LỄ TRƯỞNG THÀNH

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc - Gia Đình; NXB Lao Động, THAIHABOOKS.

Lễ trưởng thành là một cổ lễ lưu truyền từ rất lâu, gọi là “trai 20 tuổi làm lễ đội mũ, gái 15 tuổi là tuổi cài trâm”, theo quan niệm xưa, người nào được trải qua nghi thức này mới được chấp nhận là người trưởng thành.

Trong xã hội hiện nay, những thanh niên khoảng 18 tuổi sẽ được tổ chức “lễ trưởng thành”. Ý nghĩa của nó gồm bốn điểm dưới đây:

Thứ nhất, khẳng định chính mình. Nhà Phật có câu nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất, chỉ ta là số một). Ý muốn nói mỗi đời người là chỉ có một không hai (độc nhất vô nhị), là tự mình làm chủ, không dựa vào ngoại lực (độc lập tự chủ). “Trời sinh ta có tài ắt có dụng (Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng), mỗi người đều có thể có tài năng, đặc điểm của riêng mình, nhưng có người chỉ tự mình biết chứ chưa được phát hiện. Ý nghĩa của lễ trưởng thành chính là tuyên bố cho mọi người biết: Tôi đã trưởng thành, tôi đã là một người lớn, không còn là nhi đồng, thiếu niên nữa. Hiện nay tôi đã khôn lớn, tôi cần khẳng định chính mình, tôi là chủ nhân của chính tôi. Mỗi người có thể tự khẳng định giá trị của cuộc đời, có thể khai phá tiềm năng vô hạn của mình.

Thứ hai, gánh vác trách nhiệm. Thanh niên là động lực của xã hội, là hy vọng của tương lai nước nhà. Trong thời kỳ chưa trưởng thành, bất kể gia đình hay học đường, có tiền hay không có tiền, việc tốt hay việc xấu, tất cả đều do cha mẹ, thầy giáo gánh vác, cá nhân mình không làm gì cả. Nhưng hiện nay đã thành người lớn, trách nhiệm của mình, của gia đình, của xã hội, của nước nhà, tôi đều phải gánh vác. Trong quá trình trở thành người lớn, khó tránh khỏi những gió giập mưa dồn, cần phải nuôi dưỡng dũng khí đảm đương mới có thể trưởng thành, mới có đủ sức mạnh. Thông qua nghi thức trang nghiêm của lễ trưởng thành kêu gọi thanh niên nhận thức cuộc sống, khẳng định ý nghĩa của sự tồn tại, tiến lên để hoàn thiện nhân cách, kề vai gánh vác trách nhiệm của mình, của gia đình và xã hội.

Thứ ba, trí tuệ và tình cảm trưởng thành. Lễ trưởng thành tức là muốn thông báo cho mọi người biết mình không còn bé bỏng, ngờ nghệch như trong quá khứ nữa, tri thức đã dần dần hoàn chỉnh, tâm lý tình cảm cũng dần dần chín chắn, quyết chí từ bỏ những tập quán xấu, làm người xử sự theo khuôn phép lề thói. Cần xây dựng quan niệm tốt đẹp, chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình, lan tỏa ánh sáng và sức nóng, sáng tạo để hoàn thành chính mình, hoàn thành tha nhân, hoàn thành xã hội, đó tức là sự trưởng thành của trí tuệ và tình cảm.

Thứ tư, cảm ơn, báo đáp. Sống ở đời, con người không thể đơn phương tồn tại. Trong quá khứ, phải dựa vào sự yêu thương giúp đỡ của cha mẹ, cha mẹ cho chúng ta cơm ăn, áo mặc, đồ dùng; ở trường, thầy giáo dạy dỗ chúng ta, hướng dẫn, chỉ bảo chúng ta, cung cấp kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho chúng ta. Sau khi trưởng thành, chúng ta cần phải độc lập tự chủ, ca ngợi cuộc sống, cảm ơn cuộc sống. Bao nhiêu năm tháng của thời quá khứ, những ngày ngờ nghệch đã qua; ngày nay khôn lớn trưởng thành, hiểu rõ sự đời, ta muốn báo đáp cha mẹ, giúp đỡ bạn bè, tạo phúc cho xã hội. Biết cảm ơn báo đáp mới là một cuộc sống phong phú.

Định nghĩa hai chữ trưởng thành hoàn toàn không phải là tuổi đời nhiều thêm, mà là khả năng tỉnh ngộ tự ngã về mặt tâm lý, chịu gánh vác mọi việc, biết cống hiến, luôn đem lại an vui cho mọi người, luôn nêu gương tốt cho mọi người noi theo, đó chính là tự ngã đã chín muồi. Lúc còn tuổi trẻ sung sức, phải đem sức lực ấy báo đáp xã hội; lúc còn trí não sáng suốt, phải đem trí tuệ ấy phụng sự nhân gian. Nghi thức lễ trưởng thành tuy chỉ một lúc, song ý nghĩa tượng trưng của nó là cả một cuộc đời.

Trích dẫn từ sách Thái căn đàm

Lúc còn bé, cần xem trọng thói quen lễ tiết, sau khi khôn lớn mới có thể được mọi người yêu thích;

Lúc còn trẻ, cần có thói quen học tập, lúc tuổi già mới có thể dễ dàng sống qua ngày;

Thời trung niên, cần bồi dưỡng thói quen tu hành, trong cuộc sống mới có thể hiểu được lẽ sai trái;

Lúc tuổi già, cần hiểu được thói quen bảo trọng, trong hôm sớm mới có thể tự lo lắng cho chính mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  2. GIỮ BÍ MẬT LÀ MỘT HÌNH THỨC TU DƯỠNG
  3. KHÔNG SỢ CHÊ BAI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ