LÒNG BIẾT ƠN – CON ĐƯỜNG DỄ DÀNG NHẤT ĐỂ HẠNH PHÚC

PIERO FERRUCCI

Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Nguyên tác: The Power Of Kindness; NXB. Hồng Đức; Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn, 2020

Con trai tôi, Emilio, dành dụm tiền tiết kiệm để mua một bộ mô hình máy bay. Khi mở chiếc hộp ra, thằng bé thấy bất ngờ và thất vọng – chiếc hộp bên ngoài thật hoành tráng, nhưng mô hình bên trong mới tệ làm sao. Chất liệu làm ra bộ mô hình thì kém, hướng dẫn thì không rõ ràng, việc mua bộ mô hình này khiến thằng bé thấy mình bị lừa gạt. Emilio rất buồn. Tôi hiểu thằng bé đang cảm thấy thế nào: Thằng bé giống tôi – những đồ kém chất lượng khiến cậu vô cùng bực bội. Tôi không biết phải làm gì. Tôi muốn an ủi thằng bé. Liệu tôi có nên cho lại thằng bé số tiền nó đã bỏ ra? Hay mua cho thằng bé một bộ mô hình máy bay tốt hơn? Quá phân vân, tôi quyết định sẽ không làm gì hết. Emilio không động tới món đồ ấy nữa.

Vài ngày sau, cậu bạn Andrea của thằng bé tình cờ tới nhà chúng tôi chơi và nhìn thấy bộ mô hình. “Ôi chao! Máy bay gì mà đẹp quá! Màu sắc quá tuyệt! Chà, cậu may mắn quá nhé! Sao mà cậu vẫn chưa ghép chúng lại thế?”. Tôi để ý nét mặt của Emilio. Tôi thấy từng bánh xe nhỏ trong bộ não của thằng bé đang chuyển động: chỉ số GQ (đo mức độ biết ơn) của thằng bé đang tăng lên vùn vụt. Hai cậu bé bắt tay vào lắp mô hình. Chất lượng không tốt của món đồ không thành vấn đề, và chúng cùng làm mà không cần hướng dẫn. Vài phút sau, hai cậu bé ra sân chơi phi máy bay. Một món đồ trước đó là đồ dỏm thì giờ lại trở thành một báu vật. Liệu ta có làm được như vậy với những chiếc máy bay mô hình của mình không?

Hoàn toàn có thể. Và nếu làm được như vậy, ta sẽ thấy lòng biết ơn giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và hiệu quả làm việc của mình. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên ba nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên chỉ ghi lại những gì khiến mình bực bội và băn khoăn trong suốt một tuần; nhóm thứ hai chỉ ghi lại tất cả những sự kiện lớn; còn nhóm thử ba được phép ghi tối đa năm điều mà họ thấy biết ơn trong cuộc sống của mình. Nghiên cứu ấy tiến hành mỗi tuần trong mười tuần liền. Khi kết thúc, các đối tượng thuộc nhóm ghi chép lại lý do để thấy biết ơn là những đối tượng hài lòng về cuộc sống của mình nhất, có nhiều kỳ vọng lạc quan hơn về tương lai, cảm thấy khỏe khoắn nhất, và tin rằng họ đã tiến xa trên con đường đi tới những mục tiêu của bản thân. Lòng biết ơn dường như không chỉ ảnh hưởng đến sự hạnh phúc mà còn tới sức khỏe và mức độ hiệu quả của chúng ta nữa.

Chúng ta không nên quá ngạc nhiên với kết quả này. Những người cảm thấy biết ơn nhận ra được vẻ đẹp bên trong và tin tưởng vào mối quan hệ của mình. Đó chính là nền tảng cho một sức khỏe tốt. Mỗi khi có một khách hàng trị liệu tâm lý của tôi cảm thấy biết ơn, tôi biết người đó đã được chữa lành. Với tôi, đó là tiêu chí chắc chắn nhất để biết được tình trạng sức khỏe tâm lý của một người ra sao. Nó cho thấy các kênh giao tiếp của người đó được mở rộng, và rằng người đó không tự đánh giá mình quá cao (vì họ biết họ cần đến người khác) hay quá thấp (vì họ biết những gì họ nhận được là xứng đáng). Điều đó có nghĩa là người ấy có khả năng nhìn ra giá trị trong tình huống cụ thể của mình. Người ấy biết trân trọng những gì tốt đẹp mà cuộc sống mang lại. Được như vậy thì còn gì bằng?

Lòng tốt mà thiếu đi sự biết ơn thì rất nguy hiểm, hoặc thậm chí là bất khả thi. Những người không biết đón nhận, và không cảm thấy hàm ơn bởi những gì mình được ban cho sẽ gặp rắc rối khi họ cố tỏ ra tốt bụng. Họ nghĩ rằng bản thân giống như một nhà đại hảo tâm và những người khác phải mang nợ họ. Thậm chí họ còn nhắc nhở người khác về những việc tốt mình đã làm, mong chờ nhận được sự biết ơn. Họ trở nên khinh thường người khác. Họ cũng cảm thấy khó khăn hơn trong việc trân trọng những điều nhỏ bé, tưởng chừng như tầm thường – ví dụ như một nụ cười, dành thời gian nửa tiếng ở bên ai đó hay một lời bình luận dí dỏm. Họ chỉ coi trọng những món quà hiện vật có thể đo đếm được, như một chiếc đồng hồ đeo tay hay một cây bút máy. Nhưng lòng tốt không thể định giá trên bảng cân đối kế toán được.

Lòng tốt dễ rơi vào quên lãng, nhưng cũng dễ được khơi dậy. Khi tôi nghĩ về tất cả những người mà tôi thấy biết ơn trong cuộc đời mình, một điều thú vị xảy ra. Từng chút, từng chút một tôi nhận ra rằng tất cả những gì tôi có được đều đến từ những người xung quanh. Từ cha mẹ, tôi có sự trợ giúp tuyệt vời. Chính thầy cô đã cho tôi những công cụ thiết yếu phục vụ công việc, sinh ra ý tưởng và tạo cảm hứng cho mình. Bạn bè khiến tôi cảm thấy mình giỏi giang. Những người đồng nghiệp chỉ tôi nhiều mẹo làm việc hiệu quả. Có những người đã mở rộng cánh cửa đến với những thế giới mà tôi không hay biết chúng tồn tại, hay đã chỉ dạy tôi tầm quan trọng của việc quan tâm đến người khác. Vợ và các con đã cho tôi tình yêu thương và một gia tài của những sự bất ngờ. Và đó mới chỉ là khởi đầu. Dần dần, khi tiếp tục suy nghĩ, tôi nhận ra rằng tất cả những gì mình có – tài sản, năng lực, tính cách, ý tưởng – đều đến từ những người khác hoặc được khơi dậy trong sự có mặt của họ.

Tôi dần nhận ra từng viên gạch xây nên ngôi nhà của mình đều được góp bởi một ai đó và những viên gạch của chính tôi cũng góp phần xây nên nhiều ngôi nhà khác. Tôi cảm thấy sao nhỉ? Lòng tự trọng bị tổn thương, tính tự lập bị đe dọa, hay tôi mắc nợ tất cả mọi người? Không hề. Thay vào đó, hình ảnh về bản thân và về những người khác trong tôi thay đổi. Ta đều được giáo dục rằng ta là những cá thể với những ranh giới rõ ràng, rằng ta cần phải xắn tay áo lên và làm việc cật lực để cải thiện bản thân và tạo ra thứ gì đó có giá trị. Đây chính là văn hóa phương Tây. Một số người thậm chí còn tin rằng mình chẳng nợ ai thứ gì. Chúng ta trông như một bức tranh được phác họa với hình ảnh ẩn dụ là những trái banh bi-da, những cá thể riêng biệt vây quanh bởi những cá thể riêng biệt khác.

Nhưng bức tranh ấy không phản ánh đúng sự thật. Chúng ta giống như những tế bào với lớp màng có thể thẩm thấu được, sinh sống bằng cách không ngừng trao đổi và phụ thuộc vào những tế bào khác. Lòng biết ơn là một cách nhìn thực tế hơn về sự tồn tại của chúng ta. Sự trao đổi diễn ra liên tục và định hình con người ta là ai cũng như phong cách sống của ta như thế nào. Nếu ta bắt đầu áp dụng lối suy nghĩ này, ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Lòng biết ơn không còn quá phi thường mà chỉ là một cảm xúc cơ bản. Nếu như vô ơn nghĩa là lạnh lùng và xa cách, thì biết ơn là nồng hậu, cởi mở, thân thiện. Cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Ta không còn phải lo lắng tìm cách chứng tỏ mình thông minh ra sao. Và ta thôi không than vãn và phàn nàn nữa. Ta không còn phải tham gia vào những cuộc chiến đẫm máu hay giành giật những chiến thắng bất khả thi. Ta hiểu rằng hạnh phúc đang ở ngay đây. Hạnh phúc đã và đang tồn tại, không còn nghi ngờ gì cả. Ngay trước mắt chúng ta.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BIẾT ƠN LÀ ĐIỀU KIỆN CỦA HẠNH PHÚC
  2. HẠNH PHÚC CHÂN THẬT ĐẾN TỪ SỰ TRI ÂN
  3. TRÂN TRỌNG VÀ TRI ÂN – LIỀU THUỐC CHỮA BÁCH BỆNH

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. SỰ LINH ĐỘNG – THÍCH NGHI HAY LÀ CHẾT
  3. THẤU CẢM – MỞ MANG NHẬN THỨC

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ