TÂM NỔI SÓNG, TÂM BÌNH LẶNG

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới; Công ty CP VH Sách Sài Gòn, 2022

HAI VỊ BÁC SĨ NGƯỜI TÂY TẠNG có mặt tại khu nhà ở để kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng tuần cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bác sĩ Namgyal là người đầu tiên xuất hiện trước lối vào của phòng thiền. Ông quỳ lạy Đức Đạt Lai Lạt Ma ba lần ngay tại cửa phòng. Bác sĩ Tseten theo sát sau ông. Nếu như hai vị bác sĩ có ngạc nhiên khi bắt gặp tôi ở đây, họ cũng không tỏ thái độ gì ra ngoài. Sự chú tâm của họ chỉ dành duy nhất cho nhà lãnh đạo Tây Tạng.

Bác sĩ Tseten ra dấu cho người đồng nghiệp của mình bát đầu thăm khám. Bác sĩ Namgyal có dáng người mảnh khảnh, mới ngoài ba mươi tuổi, đang mặc trên mình một chiếc áo choàng dài màu đen cổ dựng đứng. Vị bác sĩ có chuyên môn về y học cổ truyền Tây Tạng này quỳ xuống trên tấm thảm dày trước mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà lãnh đạo Tây Tạng cúi mình về phía trước, khuỷu tay dựa lên đùi và hai cẳng tay để thẳng. Vị bác sĩ nhẹ nhàng đặt hai bàn tay lên cổ tay trái của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các ngón tay của bác sĩ Namgyal di chuyển nhịp nhàng như thể đang chơi sáo. Ông đang dò bắt những bất ổn dù là nhỏ nhất trong mạch đập của bệnh nhân. Bác sĩ Namgyal và Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi gần tới mức đầu họ gần chạm vào nhau. Một người trong sắc áo đỏ thẫm và nâu vàng sậm màu nhất, người còn lại trong sắc đen thẫm. Trông hai người như một đôi chim săn mỗi lớn, khác loài và khác màu lông, đang chụm đầu lại gần nhau để con này có thể nghe được nhịp đập trái tim của con kia.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói gì đó bằng tiếng Tây Tạng với vị bác sĩ, giọng Ngài trầm vang và sảng khoái. Bác sĩ Namgyal đáp lại bằng chất giọng thì thầm êm ái nhất. Sau một vài phút, ông buông cổ tay của Đức Đạt Lai Lạt Ma ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma giơ bàn tay còn lại ra. Lần này, vị bác sĩ dùng các ngón tay trái để bắt mạch.

Bác sĩ Namgyal thăm khám xong, tới lượt vị bác sĩ Tây y Tseten tiến lại gần Đức Đạt Lai Lạt Ma và đặt một chiếc gối được nhồi căng lên đùi Ngài. Nhà lãnh đạo Tây Tạng đặt cánh tay phải lên chiếc gối trong khi bác sĩ Tseten đeo ống nghe và kiểm tra huyết áp của Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma trò chuyện hăng say, thông báo thể trạng và hỏi han vị bác sĩ trong suốt quá trình thăm khám. Rõ ràng là Ngài đã chủ động hơn trong việc theo dõi và duy trì sức khỏe của bản thân.

Sau mười phút, hai vị bác sĩ lặng lẽ rời đi hệt như lúc họ tới.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt mình xuống tấm thảm thiền. Ngài quay sang tôi và nói, “Nào, giờ tôi muốn hỏi thêm vài câu nữa”.

Vậy là Ngài muốn tiếp tục cuộc phỏng vấn. Tôi có cảm giác Ngài khá hứng thú với vai trò mới này khi được là người đặt câu hỏi. Trải nghiệm đổi vai này cũng thực sự thú vị đối với tôi. Nó cho tôi cơ hội được tương tác theo một cách khác với người đồng tác giả của mình, và cũng để tôi trải lòng với những chủ đề mà trước đây tôi thường không để ý đến.

Đức Đạt Lai Lạt Ma mở lời: “Anh là người Trung Quốc, được sinh ra trong một gia đình Trung Quốc, nhưng lớn lên trong một xã hội đậm chất phương Tây, tôi nghĩ vậy”.

“Vâng, con nghĩ vậy”, tôi đáp. “Trong hai mươi năm đầu đời, con sống trong một xã hội Hồng Kông mang đậm hơi hướng Trung Hoa. Mẹ con không nói được tiếng Anh. Lối sống và thói quen của bà vẫn rất giống người Trung Quốc. Nhưng Hồng Kông khi ấy là thuộc địa của Anh, và con theo học một trường Anh ngữ. Bởi vậy con nghĩ trong con có hai nửa: một nửa được nuôi dạy bởi văn hóa Trung Hoa và nửa còn lại bị ảnh hưởng bởi phong cách Tây phương”.

“Hừm…”, Đức Đạt Lai Lạt Ma thoáng trầm ngâm. “Giờ anh đang được tiếp xúc nhiều hơn với người Tây Tạng, là những người dân châu Á. Phật giáo là một điểm chung giữa người Trung Quốc và Tây Tạng. Bởi vậy anh cũng được trải nghiệm văn hóa Á châu nhiều hơn”.

Tôi không biết phải nói gì. Tôi cũng không chắc rốt cuộc điều Ngài muốn hỏi tôi là gì. Tôi đánh liều nói: “Con rời Hồng Kông năm hai mươi tuổi. Kể từ đó con dành thời gian chủ yếu ở phương Tây. Nhưng con cũng đã sống tại Nepal trong suốt bốn năm và tới thăm Tây Tạng rất nhiều lần. Những năm tháng sống gần dãy Himalaya đã để lại trong con một ấn tượng sâu sắc. Thông qua sự giao tiếp với Tây Tạng và Phật giáo Kim Cương Thừa, con cảm thấy trân trọng văn hóa Á châu hơn rất nhiều”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp lời: “Có một dịp, trong Hội thảo Tâm thức và Đời sống, có một vị khách người Nhật Bản tham dự. Cuối buổi hội thảo, cô ấy nói với tôi rằng: Cho tới tận bây giờ, cô ấy vẫn luôn có cảm giác rằng người châu Á chúng ta có truyền thống văn hóa lâu đời, nhưng chúng ta không có khả năng làm nghiên cứu. Chúng ta cảm thấy mình chỉ như những đối tượng được người phương Tây nghiên cứu, Những người có tư duy khoa học ấy luôn quan sát chúng ta, trong khi chúng ta không có khả năng làm điều tương tự”.

“Sau Hội thảo Tâm thức và Đời sống, cô ấy có một cảm nhận khác: Người châu Á chúng ta, với nền văn hóa Á châu, hoàn toàn có khả năng tương đương các nhà khoa học phương Tây trong việc nghiên cứu về thực tại.”

“Đã bao giờ anh có cảm nhận tương tự như vậy chưa? Bản sắc văn hóa của chúng ta giàu đẹp nhưng đã có phần lạc hậu. Trong thời hiện đại không mấy hữu dụng, hợp thời. Nhưng còn nền văn hóa Tây phương thì có giá trị hơn rất nhiều?”

Hầu hết những người từng lớn lên trong một quốc gia thuộc thế giới thứ ba(1) hẳn đã từng có cùng nỗi băn khoăn này tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Các quốc gia Tây phương thật quá tân tiến, người dân của họ thật giàu có và thông minh. Những con người phương Đông như chúng ta luôn phải hứng chịu sự so sánh này.

“Con lớn lên tại Hồng Kông giữa thập kỷ 50 và 60”, tôi đáp. “Trung Quốc khi ấy bị coi là Á châu bệnh phu (2), còn Hồng Kông là một nền văn minh cằn cỗi. Sống dưới ách đô hộ của người Anh, trong con hình thành một suy nghĩ thấp kém về nền văn hóa Trung Hoa – ít nhất là những gì người dân Hồng Kông được biết đến tại thời điểm ấy. Tất cả chúng ta đều lạc hậu về công nghệ, và khoảng cách ngày càng bị nới rộng. Suy nghĩ này được củng cố hơn khi con làm nghiên cứu sinh tại Viện Enrico Fermi tại Chicago. Con được biết đến những khái niệm như lý thuyết lượng tử và máy gia tốc hạt, và con bị choáng ngợp hoàn toàn.”

“Vậy với những kiến thức mới mà anh được học về Tây Tạng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tiếp, người hơi nghiêng về phía trước dù vẫn ngồi trong tư thế hoa sen, “anh hiểu biết thêm về nền văn hóa Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng. Những hiểu biết này hàm chứa truyền thống học thuật Á châu. Giờ anh có cảm thấy rõ ràng rằng: Mình là người châu Á? Lòng tự hào dân tộc có mạnh mẽ hơn? Người châu Á nói chung, người Trung Quốc hay Tây Tạng nói riêng, có thể trở nên tự tin hơn không?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa bao giờ đặt Phật giáo lên trên những tôn giáo khác. Ngài luôn giữ vững quan điểm trong nhiều thập kỷ rằng tốt hơn hết chúng ta nên gìn giữ lấy những nét truyền thống của các nền văn hóa địa phương. Đây là lần đầu tiên kể từ khi quen biết Ngài mà tôi có cảm giác rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đang muốn nghe những lời khen ngợi. Trong một khoảnh khắc vô tư hiếm hoi, Ngài cho phép lòng tôn kính sâu sắc với Phật giáo của mình tỏa sáng. Tôi có thể hiểu được điều này. Suy cho cùng, Ngài đã hành đạo trong suốt sáu mươi năm. Ngài giống như một vận động viên Olympic, qua quá trình rèn luyện bằng những bài tập khắc nghiệt và kỷ luật sắt đá, cuối cùng cũng có được thứ hạng xứng đáng trên bục nhận giải. Cũng giống như sự ngưỡng mộ tôi dành cho các vận động viên Olympic đoạt giải, tôi không thấy phiền lòng khi Ngài thể hiện chút tự hào này.

“Khi con gặp Ngài vào năm 1972”, tôi nói, “trong con trào dâng một niềm hứng thú với Phật giáo. Con đọc về Thiền tông, Đạo giáo và thiền Vipassana. Nhờ Ngài chỉ dạy mà trong vài năm trở lại đây con đã học được đôi điều về Phật giáo Tây Tạng. Con có suy nghĩ như thế này: hệ tư tưởng hai ngàn năm trăm năm tuổi này là một kho tàng quý giá với nhân loại trong kỷ nguyên này. Phật giáo để lại những chỉ dẫn giúp ta đạt được sự bình an về tinh thần. Cũng như các nhà khoa học đã kết luận, điều này cũng có tác động tích cực tới sức khỏe của chúng ta nữa. Bởi vậy, con tự hào rằng con được học hỏi từ Phật giáo – một truyền thống trí tuệ có nguồn gốc từ châu Á. Như lời đạo diễn Jean-Jacques Annaud từng nói: Phật giáo tồn tại ở mọi nơi. Và trên trang Amazon ngày nay có hơn hai mươi ngàn cuốn sách về Phật giáo”.

VÀO LÚC 11 GIỜ RƯỠI, thị giả Paljor-la của Đức Đạt Lai Lạt Ma có mặt với một khay lớn chứa nhiều thức ăn. Ông đặt cái khay lên chiếc bàn cà phê nhỏ trước mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma, lúc này đã yên vị trên chiếc ghế bành ở góc phòng. Trên khay có ít nhất chừng mười đĩa và chén đồ ăn các loại. Giống như những vị tu sĩ Phật giáo khác, bữa ăn quan trọng nhất trong ngày của Đức Đạt Lai Lạt Ma là bữa trưa.

Thức dậy từ lúc 3:30 và đã dùng bữa sáng cách đó sáu tiếng rưỡi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rất đói bụng rồi. Ngài bồn chồn nghiêng người về phía trước và mau chóng mở hết các nắp đậy lên. Đây là một bữa ăn thịnh soạn và vô cùng thơm ngon gồm: bánh mì Tây Tạng tròn, một vài đĩa rau xào nhìn rất ngon miệng, một đĩa củ cải sống và một khẩu phần lớn nhìn giống như chả giò Việt Nam. Đức Đạt Lai Lạt Ma háo hức nhìn các món ăn được sắp sẵn trước mặt. Ngài cầm lấy một mẩu bánh mì Tây Tạng và cắn một miếng ngon lành. Rồi Ngài ngước lên và nhận ra tôi vẫn đang đứng cách Ngài một quãng và quan sát bằng sự thích thú. Ngài nhìn xuống các món ăn trước mặt, sau một giây lưỡng lự, Ngài cầm đĩa củ cải lên.

“Mời anh. Ăn một miếng đi”, Ngài nói rồi đưa cái đĩa về hướng tôi. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy một củ.

“Suốt sáu tháng vừa rồi tôi ăn chay là chủ yếu”, Ngài vừa kể vừa húp từng thìa súp. “Hầu như không ăn thịt, chỉ trừ khô bò Tây Tạng. Tôi đã từng thử ăn chay trước đây, năm 1965, trong suốt hai mươi tháng”. Ngài đặt chén súp xuống và cầm một miếng chả giò lên. “Giờ tôi không còn kiêng cữ nhiều. Mỗi lần ở khách sạn, tôi lại dùng thịt”.

“Ăn thử đi”, Đức Đạt Lai Lạt Ma mời tôi một miếng, Miếng bánh tráng dai làm hài hòa thêm phần nhân bên trong: vài lát khô bò Tây Tạng với vị nồng đặc trưng, hỗn hợp miến và rau củ giòn rụm. Hương vị thật tuyệt vời. Đức Đạt Lai Lạt Ma hẳn là có một đầu bếp rất khéo tay.

“Được chứ?”

“Rất ngon ạ”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu. “Anh nghỉ ngơi rồi quay lại đây lúc năm giờ nhé. Cảm ơn anh. Tạm biệt”.

KHI TÔI TRỞ LẠI TỊNH THẤT của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm giờ chiều hôm ấy, Ngài đã ngồi trên tấm thảm thiền phía sau chiếc bàn. Quấn quanh thân Ngài là một chiếc khăn tắm màu vàng nhạt, còn chiếc khăn xà-rông màu nâu đồng được quấn gọn từ hông xuống chân. Chiếc tivi đời mới hiệu Sony Wega, vẫn thường được đặt ẩn trong một ngăn tủ bên cạnh điện thờ, giờ đang mở với âm lượng nhỏ. Đức Đạt Lai Lạt Ma cầm chiếc điều khiển bên tay phải và đang chăm chú theo dõi kênh Discovery. Một chiếc thuyền buồm tráng lệ của Trung Quốc du hành trên Biển Đông đang lèo lái tài tình giữa những hòn đảo màu xanh ngọc. Sau một vài phút, Ngài chuyển kênh. BBC World đang phát những thông tin mới nhất về dự báo thời tiết qua vệ tinh.

Mắt vẫn nhìn vào màn hình, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, “Anh có biết Hồng Kông có bao nhiêu người đại thọ hơn một trăm tuổi không? Gần đây tôi được gặp một nhóm những người cao tuổi ở Tawang, tất cả đều hơn chín mươi tuổi. Rồi tôi gặp một ông lão. Tôi hỏi ông năm nay bao nhiêu tuổi và ông lão nói một trăm, nhưng nhìn ông cứ như sáu mươi tuổi”.

“Cha con cũng thọ hơn chín mươi tuổi”, tôi trả lời một cách bối rối. Tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về thống kê phân bố độ tuổi tại Hồng Kông cả, “mặc dù ông nghiện thuốc phiện”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hơi khựng lại, không biết có nên tin lời tôi nói hay không, rồi Ngài nói tiếp: “Những người ở vùng Sikkim cũng vậy. Tôi đã gặp một vài người thượng thọ chín mươi và một người đại thọ hơn một trăm tuổi. Có một vị ni sư mà tôi gặp trước đó vài năm nói rằng bà đã hơn trăm tuổi. Trông bà như mới bảy mươi mà thôi”.

“Là do sự bình yên nội tâm”, tôi dẫn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, rằng tâm thanh thản có thể khiến con người sống thọ và khỏe mạnh.

“Tôi nghĩ rằng họ sống đời đơn giản”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. “Tâm trí bình yên là chắc chắn rồi. Nhưng tâm thanh thản cũng chia làm hai loại. Một là do cuộc sống đơn sơ, và nhờ vậy tâm trí ít mang muộn phiền. Loại khác là tâm trí rất vi tế, phải quán xuyến rất nhiều điều, nhưng tận sâu bên trong, tâm lại bình lặng”. Ngài lấy tay chỉ vào mũi mình và nói, “Như tôi vậy”. Ngài ngả đầu về phía sau và cười lớn,

“Nhưng làm thế nào để Ngài giữ được tâm mình bình lặng như vậy?” Tôi hỏi,

“Là nhờ phân tích”, Ngài đáp một cách đơn giản.

“Phân tích ư?”

“Ví dụ, hãy xét đến cơn đau dữ dội của tôi khi ở Patna. Tôi phân tích tình thế. Nếu như có cách nào đó để làm dịu cơn đau, thì không việc gì phải lo lắng bởi tôi có giải pháp rồi. Nhưng nếu không có giải pháp, thì cũng chẳng việc gì phải bận tâm, bởi anh chẳng thể làm được gì cả. Một điều nữa. Tôi thấy việc so sánh cơn đau này với những nỗi đau khủng khiếp hơn là rất hữu ích. Ngay lập tức anh sẽ cảm thấy rằng, ‘Ồ, thì ra cơn đau này cũng không quá tệ nếu so với nỗi đau kia. Đột nhiên anh sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma với tay lên khay tài liệu trên nóc tủ gỗ và lấy ra vài văn bản.

“Tôi nhận được bức thư này từ Đài Loan”, Ngài nói. Ngài mở lá thư ra và tìm kiếm một đoạn trong đó, rồi Ngài đọc thành tiếng: “Tôi là một người có tính khí nóng nảy. Tôi thường làm người khác buồn lòng. Là một doanh nhân ngành trà, lòng tham khiến tôi mất đi lợi nhuận, và những nỗi đau về tinh thần thỉnh thoảng lại hành hạ tôi. Giờ đây khi được học về Phật giáo, tôi nhận ra lỗi lầm từ sự sân si của mình. Tôi dần kiểm soát được sự nóng giận. Tôi không còn hay chỉ trích người khác nữa”. Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt bức thư xuống rồi nhìn tôi với vẻ mặt bừng lên sự mãn nguyện thấy rõ.

“Còn một điều nữa mà ông ta đề cập”. Ngài lần tìm trên trang giấy rồi đọc to lần nữa, “Ngày hôm ấy, khi đang làm việc, bỗng dưng tôi đặt lợi ích của các đối thủ cạnh tranh lên trên bản thân mình. Đây là một trải nghiệm hết sức mới lạ”. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngước lên, thốt ra một tiếng kêu to, rồi đọc tiếp, “Tôi chưa từng có suy nghĩ này trong đầu. Giờ đây gia đình và bạn bè tôi trở nên gắn kết hơn còn công việc kinh doanh thật thuận lợi”. Đọc tới đó, Ngài gãi đầu rồi cười thêm một hồi nữa.

PALJOR-LA CÓ MẶTT lúc 5:30 chiều, trên tay bưng một khay gồm hai chiếc bình giữ nhiệt và một chiếc đĩa được phủ khăn. Ông đặt một chiếc ly lên bàn của Đức Đạt Lai Lạt Ma và rót trà nóng vào đó. Đức Đạt Lai Lạt Ma cầm lấy chiếc bình còn lại và đổ thêm sữa nóng vào ly. Khi Paljor-la chuẩn bị rời đi, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẽ vén chiếc khăn lên để xem bên trong đĩa đựng gì. Ngài nói gì đó với người thị giả, và Paljor-la quay lại với một chiếc hộp nhựa lớn đựng nhiều loại bánh quy khác nhau. Đức Đạt Lai Lạt Ma lục lọi hộp bánh một cách cẩn thận. Cuối cùng, Ngài đưa cho tôi một chiếc bánh hình tròn.

“Chúng ta kết thúc tại đây. Cảm ơn anh. Chào tạm biệt”, Ngài nói. Từ trên ghế của mình, Ngài giơ cả hai tay về phía tôi. Tôi cúi mình xuống, nắm lấy tay Ngài, chạm trán mình vào đó.

“Thưa Thánh Đức, con cảm ơn Ngài”, tôi nói.

Một câu hỏi còn lẩn quẩn trong tâm trí tôi khi ra về. Chiếc đĩa ấy đựng gì bên trong vậy? Có phải là món gì đó ngon lành và “tội lỗi” chăng? Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như các vị tăng Tây Tạng khác không được phép ăn bất cứ thứ gì sau bữa trưa cả. Tôi khẽ mỉm cười trong khi ăn chiếc bánh quy – một món quà được chính Đức Đạt Lai Lạt Ma trao tặng.

Chú  thích

(1) The Third Word – thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả những nước đang phát triển. (BTV)

(2) Sick Man of Asia – một biệt danh xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, dùng để ám chỉ Trung Quốc trong giai đoạn kém phát triển. (BTV)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. VỀ NHỮNG CÂU NÓI THIẾU SUY XÉT
  3. TÌM NƠI NƯƠNG TỰA BÊN TRONG

Bài viết khác của tác giả VICTOR CHAN

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC
  3. HỌC GIẢ HÀN QUỐC Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH