LẤY HỔ THẸN, LỄ BÁI SÁM HỐI ĐỂ AN TÂM

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Thiền Mặc Chiếu; Thích Huệ Thiện dịch và chú thích; NXB. Văn Hóa-Văn Nghệ

Hôm nay đã là ngày thứ sáu, nếu phương pháp dùng không được, lòng cảm thấy rất mệt mỏi, đó là mất hứng thú đối với phương pháp, lúc này tâm sẽ dao động, sẽ cảm thấy rất phiền toái, không có cách gì tiếp tục ở trên bồ đoàn sử dụng phương pháp. Lúc đó thể nghiệm hơi thở, thì hơi thở rất thô; thể nghiệm cơ thể đang ngồi thiền, thì mỗi bộ phận trên cơ thể đều dường như đang mách bảo bạn không muốn ngồi thiền nữa, giống hệt ở trên bồ đoàn đều là gai, ngay cả mỗi lỗ chân lông trên cơ thể, đều đang kháng nghị với bạn rằng đừng nên ngồi thiền nữa.

Có hiện tượng thế này, thì hãy đứng dậy, lợi dụng không gian của thiền đường, sử dụng động tác rất chậm để thể nghiệm cảm giác lạy Phật, vừa lạy vừa nên nói: “Con hổ thẹn, con sám hối, nghiệp lực của con hiện tiền, căn lành bị sức nghiệp quấy nhiễu; con hổ thẹn, con sám hối, bởi tâm Bồ đề của con không nhiều, tâm từ bi không đủ, cho nên không có trí tuệ; con hổ thẹn, con sám hối!”. Vừa thể nghiệm cảm giác lạy Phật, vừa nên lấy tâm tình xót xa nói: “Con hổ thẹn, con sám hối”, sau khi lễ bái như thế này một thời gian, tâm tình sẽ an định trở lại, lúc thân thể không còn khó chịu như thế nữa, thì đã có thể tiếp tục ngồi thiền vận dụng phương pháp lại.

Khi phiền não nặng nề xuất hiện, phương pháp tốt nhất chính là dùng tâm hổ thẹn và tâm sám hối để lạy Phật. Khi tôi gặp phải trong đoàn thể của chúng tôi có sự tình trọng đại phát sinh cần phải giải quyết, nếu không sẽ rất phiền phức, thì lúc đó ngồi thiền cầu linh cảm là việc không có lợi ích, mà tôi đều sử dụng phương pháp lạy Phật, sám hối trước Đức Phật, Bồ Tát, thì tâm tính dần dần cân bằng, đầu óc cũng sẽ rõ ràng. Lạy Phật sẽ có cảm ứng, đây là do năng lực của Đức Phật, Bồ Tát ở bên ngoài, cùng với sự yểm trợ của các vị thần hộ pháp; thần hộ pháp là những vị cùng đi theo trạng thái tâm của người tu hành, nếu tâm an định, họ liền sẽ đến bảo hộ chúng ta.

Tôi có một số ít đệ tử, lúc phiền não lớn đến, đều không sẵn lòng lạy Phật sám hối; trong đó có một vị đệ tử trẻ tuổi cực kỳ thông minh ưu tú, bởi vì nảy sinh phiền não lớn, căn bản không thể nào ngồi thiền được, tôi khuyên chú ấy lạy Phật, chú ấy nói chú không lạy nữa, bởi vì đã lạy rất nhiều năm rồi. Một người tu hành không ngồi thiền, không lạy Phật, không biết hổ thẹn, sám hối, thì phiền não đã đến chính là sự thất bại thảm hại, đây là kẻ rất đáng thương. Cho nên tôi kính khuyên các quý vị, lúc có phiền não lớn, cần nên lấy tâm hổ thẹn, tâm sám hối để lạy Phật, mới có thể cứu quý vị khỏi bị tâm phiền não lớn cuốn đi, nếu không thì ngay cả tu hành rất nhiều năm, cũng khó bảo đảm sẽ không bị cảnh giới lay chuyển, đây là việc rất đáng tiếc.

Đừng nên viện cớ “Hễ có hình tướng, đều là hư dối” rồi cho rằng lạy Phật, ngồi thiền cũng đều là việc hư dối, đây là điên đảo. Ngồi thiền, lạy Phật là để trợ giúp chúng ta từ nội tâm của chính mình thể nghiệm “Hễ có hình tướng, đều là hư dối”, nếu thể nghiệm không được thì cần nên lạy Phật, hổ thẹn, sám hối.

—–⛅️⛅️⛅️—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN ĐIỂM VỀ HÒA HỢP TÔN GIÁO
  2. HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
  3. PHÉP HAY ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CHỈ SỐ EQ TRONG CÔNG SỞ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU