GREGG BRADEN
Trích: Ma Trận Thần Thánh; Nguyên tác: The Divine Matrix; Việt dịch: Nguyễn Tiến Hòa; NXB. Dân Trí; Công ty TNHH Xuất bản Thiện Tri Thức, 2021
Chìa khóa 9: Cảm xúc chính là ngôn ngữ để “giao tiếp” với Ma Trận Thần Thánh. Hãy cảm thấy như thể mục tiêu của bạn đã hoàn thành và lời cầu nguyện của bạn đã được hồi đáp.
Người tu sĩ trưởng đang nói với chúng tôi về cùng một thứ mà các nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ 20 đã đề cập. Ông không chỉ truyền đi cùng những ý tưởng mà các thí nghiệm đã ghi lại, ông còn đang tiến hành một bước xa hơn: Ông đang chia sẻ những hướng dẫn mô tả cách chúng ta có thể nói thứ ngôn ngữ của những khả năng lượng tử và ông đang làm vậy thông qua một kỹ thuật mà chúng ta ngày nay biết đến dưới dạng cầu nguyện. Không có gì ngạc nhiên khi những lời cầu nguyện hiệu quả như những phép màu! Chúng khiến cho chúng ta chạm vào không gian thuần khiết nơi mà những phép màu trong tâm trí trở thành thế giới thực tại của chúng ta.
LÒNG TRẮC ẨN: MỘT LỰC CỦA TỰ NHIÊN VÀ TRẢI NGHIỆM CON NGƯỜI
Sự rõ ràng trong câu trả lời mà ngài tu sĩ trưởng đã đưa ra khiến tôi cảm thấy rúng động. Lời của ông làm vang vọng những ý tưởng đã được ghi lại trong tín ngưỡng Ngộ đạo (Gnostic)và Cơ đốc cổ xưa 2000 năm trước. Để những lời cầu nguyện của chúng ta được hồi đáp, chúng ta phải vượt lên nỗi nghi ngờ thường xuyên đồng hành với bản chất tích cực trong khát vọng của chúng ta. Tiếp nối lời dạy ngắn gọn về việc vượt qua những phân cực như vậy, những lời của Chúa Giê-su được ghi lại trong thư viện Nag Hammadi nhắc cho chúng ta về sức mạnh trong các mệnh lệnh của bản thân. Bằng những lời lẽ mà đến giờ đã trở nên quen thuộc với chúng ta, chúng ta được nhắc nhở rằng khi chúng ta nói với ngọn núi, “Núi hãy dời đi”, thì ngọn núi sẽ dời đi.
Thông qua sự rõ ràng trong lời nói của mình, ngài tu sĩ trưởng đã giải đáp bí ẩn về những điều mà các tăng ni đang tiến hành trong lời cầu nguyện của họ: Họ đang nói ngôn ngữ của cảm xúc và cảm giác, một thứ vô ngôn ngữ không hề đầu môi chót lưỡi nào có thể tả được.
Vào năm 2005, tôi có cơ hội viếng thăm lại các tu viện ở Tây Tạng trong tổng cộng 37 ngày. Suốt hành trình, nhóm của tôi biết được rằng ngài tu sĩ trưởng, người đã chia sẻ bí mật về cảm xúc vào năm 1998 đã qua đời. Mặc dù hoàn cảnh chưa bao giờ được làm sáng tỏ, chúng tôi đều biết rằng ngài không còn trên thế gian này nữa. Mặc dù chúng tôi chưa từng gặp vị tu sĩ mới – thay thế vị trí tu viện trưởng, nhưng khi vị này nghe nói đến sự trở lại của chúng tôi, ngài đã chào mừng chúng tôi về thăm lại tu viện và cho phép chúng tôi tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu vào năm 1998.
Vào một buổi sáng lạnh giá khác của Tây Tạng trong một tu viện khác, chúng tôi thấy mình đang đối diện với vị tân tu sĩ trưởng của tu viện. Chỉ vài phút trước đó, chúng tôi đã được đưa qua lối đi lát đá quanh co dẫn chúng tôi đến căn phòng nhỏ, lạnh lẽo và sáng lờ mờ này – trong bóng tối hoàn toàn, chúng tôi cẩn thận dò dẫm tìm đường từng bước một dọc theo sàn nhà trơn tuột, nhẵn nhụi đầy nguy hiểm sau bao thế kỷ tích tụ bơ trâu yak trên bề mặt. Chính trong bầu không khí hư vô mát lạnh của căn phòng cổ xưa nằm giữa tu viện này, tôi đã hỏi vị tân tu sĩ trưởng những câu hỏi tiếp nối của mình: “Điều gì kết nối chúng ta với nhau, với thế giới của chúng ta và với vũ trụ? ‘Thứ mang những lời cầu nguyện của chúng con ra khỏi cơ thể và giữ cho thế giới gắn kết là gì?” Ngài tu sĩ trưởng đã nhìn thẳng vào tôi khi người phiên dịch lặp lại câu hỏi của tôi bằng tiếng Tây Tạng. Theo bản năng, tôi đã liếc người hướng dẫn, người đang là cầu nối cho toàn bộ buổi trò chuyện của chúng tôi. Tôi đã không chuẩn bị cho lời phiên dịch mà tôi nghe thấy đang đáp lại với tôi. “Lòng trắc ẩn,” ông nói, “Vị geshe nói rằng lòng trắc ẩn là thứ kết nối chúng ta”
“Làm sao có thể như thế được?” Tôi hỏi để tìm kiếm ý nghĩa rõ ràng trong những gì mà tôi đang nghe thấy. “Có phải ngài đang mô tả lòng trắc ẩn như một lực tự nhiên hay một trải nghiệm cảm xúc?” Một cuộc trao đổi sống động chợt nảy sinh khi người phiên dịch đưa câu hỏi của tôi cho vị tu sĩ trưởng. “Lòng nhân ái là thứ kết nối vạn vật” là câu trả lời cuối cùng của ông. Và mọi chuyện là thế đấy! Sau gần 10 phút đối thoại sâu sắc liên quan đến những yếu tố sâu xa nhất của Phật giáo Tây Tạng, tất cả những gì tôi nghe được là những từ đó.
Vài ngày sau, tôi thấy mình lại tham gia vào cuộc trò chuyện tương tự, đưa ra câu hỏi y hệt với một vị cao tăng ở tu viện khác. Tuy nhiên, thay vì hình thức mà chúng tôi đã trải qua khi có sự hiện diện của vị tu sĩ trưởng, chúng tôi đang ở trong tiểu thất của vị tu sĩ – căn phòng nhỏ nơi ông ăn, ngủ, cầu nguyện và nghiên cứu khi ông không ở trong phòng tụng kinh lớn. Vào lúc này, người phiên dịch của chúng tôi đã trở nên quen với dạng thức câu hỏi của tôi và những gì tôi đang cố gắng để hiểu. Khi chúng tôi quây quần bên những ngọn đèn dùng bơ trâu yak trong căn phòng sáng lờ mờ, tôi ngước nhìn lên trần của căn phòng thấp. Nó được bao phủ bởi muội đen từ chính hhững ngọn đèn bơ trâu yak được đốt suốt vô số năm tháng để sưởi ấm và chiếu sáng trong chính nơi mà chúng tôi thấy mình vào buổi chiều hôm đó.
Cũng giống như câu hỏi mà tôi đã đưa ra cho vị tu sĩ trưởng chỉ vài ngày trước đó, tôi đã hỏi tương tự (thông qua người phiên địch) cho vị sư này: “Lòng trắc ẩn là một lực của sự sáng tạo hay nó là một trải nghiệm?” Mắt của vị sư hướng lên trên trần nhà mà tôi chỉ nhìn vài giây trước đó. Ông thở ra một hơi thật sâu, ông đã suy nghĩ suốt một lúc, tập hợp trí tuệ của thứ mà ông đã học được kể từ khi bước chân vào các tu viện ở cái tuổi lên 8. (Ông có vẻ hiện giờ đang ở giữa độ tuổi đôi mươi.) Đột nhiên, ông hạ thấp ánh mắt, nhìn vào tôi khi ông đáp lại. Câu trả lời ngắn gọn, đẩy sức mạnh và cực kỳ hợp lý. “Nó là cả hai” chính là câu trả lời mà tôi đã được nghe từ vị thầy tu. “Lòng trắc ẩn vừa là một lực trong vũ trụ vừa là một trải nghiệm con người.”
Vào ngày hôm đó, trong một tiểu thất của vị thầy tu cách nửa vòng trái đất, ở độ cao gần 4500m so với mực nước biển và thậm chí cách thị trấn gần nhất đến vài giờ đi lại, tôi đã nghe được những lời trí tuệ giản dị đến nỗi rất nhiều tín ngưỡng phương Tây đã bỏ sót cho đến tận ngày nay. Vị thầy tu vừa chia sẻ bí mật về những gì kết nối chúng ta với mọi thứ trong vũ trụ cũng như phẩm chất khiến cảm nhận và cảm xúc của chúng ta trở nên mạnh mẽ đến vậy: Chúng là một và giống hệt nhau.
KHÔNG PHẢI CẢM XÚC NÀO CŨNG PHÁT HUY TÁC DỤNG
Các bản dịch những lời cầu nguyện cổ xưa dạo gần đây được ghi lại bằng tiếng Aramaic (ngôn ngữ cổ vùng Trung Đông), ngôn ngữ của người Essenes (những người sao chép lại các Cuộn sách Biển Chết) dường như ủng hộ một cách chính xác những bí quyết kiến tạo thực tại mà vị thầy Tây Tạng đang chia sẻ. Những bản dịch này cũng mang đến những manh mối mới mẻ về lý do tại sao những chỉ dẫn như vậy thường có vẻ rất mơ hồ. Bằng cách biên dịch lại các tài liệu gốc kinh Tân Ước, chuyện rõ ràng là người ta suốt nhiều thế kỷ đã quá xem thường lời lẽ và ý định của các tác giả cổ xưa. Như người ta thường nói, rất nhiều thứ “đã thất lạc trong quá trình chuyển ngữ” (Tôi đã mô tả về điều này – và các ví dụ khác mà tôi chia sẻ trong những trang sách này – trong cuốn sách mới nhất của tôi, Bí mật về phương thức cầu nguyện đã thất truyền, nhưng những ví dụ này có liên quan đến mức tôi quyết định cũng đưa chúng vào đây.)
Ví dụ, liên quan đến khả năng của chúng ta tham gia vào các sự kiện cuộc sống, sức khỏe và gia đình, một sự so sánh về câu nói “Hãy yêu cầu và con sẽ nhận được” ở phiên bản Kinh thánh hiện đại với phiên bản gốc sẽ cho chúng ta hình dung ra thông tin có thể bị thất lạc nhiều đến mức nào! Phiên bản Kinh thánh King James cô đọng và hiện đại thì viết:
“Bất cứ điều gì các con nhân danh ta cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con. Cho đến nay, các con cũng chẳng nhân danh ta mà cầu xin gì cả. Hãy yêu cầu và con sẽ nhận được, để niềm vui sướng của con được đong đầy.”
Khi chúng ta so sánh câu này với văn bản gốc, chúng ta thấy điểm mấu chốt đã bị bỏ sót. Trong khổ tiếp theo, tôi đã nhấn mạnh phần bị bỏ sót bằng cách trích dẫn đầy đủ sau đây:
“Mọi thứ mà con yêu cầu thẳng thắn, trực tiếp… từ trong tên của Ta – con sẽ được ban cho. Cho tới giờ con vẫn chưa thực hiện điều này… Do vậy hãy yêu cầu mà không có động cơ ẩn giấu nào và câu trả lời sẽ vây quanh con – Hãy bao bọc quanh những gì con khao khát quanh con để niềm vui trong con được đong đầy.”
Qua những lời này, chúng ta được nhắc nhở về quy tắc lượng tử cho chúng ta biết rằng cảm nhận là ngôn ngữ để điều hướng và tập trung ý thức của chúng ta. Đó là một trạng thái mà chúng ta chìm đắm bên trong thay vì thứ gì đó mà chúng ta làm vào một thời điểm nhất định mỗi ngày. Mặc dù rõ ràng là ngôn ngữ mà Ma Trận Thần Thánh nhận biết là cảm xúc nhưng dường như không phải cảm xúc nào cũng phát huy tác dụng. Nếu cảm xúc nào cũng có tác dụng thì thế giới này sẽ trở thành một nơi rất khó hiểu với ý tưởng của người này về điều gì đó có thể chồng chéo lên khái niệm rất khác biệt của người nọ. Vị thầy tu đã nhận định rằng lòng trắc ẩn vừa là một lực sáng tạo vừa là sự trải nghiệm tiến vào sự sáng tạo đó. Nhưng yếu tố uyên thâm nhất của giáo lý này gợi ý rằng để có được lòng trắc ẩn, chúng ta phải tiếp cận hoàn cảnh mà không quá trông đợi vào chuyện đúng sai với kết quả của tình huống đó. Nói theo cách khác, chúng ta phải bỏ qua sự phán xét và cái tôi khi nhìn nhận nó. Và dường như chính phẩm chất này là chìa khóa để giao tiếp có ý nghĩa và hiệu quả với Ma Trận Thần Thánh.
Như nhà vật lý Amit Goswami gợi ý, một trạng thái ý thức thông thường là không đủ để biến một khả năng lượng tử thành thực tại. Trên thực tế, để làm được như vậy ông chỉ ra rằng chúng ta phải ở trong trạng thái mà ông mô tả là “trạng thái ý thức không tầm thường.”
Để đạt đến trạng thái này, bản dịch tiếng Aramaic đã nhận định rằng chúng ta phải “yêu cầu mà không có động cơ ẩn giấu nào”. Một cách khác để làm rõ phần chỉ dẫn rất quan trọng này là nói theo thuật ngữ hiện đại rằng chúng ta phải ra quyết định từ một khát vọng không dựa trên cái tôi của chính mình. Bí mật vĩ đại để tập trung trí tưởng tượng, đức tin, việc chữa lành và sự an bình của chúng ta trong hiện tại chính là chúng ta phải làm vậy mà không quá để tâm đến kết quả sinh ra từ lựa chọn của chúng ta. Nói theo cách khác, chúng ta được mời cầu nguyện mà không phán xét về điều gì nên hay không nên xảy ra.