MÔ THỨC TRONG TỪNG HƠI THỞ

MARK REITER

MARSHALL GOLDSMITH

Trích: Sống Đời Mãn Nguyện - The Earned Life; dịch giả Chi Lan; NXB Tổng Hợp TP.HCM

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng, “Với mỗi hơi thở, tôi trở thành một người khác”, Ngài không có ẩn ý gì trong câu nói đó. Ngài muốn nhắc tới nghĩa đen thật sự.

Đức Phật đã dạy rằng cuộc sống là sự phát triển từ những khoảnh khắc rời rạc theo một vòng luân hồi liên tục, từ phiên bản quá khứ cho đến phiên bản hiện tại của bạn. Bạn sẽ vui, buồn hay sợ hãi tùy thuộc vào lựa chọn và hành động của bạn tại một thời điểm nhất định. Nhưng những cảm xúc đó không hề kéo dài. Chúng thay đổi theo từng hơi thở, và cuối cùng đều biến mất – tất cả được chính bản thân bạn ở quá khứ đã trải qua. Bất cứ điều gì bạn hy vọng xảy ra trong hơi thở tiếp theo, hoặc ngày mai, hoặc năm sau thì một “bạn” ở tương lai, một “bạn” hoàn toàn khác sẽ trải qua. “Phiên bản” duy nhất của bạn mà thực sự quan trọng chính là “bạn” ở hiện tại, người vừa mới hít thở ngay lúc này.

Tôi khởi đầu với giả định rằng Đức Phật đúng.

Việc này không có nghĩa rằng bạn phải từ bỏ tín ngưỡng, đức tin của mình để theo đạo Phật. Tôi muốn bạn nhìn nhận quan niệm của Đức Phật như một mô thức tư duy mới, để suy ngẫm về các mối quan hệ của mình trong thời gian qua và sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Điều tâm niệm cốt lõi trong đạo Phật chính là giáo lý vô thường – quan niệm rằng mọi hành động, suy nghĩ, và của cải vật chất của ta đều không tồn tại mãi mãi. Chúng có thể biến mất ngay lập tức, nhanh như cách chúng ta hít thở. Điều này đúng về mặt thực tế. Sự kỷ luật, tự lực, tâm trạng của ta – và nhiều điều khác nữa – liên tục thay đổi. Chúng biến mất đột ngột như khi chúng xuất hiện.

Tuy nhiên, ta khó mà chấp nhận và hiểu thấu sự vô thường trong thế gian, rằng sự hài hòa và độc nhất của bản sắc và tính cách của ta chỉ là ảo tưởng. Trong mô thức của người phương Tây, được ăn sâu trong tiềm thức từ thuở nhỏ, là những lý lẽ. đi ngược với vô thường. Thực chất, nó là một câu chuyện cổ tích, luôn có chung một kết thúc: Kể từ đó, họ sống hạnh phúc với nhau mãi mãi. Mô thức phương Tây hướng đến sự phấn đấu vì những điều tốt đẹp hơn và tin vào 2 kết cục: (a) bất kể chúng ta phát triển như thế nào, ta vẫn luôn là ta nhưng ở phiên bản tốt hơn, và (b) điều này sẽ tồn tại mãi mãi. Đó sẽ là giải pháp lâu dài mỗi khi có điều gì đó đang giày vò tâm trí ta. Nó giống như việc bạn chăm chỉ học tập để đạt điểm A trong môn toán và nghĩ rằng điều đó sẽ làm bạn trở thành một học sinh “A” toàn diện suốt đời, hoặc tin rằng tính cách của bạn luôn không đổi và bạn không bao giờ thay đổi được, hoặc giá nhà đất sẽ luôn tăng.

Đây là một “căn bệnh” của phương Tây: “Tôi sẽ hạnh phúc khi…” Với cách tư duy ăn sâu tâm trí như vậy, ta luôn tự thuyết phục rằng mình sẽ hạnh phúc khi được thăng chức, khi có chiếc xe Tesla, khi thưởng thức một miếng pizza, hoặc đạt thành tựu trong kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn của mình. Và tất nhiên, một khi thành công đã nằm trong tầm tay, một điều gì đó thúc ép ta phải hạ thấp giá trị của nó và làm mới lại khát vọng cho mục tiêu tiếp theo. Rồi mục tiêu tiếp theo nữa. Ta muốn tiến tới một cấp bậc cao hơn. Ta muốn chiếc xe Tesla đi được quãng dài hơn. Ta muốn ăn thêm một miếng pizza. Chúng ta đang sống trong cảnh giới ngạ quỷ (ma đói) theo lời dạy của Đức Phật, luôn thèm khát mọi thứ nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.

Đây là cách sống gây ra sự bức bối, vì thế tôi mong muốn có cách nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống: trân trọng từng khoảnh khắc trong hiện tại hơn là hoài niệm về quá khứ hay luôn nghĩ về tương lai.

Khi tôi giải thích mô thức “trong từng hơi thở” (Every Breath Paradigm) cho khách hàng, họ đã quen với việc thiết lập mục tiêu và đạt được thành tích cao, phải mất một lúc lâu để họ chấp nhận rằng hiện tại luôn ưu thế hơn so với việc hoài niệm những thành tích trong quá khứ hoặc phấn khích theo đuổi mục tiêu với đầy sự tham vọng trong tương lai. Luôn nhìn về phía trước hay nhìn lại phía sau, là bản chất của họ. Khoảnh khắc hiện tại, thật đáng ngạc nhiên, gần như chỉ sượt qua trong suy nghĩ của họ.

Dần dần tôi làm ngơ thái độ của họ. Khi khách hàng dần vặt bản thân vì một sai lầm gần đây hoặc trước đó, tôi nói “Dừng lại” và yêu cầu họ lặp lại những điều sau: “Đó là tôi trước đây. Hiện tại tôi không mắc sai lầm đó. Vậy tại sao tôi lại tự hành hạ bản thân vì một số lỗi trong quá khứ mà phiên bản hiện tại của tôi không phạm phải?”

Sau đó, tôi yêu cầu họ cùng làm một cử chỉ tay khi “xí xoá” một vấn đề và nói lại theo tôi: “Hãy bỏ qua việc đó đi”. Tuy nghe khá ngớ ngẩn, nhưng cách này lại hiệu nghiệm đối với họ. Họ không chỉ thấy việc bám víu vào quá khứ là vô ích, mà còn nhẹ nhàng chấp nhận quan niệm mang tính tâm linh rằng sai lầm được gây ra bởi một người khác – một phiên bản của họ ở quá khứ. Bằng cách đó, họ có thể dễ dàng tha thứ cho bản thân và bước tiếp. Trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên với khách hàng, tôi có thể áp dụng thói quen này vài chục lần trong một giờ đồng hồ trò chuyện. Và cuối cùng khi họ hiểu được – thường rơi vào những khoảnh khắc quan trọng hay khó khăn, rằng mô thức “trong từng hơi thở” thực sự có ích trong đời sống hằng ngày của họ và cả trong công việc.

MƯỜI NĂM TRƯỚC, tôi từng hướng dẫn một cán bộ cấp cao trạc tuổi 40 – người được đề cử lên chức CEO của một công ty truyền thông. Anh ấy tên là Mike. Khả năng lãnh đạo thiên bẩm, sự thông minh, năng động, “làm nhiều hơn nói” của anh khiến anh nổi trội hơn hẳn so với những đồng nghiệp cấp cao khác. Nhưng anh ấy có một số góc cạnh khô khan cần được sửa lại, đó chính là nơi tôi hướng tới.

Mike thích thú khi tiếp cận những gì có ích cho anh ấy, và sẽ tỏ ra thái độ thờ ơ, xem nhẹ những người mà anh ấy cho là kém cỏi hơn mình. Anh ấy rất dễ bị thuyết phục, nhưng có lúc cũng hiếu thắng cho rằng mình đúng và người khác sai. Mike đang tự mãn với thành công của mình, khiến cho anh càng thèm khát sự công nhận, rằng anh ấy là một người đặc biệt và mọi người không thể quên điều đó.

Thiếu nhạy cảm, hiếm khi nhận ra mình sai, và mong có nhiều quyền lợi chính đáng khi bản thân chưa thật nỗ lực, những sai sót đó không thật sự gây rủi ro cho sự nghiệp của anh ấy. Đó chỉ là vấn đề nảy sinh trong bài đánh giá “360 độ” của tôi với đồng nghiệp và cấp dưới của anh ấy, bản thân anh cũng đã xem bài khảo sát này.

Anh ấy tiếp nhận những lời phê bình một cách nhẹ nhàng, và chưa đầy 2 năm, anh ấy đã thay đổi hành vi của mình theo mong muốn của cá nhân, và quan trọng hơn hết, theo ý kiến của các đồng nghiệp (Bạn cần phải thay đổi rất nhiều để mọi người nhận thấy sự khác biệt từ bạn dù chỉ là một chút). Chúng tôi vẫn cùng trò chuyện ít nhất 1 lần mỗi tháng về công việc, và nói chuyện nhiều hơn về đời sống gia đình của anh. Cuộc sống hôn nhân của Mike trở nên ổn định hơn sau nhiều năm căng thẳng khi anh tập trung cho sự nghiệp, trong khi đó vợ anh, Sherry, nuôi dưỡng các con và dần dafn hình thành sự phẫn uất không thể nguồi ngoai bởi sự mải mê trong công việc dẫn đến vô tâm của Mike.

“Sherry có sai không?” Tôi hỏi và chỉ ra rằng anh thiếu tinh tế và tự phụ trên công ty, thì chắc hẳn anh cũng như vậy ở nhà.

“Nhưng tôi đã thay đổi”, anh nói, “Cô ấy thậm chí đã thừa nhận điều đó. Và chúng tôi hạnh phúc hơn trước đây. Vậy tại sao cô ấy không bỏ qua chuyện cũ?”

Tôi giải thích về mô thức “trong từng hơi thở” cho anh ấy, nhấn mạnh rằng người phương Tây phải khó khăn thế nào mới nhận thức được rằng con người chúng ta không phải là một khối thống nhất bằng xương bằng thịt với những cảm xúc, kí ức mà là vô số cá thể, mỗi cá thể đều được ghi dấu vào thời điểm của mỗi hơi thở – và tái sinh sau mỗi lần ta thở ra.

Tôi bảo Mike, “Khi vợ anh nghĩ về cuộc hôn nhân của mình, cô ấy không thể tách bạch Mike trước đây ra khỏi người chồng hiện tại của mình. Đối với cô ấy, họ là một, có chung một tính cách không thể thay đổi được. Đó là cách nghĩ chưa thấu đáo.”

Mike khá ái ngại với quan niệm này. Đôi khi, điều này xuất hiện trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi, nhưng anh ấy không thể tưởng tượng được rằng bản thân anh lại là chuỗi liên tiếp của nhiều Mike khác, một phiên bản mới tương đương với 8 triệu lần một năm (số lần hít thở ước tính của chúng ta hàng năm). Nó xung đột với hình tượng cố định của anh là một Mike thành công, hào nhoáng mà anh muốn khoe với cả thế giới. Sai lầm này không xuất phát từ anh. Tôi đang cố gắng giúp anh ấy tiếp cận một mô thức mới, chứ không phải là một góp ý thông thường. Anh dần hiểu được theo cách của riêng mình.

Mùa hè năm 2019, anh ấy bất ngờ gọi tôi và hào hứng thông báo, “Tôi hiểu được nó rồi!” Anh ấy kể về cuộc trò chuyện với Sherry vào ngày hôm trước. Khi ấy, họ đang lái xe trở về nhà sau cuộc gặp gỡ cuối tuần với lũ trẻ và bạn bè vào ngày Quốc khánh Mỹ 4/7. Họ đang tự chúc mừng bản thân về việc nuôi dạy con cái thành công. Sau đó, Sherry “dội một gáo nước lạnh” để trở về thực tại.

“Em ước gì anh đỡ đần em nhiều hơn trong việc nuôi dạy con cái”, cô ấy nói, “Em thật sự rất cô đơn trong quãng thời gian chung sống với nhau.”

“Tôi không hề bị tổn thương hay tức giận trước những câu nói đó”, Mike kể lại với tôi. “Tôi quay người về phía cô ấy và bình tĩnh bảo rằng, “Em đã nói đúng về người đàn ông này 10 năm về trước. Anh ta từng mông lung về mọi thứ. Nhưng đó không phải là người đàn ông đang ngồi trong xe thời điểm này. Bây giờ, anh ấy đã khác rồi. Và ngày mai anh ấy cũng sẽ cố gắng để tốt hơn ngày hôm qua. Và thêm một điều nữa, người phụ nữ từng thất vọng lúc trước khác với người phụ nữ ở hiện tại đang trò chuyện với anh. Em dằn vặt anh về những hành động của một người không còn tồn tại nữa. Điều này quả thật không công bằng.”

Cả hai im lặng một lúc, khoảng chừng 10 giây. Ngay sau đó, Sherry đã xin lỗi Mike và nói thêm rằng, “Anh nói đúng, em phải khắc phục điều này.”

Mike mất nhiều năm (và một tình huống thăng hoa cảm xúc) để áp dụng được lời dạy của Đức Phật một cách hoàn hảo – để hiểu được mô thức “trong từng hơi thở”. Còn vợ anh chỉ mất 10 giây để ngộ ra được nó.

Tôi có thể hiểu được 2 trường hợp này, và rất vui khi được đồng hành trong quá trình nhận thức của người khác.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU VÀ BẤT AN – HH GYALWA DOKHAMPA
  2. SỐNG ĐỜI MÃN NGUYỆN – MARSHALL GOLDSMITH

Bài viết khác của tác giả MARK REITER

  1. TÔI MUỐN TRỞ NÊN TỐT HƠN VÀ TÔI CẦN SỰ GIÚP ĐỠ
  2. Ở TUỔI 95 BẠN SẼ NÓI VỚI THẾ GIỚI ĐIỀU GÌ ?

Bài viết khác của tác giả MARSHALL GOLDSMITH

  1. TÔI MUỐN TRỞ NÊN TỐT HƠN VÀ TÔI CẦN SỰ GIÚP ĐỠ
  2. SỐNG ĐỜI MÃN NGUYỆN – MARSHALL GOLDSMITH
  3. Ở TUỔI 95 BẠN SẼ NÓI VỚI THẾ GIỚI ĐIỀU GÌ ?

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP