LAMA SURYA DAS
Đức Gampopa còn có tên là Dagpo Lharje hay Sonam Rinchen, là đệ tử thượng thủ và là người truyền thừa chính của Jetsun Milarepa. Ngài được ví như mặt trời, so với Rechung người viết lại tiểu sử của Milarepa, được ví như mặt trăng. Đức Gampopa là người cha của truyền thống Kagyu, cội gốc và nền tảng của phái này. Hoạt động của Ngài về đạo pháp bắt đầu trong một đời trước, khi Ngài là một bồ tát có tên là Chandra Prabha Kumara hay “Ánh Trăng Trẻ Trung”, là một đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật đã nói trong Kinh Định Vương (Samadhiraja Sutra) rằng vào thời mạt pháp, hậu thân của Ánh Trăng Trẻ Trung sẽ truyền bá những giáo lý của kinh này, nó chính là thực nghĩa, là Đại Ấn (Mahamudra). Qua nguyện vọng bồ tát của mình và những ban phước gia bị của Phật Thích Ca, Ánh Trăng Trẻ Trung đã tái sanh ở Tây Tạng là đức Gampopa và sáng lập ra dòng Kagyu.
Tên Gampopa của Ngài còn ám chỉ Ngài như là sự tái sanh của vua Srong-Tsan-Gampo, vị vua Phật giáo đầu tiên của Tây Tạng, mất vào năm 650. Gampopa (khoảng 1079 đến 1153) sanh ở miền trung Tây Tạng, là một y sĩ. Khi gia đình Ngài bị sụp đổ vì một nạn dịch, Ngài đã hứa với vợ mình trước khi chết rằng Ngài sẽ xuất gia và hiến đời mình cho Phật pháp. Được thọ giới năm 26 tuổi với pháp danh là Sonam Rinchen, Ngài bắt đầu tu hành trong truyền thống Kadampa của Atisha. Về sau Ngài gặp đại thiền giả Milarepa, người nối dòng từ Tilopa qua Naropa, đến Thầy Milarepa là Marpa, Đại Dịch giả và ngài là đệ tử thứ nhất nối pháp của Jetsun Milarepa. Về già ngài có nhiều đệ tử và xây ngôi chùa ở Gampo Dar làm trung tâm cho dòng Kagyu. Trong những đệ tử truyền dòng, đặc biệt có Karmapa đệ nhất, Dusum Khyenpa là đệ tử của Ngài, là người sáng lập dòng Karma Kagyu, tu viện chính là Tsurphu và nay đã đến đời Karmapa thứ 17.
Ngài đã viết các luận văn về Đại Ấn và những giáo lý Kagyu. Ngoài tác phẩm Vòng Hoa Quý Báu của Con Đường Tối Thượng, những tác phẩm chính khác là Sự Trang Hoàng Bằng Ngọc của Giải Thoát và Bốn Pháp của Gampopa.
—–o0o—–
LẦN NỌ, có một thương nhân đến tìm Gampopa, truyền nhân của tu sĩ phiêu bồng Tây Tạng Milarepa, và xin ông truyền cho phép tu học tâm linh. Thương nhân nọ thú thật rằng từ nhiều năm ông sống bằng nghề buôn bán. Ông mua các vật dụng, pháp khí hay xương cốt có tính chất tôn giáo với giá rẻ mạt và bán lại với một giá rất cao ở các nơi khác. Thương nhân đó có vẻ biết rằng cách buôn bán đó không phù hợp lắm với giáo lý của đức Phật, cho nên nói với Gampopa: “Làm sao tôi có thể giải thoát khỏi ác nghiệp do hoạt động đó gây ra? Tôi sợ rằng ngày nào đó sẽ phải trả giá rất đắt vì sự gian tham này”.
Gampopa khuyên thương nhân nọ nên tìm một nghề khác mà làm và cúng tế số lãi thu được vào việc xây một ngôi đền, mở cửa cho những ai đi tìm đạo. Thương nhân nghe lời, và đạt kết quả bất ngờ trong nghề mới của mình. Vài năm sau ông xây một điện thờ Phật tuyệt đẹp, nhưng bản thân lại không có mấy thời gian để lui tới hay tu học thiền định trong đó. Ông lại tìm Gampopa và nói: “Thưa ngài, may thay tôi cũng làm được một điều là giảm bớt nghiệp dữ, xây được ngôi đền như ngài khuyên. Nhưng bây giờ tôi lại lo mua tìm vô số kinh sách, pháp khí, tranh tượng để trang bị cho đền, vì Tăng chúng cần những thứ đó. Làm sao tôi còn thì giờ để thiền quán được, khi tôi suốt ngày bận rộn? Và nếu không thiền định làm sao tiến bộ được trên đường tâm linh?”.
Gampopa đáp: “Đền không cần pháp khí hay trang hoàng gì cả. Cứ để cho những người lui tới tự họ làm. Hãy nghe rõ đây. Nếu bạn chỉ một giây thôi, thấy được ánh sáng của tự tính, như phép Đại Thủ Ấn chỉ rõ, chỉ một giây thôi đi vào được tính Không của tự tính đó thì toàn bộ nghiệp lực của bạn sẽ được giải trong giây phút đó. Sau đó bạn cũng không cần phải làm gì cả, chẳng cần làm điều thiện, cũng chẳng lo lắng điều gì liệu tiến bộ tâm linh này nọ là chân hay vọng. Bạn có hiểu không?”.
Thương nhân không hiểu. Ông lấy làm bối rối vì lời của Gampopa ngược lại với hình dung của ông về một người mộ đạo. Gampopa nói tiếp: “Trên bước đường của Đại Thủ Ấn, con người cứ để rơi lại trong Chân như đó là dạng tự tính tự nhiên, có sao thì cứ thế. Chân như đó chính là Phật tính ẩn trong mỗi người chúng ta. Hãy nhận ra nó. Tại đây và bây giờ thì Phật tính chính là tự tính sâu xa đích thực của bạn. Hãy an trú trong đó, không có chút tâm lo ngại, xa hẳn cái lo toan, nên làm cái gì và không nên làm cái gì”.
Bất ngờ, thương nhân thấy Phật tính nằm sẵn từ vô thủy trong mình rồi và ông tỉnh giấc mộng mà trong đó ông những tưởng “phải đạt cái gì, phải làm cái gì”. Từ đó về sau, ông không còn có một thần tượng nào cả.
—o0o—