GARY ZUKAV
Trích: Những Câu Chuyện Tâm Linh, 2011; Biên dịch: First News; Nhà Xuất Bản Hồng Đức
– Giết nó đi! – Người anh trai nói, gương mặt đanh lại như đá.
– Giết nó đi! – Người mẹ nói, qua làn nước mắt ràn rụa.
– Giết nó đi! – Giọng người chị nghẹn ngào run lên.
Xung quanh đống lửa họp hội đồng xét xử, từng thành viên của gia đình nạn nhân lên tiếng. Sinh mạng của gã đàn ông trẻ đang ngồi nhấp nhỏm bên ngoài sắp được định đoạt. Giết người là một tội tày đình. Mà giết bạn còn là tội tày đình gấp bội. Tuy nhiên y ngồi đó, máu người bạn thân tín của y vẫn còn vấy nơi bàn tay y, chờ đợi số phận mình được phán quyết.
– Chúng ta hãy cân nhắc thấu đáo sự việc này. – Ông nội của nạn nhân khẽ cất giọng. Nỗi đau hằn khắc vào từng nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của cụ. Tiếng nói của cụ đại diện cho tiếng nói của nhiều thế hệ. – Giết hắn có làm cho con… cháu chúng ta sống lại được không?
– Không! Không! Không! – Cái từ đó lờ đờ chuyền đi khắp vòng tròn người đang đau đớn cực độ, lúc thì lào thào, lúc thì lẩm bẩm, lúc thì được phát ra đầy hận thù.
– Giết hắn liệu có nuôi sống được chúng ta không? – Cụ già nói với ánh mắt điềm tĩnh.
Một lần nữa cái từ “Không!”, “Không!” rồi “Không!” nối nhau truyền khắp vòng tròn.
– Ông anh của tôi nói rất đúng. – Ông chú lên tiếng. Tất cả những gương mặt hướng về cụ. Một dòng nước mắt đang lăn xuống gò má cụ. – Chúng ta phải xem xét việc này thật cẩn trọng.
Và toàn thể gia đình họ cùng nhau suy xét cẩn thận vấn đề. Họ thảo luận trắng đêm. Sau đó họ gọi tên sát nhân vào để phán quyết số phận của y.
– Có thấy căn lều kia không? – Họ nói, tay chỉ vào căn lều nơi đặt thi hài chàng thanh niên vừa bị giết. Y gật đầu. – Giờ đây nó là của ngươi đấy.
– Có thấy những con ngựa kia không? – Họ nói, chỉ vào những con ngựa của nạn nhân. Y lại gật đầu.
– Giờ chúng là của ngươi. Giờ đây ngươi là con trai chúng ta. Ngươi sẽ thay thế vị trí của người mà ngươi đã giết.
Y từ từ ngẩng đầu lên nhìn những gương mặt xung quanh. Cuộc đời mới của y bắt đầu. Và cuộc đời mới của họ cũng bắt đầu.
Gấu Nâu nhìn tôi, đang ngồi đối diện tôi, và nói:
– Đó là câu chuyện đã xảy ra vào cuối thế kỷ 19. Lẽ ra họ có thể giết chết tên sát nhân kia. Luật lệ bộ lạc cho họ cái quyền đó.
Tôi ngồi ngây ra khi những lời kể của Gấu Nâu thấm vào mình. Lẽ nào gia đình của chàng trai bị giết lại nhận chính kẻ đã giết con mình làm con nuôi?
– Gã thanh niên đó về sau trở thành một người con tận tâm tận hiến và rất mực hiếu thảo. – Gấu Nâu kể tiếp. – Cho đến lúc anh ta chết, anh ta đã được toàn bộ lạc biết đến như là hình mẫu của một người con trai hiếu nghĩa.
Đấy là lòng vị tha. Người tràn đầy sức mạnh đích thực sẽ vị tha một cách tự nhiên. Họ vị tha bởi vì họ không muốn mang gánh nặng của sự thù oán – tựa như xách những chiếc va-li kềnh càng đi qua một phi trường đông đúc. Gia đình có đứa con trai bị sát hại rất có thể đã bắt kẻ sát nhân phải “mạng đền mạng”. Nhưng thay vào đó, họ nhận anh ta làm con. Điều đó đã thay đổi cuộc đời anh ta và thay đổi cuộc đời của chính họ. Họ không biết quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến gã trai kia như thế nào, nhưng họ cảm thấy những tác động của việc đó lên chính bản thân họ.
Họ không cần phải căm ghét anh ta. Họ không cần phải sống với cái chết của anh ta, cũng như cái chết của con trai trong tim họ. Bạn có bao giờ nghĩ là ai đó cư xử tệ bạc với mình rồi sau đó bạn cứ quay quắt suy nghĩ mãi về điều đó? Nó khiến bạn cảm thấy thế nào? Giận dữ, buồn phiền hay sợ hãi? Đó chính là điều mà gia đình kia đã gạt bỏ hẳn khỏi cuộc sống của họ. Chừng nào chưa vị tha, bạn chưa thể sử dụng hết toàn bộ năng lực sáng tạo của bạn. Phần bên trong bạn đang suy nghĩ về những gì bạn chưa tha thứ. Bạn có muốn sống cuộc đời mình theo cách như thế? Vậy có đáng không? Có bất kỳ cái gì đáng thế không?
Lòng vị tha và sự hòa hợp đi cùng với nhau. Khi bạn tha thứ cho ai đó, không có gì ngăn cách bạn và người ấy. Ngay cả khi người được bạn tha thứ không thích bạn, thì bạn cũng đã đặt những cái va-li nặng trĩu của mình xuống để có thể thảnh thơi di chuyển.
Khi bạn hòa hợp là bạn đang vui đùa. Bạn yêu thích mọi người. Không vị tha sẽ chặn đứng niềm vui này. Lòng vị tha mở cánh cửa đến niềm vui và hạnh phúc.
Hòa hợp ở đây không phải chỉ là hòa hợp với những người khác, bạn cần hòa hợp với cả chính mình. Những phần bên trong bạn có đang khiến bạn tức giận hay sợ hãi không? Liệu bạn có thể vị tha cho những phần đó? Bạn có sợ đánh rơi quả bóng, sợ làm vuột mất một hợp đồng, hay sợ thi rớt không? Hãy tưởng tượng mỗi lần bạn nổi giận với chính mình cũng giống như bạn chất thêm một viên gạch vào chiếc ba lô trên lưng bạn. Bạn có vui vẻ thoải mái trong khi đeo trên lưng một chiếc ba lô đựng đầy gạch?
Bạn có hòa hợp với Vũ Trụ? Bạn nghĩ Vũ Trụ đang có gì đó sai quấy với bạn? Làm sao bạn hạnh phúc cho được trong khi ôm giữ lòng phẫn uất với Vũ Trụ? Cảm nhận của bạn về Vũ Trụ cho thấy bạn đang cảm nhận thế nào về chính bản thân. Bạn sợ hãi cả với nỗi tức giận của mình ư? Nếu vậy thì bạn sẽ sợ hãi một Vũ Trụ giận dữ. Nhưng thật ra Vũ Trụ không giận dữ, chỉ có bạn là sợ nó giận dữ.
Căm ghét chính mình và căm ghét Vũ Trụ là như nhau. Yêu chính mình và yêu Vũ Trụ cũng không có sự khác biệt. Không vị tha cho Vũ Trụ tức là đeo mang một gánh nặng. Tại sao bạn không trút bỏ, tống khứ gánh nặng đó đi? Nếu vị tha cho Vũ Trụ dường như quá sức với bạn, hãy bắt đầu bằng việc tha thứ cho ai đó. Mỗi lần làm vậy, bạn đang đặt một chiếc “va-li gánh nặng” xuống.
Đó là cách bạn tạo ra sự hòa hợp, cũng là cách thể hiện lòng vị tha.