CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO

VENERABLE THUBTEN CHODRON

Trích: Lòng Rộng Mở, Tâm Trong Sáng; Ban dich thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức, 2009

Cuộc đời của đức Phật và sự lan tỏa của Phật giáo, sự giác ngộ của Siddhartha và sự truyền bá lời dạy của Ngài.

…Những bài thuyết pháp này (của đức Phật) vô tình diễn tả cho chúng ta nhân vật hàng đầu của lịch sử Ấn Độ: một con người ý chí xác quyết, uy quyền và kiêu hãnh, nhưng với những tính cách và lời nói tinh tế và nhân từ vô cùng. Con người ấy đã đòi hỏi giác ngộ chứ không mạc khải; không bao giờ nhận rằng một thượng đế nói qua cuộc đời mình. Và tuy nhiên, vị ấy nhẫn nhục và bi mẫn hơn tất cả những vị thầy vĩ đại khác của nhân loại. Như Lão Tử và Christ, ngài muốn đổi cái ác thành cái thiện, sự hận thù thành tình thương; và ngài im lặng trước những sự không hiểu và ngộ nhận. Ngược với phần nhiều những bậc thánh, đức Phật có cảm thức hài hước và ngài biết rằng siêu hình học không có tiếng cười là sự khiếm nhã.

-Will Durant (nhà sử học)

Nhiều dấu hiệu điềm lành có cùng với sự sanh ra của Siddhartha, con của vua và hoàng hậu ở Kapila-vastu, thế kỷ VI trước Chúa giáng sinh. Những cầu vồng xuất hiện trong bầu trời, và những thú vật trở nên hiền hòa và toàn xứ sở mừng vui. Vừa sinh ra, Siddhartha đứng dậy, đi bảy bước và tuyên bố đây là lần tái sanh cuối cùng.

Thái tử Siddhartha giỏi trong học hành, nghệ thuật và thể thao. Để bảo vệ ngài tách với thế gian, vua cha cấm ngài ra khỏi hoàng thành. Ngài lập gia đình, có một đứa con và hưởng thụ sự xa hoa và những thú vui của cuộc đời vương giả. Nhưng thái tử quan. tâm đến đời sống của chúng sanh, và thỉnh thoảng ngài bỏ hoàng cung, đi với người hầu mà cha mẹ không biết. Chính trong những lần dạo chơi này mà ngài có nhiều cuộc gặp gỡ quyết định: một người bệnh, một người già và một xác chết. Người đánh xe giải thích cho ngài rằng không có ai thoát khỏi bệnh, già và chết. Một dịp khác, hoàng tử gặp một tu sĩ lang thang. Ngài biết rằng con người thánh thiện này đã từ bỏ tất cả để theo đuổi một sự hiểu biết đích thực đời sống và một lối thoát cho những khó khăn của mình. Những cuộc gặp gỡ này tác động mạnh vào tâm thức ngài.

Chán những lạc thú trong lâu đài, thái tử chỉ có một ý nghĩ: giải quyết những vấn nạn của cuộc đời và tìm một câu trả lời cho những câu hỏi về sự sống và cái chết. Một hôm, ngài bỏ hoàng cung, cởi những y phục vua chúa để trở thành một người khất thực. Ngài học với những vị thầy thiền định vĩ đại nhất của thời đại và hoàn thành mọi lời chỉ dạy của họ, nhưng thấy rằng ngài đã không khám phá bản chất của thực tại cũng như phương tiện để vượt thoát vòng sanh tử, ngài tìm cách đạt đến những thành tựu trong sáu năm khổ hạnh. Khi hiểu rằng những hành hạ thân thể không tịnh hóa tâm thức mình, ngài bỏ thực hành này. Và khi ngồi dưới gốc bồ đề của Bodh-Gaya, Bắc Ấn, ngài thệ nguyện không đứng dậy nữa cho đến bao giờ đạt được giác ngộ hoàn toàn.

Nhiều lực lượng bên ngoài cũng như bên trong thử làm ngài xao lãng khỏi thiền định của ngài. Nhưng vào bình minh ngày trăng tròn của tháng tư âm lịch, ngài thành công trong việc giải thoát tâm thức khỏi mọi ràng buộc và khai triển tất cả tiềm năng của ngài. Như vậy ngài trở thành một vị Phật hoàn toàn thức tỉnh.

Trong bốn mươi lăm năm, đức Phật dạy khắp miền Bắc Ấn và một phần của Nepal ngày nay. Những đàn ông và phụ nữ muốn xuất gia theo ngài, và như vậy tăng đoàn, cộng đồng tăng ni, bắt đầu. Những người cư sĩ cũng học với đức Phật, giữ năm giới, cúng dường đất cho tăng đoàn để trú ngụ cũng như lương thực, y phục, thuốc men.

Trong vài năm sau, đức Phật trở về Kapilavastu để dạy pháp cho gia đình. Con ngài vào tăng đoàn, và bà dì, người đã nuôi ngài sau cái chết của mẹ, là người nữ được xuất gia đầu tiên, sau đó là người vợ của ngài.

Vua cha và triều đình theo những lời dạy của ngài. Đức Phật đem lại nhiều thay đổi trong xã hội Ấn Độ. Ngài khuyên người ta không nên theo một thực hành quá độ về lễ nghi, kêu gọi họ hiểu biết những nghi lễ họ tham dự. Ngài cấm sự phân biệt giai cấp trong tăng đoàn vào thời Ấn Độ chia thành bốn giai cấp khắt khe. Cho phụ nữ xuất gia ngài công nhận khả năng giải thoát của họ, thay vì chỉ ở nhà làm bếp. Khuyến khích một cơ chế dân chủ trong tăng đoàn, ngài tạo ra một kiểu mẫu làm thay đổi thái độ của nhà cầm quyền thế tục thời ấy.

Từ đó cuộc đời đức Phật và triết học của ngài không ngừng ảnh hưởng thế giới. Mahatma Gandhi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi chế độ thực dân Anh, đã nói:

Tôi không chút ngần ngại mà nói rằng tôi chịu ơn nhiều về sự gây cảm hứng tôi đã tìm thấy trong cuộc đời đức Phật… Tình thương không giới hạn của ngài đến tận những sinh vật nhỏ nhất, những cuộc đời nhỏ hơn con người rất nhiều. Và ngài đã nhấn mạnh đến sự trong sạch của đời sống.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ KIỆN NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐỨC PHẬT HIỆN DIỆN GIỮA CUỘC ĐỜI
  3. ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY CỦA ĐỨC PHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  2. PHẬT PHÁP VÀ GIA ĐÌNH
  3. LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG

Bài viết mới

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  3. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT