LÙI MỘT BƯỚC TRỜI CAO BIỂN RỘNG

MARCUS AURELIUS

Trích: Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai; Nguyễn Lệ Thu dịch; Nhà Xuất Bản Thanh Niên

Giả sử trong một trận đấu thể thao, có người cào xước da bạn hay va chạm vào đầu bạn khiến bạn bị thương, khi ấy, chúng ta sẽ chẳng có biểu hiện giận dữ hay cho rằng người ấy muốn giết mình, cũng chẳng hề nghi ngờ anh ta là kẻ phản bội. Tuy ta đề phòng anh ta nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không coi anh ta là kẻ thù, cũng không ngờ vực mà chỉ bình tĩnh tránh khỏi anh ta. Hãy làm như vậy ở mọi phương diện trong cuộc sống, để chúng ta không quá lo lắng với những người còn tốt hơn đối thủ của chúng ta trên sân vận động. Bởi lẽ, cũng giống như ta đã nói, trong phạm vi khả năng mình cho phép, đừng ôm thù hận hay đố kị, nghi ngờ nào mà hãy chỉ cần tránh đường thôi.

LỜI VÀNG Ý NGỌC

Hãy học cách khoan dung, học cách nhường nhịn Thế nào là khoan dung? Vấn đề này tưởng chừng dễ trả lời, nhưng loài người đã mất mấy nghìn năm mà vẫn chưa tìm ra lời giải đáp hoàn hảo. Marcus Aurelius nói: Giả sử người khác không làm tổn thương đến lòng tự trọng của bạn, thì bạn nên học cách nhường nhịn. Đây cũng chính là định nghĩa của khoan dung: Trong tình huống có thể nhẫn nhịn được thì hãy kiềm chế tất cả mọi hành vi không cần thiết.

Hendrik Willem Van Loon – học giả nổi tiếng người Hà Lan, trong phần mở đầu tác phẩm Khoan dung đã viết: Vị hoàng đế khai quốc của đế chế Đông La Mã – hoàng đế Justinian I đã đóng cửa Học viện Platonic Academy do Plato sáng lập, bởi Plato là một “gã nông dân” Bản thân hoàng đế Jutinian I có xuất thân không hề cao quý, Van Loon nói vậy liệu có gì không ổn chăng? Thực ra nói Plato là “nông dân” không phải có ý châm biếm hay mỉa mai mà xuất phát từ sự tiếc nuối và đau buồn đối với sự đóng cửa của Học viện Platonic Academy. Nếu Justinian I có thể khoan dung để cho Học viện tiếp tục tồn tại thì có lẽ trường đại học đầu tiên trên thế giới – di sản tỉnh thần vĩ đại của loài người – vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thiếu khoan dung có thể dẫn đến thiếu kiến thức và tụt lùi nền văn minh, ngoài ra còn có thể dẫn đến tranh cướp, thủ hận và giết chóc. Chúng ta hãy thử nghĩ về những người quanh ta, liệu có người bạn nào vì lòng thiếu khoan dung của chúng ta mà dần rời xa ta?

Nhiều lúc, chúng ta phát cuồng lên chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt. Có người tỏ ra thân thiết như anh em một nhà với bạn bè, nhưng lại có thể trở mặt ngay lập tức, trở thành thù với bạn chỉ vì tranh chấp trong một ván bài; có người ngày đêm đầu ấp tay gối với người mình thương yêu nhất, nhưng cuối cùng hai người lại trở thành người xa lạ; có người lỏng dạ hẹp hòi, không chịu được người khác tốt hơn mình, vì thế ngày càng ít bạn bè… Thực ra, chúng ta nên học cách kiềm chế cảm xúc của mình, trong phạm vi bản thân cho phép, cố gắng chung sống hòa bình với tất cả mọi người. Có thể có những xung đột mà bạn thấy không thể hóa giải được, nhưng nhiều năm sau, bạn nhất định sẽ cảm thấy hối hận vì quyết định của mình lúc bấy giờ. Ở đây, chúng ta có thể nắm vững một chân lí: Nếu đối phương không làm tổn thương đến lòng tự trọng của ta thì còn có điều gì mà ta không thể tha thứ được?

SỨC MẠNH CỦA LÒNG KHOAN DUNG

Ngày xưa, có một vị hòa thượng già, tối nọ, ông đi dạo trong sân chùa, bỗng nhìn thấy một cái ghế bên tường, hòa thượng biết ngay có người đã phạm quy, lén vượt tường trốn ra ngoài. Vị hòa thượng già không lớn tiếng nói ra điều đó mà chỉ đến bên tường, kéo chiếc ghế ra rồi khom mình ngồi vào vị trí ấy. Chẳng bao lâu sau, một chú tiểu trèo tường vào, trong bóng tối, chú tiểu dẫm chân lên lưng vị hòa thượng già rồi nhảy vào sân chùa. Chú tiểu chạm đất mới nhận ra thứ mình vừa đạp chân lên không phải là chiếc ghế mà là lưng của sư phụ. Mặt chú biến sắc, lo sợ bị sư phụ trách phạt. Nhưng vị hòa thượng già không nói gì mà chỉ ôn tồn bảo: “Bây giờ trời lạnh lắm, con mau đi mặc thêm áo vào”. Từ đó về sau, chú tiểu không bao giờ vi phạm nội quy chùa nữa.

Nếu vị hòa thượng già trách phạt chú tiểu ngay lúc đó, kết quả có thể là chú tiểu sinh lòng phản nghịch, sau này lại tiếp tục trèo tường trốn ra ngoài. Nhưng lòng khoan dung đã có thể khiến cho chú nhận thức được sâu sắc hơn về lỗi lầm của bản thân, từ đó thành tâm hối cải.

Nơi rộng lớn nhất trên thế gian này chính là biển cả, rộng hơn biển cả chính là bầu trời, rộng hơn cả bầu trời chính là tấm lòng của con người. (Victor Hugo)

BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Khoan dung không có nghĩa là dung túng, có người giải nghĩa khoan dung chính là khi đối mặt với tất cả những hành vi không đúng đắn thì luôn giữ im lặng. Đó thực ra là suy nghĩ cực đoan, nếu chuyện gì cũng không quan tâm thì sẽ biến thành dung túng. Chúng ta phải nhớ kĩ rằng, tiền đề của khoan dung chính là chúng ta có thể chấp nhận được những chuyện không làm tổn thương lòng tự trọng của chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HỌC CÁCH HÀI HƯỚC
  2. SUY TƯ
  3. NHÂN ÁI LÀ BẢN TÍNH

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ