NHẸ BƯỚC TIÊU DAO

JOHN BLOFELD

Trích: Ngọc Sáng Trong Hoa Sen; Nguyên Phong phóng tác; NXB Thế Giới.

Hòa thượng Hư Vân dáng người nhỏ nhắn, nét mặt hiền lành, trông không có gì đặc biệt hay khác thường. Thoạt nhìn ngài cũng giống như trăm ngàn cụ già Trung Hoa người ta vẫn thường gặp, cũng gò má cao, khuôn mặt đầy những nếp nhăn và chòm râu ngắn, nhưng ngài có cặp mắt rất sáng như có thể nhìn thấu tâm can người đối diện. Có lẽ vì cặp mắt tinh anh đó mà tôi đâm ra luống cuống, nói năng không được bình tĩnh. Sau khi lắp bắp vài câu xã giao, tôi buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Bạch hòa thượng, phải chăng chùa này chuyên về tu thiền?

– Đúng đấy. Đây là một trung tâm của Thiền Tông Trung Hoa.

– Như vậy trong chùa có thờ Phật A Di Đà hay có các thời khóa tụng niệm không?

Câu hỏi của tôi khiến Hòa thượng Hư Vân ngạc nhiên nhưng ngài cũng trả lời:

– Tại sao lại không? Chúng tôi vẫn thờ Phật A Di Đà và hàng ngày khuya sớm đều có các khóa lễ.

– Nếu thế nơi đây đâu phải chuyên về tu thiền!

– Tại sao như vậy? Chùa nào lại chẳng thờ Phật, chẳng có các thời khóa tụng kinh?

– Nhưng tôi nghe nói thiền tông chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự kia mà?

Đến khi đó Hòa thượng Hư Vân mới hiểu ra. Ngài bật cười ha hả:

– Mấy trăm năm trước quả cũng có một số tu viện theo đường lối và chủ trương riêng, nhưng theo thời gian đã có sự thay đổi, hiện nay gần như không còn sự phân chia nữa. Hiển nhiên phải như thế rồi vì mọi đường lối chủ trương đều chỉ là phương tiện hình thức bên ngoài. Phải chăng khi nói đến chữ “thiền”, thí chủ muốn ám chỉ việc thiền tập để trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật?

– Thưa đúng như vậy.

– Dĩ nhiên Phật tánh thì ai cũng có nhưng việc kiến tánh nào phải dễ. Ngay những người công phu ngày đêm không mỏi mệt cũng chưa chắc đã đạt được kết quả chứ đừng nói đến những người mà thời gian tu tập không chuyên cần cho lắm. Tuy là một trung tâm về thiền nhưng Nam Hoa tự không phải là nơi dành riêng cho người tu thiền mà còn hướng dẫn cho tất cả mọi người, từ người thượng lưu trí thức đến kẻ bình dân hiền lành chất phác, từ những nông dân cư ngụ quanh vùng đến những khách hành hương lặn lội từ phương xa đến. Hiển nhiên đâu phải ai cũng có căn cơ lanh lợi hay ngộ tính cao để quán triệt những phương pháp cao siêu tối thượng nên chùa còn giảng dạy thêm các pháp môn nữa như Tịnh Độ, niệm hồng danh Phật A Di Đà để cầu vãng sinh.

– Nhưng … nhưng như thế có mâu thuẫn không? Một trung tâm về thiền mà lại dạy về Tinh Độ…?

Tôi chưa dứt lời thì Hòa thượng Hư Vân đã bật cười và cười mãi không thôi:

Ha ha… thí chủ khéo nói lắm… mâu thuẫn ư?

Làm gì có chuyện mâu thuẫn… Không… không bao giờ…  Mặc dù Đức Thích Ca giảng dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn khác nhau nhưng tất cả vẫn chỉ là một con đường duy nhất, con đường thoát khổ. Tùy theo căn cơ mà mỗi chúng sinh thích hợp với một phương pháp khác nhau…

– Nhưng… nhưng nếu đã tin rằng có cõi Tây phương Cực Lạc, có Phật A Di Đà và có lời nguyền tiếp dẫn của ngài thì tại sao Hòa thượng lại giảng dạy về thiền?

– Tại sao lại không? Tịnh Độ và Thiền đâu có gì khác biệt.

– Nhưng… nhưng đó là hai pháp môn hoàn toàn khác nhau.

– Phải chăng thí chủ muốn nói rằng thiền chú trọng về tự lực trong khi Tịnh Độ chú trọng vào tha lực…

Vừa nghe đến đó tôi hấp tấp ngắt lời ngay:

– Đúng vậy, tự lực và tha lực làm sao giống nhau được.

Ngay lúc đó tôi cảm thấy hình như các tăng sĩ ngồi quanh đều khó chịu vì cử chỉ bất kính của tôi. Một người lịch sự không bao giờ chất vấn hay ngắt lời một ai khác, hơn nữa trước mặt tôi không phải là một tu sĩ tầm thường mà là một vị tổ đức cao đạo trọng, được tôn kính khắp nơi.  Tuy nhiên Hòa thượng Hư Vân vẫn thản nhiên, không chấp trách cử chỉ hấp tấp và thiếu lễ độ của tôi. Ngài còn mỉm cười một cách thích thú là đằng khác:

– Này thí chủ, tại sao lại mất công để ý đến sự khác biệt đó làm chi! Khi còn phân biệt, chấp trước thì có phải có trái, có trước có sau, có cái này và có cái kia nhưng khi đã vượt lên khỏi đối đãi nhị nguyên thì tất cả đều là một kia mà. Chắc hẳn thí chủ vẫn biết rằng thật ra tâm Phật và chúng sinh vốn không hai. Thí chủ có thể xem tâm như một cái gì ở bên trong hay bên ngoài nhưng trong hay ngoài đều không có nghĩa tuyệt đối mà chỉ là những gì tương đối nhị nguyên mà thôi. Từ vô thủy đến nay tâm này vốn không sinh diệt, không hình tướng, không thuộc có không, không hề cũ mới. Chỉ vì chúng sinh cứ chấp vào tướng, đi tìm tâm ở bên ngoài nên Phật và chúng sinh mới xa cách muôn trùng vì ta và tha nhân là hai thực thể khác nhau. Này thí chủ, tổ Bồ Đề Đạt Ma ngồi diện bích suốt chín năm để suy ngẫm gì? Phải chăng ngài ngẫm thấy tâm tức là Phật, Phật tức là chúng sinh. Khi mê thì có chúng sinh, có Phật nhưng khi ngộ thì Phật và chúng sinh vốn nào khác. Chân tâm này vốn không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch. Khi làm chúng sinh tâm không tăng giảm, khi làm chư Phật tâm cũng không thêm bớt, do đó ngài vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau, phiền não, vượt khỏi vòng kiềm tỏa của bánh xe luân hồi, đạt đến Niết Bàn giải thoát.

– Nhưng… nhưng tổ Bồ Đề Đạt Ma đâu hề đề cập đến Phật A Di Đà hay Cõi Tây phương Cực Lạc?

– Đúng thế, ngài không hề đề cập đến điều đó nhưng thí chủ hãy thử nghĩ lại coi, khi những dân quê hiền lành chất phác đến nghe ta nói pháp, phải chăng ta sẽ giảng cho họ về thực tại vô ngã? Về tánh Không hay con đường Bất Nhị? Những điều này có nghĩa gì đối với họ? Phải chăng đó là những danh từ trừu tượng, trống rỗng, không thể hiểu và không có lợi ích gì? Nhưng nếu ta giảng cho họ về Đức Phật A Di Đà, về những hạnh nguyện tiếp dẫn của ngài, về Cõi Tây phương Cực Lạc thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sinh về cõi đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, biết chú tâm vào hồng danh này khi làm ruộng, lúc nghỉ ngơi, khi gặt lúa, lúc lùa trâu về chuồng, họ trì niệm cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt, có chúng sinh có chư Phật sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ thực tại mầu nhiệm ngay. Dù người ta gọi đó là tha lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà, gọi là thiền, hoặc gọi là Nhất Tâm thì điều này có khác gì đâu? Cái khả năng giải thoát mà người ta cho rằng vốn ở bên ngoài (tha lực) thật ra vẫn ở bên trong (tự lực), lúc nào vẫn sẵn có kia mà!

Đến khi đó tôi bắt đầu hiểu ý ngài nhưng bản tính của người Âu vốn hấp tấp nên tôi buột miệng:

– À thì ra vậy! Điều tổ Bồ Đề Đạt Ma tìm được trong lúc ngồi thiền, người dân quê chất phác tìm được trong khi niệm hồng danh Phật A Di Đà đều giống nhau. Cả hai đều tìm được nhất tâm. Như thế tôi hiểu rồi…

Bất chợt Hòa thượng Hư Vân quát ngay:

– Không! Họ không tìm được điều gì cả vì tâm thanh tịnh vốn sẵn có kia mà, làm gì phải đi tìm ở đâu. Nếu lấy tâm đi tìm tâm thì làm sao thấy!

Câu trả lời của ngài khiến tôi giật mình định lên tiếng cải chính nhưng tôi lại thấy ngài đang mỉm cười như có vẻ hài lòng về một điều gì. Phải chăng ngài biết rằng tôi đã sử dụng chữ “tìm được” một cách nhầm lẫn. Quả thế, tôi đã sử dụng nhóm chữ này như một cái gì ở bên ngoài mà người ta có thể tìm thấy được trong khi đáng lẽ ra tôi phải dùng một nhóm từ khác như “quán chiếu thấy”. Tôi nói ngay:

– Đúng thế, nhưng đó chỉ là vấn đề danh từ thôi.

Thay vì gật đầu đồng ý, tự nhiên Hòa thượng Hư Vân lại thản nhiên quay ra nói với các tăng sĩ gần đó về một câu chuyện chẳng dính dáng gì đến đề tài ngài đang nói với tôi cả. Điều này làm tôi đâm ra hụt hẫng, chới với không biết phải làm gì. Tại sao ngài lại cắt ngang câu một cách bất ngờ như vậy? Ngay lúc đó dường như một mãnh lực kỳ lạ gì thúc đẩy khiến tôi bừng tỉnh. Trong thoảng giây tôi suýt bật cười về sự ngu xuẩn của mình. Phải chăng hành động chấm dứt câu chuyện của ngài ngụ ý rằng: “Hiển nhiên, vì tất cả chỉ là vấn đề ngôn ngữ nên sự thật vốn không thể giải thích bằng lời”. Trong giây phút đó, mọi việc bỗng trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết, dù tôi có hùng biện hay sử dụng các danh từ chính xác như thế nào cũng không thể giải thích được điều tôi chưa hiểu hay quán triệt một cách thấu đáo. Đến khi đó tôi mới bắt đầu hiểu được ý nghĩa câu “bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật”. Tôi thấy không cần phải dài dòng thêm nữa mà cúi rạp người xuống bái tạ và lui ra khỏi thiền đường.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH – HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CHÍNH MÌNH
  2. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ 

Bài viết khác của tác giả

  1. VẦNG DƯƠNG TỎA SÁNG
  2. MỘNG VÀ THỰC
  3. VẦNG DƯƠNG TỎA RẠNG

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN