LỬA TAM MUỘI – SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới, 2022

TỪ NĂM 1995 TỚI 1997, Đức Tổng Giám Mục Tutu la Chủ tịch của Ủy ban Hòa giải và Sự thật Nam Phi. Công việc của Ngài là gì ư? Đó là lắng nghe 21.000 nhân chứng thuật lại sự đàn áp nhân quyền và sự tàn bạo trong suốt thời kỳ phân biệt chủng tộc. Có những lúc Ngài khóc lên thành tiếng khi nghe người dân kể về việc họ phải chịu nhục hình, tay và chân bị đốt cháy bởi súng khò lửa. Nhiệm vụ của Ngài là gì ư? Ngài phải tha thứ cho những kẻ gây ra tội lỗi ấy, nhằm vun đắp cho sự hòa giải.

Ngài từng nói: “Người ta nói rằng có lẽ chúng ta nên gỡ bỏ lớp băng và rửa sạch các vết thương để chúng không nhiễm trùng hay làm dịu những vết thương. Và khi ấy có lẽ, chỉ có lẽ thôi, chúng sẽ lành lại. Sự tha thứ không hề rẻ. Và việc hòa giải không hề dễ dàng. Nhưng bằng sự tha thứ, ta mở cánh cửa chào đón một ai đó. Người ấy trong quá khứ có thể đã từng bị xiềng xích, giờ đây họ phá bỏ mọi gông cùm, bước qua cánh cửa ấy để đến với một tương lai mới đang rộng mở”. Vào năm 2004, trong một cuộc đối thoại cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Đại học British Columbia, Đức Tổng Giám Mục đã chia sẻ những trải nghiệm của mình khi làm việc tại Ủy ban như sau:

Đã nhiều lần chúng tôi rơi nước mắt vì được nghe về những hoàn cảnh đặc biệt, về những con người đã phải chịu quá nhiều mất mát đau thương, nhưng thay vì đòi nợ máu trả bằng máu, họ lại xử sự theo một cách thật phi thường.

Một người phụ nữ da màu trẻ tuổi tới và kể chúng tôi nghe câu chuyện của cô: “Cảnh sát tới nhà và bắt tôi về đồn. Họ dẫn tôi vào một căn phòng rồi lột sạch quần áo của tôi. Họ nhét ngực tôi vào một cái ngăn kéo. Rồi họ sập mạnh ngăn kéo nhiều lần vào đầu nhũ của tôi cho tới khi chất dịch trắng chảy ra”. Chúng ta có thể hình dung rằng khi phải chịu đựng những hành vi tàn bạo đến vậy, trong lòng ta sẽ sục sôi muốn trả thù. Nhưng thường thì những người như cô gái này sẽ nói rằng họ đã sẵn lòng để tha thứ. Chúng tôi ngồi đó và bỗng thấy mình trở nên vô cùng nhỏ bé. Nhỏ bé vì niềm vinh dự được lắng nghe những con người hoàn toàn có quyền nổi giận, căm ghét và thù hận. Nhưng trái lại, trong họ tràn đầy niềm khao khát được tha thứ cho những người đã làm mình tổn thương.

Trước đây đã từng xảy ra một sự kiện có tên là vụ thảm sát Bisho, trong đó gần 40 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Chúng tôi phải tổ chức một phiên điều trần trong một hội trường lớn, chen chúc bên trong là một đám đông những con người đang giận dữ – nạn nhân của vụ thảm sát hoặc thân nhân của những người đã qua đời. Bốn viên cảnh sát đã bắn chết người bước vào căn phòng. Bạn có thể cảm nhận được sự căng thẳng cũng như căm giận dần tăng lên trong căn phòng. Họ bước đến và ngồi ở bục xa kia còn chúng tôi đứng giữa căn phòng. Viên cảnh sát da trắng (ba người còn lại da màu) đứng dậy và nói: “Chính chúng tôi đã ra lệnh cho họ nổ súng”.

Sức nóng của căn phòng đột ngột tăng lên, sự căng thẳng dường như quá sức chịu đựng. Và rồi anh ta nói tiếp, “Xin các vị hãy tha thứ cho chúng tôi. Xin hãy tha thứ cho ba người đồng nghiệp của tôi và đón nhận họ về lại với cộng đồng”. Bạn sẽ nghĩ rằng cả hội trường lúc này sẽ nổ bùng lên trong tức giận. Nhưng bạn biết họ đã làm gì không? Họ đồng loạt vỗ tay. Thật phi thường. Họ đã vỗ tay. Và khi tiếng vỗ tay lắng xuống, tôi nói “Xin tất cả chúng ta hãy yên lặng một chút. Bởi thứ mà chúng ta đang thấy đây thật hết sức thánh thiện. Chúng ta đang đứng trên đất thánh. Chúng ta nên cởi giày của mình ra, như Moses đã làm”.

Đức Tổng Giám Mục Tutu đặt hết lòng tin vào sự tha thứ nhờ sự thông thái được truyền lại từ xa xưa. Như Ngài đã nói khi đối thoại cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Vancouver: “Tại đất nước chúng tôi, có một khái niệm gọi là ubuuntu. Khi tôi muốn ngợi khen bạn, lời ngợi khen lớn lao nhất tôi có thể dành tặng bạn, đó là nói rằng bạn có ubuuntu – tức bạn có đủ đức tính tốt để làm một con người. Người ấy là người nhận ra rằng anh ta chỉ tồn tại khi những người xung quanh anh ta tồn tại, và rằng một con người được là con người nhờ vào những con người khác. Khi chúng tôi nói rằng bạn có ubuuntu, ý chúng tôi muốn nói rằng bạn thật dịu dàng, đầy lòng trắc ẩn, bạn thật dễ mến, bạn muốn sẻ chia, và bạn quan tâm đến sự bình an của những người khác. Đó là bởi lòng nhân ái trong tôi được sinh sôi từ lòng nhân ái trong bạn. Khi tôi hạ nhục người khác, dù muốn hay không, tôi cũng không tránh khỏi việc tự hủy hoại phần người trong mình. Bởi chúng ta chỉ có thể cùng là con người và cùng được tự do với nhau. Bởi vậy, tha thứ chính là hành động có lợi nhất cho chính bản thân chúng ta”.

MỘT THÁNG SAU cuộc gặp mặt giữa các danh nhân đoạt giải Nobel tại Oslo, tôi ngồi lại với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala để thực hiện một buối phỏng vấn mở rộng. Trong cuộc trao đổi về khái niệm tha thứ, Đức Đạt Lai Lạt Ma kể tôi nghe câu chuyện về Lobsang Tenzin, một Phật tử người Tây Tạng. Bằng việc toàn tâm tha thứ, con đường phát triển tâm linh của Tenzin đã tiến bộ vượt bậc.

“Tenzin từng là một chiến binh của Tây Tạng, thuộc khu vực Pempo, và là một trong những thủ lĩnh tại làng của ông”, Đức Đạt Lai Lạt Ma mở đầu câu chuyện. “Ông bị quân đội Trung Quốc bắt giam vào năm 1959. Sau đó ông trốn thoát qua Ấn Độ. Ban đầu ông không có một chút khái niệm gì về Phật giáo. Nhưng bằng cách nào đó ông đã học được phép tu nội hỏa – còn gọi là tummo hay lửa tam muội – một phương pháp bí truyền của người Tây Tạng. Ông bắt đầu thực hành khi đã khá lớn tuổi”.

Khi ấy đang ngồi thiền trong một hang động trên núi cao tại Dharamsala, Tenzin bỗng thấy lóe lên một tia sáng – dấu chỉ đầu tiên cho thấy quá trình thực hành đã có thành tựu. Ông nhắm mắt lại xem liệu nguồn sáng có biến mất không. Tuy nhiên nó ngày càng trở nên chói sáng. Tenzin cũng mơ màng nhìn thấy một hàng dài những bông hoa tuyệt đẹp. Rồi ông cảm thấy một sức nóng gay gắt, giống như một ngọn lửa phóng ra những tia lửa tại vùng rốn của mình. Bằng cách tập trung tâm trí mình tại đó, ông nhận ra rằng mình có thể phóng to hoặc thu nhỏ trái cầu lửa và làm thay đổi quỹ đạo chuyển động của nó. Ông dời nó tới trái tim mình, giữ nó ở đó và ngồi thiền thêm chút nữa. Rồi ông đạt được một trạng thái mới: ông nhận ra rằng giờ đây bản thân đã miễn nhiễm với cái lạnh tê buốt. Ông hết sức kinh ngạc vì trải nghiệm này, vì khả năng tạo ra lửa tam muội mà ông mới phát hiện ra.

Sau khi kiên trì hành thiền thêm một năm, Tenzin nhận ra khả năng thiền định của mình đã đạt tới một tầm cao mới: sức nóng của lửa tam muội ngày một mạnh mẽ hơn, và việc thiền định để đạt được nó cũng dễ dàng hơn. Giờ đây ông phát hiện ra rằng ông hoàn toàn có thể dẫn khối năng lượng ấy tới vùng quyền năng thông linh trong cơ thể mình. Một khi làm được điều này, ông đạt được một trạng thái hỷ lạc vô cùng sâu sắc và bền lâu.

Vào đầu thập niên 80, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên Tenzin, khi ấy mới ngoài tứ tuần, rằng ông nên tập trung vào lửa tam muội như một phần chính yếu trên con đường thực hành tâm linh của mình. Nghe theo lời khuyên ấy, Tenzin tìm tới bậc thầy nổi tiếng nhất về lửa tam muội bấy giờ là Khyentse Lạt Ma tại Manali, một ngôi làng nhỏ trên vùng cao nguyên Himachal Pradesh, Ấn Độ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi: “Các đệ tử của Khyentse Lạt Ma thực hành pháp tu lửa tam muội quanh năm bằng phương pháp tấm chăn ướt. Thậm chí vào những ngày giá rét nhất, họ cởi bỏ hết trang phục, ngâm chăn vào nước đá lạnh, vắt nước, rồi phủ lên người và ngồi thiền. Chỉ vài phút sau, hơi nước bốc lên. Tấm chăn khô hoàn toàn chỉ trong chưa đầy một tiếng đồng hồ. Rồi họ lại ngâm tấm chăn vào nước rồi phủ tiếp lên người. Trong một đêm, họ dùng từ 10 tới 13 tấm chăn như vậy. Sau này, giáo sư Herbert Benson thuộc Đại học Havard có sự thích thú đặc biệt với lửa tam muội. Ông cùng nhóm nghiên cứu tới cao nguyên Dharamsala và thực hiện một số thử nghiệm trên cơ thể của các vị tu sĩ sống tại đây. Họ vô cùng ấn tượng trước khả năng sinh nhiệt trong cơ thể của Tenzin. Được sự đồng ý của tôi, họ mời Tenzin về để thực hiện thêm một số thử nghiệm nữa tại Harvard”.

Karma Gelek, một nhà sư trẻ thông thạo Anh ngữ, đi cùng Tenzin tới Hoa Kỳ. Ông ấy kể rằng chuyến đi năm 1985 ấy hết sức khó khăn. Tenzin đặt chân tới Boston trong tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng vì lệch múi giờ. Ông kiệt sức và muốn lùi các cuộc thử nghiệm về lửa tam muội cho tới khi bình phục hẳn. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm của giáo sư Benson làm việc với thời gian biểu rất chặt chẽ, không có cách nào dời lại cả. Các thử nghiệm được bắt đầu ngay ngày hôm sau.

Tenzin được đưa vào môi trường thử nghiệm với nhiệt độ được giữ ở mức được dùng trong tủ đông. Các nhân viên thí nghiệm mặc áo khoác giữ nhiệt bên trong áo choàng trắng. Tenzin được yêu cầu cởi áo choàng phía trên và chỉ được mặt một chiếc áo thun mỏng. Các bài thử nghiệm kéo dài. Theo lời Gelek, Tenzin bị lạnh cóng trong suốt thời gian ấy.

Khi đã đạt tới trạng thái thiền định sâu, lượng oxy nạp vào người ông giảm đáng kể, đồng thời khả năng trao đổi chất cũng suy giảm. Ông chỉ cần hít thở năm hay sáu lần trong một phút, thay vì mười ba hay mười bốn lần như bình thường. Tới khi lửa tam muội được tạo ra, nhiệt độ cơ thể ông tăng lên tới mười độ. Giáo sư Benson đã viết thế này trong nghiên cứu của mình về những người thực hành pháp tu lửa tam muội: “Những phát hiện rút ra được từ các thí nghiệm nói trên là minh chứng cho thấy các phương pháp thiền định có thể mang lại cho cơ thể những thay đổi đáng kinh ngạc về mặt sinh lý. Những thay đổi này có liên hệ trực tiếp tới sức khỏe… bất cứ chứng bệnh nào cũng hoặc bị gây ra hoặc trở nên tồi tệ hơn vì sự căng thẳng”(1).

Tôi cảm thấy phấn khích khi nghe câu chuyện về Lobsang Tenzin. Tôi băn khoăn không hiểu làm cách nào mà một chiến binh, một người từng lấy đi sinh mạng của những người khác, lại có thể bồi đắp một nguồn sức mạnh tâm linh dồi dào đến vậy khi đã không còn trẻ trung nữa. Với hầu hết các nhà sư Tây Tạng, họ thường bắt đầu tu luyện trong các tu viện từ khi lên sáu hoặc bảy tuổi.

Karma Gelek nói với tôi rằng, Tenzin tin rằng việc tu tập tâm linh của ông bắt đầu và sau đó đạt được những tiến bộ đáng kể trong thời gian ông bị người Trung Quốc cầm tù. Chính trong thời kỳ gian khổ này mà ông ngộ ra hai điều. Thứ nhất, ông nhận ra những đau khổ trong tù có mối dây nhân quả, là thứ nghiệp chướng tạo ra bởi sự tàn bạo của chính ông với quân lính Trung Quốc. Thứ hai, ông cảm thấy rằng nếu để bản thân chìm trong lòng căm hận với người Trung Quốc, nếu như ông cứ một mực muốn trả thù, ý nghĩ ấy sẽ khiến ông phát điên.

Mặc dù không thể tránh khỏi những đau đớn về thể xác, Tenzin cuối cùng cũng hiểu rằng không ai có thể phá hủy được sức mạnh tinh thần của mình. Tâm trí của ông chỉ chịu đau khổ dựa trên chính thái độ và phản ứng của ông trước tình thế nguy khó này. Ông biết rằng chỉ cần bản thân duy trì được thái độ trung lập – hoặc tốt hơn nữa là tích cực – với những kẻ giam giữ mình, ông sẽ có thể ngủ ngon hằng đêm. Và dù có phải chịu những nhục hình khủng khiếp tới mức nào, tâm trí sẽ luôn là chốn an bình để ông lui về.

Theo lời Gelek, Tenzin đã gột rửa lòng thù hận với quân đội Trung Quốc. Ông chỉ đơn giản là tha thứ cho họ. Lâu dần, thậm chí ông còn thấy thương cảm họ một cách chân thành. Đây chính là chìa khóa giúp ông vượt qua thời gian bị giam cầm đầy khắc nghiệt mà không phải chịu nhiều đớn đau về mặt tinh thần. Khi còn bị giam, ông nhận ra một cách muộn màng rằng sự tha thứ đem lại sức mạnh chữa lành. Gelek nghĩ rằng đây chính là nhân tố giúp Tenzin có bước nhảy vọt trong quá trình thực hành tâm linh. Khả năng tu lửa tam muội của ông cũng tiến bộ vượt bậc.

VẬY CÓ CHĂNG VIỆC THA THỨ CHO KẺ THÙ CỦA MÌNH có thể tạo nên sự khác biệt đối với sự tiến triển trên con đường tâm linh?”. Tôi đặt câu hỏi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Phải, phải rồi, hẳn là như vậy”, Ngài đáp. “Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể thay đối cả một đời người. Để giảm thiểu sự thù ghét cũng như những cảm xúc tiêu cực khác, ta phải nuôi dưỡng những cảm xúc đối lập với chúng – ví như lòng từ bi và sự tử tế. Nếu như ta thực sự biết thấu cảm, hết mực tôn trọng người khác, việc tha thứ trở nên vô cùng dễ dàng. Lý do chính yếu là bởi tự ta không muốn làm tổn hại đến bất cứ ai. Sự tha thứ cho phép ta duy trì những xúc cảm tích cực này. Điều đó sẽ giúp ta tiến xa hơn trên hành trình tâm linh”.

Tôi lại hỏi: “Ngài có đang thực hiện một phương thức hành thiền đặc biệt nào không?”.

“Tôi sử dụng phương pháp thiền cho đi và nhận lại, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. “Tôi mường tượng việc cho đi những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, mến thương tới những người xung quanh. Rồi tôi lại tưởng tượng rằng mình đang đón nhận những khổ đau và cảm xúc tiêu cực của họ. Tôi làm điều này mỗi ngày. Tôi để tâm nhiều hơn tới người Trung Quốc – đặc biệt là những người đang làm những việc tồi tệ tới người dân Tây Tạng. Và khi thiền, tôi hít vào những độc khí từ họ – sự căm ghét, sợ hãi, tàn nhẫn. Rồi tôi thở ra và để những điều tốt đẹp như lòng trắc ẩn hay sự tha thứ đi ra cùng hơi thở ấy. Tôi đón nhận vào cơ thể mình mọi điều xấu xa ấy để rồi thay thế bằng dòng không khí trong lành. Cho đi và nhận lại, tôi tự giữ mình khỏi việc đổ lỗi – tôi không đổ lỗi cho người Trung Quốc hay cho bản thân mình. Phương pháp thiền này rất công hiệu trong việc giảm thiểu sự căm hận và vun bồi sự tha thứ”.

Chú thích

(1) Trích Mind Science: An East West Dialogue, The Dalai Lama et al., Wisdom Publications xuất bản năm 1991.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả VICTOR CHAN

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC
  3. TÂM NỔI SÓNG, TÂM BÌNH LẶNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ