VẦNG DƯƠNG TỎA RẠNG

JOHN BLOFELD

Trích: Ngọc sáng trong hoa sen - The Weel of Life; Nguyên Phong chuyển ngữ; NXB. Hồng Đức, 2017

Tôi rời Almora một cách phấn khởi. Chưa lúc nào lòng tôi lại chan chứa một hy vọng lớn như vậy. Bao cảm giác buồn chán, thất vọng đều tiêu tan, tôi thấy thoải mái, an lạc như vừa lột xác. Trong bao năm qua, chưa lúc nào tôi biết rõ mình sẽ phải làm gì như lúc này. Kể từ khi được Kim Cương trưởng lão thu nhận, làm lễ điểm đạo và sau đó đi du lịch khắp Trung Hoa, tôi đã gặp gỡ nhiều pháp môn khác nhau nhưng không thành công bao nhiêu. Dù cố gắng tham cứu về Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và các pháp môn khác nhưng lần nào tôi cũng nhìn thấy mình trở về với Mật Tông. Dĩ nhiên Mật Tông có hàng trăm, hàng ngàn tông phái khác nhau nhưng chỉ đến lúc này tôi mới hiểu rõ con đường phải đi. Nếu tin vào nhân duyên thì tôi phải nói rằng trước lúc đó tôi chưa đủ duyên nên mọi sự đều ẩn tàng, không rõ rệt. Dù hòa thượng Ninh Hải đã tiên tri nhưng tôi vẫn không sao hiểu được. Tại Wat Chalem, hình như có một mãnh lực kỳ lạ gì thôi thúc, hình ảnh một cánh rừng núi với cây cối xanh ngắt đã hiện lên một cách vô ý thức trong tâm tôi nhưng tôi vẫn không biết được nơi nào mà tôi phải tìm đến. Phải đợi đến khi gặp Lạt ma Govinda tôi mới ý thức rằng đã đến lúc tôi phải trở về nhà, tìm đến người trưởng môn của phái Dolijang (Sgromal – janku) để hoàn tất nghi thức nhập môn mà trước đây tôi đã vô tình bỏ dỡ. Hơn lúc nào hết tôi biết mình thực sự muốn gì và phải tìm kiếm gì.

Cuộc gặp gỡ Lạt ma Govinda đã để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu đậm về tu sĩ này. Thật ít người phương Tây nào lại quán triệt được những tinh hoa phương Đông như ngài. Theo chỗ tôi được biết thì chỉ có hai người Âu xứng đáng được coi như là những người tiên phong, đã mở đường dẫn lối cho những người khác: Lạt ma Govinda và giáo sư Evans Wentz. Lạt ma Govinda là một người Âu đã xuất gia tại Sri Lanka nhưng qua Tây Tạng học hỏi với các danh sư Kim Cương Thừa. Ông đã viết rất nhiều sách và để lại cho thế giới một kho tàng tranh vẽ mà ông sưu tầm được tại Tây Tạng. Giáo sư Evans Wentz là một học giả của Oxford đã tháp tùng một phái đoàn các khoa học gia Âu Mỹ qua phương Đông nghiên cứu. Phái đoàn của ông đã đi khắp nơi học hỏi ghi nhận và sau cùng lên Hy Mã Lạp Sơn. Tại đây họ đã tiếp xúc được các bậc cao nhân, ẩn sĩ và được chỉ dẫn rất nhiều. Sau một thời gian học hỏi, họ quyết định không trở về châu Âu nữa mà chọn một đời sống tu hành trên rặng núi Tuyết này. Chỉ có hai người, giáo sư Evans Wentz và Baird Spalding lãnh trọng trách trở về Anh quốc hoàn tất cuộc nghiên cứu bằng một hồ sơ tường trình cuộc du khảo của họ. Sau đó giáo sư Spalding cũng bỏ lên Tuyết sơn tu học, chỉ còn giáo sư Evans Wentz tiếp tục dịch thuật nhiều sách tham khảo có giá trị khác, đặc biệt là các sách vở về Kim Cương Thừa mà ngày nay vẫn được các học giả coi là những tài liệu hết sức giá trị.

Tashiding là một ngọn núi khá cao nằm ở biên giới Tây Tạng và Sikkim, nơi Lạt ma Tangku, người thừa kế địa vị trưởng môn của phái Dolijang cư ngụ. Đường đi từ Gantok đến Tashiding rất hiểm trở vì phải đi qua nhiều thung lũng rất sâu. Tôi mướn một chiếc xe Jeep, chở các dụng cụ cần thiết và khởi hành ngay.

Vừa lên đèo trời đã đổ mưa như trút, bộ quần áo dày mà tôi vừa mua ở Gantok đã ướt sũng. Người hướng đạo yêu cầu tôi dừng chân nghỉ ít hôm chờ mưa tạnh nhưng tôi quyết định cứ lên đường. Có lẽ vì trời mưa nên trục giao thông vắng tanh, không một bóng người. Được thể tôi nhấn ga để chiếc xe Jeep vọt đi với một tốc độ khá nhanh mà không hề ý thức đến con đường đèo ngoằn ngoèo hiểm trở. Về sau đi lại con đường này vào ngày nắng ráo, nhìn những dốc núi hiểm trở tôi mới thấy mình quá liều lĩnh.

Chúng tôi dừng xe tại chân núi. Từ đấy tôi còn phải băng qua một cánh rừng khá lớn mới đến nơi. Mặc dù người hướng đạo đã khuân vác hành lý giùm nhưng tôi cũng gặp nhiều khó khăn lúc leo núi. Cơn mưa nhiệt đới vừa to vừa dài đã biến con đường đất dẫn lên núi thành một bãi lầy vĩ đại. Mỗi bước đi, chiếc ủng của tôi lại ngập sâu đến tận mắt cá chân. Con đường thông thường đi khoảng một giờ mà tôi mất gần nửa ngày mới đi trọn. Đã có lúc muốn tìm gốc cây nào đó trú chân nhưng lại nghĩ rằng đây là một thử thách mà người ta phải vượt qua. Truyền thuyết Tây Tạng kể rằng những người cầu đạo luôn gặp thử thách, có người phải leo lên những đỉnh núi cao, bất chấp mưa gió, bão tuyết để cầu đạo. Hiển nhiên một cơn mưa như thế này có thấm vào đâu! Nghĩ như thế tôi tiếp tục dấn bước, vừa đi vừa cầu nguyện những bài thần chú khẩu truyền mà ngày xưa Kim Cương trưởng lão đã truyền dạy.

Vừa qua một lạch nước nhỏ, tự nhiên tôi thấy đau nhói và khám phá thấy khắp mình đỉa đã bám kín. Những con đỉa màu sắc lạ lùng to lớn đang bám vào tay, vào chân, chui cả vào trong mình tôi hút máu. Trước tình huống đó tôi không biết phải làm gì hơn là vừa đi vừa gỡ những con đỉa bám vào thân thể vừa chống chọi với cơn mưa trút xối xả trên mặt mũi.

Đúng lúc tôi sắp sửa bỏ cuộc thì người hướng đạo đã kêu lên một tiếng mừng rỡ. Trước mặt tôi là một căn nhà nhỏ nằm bên sườn núi. Một người Tây Tạng nghe động đã ra trước hiên nhà quan sát. Chỉ một thoáng giây, tôi đã nhào ngay vào nhà, trút bỏ bộ quần áo ướt sũng, đôi ủng dính đầy bùn đất và gạt bỏ những con đỉa đói đang bám trên người. Gã hướng đạo vừa cười vừa giúp tôi làm việc đó trong khi những người trong nhà khơi lò sưởi và mang cho tôi một chén trà nóng. Đây là lần thứ hai tôi uống trà pha theo kiểu Tây Tạng nhưng có lẽ đó là chén trà ngon nhất trong đời tôi.

Sáng hôm sau, trời đã tạnh mưa, tôi theo người hướng đạo lên đạo viện cách đó không xa. Đó là một gian nhà trang trí đơn sơ với một bàn thờ nhỏ trên vách. Lạt ma Tangku vóc người nhỏ bé, khuôn mặt khắc khổ. Ngài mặc bộ quần áo màu nâu đỏ đã rách nhiều chỗ và ngồi trên một chiếc ghế bằng gỗ có chạm trổ hình những bông hoa sen hết sức sắc sảo. Người hướng đạo đã cho tôi biết rằng ngài bị liệt hai chân nên không thể đi đâu, lúc nào cũng chỉ ngồi trên chiếc ghế đó thôi. Tôi quỳ mọp xuống đất làm lễ ra mắt, dâng lên một khăn quàng màu trắng theo đúng nghi thức của người Tây Tạng. Sau đó tôi trao cho ngài bức thư giới thiệu của Lạt ma Govinda. Lạt ma Tangku thong thả đọc thư rồi ra hiệu cho tôi lui ra ngoài ở một góc phòng. Tôi ngồi yên lặng kính cẩn chờ đợi nhưng ngài vẫn yên lặng không nói câu gì. Hiển nhiên chúng tôi không thể nói chuyện gì vì ngài chỉ nói tiếng Tây Tạng trong khi tôi lại không biết một chút gì về ngôn ngữ này.

Người hướng đạo kiêm thông ngôn cũng yên lặng chờ đợi. Mãi một lúc sau, ngài mới thong thả lên tiếng:

– Nghi thức anh yêu cầu không thể thực hành được nếu không có sự chuẩn bị cẩn thận từ trước. Khi nào anh hội đủ những điều kiện thì ta sẽ chỉ dẫn cho anh.

Câu nói có vẻ lạnh lùng của ngài làm tôi sửng sốt. Tôi vẫn nghĩ với lá thư giới thiệu như vậy thì tôi có thể được chấp nhận ngay. Tôi năn nỉ:

– Xin ngài hiểu cho rằng giấy tờ thông hành của tôi tại đây chỉ có hiệu lực trong vòng hai tuần. Nếu phải chờ đợi vài tuần, vài tháng tôi e không kịp. Tôi phải trở lại nhiệm sở vào đầu tháng sau.

– Đây không phải là một nghi thức tầm thường, thời gian không có nghĩa lý gì trước một việc quan trọng như thế này. Phải chăng công việc làm của anh quan trọng hơn điều mà anh mong muốn?

– Nếu vậy thì tôi phải chờ đợi bao lâu?

– Khi nào anh hội đủ điều kiện.

– Xin ngài cho biết rõ tôi phải hội đủ những điều kiện gì?

Lạt ma Tangku mỉm cười không nói, khoác tay ra hiệu cho tôi lui ra. Tôi vẫn biết các vị thầy phương Đông thử thách học trò và không bao giờ chấp nhận lời yêu cầu ngay nên không lấy thế làm thất vọng. Tuy nhiên, tôi vẫn không biết mình sẽ phải làm gì!

Sáng hôm sau tôi băn khoăn đi qua đi lại trước am thất của Lạt ma Tangku, hy vọng sẽ được ngài gọi vào nhưng bên trong vẫn im lặng như tờ. Tôi biết việc cầu xin nghi thức làm lễ Quán Đảnh rất phức tạp, không dễ, hiển nhiên các danh sư không bao giờ ban phát một cách bừa bãi. Tôi biết ngài cũng hiểu nỗi khó khăn hiện nay của tôi nhưng hình như ngài vẫn muốn có thêm thời giờ để quan sát xem tôi có xứng đáng không.

Tại Trung Hoa, chùa chiền đều có phòng cho khách hành hương nhưng tại Tây Tạng, đa số chùa chiền đều nhỏ bé chật hẹp, ngay các tăng sĩ còn không có chỗ ở chứ đừng nói đến phòng riêng cho khách, vì thế tôi phải xin tá túc tại nhà một người Tây Tạng trong khi chờ đợi. Bên Trung Hoa, các chùa thường có lương thực dự trữ, lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp khách thập phương ghé qua dùng bữa cơm chay tịnh. Tại Tây Tạng, các chùa đều nghèo, thực phẩm rất hiếm hoi, tăng sĩ ăn uống còn không đầy đủ nên lấy đâu đãi khách thập phương, vì thế khách hành hương phải luôn mang theo thực phẩm. Biết thế tôi đã đem theo khá nhiều gạo, muối, gia vị và một số thực phẩm khô, tôi giao hết cho gia đình người Tây Tạng này để họ tùy nghi sử dụng. Đối với những người sống trong vùng núi non hẻo lánh này thì đó là cả một gia tài rất lớn nên họ đã vui mừng coi tôi như một thượng khách. Qua câu chuyện với họ, tôi biết được Lạt ma Tangku thường dậy rất sớm, trước khi mặt trời mọc để ngồi thiền. Ông thường mở cửa chính trông ra bên ngoài để cho ánh sáng mặt trời có thể rọi vào trong phòng của ông. Nghe thế, tôi tự nhủ sáng hôm sau sẽ dậy thật sớm, đến ngồi trước am thất của ngài như để chứng tỏ cho ngài thấy tấm lòng cầu đạo tha thiết của tôi.

Vầng thái dương từ từ nhô lên khỏi đỉnh Tashiding. Những tia nắng rực rỡ tỏa ra trên sườn núi phủ đầy tuyết trắng. Tôi ngồi trước cửa am thất của Lạt ma Tangku yên lặng theo dõi những tia sáng lấp lánh phản chiếu trên mặt tuyết. Mặt trời từ từ lên cao, những tia sáng tỏa rộng ra khắp nơi, từ đỉnh sườn núi rồi từ từ lan ra khắp thung lũng phía dưới. Hình như mỗi khi ánh sáng đi đến đâu vạn vật đều trở nên sống động đến đó. Lúc đầu tôi còn ngồi đó vừa quan sát vừa suy nghĩ vẩn vơ nhưng dần dần vẻ đẹp tuyệt vời của buổi bình minh đã khiến tâm hồn tôi trở nên ngây ngất. Tôi thấy lòng mình trầm hẳn xuống. Những lo lắng ưu phiền cũng như những mong cầu dường như biến mất. Tâm tôi trở nên yên tĩnh. Những tia nắng muôn màu nhảy múa, những dải mây hồng nhạt lững lờ, cánh rừng thông xanh ngắt. Tôi nghe rõ tiếng nước suối chảy qua khe đá rì rào, tiếng chim kêu ríu rít trên cành. Tôi còn ngửi thấy cả mùi hương của những bông hoa từ đáy thung lũng thoảng lên. Tự nhiên tôi cảm thấy có một cái gì kỳ lạ xảy ra trong tâm hồn. Khi xưa, mỗi khi quan sát một vật gì tôi thường hay phân biệt giữa tôi và đối tượng. Ví dụ như khi tôi nói thung lũng đó màu xanh thì trong tâm tôi nảy sinh ra ý nghĩ màu xanh như thế nào hoặc không phải là màu xanh mà là một màu sắc nào khác; nhưng hiện nay vì lý do gì các khái niệm này dường như biến mất. Tôi cảm nhận rõ ràng một thực tại sống động, một cái gì thân mật gần gũi với tất cả mọi vật và tự nhiên không thấy mình và thiên nhiên là hai thực thể khác biệt nữa. Dường như rặng núi trước mặt bỗng trở nên trong suốt như pha lê mà tôi có thể nhìn xuyên qua nó. Tôi thấy rõ những thung lũng, những rừng cây, những cánh đồng ở phía bên kia rặng núi. Dường như nhãn quan của tôi được mở rộng ra, nâng tâm hồn tôi lên một trạng thái phong phú thoải mái không thể diễn tả. Trong giây phút đó thời gian như ngưng lại và tất cả sự sống tuôn trào một cách mãnh liệt. Trái tim của tôi tự nhiên mở rộng rung động cùng nhịp với nhịp điệu của thiên nhiên và tôi thấy mình như tan biến, hòa nhập vào một biển ánh sáng kỳ diệu. Kinh nghiệm này kéo dài rất lâu cho đến khi mặt trời lên cao, tôi trở về nhà trọ mà thân thể cứ nhẹ bổng như bay.

Từ hôm đó mỗi buổi bình minh khi tia nắng đầu tiên của một ngày bắt đầu nhen nhúm tôi đã trỗi dậy khoác vội chiếc áo ấm, lần bước theo con đường mòn đi ra phía sau núi. Từ đây người ta có thể nhìn thấy những đỉnh núi cao phủ đầy tuyết trắng cũng như thung lũng mù sương ở phía dưới. Tôi chọn một phiến đá bằng phẳng để ngồi và bắt đầu theo dõi những tia sáng nhảy múa trên sườn núi trước mặt. Ánh sáng chuyển từ màu tím qua màu đỏ, màu cam, màu vàng và rồi tất cả hòa nhập thành một biển ánh sáng rực rỡ, phá tan màn đêm u tối. Thường thường cũng vào lúc đó, một tiếng chuông nhẹ nhàng vang lên báo hiệu buổi lễ đầu tiên trong ngày bắt đầu. Tiếng chuông mõ, tiếng tù và, tiếng những câu thần chú từ trong chánh điện bắt đầu vang lên…Boong…Boong…Oomm…Oomm Namo Sarwa Tathagatha … Boong … Boong … Oomm … Oomm …Toàn thể cảnh vật dường như biến đổi trong một thế giới kỳ lạ của màu sắc, của những câu thần chú, của tiếng chuông, tiếng trống. Từ khi còn nhỏ tôi vẫn thường bị ám ảnh về thế giới giữa mộng và thực, giờ đây ngồi trên đỉnh núi trước ánh sáng rực rỡ của một ngày vừa bắt đầu, tôi tự hỏi phải chăng bao năm qua chỉ là một giấc mộng dài?

Dĩ vãng thơ ấu tại Regent’s Park hiện ra rõ rệt trong tâm khảm tôi…Những ngày đi học ở Haileybury, ở Cambridge…Những kỳ thi tuyển nhập học, những bộ sách như Upadnishads, Rig Veda…Thời gian sống êm đềm tại Hồng Kông, những ngày sống thoải mái ở Bắc Kinh… chuyến du hành lên Ngũ Đài Sơn, lúc theo làn sóng người chạy loạn từ Bắc Kinh xuống Vân Nam, thời gian sống trong phập phồng lo sợ tại Thượng Hải, Trường Sa và Nam Kinh…từng chi tiết và từng chi tiết hiện ra rõ rệt trong tâm thức tôi. Tôi nghĩ đến những bậc thiện tri thức mà tôi đã gặp như Tạ Hải, Tạ Ngũ Thúc, Kim Cương trưởng lão, Lý tiên sinh, Ngân Hà đạo sĩ, Đại Lương hòa thượng, Hư Vân thiền sư, Ninh Hải trưởng lão và biết bao người có công dìu dắt, hướng dẫn cho tôi. Không hiểu sao tôi có cảm tưởng tất cả chỉ là một giấc mộng dài chập chờn. Khi người ta sống không ý thức thì tất cả chỉ là một giấc mộng, không hơn không kém. Giờ đây ngồi trên đỉnh Tashiding trước am thất của Lạt ma Tangku, giữa muôn ngàn tia sáng phản chiếu chói lọi trước mắt, không ưu tư lo nghĩ, không mong cầu một thứ gì ở tương lai, biết xả bỏ những ràng buộc của quá khứ, tôi mới ý thức rõ rệt rằng chỉ có thực tại mới là đáng kể, một thực tại tuyệt vời mà trong đó tất cả mọi sự đều được giải quyết một cách trọn vẹn.

Một tiếng chuông nhẹ nhàng vang lên báo hiệu buổi lễ vừa kết thúc. Chưa bao giờ tôi thấy mình lại tận hưởng một cảm giác bình an thoải mái như thế này. Tôi đứng dậy vặn mình cho giãn gân cốt, một tiếng lá cây rung nhẹ, hương thơm của hoa từ dưới thung lũng phảng phất. Tôi nhìn vào am thất Lạt ma Tangku, cánh cửa vẫn đóng nhưng không hiểu sao tôi biết nó sẽ mở ra cho tôi trong một ngày không xa lắm.

Tôi trở về nhà trọ mở cuốn sổ tay và bắt đầu ghi chép lại những chuyện đã xảy ra từ những ngày còn thơ ấu cho đến khi đặt chân lên Tashiding. Tôi không biết mình đã viết như thế nào hay trong bao lâu vì thời gian dường như không còn là một yếu tố quan trọng nữa. Từ đó mỗi sáng tôi lên đỉnh núi tĩnh tâm và chiêm ngưỡng buổi bình minh rồi trở về phòng ghi nhận lại những chi tiết vào cuốn nhật ký.

Một hôm khi vừa đặt cuốn nhật ký xuống bàn thì tôi nghe tiếng chân người bước tới dồn dập và thoáng giây sau bà lão Tây Tạng chủ nhà đã chạy xộc vào phòng, nét mặt rạng rỡ, líu lo nói một tràng dài mà dĩ nhiên tôi không hiểu. Tôi chỉ nghe lõm bõm được hai từ “Rinpoche. .. Rinpoche. ..”, bà lão toét miệng cười đưa tay chỉ về phía am thất của Lạt ma Tangku. Tự nhiên tôi biết ngay rằng giây phút mà tôi hằng mong đợi bao lâu nay đã đến. Tội vội vã khoác lên người chiếc áo choàng của một vị lạt ma mà tôi đã mượn từ trước để dùng vào cơ hội này. Tôi vội đến nỗi không kịp rửa mặt, súc miệng hay chải đầu gọn ghẽ mà chỉ biết chạy thẳng lên chánh điện. Hai vị lạt ma trưởng lão đã tề tựu bên cạnh Lạt ma Tangku, tiếng âm nhạc từ từ trỗi lên, tôi cúi rạp người trước pho tượng Phật đảnh lễ, và khi đó tôi mới thấy trên tay mình cầm một chiếc khăn choàng (kharda) để dâng lên Lạt ma Tangku theo đúng nghi thức chào kính của người Tây Tạng. Tôi không hiểu sao trong lúc luống cuống hấp tấp như vậy mà tôi còn nhớ mang theo chiếc khăn choàng này.

Tôi quỳ xuống trước mặt Lạt ma Tangku, thong thả dâng chiếc khăn choàng lên. Ngài đỡ lấy chiếc khăn giơ lên trước trán và lâm râm đọc một bài chú, sau đó ngài nhẹ nhàng choàng lại vào cổ tôi. Tôi cúi đầu đảnh lễ đúng ba lần nhưng lần cuối vừa đứng lên thì tôi cảm thấy ngón tay của Lạt ma Tangku đã đặt nhẹ lên đỉnh đầu tôi. Cũng như trước đây hơn hai chục năm, Kim Cương trưởng lão đã làm như vậy trong buổi lễ Quán Đảnh tại nhà Tạ Hải. Lần đó tôi cảm thấy như có một luồng sét cực mạnh chảy dọc từ đỉnh đầu xuống khắp châu thân, tôi bị chấn động mãnh liệt mất mấy ngày mới hết, nhưng lần này tôi đã sẵn sàng, không còn sợ hãi nữa. Không như lần trước, lần này tôi chỉ cảm thấy một cảm giác nhẹ nhàng, bình an truyền khắp mình và trong giây phút đó, mọi thắc mắc từ trước bỗng dưng được giải đáp. Lạt ma Tangku thong thả nói:

– Ngày kia là một ngày rất tốt, ta đã ra lệnh cho các trưởng lão chuẩn bị nghi thức làm lễ Quán Đảnh cho anh. Chiều hôm đó, anh sẽ được truyền dạy những nghi thức chính, anh phải chuẩn bị cẩn thận và sẵn sàng. Buổi lễ này hết sức quan trọng, nếu không nắm vững các nghi thức và hiểu trọn vẹn từng ý nghĩa của nó, anh sẽ không thể đi trọn con đường này. Anh cần phải biết rằng anh không thể đến mục tiêu nếu không có bản đồ trong tay, nếu anh không hiểu trọn vẹn, thấu đáo từng chi tiết, từng bước, từng giai đoạn của cuộc hành trình. Anh phải biết rằng mặc dù có hàng trăm, hàng ngàn con đường khác nhau, nhưng con đường mà ta chỉ dẫn cho anh đã đầy đủ rồi, anh hãy chuyên tâm đi từ đầu đến cuối. Đừng như con vượn hết chuyền cành này lại sang cành khác, đừng đuổi theo những vọng tưởng của tri thức mà thay đổi những con đường khác nhau rồi quên đi mục đích chính của cuộc hành trình. Con đường nào cũng tốt nhưng phải biết lựa chọn, và quan trọng nhất, hãy thực hành và khởi hành ngay. Bất cứ một cuộc hành trình nào cũng khởi đầu bằng một bước đi và đã đi thì phải đi cho trọn. Ngoài ra anh cần biết thêm rằng ngoài việc khai triển từ bi, trí tuệ, anh còn cần đến một yếu tố nữa, đó là lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm để cương quyết gạt bỏ ra ngoài những hành trang không cần thiết, những lý thuyết từ chương vô ích, những đam mê của tri thức. Lòng dũng cảm để khai mở trí tuệ, phá tan tấm màn vô minh đang che phủ trong tâm anh. Hãy cố gắng tự mình cất bước và đừng bao giờ quên mục tiêu chính là đạt đến cứu cánh giải thoát. Hãy can đảm lên vì anh sẽ không đi con đường này một mình mà còn có chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ phù hộ anh.

Tôi cúi đầu tạ ơn và chợt cảm thấy có một âm thanh gì quen thuộc văng vẳng đâu đây. Tôi chăm chú lắng nghe và xúc động khi nhận ra đó là bài thần chú mà Kim Cương trưởng lão đã truyền cho tôi. Tôi ngước mặt nhìn lên và thấy Lạt ma Tangku đang nhìn tôi mỉm cười, một nụ cuời thân ái đầy an lành. Tôi nhìn lên pho tượng Đức Phật trên chánh điện, ngài cũng đang mỉm cười và tôi biết rằng cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi kể từ đây.

Vài nét về tác giả

 John Blofeld là một học giả người Anh, đã sống nhiều năm tại Trung Hoa, Tây Tạng, Ấn Độ và Thái Lan. Ông là một trong những người tiên phong trong việc giới thiệu truyền thống văn hóa, tôn giáo phương Đông cho người phương Tây. Ngoài việc phiên dịch các tác phẩm lớn của Trung Hoa như Kinh Dịch, Kinh Thi, Sử Ký, Nam Hoa KinhĐạo Đức Kinh ra tiếng Anh, ông còn soạn thảo nhiều bộ sách giá trị về Phật giáo như Bodhisattva of Compassion, The Road of Immortality, The Zen teaching of Huang Po, The Zen teaching of Hui Hai, Tantric Mysticism of Tibet. Ông là chủ bút tờ Trung Đạo (The Middle Way), cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Thế giới. Ông qua đời năm 1987.

Ngọc sáng trong hoa sen (Tựa tiếng Anh: The Weel of Life) là tác phẩm nói về cuộc du hành của ông tại châu Á. Xuất bản năm 1959, quyển sách được sự đón nhận nhiệt thành của độc giả với số bán kỷ lục trên một triệu bản ngay trong năm đầu tiên ra mắt. Cho đến nay, dù thời gian trôi qua, nhiều sự kiện đã thay đổi, nhưng Ngọc sáng trong hoa sen vẫn là một trong những cuốn sách giá trị về phương Đông và thường được dùng làm tài liệu tham khảo trong các trường Đại học.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. VẦNG DƯƠNG TỎA SÁNG
  2. MỘNG VÀ THỰC
  3. NHẸ BƯỚC TIÊU DAO

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG