LÀM SAO ĐỂ KIÊN TRÌ ?

JAMES BIẾT TUỐT OOPSY

Trích: Kết Nối Bất Kỳ Ai; NXB Thanh Niên

Duy trì nhóm dự án được hai tuần, lòng Vô Hình nhen lên cảm giác chán nản không hiểu vì sao. Anh ta liền đem chuyện này tâm sự với cô bạn Trách Nhiệm nhờ vấn kế:

– Có khi nào mình đang làm tốt mà bỗng nhiên nản không?

– Có chứ!

– Sao lại như vậy được nhỉ?

– Khi công việc thuần thục đến một mức, việc thực hiện nó không tạo ra cảm giác hưng phấn và thích thú như ban đầu. Mất hứng thú rồi, ta sẽ thấy chán nản.

– Hóa ra mình làm vì hưng phấn à?

– Haha. Tớ đâu nói cậu như vậy, tự cậu nghĩ ngược. Chớ nên suy nghĩ tiêu cực quá. Một người bị đè nén trong vấn đề của mình quá lâu, nó trở thành thứ cản đường người ấy tiến lên. Khi vật cản đường được loại bỏ, họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, làm việc tốt hơn. Có điều, cảm giác nhẹ nhàng, làm việc tốt này không đứng yên, nó sẽ nhanh chóng qua đi, vì họ phải đối diện với mức vấn đề khác.

– Mức khác là gì vậy?

– Đó là rèn luyện sự kiên trì.

– Kiên trì quả là khó. Làm sao để có được sự kiên trì?

– Thực hành HẰNG NGÀY. Đó là chìa khóa của sự bền vững!

– Thực hành hằng ngày ư?

– Đúng vậy. Thực hiện từng bước nhỏ một mỗi ngày, cho đến khi có cải tiến lớn. Năng tích góp sẽ có ngày đầy. Ban đầu chưa làm được ngay, chấp nhận lỗi sai và kiên trì thực hiện sẽ giúp cậu thuần thành trong tương lai.

– Nghe giống như chơi đàn ấy nhỉ?

– Tinh ý đó. Cậu thấy đấy, ban đầu chơi đàn ai cũng đánh rất chối tai, còn chẳng có nhịp điệu. Họ phải chấp nhận những âm thanh chán ngắt, kiên trì luyện tập, rồi họ sẽ đánh tốt hơn. Nếu họ bỏ cuộc giữa chừng vì mình đánh chán, họ sẽ lãng phí tài năng của mình (trong khi biết đâu, họ có tài năng đánh đàn thật!) Kết quả, họ thất bại. Cho nên, luyện tập hằng ngày là mấu chốt và đừng lo nếu mình làm chưa tốt! Nếu không, cậu sẽ sớm nản lòng vì mọi điều cậu làm.

– Cảm ơn cậu! Tớ sẽ cố gắng kiên trì.

Vô Hình nắm bắt được bí mật làm sao để duy trì khi đang nản đấy là tính kiên trì. Vô Hình quên mất không hỏi cô bạn Trách Nhiệm cụ thể phải làm gì để kiên trì. Vô Hình bèn đem chuyện này đi hỏi anh Giấc Mơ:

– Em biết em cần kiên trì, em sẽ không nản lòng đâu.

– Vậy cậu làm thế nào để kiên trì

– Em sẽ thực hiện nó hằng ngày và vẫn thực hiện tiếp kể cả có thất bại đi chăng nữa.

– Tốt lắm! Tuy nhiên vẫn cần phương cách.

– Phương cách gì hả anh?

Không phải chỉ cá nhân cậu cần duy trì, mà sự tương tác giữa cậu và mọi người cũng cần được duy trì.

 

MUỐN LÀM ĐƯỢC THẾ CÂU HÃY NHỚ NHỮNG BƯỚC SAU

BÍ QUYẾT KIÊN TRÌ

  1. Lập kế hoạch gặp gỡ thường xuyên với những người hỗ trợ. Việc này loại bỏ thói quen cả thèm chóng chán, thích thì làm, không thích thì thôi. Cậu cần lên thời gian và nội dung cụ thể cho buổi gặp.
  2. Trình bày những thay đổi đã thực hiện. Cậu đã làm gì để sửa mình, điều gì tốt, điều gì chưa tốt, lí do tại sao cậu chưa thể tiến bộ, những gì đang ngăn cản cậu.
  3. Khuyến khích lẫn nhau về những thành tích đã đạt được. Sự động viên tích cực là nguồn năng lượng đẩy mỗi người liên tục tiến về phía trước. Nếu không có sự khuyến khích kịp thời và thường xuyên, mọi người đều dễ nản lòng hoặc càng làm càng thấy khó.
  4. Chủ động hỏi han, đo lường tiến độ. Hãy hỏi thành viên nhóm vì sao có những chuyện không diễn ra theo đúng kế hoạch. Để làm được bước này, cần đào sâu và có thể là tranh cãi nảy lửa để tìm ra nguyên nhân tận cùng. Nên nhớ, chớ biến thành trách cứ, đổ lỗi, hãy cùng nhau tìm ra nguyên nhân cản trở và cách khắc phục để từ nay làm tốt hơn.
  5. Quan sát tổng thể, định hướng kế hoạch. Hãy nhìn lại vấn đề toàn cảnh, lượng định tình hình để biết bạn có cần thêm người hỗ trợ không? Nhóm đang ở đầu trên con đường thay đổi, cần làm gì tiếp theo và cần điều chỉnh thế nào hướng đến mục tiêu chung?

 

Nghe anh Giấc Mơ thuyết giảng, Vô Hình không khỏi nể phục vì sự uyên bác của anh ấy:

– Lần đầu em thấy anh nói nhiều vậy!

Anh Giấc Mơ vẫn nghiêm túc như mọi khi, nhìn Vô Hình lạnh tanh:

– Việc gì cần thì làm, cậu không nhớ sao?

Nhưng lần này ánh mắt của anh Giấc Mơ nhìn Vô Hình đã khác, có nụ cười trong đáy mắt.

Bình luận


Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ