVOS, DOANH NHÂN –