MINH TRIẾT MÀ BẠN ĐANG SỐNG CÙNG

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cuốn Sách Của Những Bí Mật-Giải Mã Các Khía Cạnh Bị Che Giấu Trong Đời Sống; Người dịch: Thế Anh; NXB. Hồng Đức

Đồng nhất với trí thông minh của cơ thể

  1. Bạn có mục đích sống cao hơn.
  2. Bạn kết hợp với sự toàn vẹn của cuộc sống.
  3. Nhận thức của bạn luôn cởi mở trước sự thay đổi, luôn cảm nhận được mọi thứ trong môi trường xung quanh.
  4. Bạn chấp nhận những người khác cũng giống như mình mà không phán xét hay có thành kiến.
  5. Bạn nắm bắt mọi khoảnh khắc với tính sáng tạo luôn được làm mới, không bám chấp vào những điều xưa cũ hay lỗi thời.
  6. Sự tồn tại của bạn được cưu mang trong nhịp điệu của vũ trụ. Bạn cảm thấy an toàn và được che chở.
  7. Ý tưởng của bạn về tính hiệu quả chính là để dòng chảy cuộc sống mang đến cho bạn những gì bạn cần. Áp đặt, kiểm soát và tranh đấu không phải là cách để đạt được điều đó.
  8. Bạn cảm thấy gắn kết với nguồn gốc của mình.
  9. Bạn cam kết cho đi trong vai trò nguồn mạch của mọi sự.
  10. Bạn nhìn thấy mọi sự thay đổi, bao gồm cả sự sống và cái chết, tương phản với khái niệm bất tử.

Không yếu tố nào nêu trên là những khát vọng tinh thần; chúng đều là thực tế trong sự tồn tại hàng ngày ở cấp độ tế bào.

Mục đích sống cao hơn: Mọi tế bào trong cơ thể bạn đều đồng ý làm việc vì lợi ích chung; lợi ích riêng của nó là thứ yếu. Nếu cần thiết thì tế bào sẽ hy sinh để bảo vệ cơ thể và đúng là các tế bào thường làm như thế – dòng đời của một tế bào bất kỳ chỉ kéo dài một quãng thời gian cực ngắn so với tuổi thọ của con người. Hàng ngàn tế bào da chết đi sau mỗi giờ, tương tự như các tế bào miễn dịch khi chiến đấu với các loại vi khuẩn xâm nhập. Sự ích kỷ không phải là tùy chọn, ngay cả khi sự ích kỷ là cần thiết để duy trì sự sống cho tế bào.

Kết hợp: Mọi tế bào luôn giữ liên hệ với các tế bào khác. Các phân tử truyền tin di chuyển khắp nơi để thông báo cho những thành phần ở xa nhất của cơ thể về dự định hay tham vọng riêng, bất chấp quy mô của những dự định hay tham vọng ấy như thế nào đi nữa. Việc rút lui hoặc từ chối giao tiếp không phải là tùy chọn.

Nhận thức: Các tế bào luôn thích nghi với tình huống. Chúng luôn tỏ ra linh hoạt để phản ứng lại trước mọi tình huống. Những thói quen cứng nhắc không phải là tùy chọn.

Chấp nhận: Các tế bào công nhận lẫn nhau rằng chúng có vai trò quan trọng như nhau. Mọi chức năng của cơ thể đều có sự phụ thuộc qua lại. Hoạt động độc lập không phải là tùy chọn.

Sáng tạo: Dù mỗi tế bào sở hữu một số chức năng riêng (ví dụ các tế bào gan có thể thực hiện 50 công việc khác nhau), nhưng những chức năng ấy kết hợp theo những phương cách vô cùng sáng tạo. Con người có thể tiêu hóa những loại thức ăn chưa từng ăn, nghĩ ra những ý tưởng chưa bao giờ nghĩ đến. Việc bám víu vào những hành vi xưa cũ không phải là tùy chọn.

Tồn tại: Các tế bào tuân theo chu kỳ nghỉ ngơi và hoạt động của vũ trụ. Cho dù chu kỳ này có nhiều cách biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như sự dao động bất thường của mức hormone, huyết áp, cơ chế tiêu hóa, nhưng biểu hiện rõ ràng nhất chính là giấc ngủ. Tại sao chúng ta cần ngủ vẫn luôn là một bí ẩn, nhưng nếu chúng ta không tận hưởng những lợi ích của giấc ngủ thì các cơ chế hoạt động bất thường của cơ thể sẽ xuất hiện. Chính trong những thời khắc chúng ta không hoạt động, cơ thể đang tạo dựng tương lai của nó. Việc tích cực thái quá hoặc hoạt động một cách ám ảnh không phải là tùy chọn.

Tính hiệu quả: Các tế bào luôn hoạt động với mức tiêu hao năng lượng thấp nhất. Thông thường, một tế bào chỉ giữ lại chất dinh dưỡng và oxy trong màng tế bào chừng 3 giây. Việc tiêu thụ chất dinh dưỡng, không khí hay nước một cách thái quá không phải là tùy chọn.

Gắn kết: Do tính chất thừa kế di truyền, các tế bào biết rằng chúng về bản chất là hoàn toàn như nhau. Việc tế bào gan khác với tế bào tim, tế bào cơ khác với tế bào não, không phủ nhận nhân dạng chung, điều vốn là bất biến. Các tế bào khỏe mạnh luôn gắn liền với nguồn gốc của chúng bất chấp số lần phân tách. Đối với chúng, việc trở thành một tế bào lạc loài không phải là tùy chọn.

Cho đi: Hoạt động chính của các tế bào là giúp duy trì sự toàn vẹn của tất cả các tế bào khác. Mục tiêu cho đi đã khiến cho việc nhận lại trở nên tự động – đó chẳng qua chỉ là một nửa của chu kỳ tự nhiên. Sự tích trữ riêng không phải là tùy chọn.

Bất tử: Các tế bào tự sản sinh để có thể truyền lại kiến thức, kinh nghiệm, tài năng mà không giấu diếm bất kỳ điều gì với các thế hệ sau. Đây là một hình thức bất tử trong thực tế, chấp nhận cái chết của thể xác nhưng lại chiến thắng cái chết trong một thế giới không thuộc về thể xác. Khoảng cách thế hệ không phải là tùy chọn.

Khi nhìn vào những gì mà các tế bào đã đồng thuận với nhau thì đó chẳng phải là một công ước tinh thần đúng theo nghĩa đen hay sao? Phẩm chất đầu tiên, thuận theo một mục đích sống cao hơn, cũng tương tự như các phẩm chất tinh thần của sự từ bỏ và tính vị tha. Cho di cũng giống như việc trả lại cho Đấng Sáng tạo những gì thuộc về Đấng Sáng tạo. Sự bất tử cũng giống như niềm tin dành cho sự sống sau cái chết. Tuy nhiên, những khái niệm mà tâm trí lĩnh hội lại không phải là mối bận tâm của cơ thể. Đối với cơ thể thì những phẩm chất này chẳng qua chỉ là cách cuộc sống vận động. Chúng là kết quả của trí tuệ vũ trụ đang tự biểu hiện qua hàng tỉ năm dưới dạng sinh học. Bí ẩn của cuộc sống vốn rất kiên nhẫn và cẩn trọng trong việc thể hiện tiềm năng trọn vẹn của nó. Thậm chí đến bây giờ thì sự thỏa thuận ngầm để giúp cơ thể trở thành một khối đồng nhất vẫn còn là điều bí mật với con người, bởi lẽ đối với mọi biểu hiện bên ngoài thì thỏa thuận này dường như không tồn tại. Hơn 250 loại tế bào vận động trong các hoạt động hàng ngày: 50 chức năng của tế bào là hoàn gan toàn riêng biệt, không trùng lặp với chức năng của các tế bào cơ, thận, tim hay não – nhưng sẽ là thảm họa nếu như chỉ một chức năng nào đó gặp vấn đề. Bí ẩn của cuộc sống đã tìm ra cách để biểu hiện chính nó một cách hoàn hảo thông qua cơ thể.

Hãy xem qua danh sách các phẩm chất một lần nữa và để ý mọi thứ được đánh dấu “không phải là tùy chọn”: sự ích kỷ, từ chối giao tiếp, sống lạc loài, tiêu thụ thái quá, hoạt động một cách ám ảnh và tích cực thái quá. Nếu các tế bào cũng biết cách tránh hành xử như thế thì tại sao chúng ta lại không? Tại sao sự tham lam có thể là tốt cho chúng ta nhưng lại gây ảnh hưởng xấu ở cấp độ tế bào, khi lòng tham chính là sai lầm căn bản được tạo ra bởi các tế bào ung thư? Tại sao chúng ta để sự tiêu thụ thái quá trở thành một đại dịch của chứng béo phì trong khi các tế bào có thể xác định đúng mức nhiên liệu cần nạp? Những hành vi có thể giết chết cơ thể của chúng ta vào một ngày nào đó lại không bị phản đối ở cấp độ con người. Chúng ta đang phản bội lại trí thông minh của cơ thể. Tệ hơn nữa, chúng ta đang phớt lờ mô hình của một cuộc sống tinh thần hoàn hảo bên trong mỗi cá nhân.

Cuốn sách này không có ý nói rằng tất cả chúng ta đều yếu đuối và không đủ năng lực về mặt tinh thần. Cuốn sách này ra đời sau thời khắc khủng hoảng trong gia đình tôi, từ đó mang lại cho tôi niềm hy vọng mới. Bố tôi qua đời cách dây vài năm khi không một ai ngờ tới chuyện đó. Với sinh lực vẫn tràn trề ở độ tuổi 81, sau khi nghỉ hưu và rời khỏi công việc bác sĩ thực hành chuyên khoa tim trong nhiều năm, bố tôi vẫn sở hữu kiến thức chuyên môn cao và đã dành cả buổi tối hôm ấy để trao đổi các trường hợp bệnh án với sinh viên.

Mẹ tôi, ngủ ở một phòng khác do sức khỏe kém, vẫn trằn trọc không ngủ được thì bố tôi chợt xuất hiện ở cửa phòng trong bộ pyjama và nói rằng ông sắp ra đi. Ngay lập tức mẹ tôi hiểu rõ bố tôi muốn nói gì. Bố tôi từ biệt bà và nói rằng ông ấy yêu quí bà. Sau đó, ông trở lại phòng mình, nơi chỉ có tiếng dế, lũ chim rừng nhiệt đới và âm thanh xe cộ ở Delhi có thể lọt vào. Ông nằm xuống, cầu nguyện Thượng đế 3 lần và qua đời.

Chỉ trong vài giờ, thi hài của bố tôi đã được tẩm liệm trong bộ trang phục truyền thống và được phủ đầy cúc vạn thọ, trong tiếng khóc than của những người phụ nữ cùng tiếng cầu kinh. Không lâu sau, tôi đã đứng cạnh một đồng tro tàn ở bậc thềm hỏa táng (ghat) sát bờ sông, thực hiện trách nhiệm của con trai trưởng bằng cách đập vỡ các mẩu xương còn lại để tượng trưng cho việc giải phóng những mối liên hệ trần tục với cuộc sống mà bố tôi đã có.

Tôi không thể thoát khỏi cảm giác rằng ông đã hoàn toàn biến mất, người được yêu thương nhất trong cuộc đời tôi và là người cuối cùng tôi nghĩ sẽ ra đi, nay lại ra đi quá sớm. Tuy nhiên, việc ông đã qua đời với một ý thức rõ ràng, bình tĩnh như thế đã giúp tất cả chúng tôi tránh khỏi cảm giác đau buồn vò xé nhất. Dù biết chắc rằng ông đã ra đi dưới hình hài và cả tính mà tôi đã biết, nhưng cảm xúc của tôi vẫn không thể ngủ yên cho đến khi tôi hiểu rõ tường tận mọi chi tiết về việc ông đã hoá thân ra sao. Bí ẩn của cuộc sống đã thay đổi ông từ trạng thái này sang trạng thái khác và tôi nhận thấy rằng sự đổi thay này cũng đang diễn ra với bản thân tôi cũng như với tất cả mọi người. Tất cả chúng ta được kết nối với nhau và tất cả chúng ta cũng sẽ phân rã theo những bí ẩn của cuộc sống, không gì khác.

Thay vì tìm hiểu bí ẩn của cuộc sống như một phần không thể thiếu của chính mình, chúng ta lại hành động như thể bí ẩn ấy không tồn tại. Mọi người đều chịu đau khổ vì thái độ phớt lờ này và thậm chí còn đau khổ hơn với một cán cân công bằng bí ẩn đang xuất hiện ở đường chân trời. Rất nhiều người tỏ ra chán nản và bỏ cuộc trước những thử thách đòi hỏi nhiều đau khổ. Số khác lại cho rằng họ phải rời khỏi vị trí hiện tại và tìm kiếm điều gì đó họ chưa có – một mối quan hệ mới, công việc mới, tôn giáo mới – trước khi họ có thể cảm nhận được cuộc sống lần nữa.

Liệu các tế bào trong cơ thể của bạn có chấp nhận triết lý chủ bại này không? Nếu vị trí hiện tại của bạn chưa đủ tốt thì tình yêu, khả năng chữa lành và Đấng Sáng Tạo sẽ mãi xa tầm với. Sau nhiều thế hệ sống trong hỗn loạn, liệu chúng ta đã sẵn sàng để điều bí ẩn giải cứu chúng ta chưa Liệu còn có cách nào khác không?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ THÔNG MINH TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN
  2. TRÍ THÔNG MINH CỦA CẢM XÚC
  3. NGƯỜI NẮM RÕ THANG NHU CẦU LÀ NGƯỜI THÔNG MINH – CĂN BẢN VỀ THANG NHU CẦU MASLOW

Bài viết khác của tác giả

  1. CHẾT CÓ Ý THỨC
  2. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI
  3. NHỮNG GÌ BẠN NHÌN THẤY, BẠN TRỞ THÀNH NHƯ VẬY

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG