“LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”

GIẢN TƯ TRUNG

Trích: Đúng Việc – Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh; NXB. Tri Thức, tái bản 2021

Lần nọ trong lớp học, một học viên chợt giơ tay hỏi tôi: “… Làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?”. Tôi trả lời: “Với tôi, không có khái niệm cân bằng giữa cuộc sống và công việc bởi công việc chính là cuộc sống”.

Thật vậy, ai trong chúng ta cũng gắn với một (hay một số) nghề nghiệp hay công việc và dành phần lớn cuộc đời của mình để làm nghề hay làm việc đó. Thời gian một ngày của chúng ta chủ yếu được dành cho công việc, chúng ta “sống” ở nơi làm việc có khi còn nhiều hơn ở nhà. Nhưng điều quan trọng hơn hết là: Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Hay nói cách khác nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn.

Như vậy, “làm việc” cũng chính là “làm người, và “làm người” thì không thể không “làm việc”. Con người của mình cũng sẽ được thể hiện rõ qua công việc của mình, qua chất lượng công việc mà mình làm, qua lý tưởng công việc mà mình theo đuổi. Nếu ta nhìn vào cách mà mình làm việc, cách mà mình sống thì đó chính là “tấm gương” trung thực phản chiếu “con người” mình. Khi đó tự ta sẽ cảm thấy “thật sự tự hào về con người của mình” hay “mình không đáng được tôn trọng, thậm chí đáng bị khinh”.

Nếu như “đạo sống” (làm người) là những giá trị mà ta lựa chọn cho cuộc đời của mình thì “đạo nghề” (làm việc) chính là lý tưởng nghề nghiệp của công việc mà ta làm. Nói cách khác, “đạo nghề” mà mình chọn chính là cách để mình hiện thực hóa “đạo sống” của mình trong công việc và nghề nghiệp mà mình làm. Chẳng hạn, ta thích trở thành cảnh sát giao thông vì ta yêu sự bình yên của phố phường, hay là vì ta thích “núp lùm” để thổi phạt? Ta muốn trở thành người dạy học là vì ta yêu con người, yêu sự phát triển mỗi ngày của đứa trẻ hay yêu thứ quyền lực mà ta có thể thị uy với nó? Ta chọn nghề nấu ăn vì đó cũng là một nghệ thuật và ta muốn nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt thực khách khi họ được thưởng thức một món ăn ngon, hay vì muốn kiếm lợi từ việc chế biến lại những thực phẩm kém an toàn?…

Nói cách khác, “đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc. Làm việc mà không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống mà không có mục đích. Làm một nghề “vô đạo” thì không chỉ bản thân người làm nghề mà cả xã hội cũng có thể bị ảnh hưởng.

Hành trình “tìm thấy chính mình” của con người, xét về bản chất, là hành trình tìm kiếm con người văn hóa và con người chuyên môn của mình. Đáng tiếc là khi nhìn vào bức tranh xã hội ngày nay, nhất là ở những quốc gia chưa phát triển, có vẻ như không nhiều người tìm thấy được điều đó. Hằng ngày, vào giờ tan sở cũng như lúc bắt đầu ngày mới, chúng ta nhìn thấy trong dòng người đông đúc trên đường phố nhiều gương mặt mỏi mệt vô hồn hơn là những con người “sáng sáng háo hức đi làm, tối tối hăm hở về nhà”.

Rồi chúng ta cũng nhìn thấy cả những con người mang danh là làm nghề mà rốt cuộc những việc họ làm lại chệch rất xa khỏi sứ mệnh hay cái đạo của nghề đó: Bác sĩ lẽ ra phải chữa bệnh cứu người thì lại “làm tiền”, vòi vĩnh bệnh nhân, mặc cả với cả mạng sống của người bệnh. Cô giáo lẽ ra phải là một điểm tựa thì lại là nỗi sợ hãi của học trò. Không ít cảnh sát không phải là người thực thi pháp luật hay người bảo vệ, mà là “hung thần” trong mắt người dân. Dường như còn quá ít người (trong đó có thể bao gồm chính chúng ta) là làm “đúng việc” của mình!

Trong tác phẩm Những ngày thứ ba với thầy Morrie cũng có đoạn: “Quá nhiều người quẩn quanh với một cuộc đời vô nghĩa. Họ có vẻ lờ đờ, ngay cả khi họ đang bận rộn làm những việc mà họ cho là quan trọng. Đó là bởi vì họ đang theo đuổi những thứ không đúng. Cách để làm cho cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa là cống hiến bản thân bạn để yêu thương người khác, cho cộng đồng xung quanh bạn và để tạo ra một thứ gì đó khiến bạn cảm thấy có mục đích và có ý nghĩa”.

Để có thể tạo nên một thành tựu đủ lớn trong công việc thì ta phải yêu nó, ta phải hạnh phúc cống hiến cuộc đời mình cho công việc đó. Nhưng để yêu nó, trước hết ta phải hiểu nó. Bởi lẽ, làm sao có thể yêu một thứ mà mình không hiểu?

Ngay cả với những mục đích “ít nhuốm màu lý tưởng” hơn (chẳng hạn như làm việc không phải là để tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình trong đó, mà là để tìm kiếm danh lợi) thì nguyên tắc này vẫn đúng. Vì không bao giờ có thể thành công với một công việc nếu không làm tốt nó, mà sẽ không thể làm tốt nó nếu như không yêu nó, và cũng không thể yêu nó nếu như không hiểu nó. Hơn nữa, khi ta hiểu, yêu và làm tốt một công việc thì danh lợi sẽ đến như một hệ quả tất yếu, như câu tục ngữ ông bà ta vẫn thường nói là “công thành danh toại” (phải có “công” (công lao) rồi mới có “danh” (danh vọng)).

Làm việc mà không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống mà không có mục đích. Nhưng làm thế nào để biết, liệu là mình có thực sự hiểu “đúng” bản chất của cái nghề, cái việc mà mình đang lựa chọn và theo đuổi hay không?

Theo tôi, có thể bắt đầu bằng hai câu hỏi:

Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề/ của việc không?

Việc mà mình chọn làm có đúng với con người của mình không?

Nhưng mục tiêu của chương sách này không phải là nhằm đưa ra đáp án cho những câu hỏi đó. Bởi hơn ai hết, mỗi người sẽ biết đâu là cái “đúng” nhất với bản thân mình, mình nên lựa chọn cái gì và chịu trách nhiệm gì với lựa chọn đó. Thay vào đó, chương này sẽ thử phác thảo chân dung một số nghề (như là một số ví dụ minh họa để bàn về chủ đề “đúng việc” này) trong xã hội dưới hình thức các “cặp đối ngẫu” để độc giả có thêm những góc nhìn, những đối sánh cần thiết, cũng như tự mình chiêm nghiệm ra đâu là cái “đạo” quan trọng nhất của nghề đó và người làm nghề này cần có những “đạo sống” gì. Chẳng hạn như các nghề sau:

Quản trị hay cai trị? (Nghề lãnh đạo/ chính khách)

Đầy tớ hay phụ mẫu? (Nghề công chức)

Doanh nhân, trọc phú hay con buôn? (Nghề kinh doanh)

Nhà báo hay bồi bút? (Nghề viết báo)

Nhà văn hay bồi bút? (Nghề viết văn)

Ca sĩ hay thợ hát? (Nghề làm nghệ thuật)

Bác sĩ hay lang băm? (Nghề y)

Luật sư hay lê sư? (Nghề luật)

Sử gia hay sử nô? (Nghề viết sử)

Và một số nghề khác…

Thậm chí chuyện chúng ta có tìm được câu trả lời hay không cũng không quá quan trọng. Bởi như một câu châm ngôn đã nói: “Ta trở nên khôn ngoan hơn bằng cách đặt ra các câu hỏi, và cho dù không trả lời được, ta cũng sẽ trở nên khôn ngoan hơn, vì một câu hỏi được gói ghém tốt tự thân nó cũng đã chứa đựng câu trả lời, giống như con ốc sên lúc nào cũng gắn chặt với cái vỏ ốc trên lưng vậy”.

Vì vậy, hãy cứ bắt đầu từ những câu hỏi!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. KHAI TÂM: ĐỂ CÓ TRÁI TIM NÓNG
  3. LÒNG TỰ TRỌNG

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  3. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN