MỘNG VÀ THỰC

JOHN BLOFELD

Trích: Ngọc Sáng Trong Hoa Sen; Nguyên Phong phóng tác; NXB Thế Giới.

Tôi xuất thân trong một gia đình trung lưu tại Regent’s Park, Luân Đôn. Cha tôi là một thương gia, mẹ tôi qua đời khi tôi vừa lên sáu nên tôi được chị vú Nerp nuôi nấng. Thuở ấu thơ của tôi chỉ quanh quẩn bên cạnh chị vú trong căn nhà rộng tại Regent’s Park. Cha tôi vì bận việc buôn bán nên rất ít khi có mặt ở nhà, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông chểnh mảng việc chăm sóc con cái. Là người Anh, ông không có thói quen biểu lộ tình cảm ra ngoài nhưng ông rất quan tâm đến việc giáo dục và tương lai của tôi. Dù bận rộn thế nào chăng nữa, ông không bao giờ quên mua cho tôi những cuốn sách về kiến thức phổ thông mà tôi rất thích. Có lẽ vì thế mà sách vở đã chiếm một địa vị quan trọng trong đời tôi. Khi học mẫu giáo, tôi là đứa bé duy nhất trong trường có thể vẽ trọn bản đồ thế giới với tên các quốc gia, thủ đô, núi non, sông hồ. Tuy nhiên địa lý không phải là môn học sở trường của tôi. Có lẽ tôi chẳng có môn nào gọi là sở trường cả. Tôi chỉ là một đứa bé thường có những ý nghĩ lạ lùng khác thường, và hay đặt những câu hỏi mà người lớn không sao trả lời được. Tôi còn nhớ một buổi sáng như thường lệ, chị vú Nerp cầm ly sữa nóng bước vào phòng tôi.

– Chị Nerp à, em vừa trải qua một giấc mơ lạ lùng. Em không nhớ rõ chi tiết nhưng đó là một giấc chiêm bao hết sức kỳ lạ.

Chị Nerp tủm tỉm cười đưa ly sữa ra trước mặt tôi:

– Lúc nào cậu chẳng mơ với mộng!

– Thực mà, em đã mơ… nhưng tại sao em không nhớ gì hết? Nếu là giấc mơ thì người ta phải nhớ được chứ? Phải chăng đó không phải là một giấc mơ mà hiện nay em mới đang mơ?

– Thôi đi cậu, tôi không biết cậu đã chiêm bao những gì nhưng chắc chắn hiện giờ cậu không mơ chút nào hết. Nếu cậu không uống ngay ly sữa này thì ông sẽ mắng cậu cho mà coi.

– Nhưng… nhưng biết đâu cha em cũng chỉ là một giấc mơ, chị cũng là một giấc mơ, và bây giờ em vẫn đang mơ?

Chị Nerp bật cười dí ly sữa vào miệng tôi:

– Không đâu, đây không phải là một giấc mơ mà là thực.

– Nhưng làm sao chị biết đâu là mơ và đâu là thực?

Chị Nerp ấn ly sữa vào miệng tôi và không cho tôi nói tiếp, tôi vừa uống vừa cự nự nhưng chị vẫn tiếp tục dí sát ly sữa vào miệng tôi và cười rúc rích. Không hiểu sao câu chuyện tầm thường về mộng và thực đó cứ ám ảnh đầu óc của tôi suốt thời thơ ấu. Trong mấy năm tiểu học, tôi luôn luôn tự hỏi phải chăng cuộc đời chỉ là một giấc mộng?

Nhiều năm sau, khi đọc sách của Trang Tử đến đoạn ông mơ mình hóa bướm và băn khoăn không biết có phải ông đã mơ thành bướm hay chính bướm đã mơ thành ông, tôi hết sức xúc động và cảm khái. Cả một dĩ vàng thơ ấu với câu hỏi về mộng và thực một lần nữa lại hiện ra rõ rệt trong tâm trí tôi.

Khi lên trung học, tôi thường bị ám ảnh bởi một cảm giác kỳ lạ rằng cái thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống có thể biến mất trong chớp mắt, tất cả chỉ còn lại một cái gì uyên nguyên rỗng lặng không thể diễn tả, không thể định danh. Hiển nhiên đó là một tư tưởng lạ lùng vì đầu óc những đứa trẻ cùng tuổi với tôi chỉ quanh quẩn với kết quả các trận bóng đá, các trò thể thao, cuộc ẩu đả trong lớp, hoặc việc bị phạt cấm túc trong phòng thầy giám thị.

Tôi còn nhớ một buổi tối đi giữa sân trường, bốn bề yên lặng như tờ, trước mặt tôi là những tòa nhà cao lớn, những giảng đường đồ sộ, tự nhiên như có gì thôi thúc tôi bỗng nhắm mắt lại. Tôi tự hỏi tại sao khi mắt nhắm thì giảng đường, tòa nhà biến mất? Tại sao khi mở mắt thì chúng lại hiện hữu? Phải chăng nếu không có ngũ quan thì cái thế giới đầy màu sắc, âm thanh, hình thể này sẽ biến mất? Một lần nữa câu hỏi về mộng và thực, về thế giới hiện tượng của giác quan, và cái thế giới “tưởng như có mà dường như không có” kia lại trở lại với tôi. Liệu thế giới của chúng ta có thực sự hiện hữu không? Mặc dù không dám đặt câu hỏi với ai vì sợ bị chế giễu là điên khùng nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một câu hỏi đúng đắn.

Mùa hè năm đó cha tôi bị bệnh thương hàn. Để tránh việc tôi bị lây bệnh, cô Jessie của tôi đã đưa tôi về nhà riêng của cô ở gần bờ biển để nghỉ hè ít lâu. Cô Jessie thường đi bộ mỗi ngày vì theo cô “không gì tốt hơn đi bộ” (hiển nhiên cô rất có lý vì khi tôi viết những dòng này thì cô đã trên trăm tuổi và vẫn cố gắng đi bộ mỗi ngày). Hôm đó đang đi dọc theo những cửa hàng ngoài phố, tôi nhìn thấy một pho tượng nhỏ màu xanh bày trong tủ kính. Đó là tượng Phật Thích Ca ngồi thiền. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết đó là tượng gì, tôi chỉ biết nó có một cái gì lạ lùng hấp dẫn với tôi mà thôi:

– Cô Jessie ơi, nhìn kìa… pho tượng đẹp quá!

Cô Jessie quá quen thuộc với sự vòi vĩnh đòi quà của đứa cháu nên đứng ngay lại:

– Vậy ư? Cháu có thích pho tượng đó không?

Người chủ tiệm đã quan sát chúng tôi từ xa, giờ vội vã bước ra, hai tay xoa vào nhau và mỉm cười thân thiện:

– Cậu bé thích pho tượng phải không? Cậu có mắt tinh đời lắm. Đó là pho tượng rất hiếm mà tôi vừa mua được từ Ấn Độ đấy.

– Những pho tượng đó dùng làm gì?

Người chủ tiệm mỉm cười rút ra một miếng gỗ trầm, bật lửa đốt rồi bỏ vào trong lòng pho tượng. Thì ra đó là một pho tượng rỗng ruột dùng để đốt trầm, khói trầm bay ra từ mũi, miệng pho tượng lan ra khắp nơi nhưng tự nhiên tôi thấy khó chịu:

– Tệ quá, pho tượng đẹp như vậy mà lại dùng để đốt hương liệu, trong kỳ cục, khôi hài làm sao.

Nghe vậy Cô Jessie nói ngay:

– Phải đấy, pho tượng này xấu xí kỳ cục làm sao. Qua tiệm khác, cô sẽ mua cho cháu mấy thằng lính bằng sắt.

Người chủ tiệm không chịu thua:

– Nếu em không thích pho tượng này thì tôi còn một pho tượng khác nhưng nó chỉ dùng để trưng bày thôi.

Ông lấy ra một tượng Phật tương tự như pho trước nhưng lớn hơn và đẹp hơn. Vừa trông thấy, tôi đã thích ngay. Có Jessie nhìn ngắm pho tượng rồi lắc đầu:

– Những pho tượng này đâu có chơi được, để cô mua cho cháu mấy thằng lính bằng sắt có hơn không?

– Không. Cháu thích pho tượng này.

Người chủ tiệm mỉm cười, xoa hai tay vào nhau:

– Phải rồi, mấy thằng lính sắt làm sao so với pho tượng này được. Cậu bé giỏi lắm, đây là một pho tượng rất quý làm tại Ấn Độ. Tôi bảo đảm không có mấy tiệm bán nó đâu.

Cô Jessie ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi nhất định đòi mua pho tượng “xấu xí” đó:

– Nhưng cháu đâu thể chơi gì với pho tượng này được?

– Nhưng… cháu thích.

Hai chữ “cháu thích” có một ý nghĩa tối hậu mà một bà cô thương cháu như cô Jessie không thể từ chối được.

Khi về Luân Đôn, tôi đặt pho tượng lên bàn học bên cạnh chiếc máy quay dĩa mà cô Jessie mua cho hồi năm ngoái. Tôi rất thích ngắm pho tượng. Mỗi khi nhìn khuôn mặt bình an trầm tĩnh của Đức Phật, tôi thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc kỳ lạ nào đó. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết danh từ “Phật” có nghĩa là gì hay tượng trưng cho cái gì. Tôi chỉ gọi đó là “Chinese God”. Ít lâu sau, trong một buổi đi chơi với cha tôi tại khu Newberry, tôi mua được một cái khám thờ nhỏ bằng gỗ giá tỵ làm tại Miến Điện. Tôi đặt pho tượng vào trong cái khám thờ rồi trịnh trọng bày ở góc phòng. Hằng ngày tôi lựa những bông hoa đẹp nhất trong vườn đặt trước bàn thờ rồi ngồi yên chú tâm vào khuôn mặt đầy an lạc của pho tượng. Tôi còn vặn nhạc khi ngồi tĩnh tâm như vậy, tôi thích chọn bài Praeludium vì tính cách trang nghiêm của nó. Đối với một đứa bé mười một, mười hai tuổi, trò chơi trẻ con này xét ra vô hại, mặc dù hàng tuần đi dự thánh lễ tôi vẫn đọc đi đọc lại các điều răn, trong đó điều thứ ba ghi rõ “không được thờ cúng hình tượng”. Mãi cho đến năm mười ba tuổi, tôi bỗng ý thức được trọng tội này. Trong cơn hốt hoảng, tôi đập tan pho tượng và chiếc khám thờ, quăng vào thùng rác, rồi cảm thấy như có một cái gì “oanh liệt” trong người.

Cho đến nay, tôi vẫn không thể giải thích vì sao tôi lại thích pho tượng đó. Tại sao một đứa bé đòi mua tượng Phật thay vì những thằng lính bằng sắt? Hình như có một cái gì từ bên trong thúc giục tôi tôn kính pho tượng mặc dù không biết đó là tượng gì. Tại sao tôi lại đặt nó trong khám thờ đẹp đẽ, hằng ngày mang hoa tươi đến cúng, vặn nhạc trang nghiêm, rồi chăm chú ngồi yên trước pho tượng? Phải chăng lòng tôn kính và các nghi thức dâng hoa, trỗi nhạc đó phát xuất từ một thói quen trong tiền kiếp?

Mãi cho đến năm mười lăm tuổi, tôi mới nghe nói đến danh từ “Phật”. Tôi đã quên hẳn pho tượng, quên hẳn trò chơi trẻ con ngày trước. Tôi đang bận rộn với những việc mà một đứa trẻ mười lăm tuổi cho là quan trọng, cho đến một hôm cùng cha tôi đi xem chiếu bóng. Đó là phim Ánh đạo phương Đông (Light of Asia) dựa theo cuốn sách nổi tiếng của sự Edwin Arnold viết về sự tích Đức Phật Thích Ca. Tôi còn nhớ rõ cảm giác “chấn động” khi bước ra khỏi rạp chiếu phim. Chưa bao giờ tôi lại xúc động nhiều như vậy. Tôi bước đi mà đầu óc vẫn quanh quẩn với những hình ảnh tuyệt vời trong phim. Hình ảnh vị hoàng tử trẻ tuổi, sống sung sướng trong cung vàng điện ngọc, lại từ bỏ tất cả để tìm đường giải thoát. Hình ảnh con người phi thường ngồi thiền dưới cội bồ đề đã nhắc nhở, kêu gọi nơi tôi một cái gì mà tôi chưa ý thức được. Tôi chỉ biết dường như có một niềm vui kỳ lạ, một sự sung sướng rạo rực, một cảm giác như mới “biết yêu lần đầu” dâng lên trong lòng. Hình như tôi vừa tìm được một cái gì thân yêu đã mất, một cái gì thiêng liêng cao quý, và tự nhiên tôi thấy mình niệm thầm danh hiệu Đức Phật Thích Ca.

Khi lên trung học, cha tôi ghi tên cho tôi vào trường Haileybury thay vì Winchester hay Eton. Đối với một đứa bé không thích thể thao thì Haileybury là một nơi không thích hợp. Tuy nhiên ngoài truyền thống về kỷ luật và thể thao, Haileybury còn là nơi đào tạo nhiều chuyên viên kỹ thuật cho công ty East India, một công ty chuyên khai khẩn thuộc địa. Vì lý do đó, thư viện của trường có rất nhiều sách vở, tài liệu về các quốc gia phương Đông. Tôi đã tìm được một kho tàng vô giá trong các kệ sách đầy bụi bặm, ít ai thèm đụng đến. Các sách vở, tài liệu về triết học, tôn giáo Á châu. Chính tại đây tôi đã say mê đọc các cuốn sách của Max Muller như bộ Sacred books of the East cũng như các bộ sách tương tự mà vì lý do nào đó đã tuyệt bản, hoặc không thể tìm thấy trên thị trường. Đối với các bạn trong trường, tôi thuộc hạng “cù lần”, nghĩa là không biết gì về thể thao hay những thú giải trí thịnh hành khác như cưỡi ngựa, săn bắn và khiêu vũ. Hiển nhiên đó không phải là điều xấu mà còn ngược lại, vì tôi có thể ngồi hàng giờ trong thư viện mà không sợ bị ai rủ rê hay quấy rầy. Nếu khi ở tiểu học tôi là đứa bé duy nhất có thể vẽ trọn vẹn bản đồ thế giới thì ở trung học, có lẽ tôi là học sinh duy nhất có thể phân biệt được kinh điển của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Khổng giáo hay Lão giáo. Dĩ nhiên kiến thức của tôi chỉ là một thứ kiến thức “ếch ngồi đáy giếng” nhưng lúc đó tôi hãnh diện về nó biết bao.

Một ám ảnh lớn đối với tôi, và có lẽ với hầu hết học sinh trung học lúc đó, là kỳ thi tuyển vào Đại học Cambridge. Đây là một kỳ thi quan trọng, quyết định số phận cũng như tương lai của học sinh. Nếu thi đậu, vào được đại học này thì tương lai kể như bảo đảm. Nếu không, học sinh sẽ phải chật vật trong các đại học không nổi tiếng, và dĩ nhiên không hứa hẹn hay bảo đảm mấy cho tương lai. Tôi đã nghe nói nhiều về kỳ thi cam go, thử thách này, kỳ thi để “phân biệt đứa bé với người đàn ông”, để “lọc cát, thử vàng”.

Càng gần đến ngày thi, áp lực của kỳ thi càng mạnh. Khắp nơi học sinh chúi đầu vào những quyển sách dày cộm, đọc tụng, nghiền ngẫm, hay học thuộc lòng. Những buổi tranh giải thể thao đã chấm dứt từ lâu, những ngày vui vẻ thoải mái trong sân trường cũng trôi qua từ lúc nào. Nhưng khuôn mặt ngây thơ bỗng trở nên tư lự, những nét thân thiết đã thành lo âu. Học sinh đâm ra gờm nhau khi biết năm nay số học sinh được tuyển chọn sẽ giới hạn hơn năm trước. Như vậy một sẽ chọi với năm mươi hoặc sáu mươi người trong kỳ thi sắp tới. Để khuyến khích, nhà trường thường mời những cựu học sinh của Haileybury mà hiện đang là sinh viên của đại học Cambridge về trường nói chuyện, khuyến khích, làm gương tốt cho đàn em noi theo. Người ta nói rằng chỉ những người “thành công” mới được Cambridge tuyển chọn, kẻ thiếu khả năng hiển nhiên bị đào thải như… lá mùa thu. Tôi không hiểu tại sao chỉ những người học Cambridge mới thành công? Tại sao giá trị con người lại được đo bằng sự thành công không là gì khác? Tại sao một kỳ thi tuyển lại trở nên quá quan trọng như vậy? Theo dõi những buổi diễn thuyết để khuyến khích học sinh, tôi thấy người ta cứ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc về những tiêu chuẩn, mẫu mực, những con người lý tưởng, những tấm gương mà mọi người phải noi theo. Họ nhắc đi nhắc lại những con số thống kê, hằng năm bao nhiêu học sinh của Haileybury được tuyển vào Cambridge để tạo sự phấn khích nhưng không ai nhắc gì đến số phận những người không được thu nhận, những kẻ không “thành công”, hay những học sinh vì quá thất vọng trước kết quả kỳ thi đã tìm đến cái chết.

Sau này khi đọc Trang Tử đến đoạn ông viết: “Được tự do sống theo sở thích của mình là hạnh phúc. Kẻ thích làm vua thì hãy làm việc của một ông vua. Kẻ thích ở ẩn thì hãy làm việc của kẻ ở ẩn. Một con chim đại bàng và một con chim sẻ, không con chim nào hơn con chim nào…” tôi cảm khái nhận thấy rằng người Tây phương quả không biết cách sống làm sao cho đúng với bản tính tự nhiên của con người. Họ luôn tranh đấu cho những lý tưởng mơ hồ, không thực tế. Đưa ra những mẫu mực, tiêu chuẩn không tự nhiên rồi bắt mọi người phải làm theo như vậy. Có lẽ sự áp chế phải sống theo khuôn phép, mẫu mực của một “con người lý tưởng” là nguyên nhân chính của khổ đau, bất mãn, lo sợ, thiếu hạnh phúc thường thấy trong xã hội phương Tây. Phải chăng tự do chân thật là được sống đúng với bản tính của mình? Phải chăng bình đẳng là biết chấp nhận sự khác biệt giữa mình và mọi vật, không xen vào, không cản trở, không áp chế, để mọi vật được sống với cái tự tánh riêng biệt của chúng. Có như thế mới là tôn trọng quyền tự do, bình đẳng, vì bình đẳng không có nghĩa là một khuôn khổ nhất định mà trong đó tất cả mọi vật phải sống y hệt như nhau.

Cuối năm đó, tôi thi đậu vào Đại học Cambridge nhưng môi trường ồn ào náo nhiệt, đầy tranh đua nơi đây đã làm tôi không thoải mái. Được tuyển vào Cambridge tuy không dễ nhưng đó chỉ mới là bước đầu. Phải cố gắng làm sao để đạt điểm thật cao, làm sao viết những bài luận giá trị, nghiên cứu các lý thuyết mới mẻ, ít ai biết mới là “trò chơi” của sinh viên đại học. Khác với trung học, học sinh thường thân mật với nhau, sinh viên đại học đối đãi với nhau như “kẻ thù”. Người ta cạnh tranh từng li từng tí một để có thể hơn người khác. Việc giáo dục con người, những con người mà tương lai sẽ nắm giữ những địa vị quan trọng như chỉ huy lãnh đạo, tiếc thay lại bắt nguồn từ thái độ tranh giành, thù hận, hơn thua đó. Thay vì khuyến khích sinh viên hiểu rõ mục đích cao cả của giáo dục qua sự hiểu biết về bản thân mình, thì trường học lại đặt ra những tiêu chuẩn như thành công, những mẫu mực như điểm hạng kỳ thi, do đó hệ thống giáo dục đã làm tôi thất vọng rất nhiều. Tôi thường tìm vào thư viện để đọc những sách vở của các triết gia phương Đông những bậc trí nhân quân tử, và càng ngày càng thấy mình muốn tìm về phương Đông.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHẸ BƯỚC TIÊU DAO
  2. THẾ GIỚI LÀ VIÊN NGỌC SÁNG

Bài viết khác của tác giả

  1. VẦNG DƯƠNG TỎA SÁNG
  2. NHẸ BƯỚC TIÊU DAO
  3. VẦNG DƯƠNG TỎA RẠNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP