CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Từ Bi; Nguyên tác: The Wisdom of Compassion; Việt dịch: Như Lôi; NXB Thế giới; Công ty CPVH Sách Sài Gòn, 2022

Tôi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu vào năm 1972, thông qua một biến cố bất ngờ: Tôi bị bắt cóc vào năm trước đó, ở thủ đô Kabul, Afghanistan. 

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Canada, tôi mua một chiếc xe cắm trại Volkswagen đã qua sử dụng, sơn lại nó với màu tím kiểu gây ảo giác và lái nó thẳng tới Afghanistan. Ở một khách sạn dành cho dân du lịch ba lô tại Kabul, tôi quen biết với Cheryl Crosby, một cô gái khoảng 30 tuổi đến từ New York. Rồi khi đang tán gẫu trong một quán trà chai Ấn Độ với Rita, một khách du lịch trẻ tuổi người Đức, bọn tôi bị ba người Afghanistan đe dọa bằng súng và bắt đi. Ngay giữa mùa đông và trong bóng tối đen như hắc ín, bọn tôi bị đưa tới Paghman, khu nghỉ dưỡng mùa hè của các vị vua Afghanistan tít trên dãy Hindu Kush. Trải qua ba ngày đêm, nhờ một vận may bất ngờ, bọn tôi đã trốn thoát. Trong quá trình những kẻ bắt cóc áp giải bọn tôi rời khỏi ngôi làng nhỏ kia, chiếc xe Datsun cũ nát của họ bị lật nhào trên khúc cua đầy tuyết. Nắm lấy cơ hội, bọn tôi lồm cồm bò ra khỏi xe, chạy xuống chân núi, và thành công xin quá giang quay lại thủ đô Kabul trên một chiếc xe tải.

Sau trải nghiệm kinh hoàng này, Cheryl và tôi quyết định cùng nhau du lịch tới Ấn Độ. Tuyệt diệu là, thông qua những mối liên hệ của mình ở New York, Cheryl đã có được thư giới thiệu gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chúng tôi được đồng ý cho tiếp kiến tại tư dinh của nhà lãnh đạo Tây Tạng đúng vào kì lễ hội sắc màu Holi (*) tháng 3 năm 1972 (ngay khi xuống xe buýt ở thị trấn Dharamsala, chúng tôi đã được chào đón bằng những quả bóng nhỏ chứa đầy nước màu). 

Nhiều điều về cuộc hội ngộ đó vẫn còn lưu lại rõ ràng trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ như in rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc ấy đã khó khăn lắm mới kìm được tiếng cười khúc khích mỗi khi Ngài nhìn vào cung cách của tôi. Tóc tai tôi bù xù và xõa tới tận eo; quần áo tôi mặc toàn màu đen: áo sơ mi thêu, quần nhung sờn bạc và áo choàng kiểu Ma-rốc dài chấm mắt cá chân. Dạo ấy tiếng Anh của Đức Đạt Lai Lạt Ma còn chưa thông thạo lắm và thư kí của Ngài đã phiên dịch cuộc nói chuyện giữa Ngài và Cheryl. Suốt cuộc trò chuyện, tôi nghĩ mãi mới thốt ra được mỗi một câu, “Ngài có ghét người Trung Quốc không?”. Nghe xong Đức Đạt Lai Lạt Ma liền ngồi thẳng lưng trên ghế và lần đầu tiên nói dõng dạc bằng tiếng Anh, “Không. Tôi không hề ghét người Trung Quốc”. Rồi thư kí của Ngài phiên dịch, “Đức Ngài xem người Trung Quốc như anh chị em của mình”. 

🍒

Lần thứ hai tôi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma là ở London năm 1924, tức 22 năm sau. Dịp ấy tôi đã tặng Ngài một bản Tibet Handbook (tạm dịch: Sổ tay Tây Tạng) mới phát hành, một cuốn cẩm nang dày 1.100 trang về những điểm hành hương ở Tây Tạng mà tôi đã dành 10 năm nghiên cứu và viết ra. 

🍒

NHỮNG LẠY PHỦ PHỤC CỦA KIRA

Tôi gặp nhà lãnh đạo Tây Tạng lần thứ ba vào năm 1999, ở bang Indiana, Mỹ.

Ngài một mình bước lên sân khấu được dựng trên sân vận động ở thành phố Indianapolis. Khi bước tới trung tâm sân khấu, Ngài cúi thấp, gần như gập đôi người và nâng một bàn tay lên ngang mặt theo kiểu chào truyền thống của Phật giáo. Ngài cúi mình trước khán giả, đầu tiên bên trái, rồi bên phải, sau đó ngay chính diện. Bốn ngàn rưỡi người vỗ tay giòn giã. Ngài sẽ có một buổi pháp thoại ở đây trước khi chuyển đến thành phố Bloomington để chủ trì lễ Quán Đảnh Thời Luân, một nghi lễ Phật giáo kéo dài 11 ngày để thúc đẩy hòa bình thế giới. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma được thị trưởng thành phố Indianapolis và thống đốc bang nghênh đón. Ngài tặng cả hai vị ấy chiếc khăn quàng cổ bằng lụa trắng, đó là cách chào theo truyền thống Tây Tạng. Ngài cẩn trọng quàng chúng qua cổ họ rồi tiến đến bục phát biểu. Khi sắp bước đến sau micro, Ngài bỗng khựng lại rồi ra hiệu cho ai đó trong cánh gà. Ngay sau đó, một người đàn ông trung niên mặc áo tràng Tây Tạng màu xám, thư kí riêng của Ngài, Tenzin Geyche Tethong, bước ra và trao cho Ngài một chiếc khăn lụa nữa. Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận lấy chiếc khăn, Ngài bước tới mép sân khấu và cúi xuống thật thấp cho đến khi mặt gần như ngang với đôi giày da nâu của mình. Từ vị trí đó, Ngài quàng chiếc khăn qua cổ người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đang đứng bên dưới, khiến cô hết sức ngạc nhiên. Và khi nâng khuôn mặt của người phụ nữ ấy trên hai tay, Ngài cười rạng rỡ với cô. Rồi Ngài thẳng người đứng lên và bước trở lại bục phát biếu. 

Bất chợt, tôi trào nước mắt. 

Tôi kinh ngạc trước phản ứng của chính mình. Phần lớn đời mình, dưới ảnh hưởng của văn hóa và cung cách nuôi dạy kiểu Trung Quốc, tôi đã có thói quen kiểm soát cảm xúc của mình rất chặt chẽ. Tôi không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra lúc bấy giờ: Sao tôi lại khóc? Sao bỗng dưng nước mắt tôi lại tuôn tràn như vậy? 

Đến cuối buổi lễ ở Bloomington, tôi được chuyển lời rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ gặp tôi và gia đình. Đúng giờ đã hẹn, Tenzin Taklha, một người cháu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, dẫn chúng tôi vào phòng tiếp kiến. Và ngay gần cửa, Ngài đang chờ chúng tôi. 

Tôi quyết lòng tuân theo nghi thức bằng cách phủ phục mình trước Đức Đạt Lai Lạt Ma – ba lạy duỗi thẳng toàn thân trên sàn như đúng lễ. Khi tôi tự giác trải qua nghi lễ lạ lẫm này, Susanne vợ tôi cũng làm tương tự. 

Lúc đứng lên, tôi để ý thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thầm cười rúc rích. Rồi tôi thấy kế chân mình, Kira, cô con gái lúc ấy mới ba tuổi của tôi, đang nằm dài trên sàn, hai tay đang duỗi thẳng hoàn toàn ra phía trước mặt. Con bé điềm đạm đứng dậy, chắp tay, và lần lượt đưa lên trước trán, cổ và ngực trái. Sau đó con bé lại nằm xuống sàn, hoàn thành lần lạy phủ phục thứ ba, cũng là lần cuối. Kira chưa bao giờ làm điều này trước đây, nhưng theo tôi thấy được thì con bé đã thực hiện nghi lễ rất chỉn chu. Con bé hoàn tất những cái lạy phủ phục của mình một cách chính xác, trang nhã, như bất cứ nhà sư thành thục nào. Tôi trộm liếc nhìn vợ tôi, Susanne, mắt cô ấy ngấn lệ. Còn Lina, cô con gái 6 tuổi của tôi, bối rối đứng đó với hai mắt dán chặt vào sàn nhà. Con bé có vẻ ngượng ngùng trước những cử chỉ kì lạ của gia đình mình. 

Cuộc gặp gỡ ở thành phố Bloomington là một khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời tôi. Chính ở đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đồng ý cùng tôi viết một cuốn sách – The Wisdom of Forgiveness. Tôi đã đánh bạo ngỏ lời, và Ngài sẵn lòng đồng ý trước sự ngạc nhiên của tôi. 

Kể từ hôm ấy, suốt hơn một thập kỉ, tôi đã may mắn trải qua nhiều giờ phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma tại tư gia của Ngài và du hành cùng Ngài khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, và thậm chí cả Bắc Cực. Một phần thưởng nữa chính là cơ hội được gặp gỡ nhiều con người đặc biệt tìm đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và được hiện diện ở những cuộc trò chuyện khiến ta vững tin vào cuộc đời. 

🍒

Nhiều năm qua, tôi vẫn không ngừng ngạc nhiên về vô số phương cách mà thông qua đó Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp xúc với quần chúng, và về tác động của Ngài đối với rất nhiều người trên khắp thế giới. Đơn cử như khoảnh khắc lạ lùng ở Indianapolis. Gia đình tôi đã lái chiếc xe cắm trại Westfalia đời 1982 (vâng, lại là một chiếc Volkswagen khác) tới sự kiện ấy từ nhà chúng tôi ở thành phố Vancouver, Canada. Đó là một hành trình dài và chẳng mấy dễ chịu: những trục trặc xe cộ, cái nóng oi ả miền Trung Tây, hàng giờ đằng đẳng sau tay lái. Sau rốt, chúng tôi cũng đến thành phố và tôi kiếm được một vé mời đến buổi diễn thuyết của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi đã đến sự kiện muộn, mệt thấu xương, và chỉ xoay xở tìm được một chỗ ngồi tít trên cao trong sân vận động. Đức Đạt Lai Lạt Ma cách quá xa; tôi gần như không thấy rõ Ngài. Tuy nhiên, ngay cả khi không thốt ra một lời nào, có điều gì đó trong phong thái của Ngài, điều gì đó trong sự hiện diện của Ngài, đã có một tác động mạnh mẽ đến tôi. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma lay động người khác theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người đến gặp Ngài vì họ tò mò, bị thu hút bởi Ngài là một người nổi tiếng toàn cầu. Một số khác mong đợi rằng những lời dạy của Ngài có thể giúp họ hướng tới một cuộc sống viên mãn hơn. 

Mặt khác, một số người lại phản ứng với Đức Đạt Lai Lạt Ma theo những cách ít thiện chí hơn. Trong phòng vệ sinh ở một giáo đường trên Đại lộ Wilshire tại Los Angeles, tôi đã tình cờ nghe thấy hai doanh nhân trò chuyện về một cuộc pháp thoại của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà họ vừa nghe. Họ bài xích nó, cho rằng cuộc pháp thoại quá đơn sơ và không đáp ứng được kì vọng của họ. Vào một dịp khác, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma có buổi giảng pháp một ngày ở thủ đô Oslo, Na Uy, tôi vào thính phòng muộn mất 10 phút và thấy một đôi kia hùng hổ bước ra và đòi lại tiền vé của họ. 

Nhưng tôi cũng đã chứng kiến nhiều người xúc động tới trào nước mắt chỉ bởi sự hiện diện thuần khiết của Ngài. Một vài người còn cảm thấy vô cùng hân hoan sau khi họ được bắt tay Ngài khi Ngài đi ngang qua. Những người khác lại kinh ngạc bởi những lời thấu triệt như những thỏi vàng ròng nhỏ ném trúng đích với sức mạnh không tưởng. 

Năm 2000, tôi đã đồng hành với Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thành phố Belfast, Bắc Ai-len, nơi Ngài lần đầu gặp Richard Moore, người mà Ngài gọi là người hùng của mình. Ngài đã thuyết giảng trước một đám đông lớn gồm cả những người theo Công giáo và Tin Lành, hai cộng đồng Ki-tô giáo đã ở trong tình trạng xung đột suốt nhiều năm liền. Ngài nói với họ, “Khi cảm xúc con người vượt khỏi tầm kiểm soát, thì phần tốt nhất trong bộ não nơi chúng ta đưa ra các đánh giá không thể vận hành đúng cách. Hãy thử giảm thiểu tối đa bạo lực, không phải bằng sức mạnh mà bằng sự tỉnh thức và tôn trọng. Luôn có cách để giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, lắng nghe mối quan tâm của người khác rồi chia sẻ mối quan tâm của chính mình”. 

Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi đám đông, “Các bạn thấy điều này có hữu ích không? Nếu hữu ích, xin hãy nhớ lấy, và rồi hãy thực hiện. Nếu thấy điều này quá viển vông, không thiết thực, thì các bạn hãy quên đi. Không sao cả.”

Tôi nghĩ rằng Ngài đã kết lại buối nói chuyện bằng một lời rất thực tế. Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề ảo tưởng rằng lời Ngài nói có thể dễ dàng phân giải được một mối xung đột đã kéo dài dai dẳng qua nhiều thế hệ. Nhưng Ngài hiểu rằng mình có thể phần nào nối kết mọi người, truyền cho họ cảm hứng để nhẫn nại vượt qua những khúc mắc. Chỉ riêng việc mang hai cộng đồng vốn trong tình trạng mâu thuẫn suốt nhiều thập kỉ về tề tựu cùng nhau, với một mục sư Tin Lành và một linh mục Công giáo sánh vai nhau bên cạnh Ngài, tự bản chất đã là một việc đầy ý nghĩa rồi. 

Trí huệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma được mài giũa từ 7 thập kỉ thực tập tâm linh mỗi ngày cùng những cuộc nhập thất kéo dài. Ngài được huân tập để xem xét mọi ý niệm, bao gồm cả những giáo lý Phật giáo, như là điều gì đó được đưa ra để quán chiếu hơn là để răm rắp tuân theo. Và Ngài được khích lệ để ghi nhớ những gì hữu ích cũng như bỏ qua những điều Ngài thấy trái khoáy với lẽ phải hoặc trải nghiệm. 

Thông điệp chủ yếu mà Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn truyền tải là: Chúng ta sống ở đời là để hạnh phúc. Và Ngài nói rằng lộ trình đưa chúng ta tới hạnh phúc chính là thực tập hạnh từ bi. Ngài nói, “Toàn thể chúng sinh, cả những người mà lòng họ tràn đầy hiềm thù, cũng đều đang sống hệt như tôi, e sợ đau khổ và mong mỏi hạnh phúc. Họ hoàn toàn có quyền để không phải đau khổ và có được hạnh phúc. Suy nghĩ đó khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc lòng quan tâm dành cho sự an lạc của người khác. Đó là nền tảng của lòng từ bi chân chính”. 

Nhưng “từ bi”, cũng như “hòa bình”, đã trở thành thứ gì đó sáo rỗng, và nhiều người chỉ nói suông về nó. Một phần sức thuyết phục và tính cộng hưởng của nó đã mất đi. Cuốn sách này sẽ tập trung vào bản chất tinh túy của từ bi, và chí ít là sức mạnh của nó để nhắc nhở chúng ta làm điều đúng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thấm đẫm mọi khoảnh khắc trong đời Ngài bằng hạnh từ bi, và đó chính là thông điệp cốt lõi mà Ngài muốn truyền đạt tới thế gian. 

Những lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra cách để sống một cuộc đời hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn. Đa phần những điều Ngài nói đều đơn giản, là lẽ thiện thường ngày. Dù là người lớn hay trẻ em, có học thức hay thất học, giàu có hay nghèo khó – Ngài luôn mong cầu hết thảy chúng ta khơi sâu thêm lòng từ bi như là một phương tiện tìm an lạc đích thực. Bằng thí dụ của mình, Ngài cho chúng ta thấy cách để ươm dưỡng sự bình an trong tâm trí, và Ngài hi vọng rằng chúng ta sẽ chuyển hóa lòng từ bi thành hành động thiết thực. 

Chú thích

(*) Lễ hội ném bột màu truyền thống của người Hindu, tổ chức vào thời điểm cận xuân phân, lúc trăng tròn. Lễ hội biểu thị cho chiến thắng của cái thiện trước cái ác, chào đón mùa xuân, cho mọi người cơ hội để gặp gỡ người khác, vui chơi, quên đi, tha thứ, sửa chữa các mối quan hệ tan vỡ, và cũng được xem như là lời cảm ơn cho một vụ mùa bội thu. – ND

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. VỀ NHỮNG CÂU NÓI THIẾU SUY XÉT
  3. TÌM NƠI NƯƠNG TỰA BÊN TRONG

Bài viết khác của tác giả VICTOR CHAN

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. TÂM NỔI SÓNG, TÂM BÌNH LẶNG
  3. HỌC GIẢ HÀN QUỐC Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH