LỜI DẠY CUỐI CÙNG

KINH DI GIÁO (KINH LỜI DẠY CUỐI CÙNG)

Trích: Kinh Di Giáo (Kinh Lời Dạy Cuối Cùng); Hậu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập Phụng Chiếu Dịch; Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải; Nguyễn Minh Hiển hiệu đính; NXB. Tôn Giáo

CHẾ TÂM

“Tỳ-kheo các ông! Đã có thể trụ yên nơi giới rồi, nên chế ngự năm căn, chớ để phóng dật, chạy theo năm dục. Ví như người chăn bò, cầm gậy canh giữ, chẳng để cho tự do chạy bậy, xâm phạm ruộng người.

“Nếu buông thả năm căn, chẳng những là chúng chạy theo năm dục không có giới hạn, không thể chế ngự được, lại như ngựa dữ không dây cương kiềm chế, sẽ lôi người xuống hầm hố. Như bị giặc cướp làm hại, chỉ khổ một đời này thôi, nhưng bị giặc năm căn gây hại, khổ nạn kéo dài nhiều kiếp, lại rất nặng nề, không thể không thận trọng.

“Vậy nên người có trí chế ngự các căn, chẳng hề tùy theo; phòng giữ như giặc cướp, không để buông thả. Nếu buông thả ra, chẳng bao lâu ắt phải diệt mất vì xúc chạm.

“Tâm là chủ của năm căn. Vậy nên các ông phải khéo chế ngự tâm. Tâm rất đáng sợ, hơn cả rắn độc, thú dữ, kẻ giặc thù, nạn lửa lớn tràn lan… Những thí dụ như thế cũng còn chưa đủ. Sự nguy cấp giống như người tay cầm bát mật, đi lại nhanh nhẹn, mắt chỉ nhìn vào mật nên chẳng thấy cái hố rất sâu dưới chân; như con voi điên không có móc sắt để kiềm giữ; lại như con vượn được lên cây, mặc tình nhảy nhót, khó bề ngăn cấm, chế ngự. Phải mau mau kiềm chế, chớ để phóng dật. Nếu buông thả tâm, tất cả việc lành sẽ bị hủy hoại mất; chế ngự được tâm rồi, không việc gì không xong.

“Vậy nên chư tỳ-kheo phải siêng năng tinh tấn, chế ngự cho được tâm”.

KHÔNG NÓNG GIẬN

“Tỳ-kheo các ông! Nếu có người đến cắt xẻo thân thể ra từng mảnh, hãy tự nhiếp tâm không nên nóng giận; cũng phòng hộ nơi miệng, chớ nói lời ác độc. Nếu buông thả tâm nóng giận là tự mình làm hại đạo, mất hết lợi ích công đức.

“Nhẫn nhục là đức tính mà trì giới với khổ hạnh cũng chẳng bì kịp. Người có thể nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc đại nhân có sức mạnh. Như người chẳng thể vui lòng nhận lời mắng chửi độc ác như uống nước cam lộ, thì chẳng thể gọi là bậc trí huệ đã nhập đạo. Tại sao vậy? Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.

“Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ, không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức, không gì hơn tâm nóng giận. Người thế tục thọ hưởng dục lạc, chẳng phải người hành đạo nên không có cách tự chế, nóng giận còn có thể tha thứ được; như người xuất gia hành đạo, không tham dục, mà còn ôm giữ sự nóng giận, thật không thể được. Như giữa trời xanh trong mát mà có sấm sét nảy lửa, thật không phải việc đáng có”.

ÍT HAM MUỐN

“Tỳ-kheo các ông! Nên biết rằng người nhiều ham muốn luôn cầu được nhiều món lợi, nên khổ não cũng nhiều. Người ít ham muốn không bị sự mong cầu, ham muốn gây ra cái hại ấy. Chỉ một việc ít ham muốn đó, rất nên tu tập; huống chi ít ham muốn lại có thể sanh ra các công đức nữa?

“Người ít ham muốn thì không có tâm siểm khúc để cầu cho được vừa lòng người, lại cũng không bị các căn dắt dẫn. Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không lo sợ chi cả; cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ. Giữ tâm ít ham muốn, ắt được Niết-bàn.

“Như vậy gọi là ít ham muốn”.

BIẾT ĐỦ

“Tỳ-kheo các ông! Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Phép biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý.

“Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kẻ không biết đủ thường bị năm dục dắt dẫn, nên người biết đủ lấy làm thương xót lắm.

“Như vậy gọi là sự biết đủ”.

TINH TẤN

“Tỳ-kheo các ông! Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Bởi vậy, các ông nên chuyên cần tinh tấn. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn thủng được hòn đá. Nếu trong tâm người tu giải đãi, biếng nhác, cũng giống như người xát cây lấy lửa, chưa nóng đã vội ngưng nghỉ. Dù người ấy muốn được lửa cũng khó mà được.

“Như vậy gọi là sự tinh tấn”.

KHÔNG MẤT CHÁNH NIỆM

“Tỳ-kheo các ông! Cầu được bậc thiện tri thức, cầu được người khéo phù trợ, cũng không bằng chẳng để mất chánh niệm. Nếu người không mất chánh niệm, giặc phiền não chẳng xâm nhập được. Vậy nên các ông phải thường thâu nhiếp chánh niệm trong tâm. Nếu để mất chánh niệm thì mất hết công đức. Như niệm lực được mạnh mẽ, bền bỉ, thì dù vào giữa đám giặc năm dục cũng chẳng bị hại; cũng như mặc áo giáp ra trận thì không sợ chi cả.

“Như vậy gọi là không mất chánh niệm”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO
  2. ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY CỦA ĐỨC PHẬT
  3. ĐỨC PHẬT VỚI NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TU TẬP

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP