PHÉP HAY ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CHỈ SỐ EQ TRONG CÔNG SỞ

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Tu Trong Công Việc; Người dịch: Thích Quang Định; NXB. Lao động; Công ty sách Thái Hà, 2017

Chỉ số EQ1 quá quen thuộc với con người hiện đại. Là một tu sĩ Phật giáo, tôi không hiểu được thế nào là EQ, tôi chỉ biết dùng Phật pháp để điều tâm nhằm mang lại cân bằng cho bản thân mà thôi. Trạng thái tình cảm tốt thực chất là một trái tim từ bi, trái tim của sự đồng tình, một trái tim biết quan tâm, biết hy vọng, đó còn là một trái tim của hạnh phúc. Tất cả những điều này được tạo nên thông qua sự điều chỉnh và luyện tập tránh những quan niệm không đúng.

Nếu không thể điều chỉnh được trạng thái tình cảm, người bình thường chỉ cảm thấy thỏa mãn, hoặc là sự phóng túng những tính khí thất thường. Những người không thể quản lý, không hiểu được tính cách và tình cảm của mình thường rất dễ bực tức, thất vọng, bi quan, đố kị, hoài nghi. Những hiện tượng tâm lý như vậy sẽ khiến chỉ số EQ của họ không cao!

Phật pháp nói, tâm lý mỗi người về bản chất là giống nhau, chúng ta gọi đó là “tâm niệm”, đó cũng chính là “tình cảm”. Người có trí tuệ thì biết cách vận dụng tốt tâm lý, tình cảm của mình, còn người ngu dốt thì không.

Ở nơi làm việc, đồng nghiệp, ông chủ, khách hàng có thể khiến cho chúng ta không thể vừa ý, làm chúng ta có những phản ứng về mặt tình cảm, cũng có thể là sự kháng cự, sau kháng cự là tranh cãi, sau tranh cãi sẽ biến thành cuộc đấu tranh, sau đấu tranh sẽ là chiến tranh, đó đều bắt nguồn từ vấn đề tình cảm. Vì vậy, Phật pháp cho chúng ta biết, mỗi người đều có những tình cảm không tốt, gọi là “phiền não”. Tâm phiền não cần thông qua sự luyện tập đúng phương pháp, cần khai thông về quan niệm, mới có thể khiến cho tình cảm của chúng ta trở nên bình ổn, tâm hồn thanh thản, phiền não lắng xuống.

Vậy chúng ta cần vận dụng quan niệm thế nào để rèn luyện trái tim mình? Đầu tiên cần phải biết được sự khác biệt của con người, nhận định khi người ở với người nhất định sẽ có va chạm, bởi mỗi người đều có những tính cách khác nhau, cách nghĩ, lập trường cũng không giống nhau, quan niệm khác nhau, nhu cầu khác nhau. Hơn nữa, ngay cả bản thân mình cũng không hiểu rõ được, huống hồ là tìm hiểu cách nghĩ, cách nhìn của người khác. Đối với nguyên nhân phát sinh một sự việc lại càng không thể hiểu rõ được, chúng ta thường dự đoán nó và đưa ra kết luận đứng trên lập trường của chính mình, đó là điều không công bằng.

Nếu nhận thức rõ điều này, bạn có thể chuyển đổi được quan niệm, có thể có được sự thanh thản về tâm hồn. Nhưng nếu tâm hồn không được yên ổn, không có hòa khí, nên làm thế nào? Trường hợp đó cần dùng phương pháp điều tâm, có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Đây là điều đơn giản, dễ làm, nhưng hiệu quả nhất. Khi bạn hiểu được mình đang niệm A-di-đà Phật, không nên lúc nào cũng nghĩ bó chặt lấy đối phương, không coi đối phương là đối thủ, cần phải thay đổi cách nghĩ, để tâm ở câu niệm Phật. Khi niệm Phật cần hướng về nội tâm của mình, không nên lúc nào cũng để ở bên ngoài, như vậy khi luyện tập, tình cảm cũng theo đó mà ổn định trở lại.

Tức giận không có tác dụng gì, vậy hãy thử dùng tâm hồn thư thái để giải quyết sự việc. Đầu tiên, cần chú ý đến hơi thở, giữ cân bằng hơi thở của mình, khí trong bạn sẽ ổn định trở lại rất nhanh. Nếu tâm lý được ổn định sẽ có sự sáng suốt để giải quyết vấn đề, vì vậy không cần phải tức giận. Như vậy, Phật pháp muốn nói đến một trái tim từ bi, trái tim của sự đồng tình, một trái tim biết quan tâm, biết hy vọng, một trái tim của sự vui thích công việc. Đấy chính là chỉ số EQ cao, có thể khiến cho chúng ta có được những điều lợi trong công việc và trong cuộc sống.

Photo by Robert Lukeman on Unsplash

Tự tại trong công việc

Mọi người nên biết điều tiết hơi thở của mình, khi gặp bất kỳ việc gì không công bằng, hoặc hoàn cảnh bên ngoài không tốt, chúng ta có thể chuyển cách nghĩ: Tôi vẫn còn sống, còn thở chứng tỏ tôi vẫn đang sống, điều này gọi là “Giữ được rừng xanh, há còn sợ thiếu củi?”, vậy nên hài lòng với nó.

Chú thích

EQ (Emotional Quotient) là chỉ số cảm xúc. EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người trong cảm nhận, đánh giá và quản lý cảm xúc của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.

 

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN ĐIỂM VỀ HÒA HỢP TÔN GIÁO
  2. HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
  3. THIỂU DỤC TRI TÚC: MỘT CÁCH SỐNG HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM