LÀM VIỆC TRÊN NHỮNG CẢM XÚC- HẠNH PHÚC Ở ĐÂU

VENERABLE THUBTEN CHODRON

Trích: Lòng rộng mở tâm trong sáng – sự thực hành Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày”/ Thubten Chodron; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Tri Thức, 2009

 

Phật giáo diễn tả những vấn nạn và những khổ đau của chúng ta, nguyên nhân của chúng, con đường để thoát khỏi chúng và trạng thái an lạc có được khi những kinh nghiệm khổ đau của chúng ta đã ngừng lại. Phật giáo là một cách tiếp cận đời sống, nó giúp cho chúng ta hành động hiệu quả và với lòng bi. Nó dâng tặng những thực hành kỹ thuật để chữa lành những thái độ tính khí tiêu cực và những rắc rối hàng ngày của chúng ta.

Trong một ngày, chúng ta cảm nhận mọi loại cảm xúc. Một số, như tình thương chân thật và lòng bi, thì rất quý báu. Những cái khác, như tham luyến tức giận, hẹp lượng, kiêu mạn và ghen tỵ, làm loạn sự bình an bên trong và thúc đẩy chúng ta xung đột với những người khác. Chúng ta sắp khảo sát trong chương này những thái độ nhiễu loạn khác nhau và thấy những cái gì là những đối trị có thể làm chúng bình lặng và chuyển hóa chúng.

Mọi trạng thái tiêu cực của tâm dựa trên ý tưởng rằng hạnh phúc và khổ đau đến từ bên ngoài, như thế chính những người khác và những biến cố làm cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh. Chúng ta dựa trên những đối tượng bên ngoài được tri giác qua năm giác quan – thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm – để được hạnh phúc. Bị dụ dỗ rằng hạnh phúc là ở “bên ngoài” chúng ta, trong đối tượng này, nơi chốn hay cá nhân này, chúng ta tìm cách có được những sự vật nào đó và đến gần những người nào đó. Cũng thế, chúng ta cố gắng tránh mọi sự vật và những người làm chúng ta bất hạnh bởi vì chúng có vẻ là nguyên nhân sự bất hạnh của chúng ta.

Tin rằng hạnh phúc và bất hạnh đến từ vật hay người ở bên ngoài đã đặt chúng ta vào một tình huống khó khăn hơn nữa, vì không thể kiểm soát hoàn toàn những sự vật và con người ở quanh chúng ta. Chúng ta làm tất cả có được những sở hữu chúng ta muốn, nhưng không bao giờ đủ. Thường trực thất vọng, chúng ta luôn muốn hơn cái định mức đủ làm cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng chúng ta có biết dù chỉ một người nào giàu có hoàn toàn hài lòng với chính họ? Chúng ta có biết một người nào trọn vẹn hài lòng với bạn bè và những gì bao quanh nó?

Cũng thế, mỗi khi có một rắc rối, một vấn nạn, chúng ta tin rằng đó là do một người hay một vật ở bên ngoài. Chúng ta quy lỗi những vấn nạn tình cảm của chúng ta theo cách cha mẹ đã đối xử với chúng ta trong hồi bé. Chúng ta đổ trách nhiệm cho những người giúp việc, những người thợ, những người thân cận hay những vị thầy của chúng ta về những không thỏa mãn hiện giờ của chúng ta. Chúng ta muốn những người khác phải học cách đối xử với chúng ta tốt hơn. Những người khác không phải như chúng ta muốn họ phải là thế, và chúng ta thường trực thất vọng trong những nỗ lực để làm họ thay đổi.

Đời sống có thể trở nên rắc rối nếu người ta muốn thế giới thuận hợp với những tham muốn của chúng ta. Than ôi! Thế giới không hợp tác trong việc đó. Những dự định và những giấc mơ của chúng ta chỉ thực hiện được một phần, chẳng bao giờ tất cả. Và nếu đôi khi chúng ta thành công ảnh hưởng được tính khí của những người khác, chúng ta cũng không thể đặt để điều họ phải cảm thấy và suy nghĩ. Khi chúng ta có cái chúng ta muốn, chúng ta bị tràn ngập; trong trường hợp ngược lại, chúng ta thất vọng và kiệt quệ. Giống như những Yo- Yo của xúc cảm, chúng ta phải qua những đỉnh cao và vực thấp theo người hay vật chúng ta gặp.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát những kinh nghiệm hàng ngày, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hạnh phúc và lòng tốt không hiện hữu trong những cái bên ngoài, và cũng như vậy đối với sự bất hạnh hay cái gây khó chịu. Nếu như vậy chúng ta phải tri giác những sự vật và phản ứng theo cùng cách, nghĩa là phải tri giác cái gì xảy ra một cách độc lập đối với chúng ta.

Nhưng tất cả chúng ta không yêu thích cùng những sự vật và cùng những con người; một số thích nhạc rock và một số khác thì không. Và thị hiếu của chúng ta thay đổi theo dòng đời của chúng ta; chẳng hạn, chúng ta thích những dải băng vẽ màu trong tuổi thơ ấu và hững hờ với chúng lúc trưởng thành. Vậy thì kinh nghiệm của chúng ta với những người khác và với những sự vật tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn và tiếp cận chúng.

Chính bằng cách thay đổi cách giải thích và nhìn nhận những cá nhân và những hiện tượng mà chúng ta có thể chuyển biến kinh nghiệm chúng ta có về chúng. Chúng ta có thể nhận biết những phóng chiếu của chúng ta, thấy chúng ta đánh giá quá cao và hạ thấp những sự vật như thế nào, rồi sửa chữa những quan niệm sai lầm đó. Nhận thức của chúng ta sẽ hiện thực hơn, điều sẽ đem lại cho chúng ta nhiều thỏa nguyện. Bỏ những quan niệm, thành kiến sai lầm đưa đến bám luyến, đến tức giận, đến đầu óc hẹp hòi, kiêu căng và ghen tỵ, chúng ta có một cái nhìn đúng đắn hơn, khách quan hơn về những người khác và những sở hữu.

 

Ni sư Thubten Chodron

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC CHÂN THẬT
  2. HẠNH PHÚC LÀ BIẾT ĐỦ
  3. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ? LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?

Bài viết khác của tác giả

  1. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO
  2. LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG
  3. LÀM GƯƠNG CHO CON

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG