LẮNG NGHE BẰNG CÁI TAI THỨ BA

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức

Trong các trung tâm và cơ sở an cư Phật giáo trên thế giới, các thời hành thiền thường bắt đầu với âm thanh của tiếng chuông. Ở thiền viện Nhật tại Bồ Đề Đạo Tràng, có một cái chuông lớn bằng đồng, kích thước bằng lốp xe tải. Treo cạnh nó là một chày gỗ lớn kích thước bằng thân cây. Vào lúc hoàng hôn mỗi tối, hai vị tăng sẽ tới, cùng đung đưa cái chày để đánh chuông. Dù bao nhiêu năm đã qua, tôi vẫn có thể nhớ âm thanh vang vọng của nó. Ở Tây Tạng, các thiền sinh thường được báo đến thời thiền bằng các loại chuông kích cỡ khác nhau, đôi lúc kiểu chuông ngân nhỏ của Tây Tạng được sử dụng cho mục đích này, hoặc có khi dùng các cây kèn dài, tạo thành thứ âm thanh vang rền khắp cả thung lũng.

Bất cứ khi nào hành thiền, tôi đều chậm rãi dùng một cái búa gỗ, gõ vào cái chuông ngân kiểu Nhật bằng đồng hình bát của mình. Tôi làm vậy ba lần, để nó vang càng lâu càng tốt. Đây là cách tôi bắt đầu và kết thúc mỗi thời hành thiền. Khi tận hưởng những âm thanh đẹp đẽ ấy, chúng ta có thể nghĩ mình đang làm ngân vang những công cụ này cho tai của chính mình nghe, nhưng người Tây Tạng nói rằng ta cũng đang cúng dường âm nhạc tới tai của chư Phật, kể cả vị Phật bên trong mình. Nếu chúng ta có thể lắng nghe âm thanh, vị Phật bên trong sẽ bắt đầu chuyển động. Có những lúc chúng ta sử dụng cái trống lớn, tạo ra sự cộng hưởng trong tâm trí mình cũng vì lý do ấy. Khi dẫn dắt các thời hành thiền, tôi cũng thường bắt đầu bằng cách thỉnh chuông ba lần, một cho Phật, một cho Pháp, và một cho Tăng, tức cộng đồng tâm linh.

Tôi nghĩ, điều quan trọng là người truy cầu nhớ rằng, thông qua sự lắng nghe có ý thức, ta thật sự có thể trở nên giác ngộ. Chẳng hạn, Milarepa, vị hành giả giác ngộ Tây Tạng, thường được vẽ với bàn tay khum đưa lên tai phải để nhấn mạnh rằng ngài đang lắng nghe âm thanh của thế giới tự nhiên, như thể đang đọc cuốn sách của tự nhiên. Ngài đang hoà vào cái vô hạn thông qua âm thanh hữu hạn của tự nhiên. Tất cả các bài đạo ca của Milarepa đều đến từ sự lắng nghe chân thực.

Phật tử Trung Quốc từ lâu đā tổ chức ngày đản sinh của Bồ Tát Quán Thế Âm, thường được mô tả như một phụ nữ siêu phàm, không khác các mô tả của Thiên Chúa giáo về Đức Mẹ Maria. Tương truyền, Quán Thế Âm – tên này có nghĩa là “người nghe âm thanh của thế gian” – đã giác ngộ vì ngài nghe và chú ý đến đau khổ của thế gian.

Tương ứng với Quán Thế Âm ở Tây Tạng đương nhiên là Đức Avalokitesvara, vị Bồ tát của lòng từ bi vô hạn, vượt trên nam và nữ. Bất kỳ ai nghiên cứu Phật giáo cũng sẽ nghe rất nhiều về Đức Avalokitesvara. Có lẽ kinh Phật được biết đến nhiều nhất và ưa thích nhất trong số các kinh Phật là bản kinh ngắn gọn, dài chỉ một trang Bát Nhã Tâm Kinh. Xoay quanh Bát Nhã Tâm Kinh, truyền thuyết nói rằng trong thời kỳ đầu của Phật giáo, chính Đức Phật, dưới tướng trạng Avalokitesvara, đã dạy Bát Nhã Tâm Kinh cho năm trăm tăng và ni tụ tập tại Linh Thứu Sơn ở Rajgir, địa điểm cách nửa ngày đi bộ từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Câu chuyện kể rằng, nhiều tu sĩ quá sốc với sự tuyên thuyết không nhân nhượng về chân lý tuyệt đối tới mức họ thậm chí đã ói mửa. Nói ngắn gọn, họ không thể nuốt trôi sự thật trần trụi, không tô điểm chứa đựng trong lời dạy về tính không rốt ráo có tính chất đả phá tín ngưỡng này; nó làm họ rúng động, đập tan những khái niệm giáo điều. Tất nhiên, Bát Nhã Tâm Kinh đã vang vọng cho đến tận hiện tại, là cốt tuỷ của trí huệ siêu việt, nhắc chúng ta nhớ rằng sắc tướng chẳng là gì ngoài tính không, và tính không định hình thành sắc tướng.

Khi Đức Phật tuyên thuyết Bát Nhã Tâm Kinh, ngài xuất hiện dưới hình tướng Quán Tự Tại (Avalokitesvara). Bởi đã thiền quán sâu xa về nguồn gốc của mọi âm thanh nói cách khác, nguồn gốc của mọi sinh khởi và biểu hiện, mọi hình ảnh, âm thanh, cảm nhận – Đức Quán Tự Tại đã thực chứng tính không và tính chất không thể nắm bắt của những biểu hiện như huyễn này. Vị Đại bồ tát do vậy được giải thoát khỏi sự níu bám vào thực chất hay khái niệm.

Quán Tự Tại, biểu hiện của trắc ẩn và yêu thương, đã thực chứng minh triết sâu xa nhất – Bát Nhã Ba La Mật, Prajna Paramita (trí huệ siêu việt) – bằng cách nhận thức chân lý về sự nghe thuần khiết. Ngài nghe được âm thanh chân thực của vũ trụ, dò được nguồn gốc của mọi âm thanh. Khi tôi nói lắng nghe bằng cái tai thứ ba, như thế không có nghĩa là cái tai trong của thân xác. Tôi nói tới cái tai thật sự, cái tai lắng nghe khi chúng ta thực sự đón nhận, cởi mở, nhạy cảm. Tôi nói tới việc thật sự rung động trước thế giới xung quanh, trước những con người mà ta gặp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MỌI LỜI NÓI GIỐNG NHƯ TIẾNG VANG
  2. LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM
  3. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP