LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI ĐỌC – Thôi Miên bằng Ngôn Từ

TIẾN SĨ JOE VITALE

Trích: Thôi Miên Bằng Ngôn Từ/ Joe Vitale; Phan Nguyễn Khánh Đan dịch. NXB Thông Tin Và Truyền Thông; 2017

Ảnh: Joe Vitale – nguồn internet

 

Đây có lẽ là chương quan trọng nhất trong suốt quyển sách này.

Bây giờ, hãy hỏi chính mình xem tại sao tôi lại khiến bạn chú ý? Điều gì đã thu hút bạn? Điều gì khiến bạn luôn muốn đọc tiếp? Làm cách nào mà đến bây giờ bạn vẫn còn đọc cuốn sách này?

Để tôi đoán xem:

Đầu tiên, tôi đốn ngã bạn – bằng những câu đơn giản nhưng sắc bén.

Thứ hai, tôi trình bày từng câu rõ ràng trên trang giấy bằng cách tách riêng chúng ra.

Thứ ba, tôi viết hoa vài từ trong các dòng chữ để gây tác động mạnh hơn.

Đó chính là phần cốt lõi của công thức Thôi Miên bằng Ngôn Từ. Phần cốt lõi, nhưng chưa phải tất cả. Thôi Miên bằng Ngôn Từ đòi hỏi sự trau chuốt mài giũa liên tục. Hãy mài bén từng từ, từng cụm và từng câu cho đến khi mỗi dòng đều sắc nhọn. Mỗi dòng chữ khi đó đều có tác dụng niếu chân độc giả và cứ thế khiến họ đọc không ngừng.

Làm thế nào để đạt được quyền năng đó? Hãy làm theo công thức của Joe Vitale: Viết trước, chỉnh sau. Đầu tiên, bạn cứ viết bản nháp thô ra. Sau đó, quay lại biên tập thành bản hoàn chỉnh. Anh bạn tôi, một nhà điêu khắc, cũng làm điều tương tự khi phác thảo toàn bộ ý tưởng ra trước, sau đó bắt tay vào dựng nên những hình thù sống động. E. B. White cũng từng nói: “Không có bài văn vĩ đại, chỉ có những bản chỉnh sửa hoàn hảo”.

Sự thực, bạn sáng tạo ra Thôi Miên bằng Ngôn Từ trong bước chỉnh sửa bản thảo. Bạn ngẫm lại tất cả những gì mình đang có và gọt giũa – chạm khắc – đánh bóng – đến độ tinh xảo.

Để tôi chỉ cho bạn quá trình làm việc của mình qua ví dụ cụ thể sau. Đầu tiên, tôi viết:

“Cánh cửa được mở ra bởi Joe”.

Nếu đây là một dòng trong một bài báo bạn đang viết dở, tôi sẽ nói: nó không tệ, nhưng cũng chẳng hay gì. Một câu văn đầy tính bị động. Chỉ một thay đổi nhỏ sẽ giúp diễn đạt lọt tai hơn:

“Joe đã mở cánh cửa”.

Tốt hơn rồi phải không? Bây giờ nhìn xem ta có thể làm gì tiếp theo? Câu chủ động này cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Nó đã phản ánh được một hoạt động thường ngày. Nhưng liệu đã tạo được hiệu ứng Thôi Miên bằng Ngôn Từ chưa? Vẫn chưa. Thế nên, chúng ta hãy thử lần nữa:

“Joe đá tung cánh cửa”.

Câu trên đã hút được sự chú ý của bạn rồi, đúng không? Nhưng sẽ còn hay hơn nữa nếu ta viết:

“Joe đá tung cánh cửa!”.

Giờ đây câu văn của chúng ta đã trở nên vô cùng hấp dẫn! Hãy bắt đầu câu chuyện của bạn với dòng này. Độc giả sẽ hồi hộp, không cưỡng lại được và chuyển nhanh đến câu tiếp theo.

Mỗi dòng đều phải liên tục thu hút sự chú ý của người đọc. Chương trình radio đang vẫy gọi, tivi đang chào đón, chuông điện thoại đang reo, nắng đang hắt gay gắt vào chỗ ngồi, chiếc tủ lạnh đầy thức ăn ngon đang gọi mời, ngoài rạp đang chiếu một bộ phim mới – những dòng chữ của bạn sẽ phải vượt qua tất cả, để độc giả chúi mũi vào trang sách. Nếu không, những nỗ lực của bạn cho các dòng hay ho trước đó sẽ tan biến. Đơn giản là trên thế gian này có quá nhiều điều hấp dẫn nên bạn không thể mang đến cho họ một bài viết tầm thường. Bạn không còn lựa chọn nào khác. Bạn phải nhào nặn những nguyên liệu của mình đến độ hoàn hảo. Bạn phải làm như thế!.

Chúng ta cùng xem lại lá thư chào hàng phần mềm Thoughtline của tôi. Vì thu nhập của tôi đều trông chờ vào sự thành công của lá thư này, tôi cần bức thư phải thật hiệu quả. Nếu bạn cũng viết trong tâm thế tương tự, rằng bạn phải thắng, rằng toàn bộ sự nghiệp của bạn đều phụ thuộc vào lần này, bạn sẽ làm được.

Tôi muốn Thoughtline trở thành một hiện tượng. Không phải là một cú hích hời hợt. Tôi muốn nó phải hoành tráng, tuyệt vời, khó quên, ngoài sức tưởng tượng, khiến tôi cười sung sướng suốt trên đường ra nhà băng lấy tiền.

Tôi đã hiểu những gì mình muốn viết. Nhưng kết cuộc, tôi đã phải viết đi viết lại lá thư chào hàng này cả trăm lần.Để tôi kể cho bạn cách tôi đã làm.

Trong lá thư gốc đầu tiên, có một chỗ tôi đã biết “Tôi đã ấn tượng khi sử dụng Thoughtline lần đầu”.

Đáng vứt đi thật! Ai quan tâm chứ? Thế là tôi viết lại câu trên như thể muốn đẩy văng khách hàng ra khỏi ghế của họ: “Ngay lần đầu tiên sử dụng, Thoughtline đã thiết kế ngay cho tôi một dàn ý, khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên!”.

Bạn nhận ra sự khác biệt chứ? Tôi quan sát độc giả khi họ đọc câu vừa chỉnh sửa này. Khi đọc tới từ tròn mắt, mắt của họ cũng đột nhiên mở to như chính họ đã được chứng kiến. Thú vị! Đây rõ ràng là dòng chữ đầy mê hoặc!

Sau đây là một ví dụ khác. Một khách hàng của tôi đang viết một quyển sách. Cô chưa biết viết đoạn giới thiệu thế nào cho mặt sau cuốn sách và gọi cho tôi để xin lời khuyên.

Tôi nói với cô: “Phải làm sao để từng dòng đều thu hút, hướng đến người đọc, và sống động”.

Cô ấy không hiểu. Thế là tôi hẹn gặp để tư vấn và dẫn dắt cô theo lộ trình sau:

“Cô muốn nói gì về cuốn sách này?” – Tôi hỏi.

“Tôi sẽ dạy người ta cách thiết lập mạng lưới các quan hệ xã hội (nguyên văn: Networking)”.

“Như thế nào?” – Tôi hỏi thêm.

“Bằng cách dạy họ cách dùng nguồn lực cá nhân hiệu quả”

“Cho tôi một mẹo cụ thể đi”.

“Tôi nói rằng bạn thuộc thiểu số bốn hoặc năm người đang tách biệt với ai đó trên thế giới” – cô ấy giải thích. “Nhưng nếu bạn sử dụng mạng lưới của mình, bạn có thể gặp bất cứ ai”.

“Tuyệt vời! Chúng ta sẽ dùng mẹo đó để bắt đầu lời giới thiệu!” – Tôi nói. Và tôi viết vào một mảnh giấy: “Bạn có thể gặp gỡ bất cứ ai trên thế giới thông qua mạng lưới”.

Sau đó tôi nhìn cô khách hàng và giải thích những gì tôi đang làm.

“Câu này còn mờ nhạt”, tôi nói. “Chúng ta thử chuyển nó sang dạng câu hỏi để xem nó có gây tò mò hơn không nhé”.

Tôi viết tiếp: “Bạn có biết bạn thuộc nhóm thiểu số bốn hoặc năm người đang tách biệt với ai đó trên thế giới?”.

Tôi nghĩ thầm đã hay hơn rồi, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn. Tôi thêm một dòng phía dưới. “Ai là người bạn cần gặp để có được những điều bạn muốn?”.

Vẫn chưa đủ hay. Khách hàng của tôi quan sát với đầy vẻ phấn khích.

“Bạn có biết bạn thuộc nhóm thiểu số bốn hoặc năm người đang tách biệt với các nguyên thủ, người nổi tiếng, những triệu phú và các hoàng thân quốc thích?”.

Không tệ nhỉ!

“Hay thật!” – khách hàng của tôi mỉm cười nói.

“Vâng” tôi thừa nhận, “nhưng chúng ta còn viết được hay hơn nữa. Nếu bạn đăng câu hỏi lên thành một ý tưởng hiển nhiên, chúng ta sẽ tiếp cận sâu sắc hơn và thường điều gì đó tốt đẹp hơn sẽ đến”.

“Ta sẽ làm gì để nó hay hơn?” Cô ấy hỏi .

“Cô luôn có thể khiến chúng hay hơn”, tôi nói. “Một điều cô có thể làm là liên tục chỉnh sửa câu chữ cho đến khi một ý tưởng đột phá bùng nổ”.

Dù không chắc cô ấy sẽ mua sản phẩm sáng tạo của mình, tôi vẫn tiếp tục sắp xếp các từ.

Nếu bạn muốn tạo ra một bài viết khiến độc giả chúi mũi vào trang giấy, thì hãy làm cho tới”.

Một lần nữa, khách hàng của tôi nhìn lại dòng giới thiệu mới. Tôi nhìn cô chằm chằm trong giây lát, chờ đợi tiềm thức của mình bật lên câu nói gì đó. Và tôi đã không phải đợi quá lâu.

“Bạn có biết mình thuộc nhóm thiểu số bốn người đang tách biệt với các cuộc gặp gỡ nguyên thủ, người nổi tiếng, nhà triệu phú và hoàng thân? bốn con người đó là gì? Họ là bạn của bạn!”

Đoạn văn đã hay hơn nhiều rồi. Chúng ta sẽ dừng tại đây, nhưng các bạn có thể thấy cách tôi làm việc. Bạn cần liên tục thử những ý tưởng cho tới khi chúng kết hợp được với nhau.

Bí mật ở đây chính là sự chỉnh sửa. Bạn viết đi viết lại – luôn làm việc cho tới khi từng dòng chữ nối nhau đầy cuốn hút – và đừng dừng lại cho đến khi thành công.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGÔN NGỮ

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG GIỚI HẠN: KHÁM PHÁ HO’OPONOPONO
  2. TÔI ĐÃ HỌC BÍ KÍP THÔI MIÊN BẰNG NGÔN NGỮ NHƯ THẾ NÀO?

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ