LÀM VIỆC TRÊN NHỮNG CẢM XÚC

VENERABLE THUBTEN CHODRON

Nguồn: Lòng rộng mở, tâm trong sáng, tác giả: Thubten Chodron, Ban dịch thuật Thiện Tri Thức Việt dịch, NXB Thiện Tri Thức, 2009

1. Hạnh phúc ở đâu: nhìn kỹ những kinh nghiệm của chúng ta

Phật giáo diễn tả những vấn nạn và những khổ đau của chúng ta, nguyên nhân của chúng, con đường để thoát khỏi chúng và trạng thái an lạc có được khi những kinh nghiệm khổ đau của chúng ta đã ngừng lại. Phật giáo là một cách tiếp cận đời sống, nó giúp cho chúng ta hành động hiệu quả và với lòng bi. Nó dâng tặng những thực hành kỹ thuật để chữa lành những thái độ tính khí tiêu cực và những rắc rối hàng ngày của chúng ta.

Trong một ngày, chúng ta cảm nhận mọi loại cảm xúc. Một số, như tình thương chân thật và lòng bi, thì rất quý báu. Những cái khác, như tham luyến tức giận, hẹp lượng, kiêu mạn và ghen tỵ, làm loạn sự bình an bên trong và thúc đẩy chúng ta xung đột với những người khác. Chúng ta sắp khảo sát trong chương này những thái độ nhiễu loạn khác nhau và thấy những cái gì là những đối trị có thể làm chúng bình lặng và chuyển hóa chúng.

Mọi trạng thái tiêu cực của tâm dựa trên ý tưởng rằng hạnh phúc và khổ đau đến từ bên ngoài, như thế chính những người khác và những biến cố làm cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh. Chúng ta dựa trên những đối tượng bên ngoài được tri giác qua năm giác quan – thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm – để được hạnh phúc. Bị dụ dỗ rằng hạnh phúc là ở “bên ngoài” chúng ta, trong đối tượng này, nơi chốn hay cá nhân này, chúng ta tìm cách có được những sự vật nào đó và đến gần những người nào đó. Cũng thế, chúng ta cố gắng tránh mọi sự vật và những người làm chúng ta bất hạnh bởi vì chúng có vẻ là nguyên nhân sự bất hạnh của chúng ta.

Tin rằng hạnh phúc và bất hạnh đến từ vật hay người ở bên ngoài đã đặt chúng ta vào một tình huống khó khăn hơn nữa, vì không thể kiểm soát hoàn toàn những sự vật và con người ở quanh chúng ta. Chúng ta làm tất cả có được những sở hữu chúng ta muốn, nhưng không bao giờ đủ. Thường trực thất vọng, chúng ta luôn muốn hơn cái định mức đủ làm cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng chúng ta có biết dù chỉ một người nào giàu có hoàn toàn hài lòng với chính họ? Chúng ta có biết một người nào trọn vẹn hài lòng với bạn bè và những gì bao quanh nó?

Cũng thế, mỗi khi có một rắc rối, một vấn nạn, chúng ta tin rằng đó là do một người hay một vật ở bên ngoài. Chúng ta quy lỗi những vấn nạn tình cảm của chúng ta theo cách cha mẹ đã đối xử với chúng ta trong hồi bé. Chúng ta đổ trách nhiệm cho những người giúp việc, những người thợ, những người thân cận hay những vị thầy của chúng ta về những không thỏa mãn hiện giờ của chúng ta. Chúng ta muốn những người khác phải học cách đối xử với chúng ta tốt hơn. Những người khác không phải như chúng ta muốn họ phải là thế, và chúng ta thường trực thất vọng trong những nỗ lực để làm họ thay đổi.

Đời sống có thể trở nên rắc rối nếu người ta muốn thế giới thuận hợp với những tham muốn của chúng ta. Than ôi! Thế giới không hợp tác trong việc đó. Những dự định và những giấc mơ của chúng ta chỉ thực hiện được một phần, chẳng bao giờ tất cả. Và nếu đôi khi chúng ta thành công ảnh hưởng được tính khí của những người khác, chúng ta cũng không thể đặt để điều họ phải cảm thấy và suy nghĩ. Khi chúng ta có cái chúng ta muốn, chúng ta bị tràn ngập; trong trường hợp ngược lại, chúng ta thất vọng và kiệt quệ. Giống như những Yo- Yo của xúc cảm, chúng ta phải qua những đỉnh cao và vực thấp theo người hay vật chúng ta gặp.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát những kinh nghiệm hàng ngày, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hạnh phúc và lòng tốt không hiện hữu trong những cái bên ngoài, và cũng như vậy đối với sự bất hạnh hay cái gây khó chịu. Nếu như vậy chúng ta phải tri giác những sự vật và phản ứng theo cùng cách, nghĩa là phải tri giác cái gì xảy ra một cách độc lập đối với chúng ta.

Nhưng tất cả chúng ta không yêu thích cùng những sự vật và cùng những con người; một số thích nhạc rock và một số khác thì không. Và thị hiếu của chúng ta thay đổi theo dòng đời của chúng ta; chẳng hạn, chúng ta thích những dải băng vẽ màu trong tuổi thơ ấu và hững hờ với chúng lúc trưởng thành. Vậy thì kinh nghiệm của chúng ta với những người khác và với những sự vật tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn và tiếp cận chúng.

Chính bằng cách thay đổi cách giải thích và nhìn nhận những cá nhân và những hiện tượng mà chúng ta có thể chuyển biến kinh nghiệm chúng ta có về chúng. Chúng ta có thể nhận biết những phóng chiếu của chúng ta, thấy chúng ta đánh giá quá cao và hạ thấp những sự vật như thế nào, rồi sửa chữa những quan niệm sai lầm đó. Nhận thức của chúng ta sẽ hiện thực hơn, điều sẽ đem lại cho chúng ta nhiều thỏa nguyện. Bỏ những quan niệm, thành kiến sai lầm đưa đến bám luyến, đến tức giận, đến đầu óc hẹp hòi, kiêu căng và ghen tỵ, chúng ta có một cái nhìn đúng đắn hơn, khách quan hơn về những người khác và những sở hữu.

2. Chiến thắng tham luyến: sống một đời quân bình

Bạn có biết một người nào bằng lòng với số phận của nó? Phần đông người đều bất an: họ thích có tiền hơn nữa, có những kỳ nghỉ đẹp đẽ hơn nữa, trang bị lại nội thất và có những y phục mới. Một số người khổ sở vì không thể sắm những gì họ muốn, và khi họ tự cho phép, họ sợ không thể trả những hóa đơn cuối tháng. Họ bám luyến vào những sở hữu và buồn rầu khi thấy một món quà hay thấy một di sản gia đình tiêu tan.

Suốt ngày, sự chú ý của chúng ta thường hướng ra ngoài. Từ sáng đến tối chúng ta ham thấy những hình sắc đẹp, nghe những tiếng hay, thở những mùi dễ chịu, ăn đồ ngon và sờ những vật đẹp. Khi chúng ta có thể làm như vậy chúng ta sung sướng; khi chúng ta không thể làm như vậy hay tiếp xúc với những hình ảnh, âm thanh, mùi hương, vị nếm và những đồ vật khó chịu, chúng ta khổ sở. Những  tình cảm và tính khí của chúng ta không ngừng thay đổi theo những  đối tượng giác quan chúng ta gặp.

Chúng ta tìm thấy lạc thú trong những đối tượng giác quan, nhưng lạc thú này bị giới hạn. Nếu quan sát cuộc đời mình gần hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cái mang lại cho chúng ta lạc thú vào một lúc này sẽ làm cho chúng ta khổ sở vào lúc sau đó. Chẳng hạn chúng ta thưởng thức đồ ăn lúc bắt đầu ăn, nhưng sẽ là một cực hình nếu chúng ta ăn nhiều quá. Tiền bạc cho chúng ta nhiều đồ vật, nhưng nó cũng là nguồn của khổ sở, vì chúng ta sợ bị lấy trộm, bị mất. Những sự vật chúng ta bám luyến vào không luôn mang cho chúng ta lạc thú.

Những lạc thú giác quan có lẽ huyền hoặc với chúng ta, nhưng thật ra chúng ta có khả năng cho một hạnh phúc lớn lao hơn. Theo Phật giáo mọi chúng sanh phải có lạc thú và được hạnh phúc. Tuy nhiên, nên khảo sát kỹ cái gì là hạnh phúc và những nguyên nhân của nó. Có nhiều cấp độ hạnh phúc, lạc thú những giác quan là một trong những số đó. Hay, chúng ta có khả năng cho một hạnh phúc lớn hơn hạnh phúc được cảm nhận khi có những đồ vật đẹp đẽ và những con người tuyệt vời. Phật giáo hướng dẫn chúng ta đến sự an lạc tối hậu, sanh ra từ sự chuyển hóa tâm.

Phật đã quan sát rằng sự tham luyến những đối tượng giác quan kết thúc bằng cách làm cho chúng ta khổ. Vấn đề không phải nằm trong những đối tượng mà trong cách chúng ta nhìn chúng. Tham luyến vận hành thế nào? Đó có phải là một cách thức đúng đắn hay cần thiết để tiếp cận với những con người và những sự vật trong môi trường của chúng ta?

Tham luyến là một thái độ chủ yếu cường điệu những mặt tốt của một sự vật hay của một người và để cho dính mắc vào đó. Nói cách khác người ta phóng chiếu lên chúng những tính cách chúng không có, hay người ta phóng đại những tính chất thực sự của chúng. Tham luyến là một cái nhìn phi hiện thực, cái nhìn này tạo ra rối loạn nơi chúng ta.

Hãy lấy ví dụ về thức ăn, cái phần đông chúng ta tham luyến. Khi chúng ta ngửi hay thấy cái gì ngon điều đó làm ta muốn như thể hạnh phúc nằm trong thức ăn. Chúng ta tin rằng ăn nó chúng ta sẽ sung sướng, như thể khía cạnh thích thú của thức ăn hiện hữu độc lập với chúng ta, theo một cách nội tại nơi nó.

Sự xuất hiện theo bề ngoài này có đúng không? Nếu thức ăn là thích thú tự bản chất nó, thì tất cả mọi người phải thích nó, vì mọi người đều yêu cái thích thú. Nhưng để qua vài ngày, chúng ta không ham nữa, có khi còn ghê sợ. Khi mà thức ăn có vẻ thích thú bẩm sinh và chúng ta tin vào hình tướng đó, sự kiện nó biến đổi chứng minh cho chúng ta rằng nó không thích thú theo cách nhất định và nội tại.

Nếu hạnh phúc là một tính cách riêng của thức ăn, bấy giờ càng ăn chúng ta càng phải sung sướng. Rõ ràng không phải như vậy, vì càng ăn nhiều người ta càng thấy tệ hại! Nếu thức ăn chứa đựng hạnh phúc, thì việc ăn một lượng đã đủ phải làm cho chúng ta no dứt khoát. Nhưng vài giờ, chúng ta lại đói.

Những luận cứ này có vẻ hiển nhiên, nhưng quan trọng là khảo sát rõ ràng kinh nghiệm riêng của chúng ta. Người ta có thể hiểu rõ cái gì một cách trí thức nhưng không có khả năng áp dụng nó vào trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, người ta đã biết một cách trí thức nhưng vô hiệu rằng hạnh phúc không nằm trong thức ăn, nhưng mỗi khi nảy lên tham muốn món ăn yêu chuộng của chúng ta, nhận thức thật sự của chúng ta và sự chờ đợi món ăn khá khác nhau. Nhận biết sự mâu thuẫn này, chúng ta bắt đầu hiểu những sự vật không với cái đầu chúng ta nữa, mà với trái tim. Tất cả chúng ta đều ưa sống theo cái gì đã được chứng minh, hơn là tin vào cái gì mà không có suy nghĩ.

Sự khảo hạch kinh nghiệm của chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã đánh giá quá mức những tính chất của thức ăn và chúng ta tham luyến nó. Khi loại bỏ những phóng chiếu sai và giả này, chúng ta có thể giải thoát mình khỏi tham luyến ấy.

Điều đó không muốn nói rằng phải ngừng ăn nhưng chúng ta có thể có một tiếp cận hiện thực hơn và quân bình hơn đối với thức ăn. Khi xem nó như một phương thuốc để chữa bện đói và nuôi thân này là một ân sủng thực  sự, vì chúng ta không luôn luôn là chủ nhân của cái chúng ta đang ăn. Một người quá khó khăn, chỉ muốn những món phi thường, hiếm khi thỏa mãn, chỉ bởi người ta không thể luôn luôn có cái người ta muốn. Phật  dạy trong Kinh Pháp Cú:

Tham luyến đến từ những cái nhìn sai giả,

Vậy hãy biết rằng những cái nhìn sai lầm ấy là gốc rễ của tham luyến.

Hãy chớ tạo ra quan niệm

Và sẽ không có tham luyến nữa.

Một số quan niệm sai lầm căn bản nuôi dưỡng sự tham luyến; tin:

  • Rằng những cá nhân và những mối liên hệ không thay đổi;
  • Rằng những cái đó có thể cung cấp cho chúng ta một hạnh phúc trường cửu;
  • Rằng chúng ta là thanh tịnh;
  • Rằng chúng có một tự tánh đích thực có thể tìm thấy.

Những quan niệm sai lầm này hoạt động mỗi khi chúng ta tham luyến vật gì hay người nào. Để khảo sát kỹ hơn, hãy lấy thí dụ thân thể chúng ta.

a) Thay đổi: không thể tránh được sự già

Chúng ta biết một cách trí thức nhưng vô hiệu rằng chúng ta không trẻ mãi, đâu đó trong tâm chúng ta tin chắc điều đó. Thế nên, chúng ta ngạc nhiên khi thấy chúng ta đã già đi khi xem những tấm hình chụp cách đây vài năm. Dù đủ mọi loại thuốc bổ, kem thẩm mỹ, thân thể chúng ta vẫn yếu đi và kém hấp dẫn hơn, điều khiến chúng ta lo buồn.

Một số người rất khổ sở với ý nghĩ rằng họ có thể tránh sự già. Văn hóa Tây phương khi đánh giá cao sự trẻ trung, sự gọn gàng của thân thể và sự hấp dẫn, như vậy cũng tán trợ cho bất toại nguyện và lo buồn. Chúng ta tôn thờ cái mà chúng luôn luôn đang mất: tuổi trẻ của chúng ta.

Sự việc nhận thức một cách hiện thực và chấp nhận tính chất biến đổi của thân thể chúng ta sẽ làm tiêu tan mối đau khổ do cái già mang lại. Thân chúng ta không ngừng già đi trong mỗi giây phút và không có cái gì ngăn chặn được sự kiện đó. Đó là điều phải hiểu bằng trí óc, nhưng cũng phải chấp nhận bằng trái tim. Nếu chúng ta nghĩ đến sự không thể tránh được của tuổi già khi chúng ta còn trẻ, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thời gian đến.

b) Thân thể chúng ta có đem lại cho chúng ta một hạnh phúc trường cửu?

Một quan niệm sai lầm khác về thân thể chúng ta là tin rằng nó có thể cung cấp cho chúng ta một hạnh phúc trường cửu. Chúng ta rất bám chấp vào ý tưởng phải có một sức khỏe tốt. Một số người yêu quý thân họ và lo lắng từng chút bệnh cảm. Một bám chấp vào sức khỏe như vậy rốt cuộc làm khổ những người chung quanh chúng ta. Sự kiện bị bệnh làm chúng ta suy yếu hay làm chúng ta tức giận, vì thế chỉ làm chậm đi sự khỏi bệnh.

Không ai muốn bị bệnh, nhưng thân thể chúng ta dễ dàng nhuốm bệnh. Ai trong chúng ta chưa từng bệnh? Nếu chúng ta chấp nhận trong ý tưởng sự mong manh của thân thể mình, bấy giờ khi bệnh xuất hiện, chúng ta sẽ võ trang tốt hơn để đối mặt với nó và tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản hơn. Một thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta mau lành hơn.

c) Thân thể chúng ta có tinh sạch không?

Một quan niệm sai lầm khác về thân thể chúng ta là tin rằng nó vốn tinh sạch và hấp dẫn, điều tạo ra một luyến chấp vào vẻ bên ngoài của chúng ta. Chúng ta tự tin khi chúng ta mặc áo quần đẹp và chúng ta dùng vẻ bề ngoài của chúng ta để quyến rũ đồng loại. Chúng ta tin rằng những người khác yêu thích chúng ta nếu chúng ta có một thân thể lực sĩ và hấp dẫn và họ sẽ chẳng màng đến chúng ta trong trường hợp ngược lại.

Mặc dầu phần đông chúng ta xem thân thể mình như vốn thuần khiết, sự bám luyến vào vẻ bên ngoài là một nguồn không ưng ý chắc chắn. Chúng ta dùng đủ thứ sản phẩm, theo những chế độ ăn uống và tập thể dục để làm đẹp thân thể chúng ta, kết quả sẽ không như chúng ta mong muốn. Ngay cả những người đàn bà và đàn ông đẹp nhất cũng không hoàn toàn hài lòng về thân thể họ. Chúng ta có cảm tưởng mập ở chỗ không đáng mập và không mập ở chỗ đáng mập. Mặc dù những lời khen ngợi của người khác, chúng ta có cảm giác không tốt về thể hình của chúng ta.

Nhưng vậy thì cái gì là mục đích đời người? Có phải là có một vẻ đẹp bên ngoài hay huấn luyện tâm mình và mở rộng lòng mình để tự làm đẹp bên trong. Tất cả chúng ta đều từng gặp những người, không đẹp đẽ về thân thể cho lắm, tỏa ra những phẩm tính bên trong như kiên nhẫn và cởi mở khiến họ trở thành hấp dẫn. Những phẩm tính làm cho người ta trở nên đẹp từ bên trong thì quan trọng hơn và lâu bền hơn vẻ đẹp thân thể. Những phẩm tính này không phải tình cờ mà có, mà bởi vì người ta đã nuôi dưỡng chúng. Sự hiểu biết giúp chúng ta sáng tỏ sự liên hệ của chúng ta với thân thể của mình.

Hẳn là phải có sức khỏe tốt và ăn mặc sạch sẽ nhưng điều đó có thể xảy ra mà không có bám luyến. Một sự bận bịu thái quá cho vẻ bề ngoài của chúng ta sẽ làm cho chúng ta bất hạnh hơn. Duyên dáng và vẻ đẹp cũng có thể tạo ra những rắc rối khác, như cuộc sống của những người nổi tiếng cho thấy. Khi biết rằng vẻ đẹp thân thể không xóa bỏ được những vấn nạn của mình, cũng không đem lại một hạnh phúc tối hậu, chúng ta sẽ không bị mê mờ bởi vẻ đẹp và hình dáng của chúng ta, điều này sẽ làm cho chúng ta ít mặc cảm và nhiều hài lòng hơn về cái chúng ta thực sự là. Từ lúc người ta nhận biết rằng cái đẹp bên trong là vốn có, người ta nuôi dưỡng nó, đến độ người ta có thêm những người bạn.

d) Thân thể chúng ta không có một bản chất thực

Quan niệm sai lầm chót là tin rằng thân thể chúng ta có một bản chất thực sự. Nếu khảo sát chăm chú thân thể mình, chúng ta thấy rằng nó chỉ là một tích tập những nguyên tử. Những nhà khoa học nói rằng khoảng không gian do các hạt “vật chất” chiếm chỗ rất nhiều. Những hạt nguyên tử này còn chuyển động thường trực và nhanh không thể tưởng tượng được.

Thế nên, khi người ta tìm kiếm một thực thể cứng đặc và không biến đổi gọi là “thân tôi”, nó không thể tìm ra. Không có một hiện tượng tĩnh tại thường hằng để xem đây là thân thể. Cái mà chúng ta dán nhãn cho là “thân tôi” chỉ là một tổ hợp những nguyên tử theo một dạng nào đó, thân thể không phải là một bản thể cố hữu, thân nó cũng không đáng ưa hay đáng ghét.

Bốn quan niệm sai lầm này – tin rằng thân thể chúng ta là không biến đổi, đem lại cho chúng ta hạnh phúc trường cửu, nó vốn tinh sạch và có một bản chất thực sự có thể tìm thấy – chỉ thêu dệt, phóng đại những phẩm tính của thân thể. Điều đó tạo ra sự bám luyến vào tư tưởng sẽ luôn luôn trẻ mãi không già, luôn luôn khỏe mạnh và hấp dẫn. Một bám luyến như vậy làm chúng ta không toại nguyện và lo buồn.

Có thể nào xem thân thể theo cách khác không? Thoạt nhìn, có vẻ khó quan niệm có thể xem thân thể là cái gì khác ngoài sự bám luyến. Tuy nhiên, có thể. Người ta có thể tự nhủ, chẳng hạn: “Tôi có thể cho cuộc đời tôi một ý nghĩa bằng cách cải thiện trạng thái tâm thức, giúp đỡ những người khác chung quanh tôi và làm mình trở nên ích lợi cho xã hội. Thân thể tôi là phương tiện, dụng cụ cho phép tôi làm điều đó. Thế nên tôi trông nom giữ gìn nó cho nó có sức khỏe không vì những mục tiêu ích kỷ mà vì sự phúc lợi cho những người khác.”

Cách suy nghĩ như vầy có thể khó quen lúc ban đầu, nhưng với thời gian chúng ta sẽ quen thuộc với một nhận thức tách lìa, thản nhiên với thân thể chúng ta, và điều này sẽ làm chúng ta hạnh phúc hơn nhiều.

e) Con đường của sự hài lòng

Tham luyến là căn cứ của sự không toại nguyện. Thật vậy, bất kể tài sản của chúng ta nhiều bao nhiêu, luôn luôn chúng ta phải muốn có thêm. Xã hội chúng ta khai thác sự tham lam và không toại nguyện:người ta nói với chúng ta rằng áo quần mùa trước đã lỗi thời, rằng máy móc chúng ta đang dùng là chưa đạt đến tiêu chuẩn mới… Nhưng có phải khi chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện mua sắm thêm, khi đó chúng ta đang sống trong bất an thường trực.

Ngược lại, khi nói rằng: “Như vậy là đủ cho tôi rồi”, chúng ta thư thả hơn. Điều đó không có nghĩa là chẳng hề mua cái gì cả hay xã hội phải đừng tiến bộ về kỹ thuật nữa. Nhưng khi mua sắm cái gì cần thiết hay không làm việc đó, người ta có một tâm thức bình an bởi vì người ta bằng lòng với cái người ta đang có. Đức Phật đã nói:

Nếu anh muốn niềm vui

Hãy từ bỏ hoàn toàn mọi bám luyến

Khi từ bỏ hoàn toàn mọi bám luyến

Niềm an vui sẽ nhân rộng khắp nơi

Chừng nào anh còn ở trong tham luyến

Anh sẽ không tìm thấy thỏa mãn

Người nào dùng trí huệ nuốt chửng tham luyến

Người ấy sẽ đạt đến sự hài lòng tối hậu.

Thoát khỏi mọi bám giữ, chiếm lấy, chúng ta có thể tiếp tục phát triển kinh tế và kỹ thuật cho sự lợi ích của tất cả. Chúng ta phát triển để bình an, hòa bình càng lớn hơn chứ không phải để xung đột, chiến tranh càng có dịp bộc phát.

Điều đó có vẻ khó áp dụng, vì chúng ta đã quen sống trong bám luyến. Sự bám luyến của chúng ta vào những đối vật và cá nhân là thường xuyên đến độ chúng ta luôn lo âu vì ý nghĩ mất chúng. Sự lo sợ và sự bám luyến này làm chướng ngại cho những tình cảm tích cực và ngăn cản chúng ta được hạnh phúc với những người khác và những sở hữu vật chất của chúng ta.

Có thể loại trừ sự sợ hãi này, bằng cách trước hết bắt đầu nhận biết rằng chính tâm thức của chúng ta phóng chiếu ra vẻ đẹp của đối tượng và sự bám luyến là một cái thấy sai lầm. Điều đó làm chúng ta hiện thực hơn. Rồi người ta nhớ lại những tai hại của sự bám luyến, giữ tâm thức trong một trạng thái cởi mở với hài lòng, biết rằng có vật ấy, người ấy thì tốt, nhưng không có người ta cũng hạnh phúc.

Một số người thấy trong danh từ “từ bỏ, tách khỏi” một ý nghĩ tiêu cực, như cái gì khổ hạnh, ác cảm hay vô cảm. Sự tách lìa trong Phật giáo chẳng có nghĩa gì như vậy. Danh từ đó để chỉ một trạng thái tâm thức quân bình khi người ta không bám trụ vào những sự vật, điều này cho chúng ta sự tự do để tập trung vào cái gì xứng đáng nhọc công hơn.

Tách lìa không có nghĩa là từ chối mọi thứ và lao vào sống trong hang. Chẳng có cái gì xấu trong việc sở hữu cả. Vấn nạn bắt đầu từ khi chúng ta cho những sở hữu một sự quan trọng thái quá. Chỉ sự bám luyến và chiếm giữ gây ra vấn nạn, chẳng phải các sở hữu. Chính là tự do với tham luyến mà chúng ta hưởng thụ thật sự những đồ vật.

Khi dùng những sở hữu cần tự nhủ: “Nhiều người đã làm việc để làm ra những sự vật mà tôi đang hưởng thụ sự ích lợi và tôi biết ơn họ. Thay vì dùng những sở hữu với một tham luyến ích kỷ, tôi sẽ dùng chúng trong ý định cải thiện con người tôi, để yêu thương hơn và phụng sự tốt hơn cho những người khác.” Người ta có thể hưởng thụ cái người ta ăn, đồ người ta mặc, nhà cửa và tài sản, nhưng với một động cơ khác. Chính như vậy mà chúng ta có một tâm trí bình an.

Chiến thắng sự tham luyến không có nghĩa là tước bỏ hết mọi động cơ và trở nên lãnh đạm. Mới nghe thì người tưởng như vậy, chỉ vì chúng ta đã quá quen với bám luyến. Thật ra có một số thái độ tích cực có thể làm động cơ cho chúng ta. Sự quan tâm thành thật đến người khác, mong muốn đem đến cho họ hạnh phúc và làm cho họ tránh thoát khổ đau có thể trở thành một động cơ rất mạnh mẽ trong cuộc đời chúng ta. Thế nên, khi tránh thoát tham luyến, chúng ta mở cánh cửa cho một tiếp thông đích thực với người khác,cho tình thương và lòng bi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚNG TA ĐẾN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ ?
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  3. BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  2. PHẬT PHÁP VÀ GIA ĐÌNH
  3. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH