WILLIAM B. IRVINE
Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này? Có thể câu trả lời của bạn là muốn có một người bạn đời biết quan tâm, một công việc tốt và một ngôi nhà đẹp, nhưng đó thực ra chỉ là những thứ bạn muốn có trong cuộc sống. Khi hỏi bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này, tôi đang hỏi theo nghĩa rộng nhất. Tôi không hỏi về những mục tiêu mà bạn đề ra khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, mà tôi đang hỏi về mục tiêu lớn lao trong cuộc sống của bạn. Nói cách khác, trong số những thứ bạn có thể theo đuổi trong cuộc sống, thứ nào bạn tin là có giá trị nhất?
Nhiều người sẽ khó lòng nêu ra được mục tiêu này. Họ biết mình muốn gì trong từng phút hoặc thậm chí từng thập kỷ trong suốt cuộc đời mình, nhưng họ chưa bao giờ dành thời gian để suy ngẫm về mục tiêu sống lớn lao của bản thân. Chuyện này có lẽ cũng dễ hiểu. Nền văn hóa của chúng ta vốn không khuyến khích mọi người nghĩ về những điều như vậy, mà chỉ tạo ra hết xao lãng này đến xao lãng khác, để chúng ta không bao giờ phải bận tâm đến chúng. Nhưng một mục tiêu lớn lao trong đời là yếu tố cấu thành đầu tiên của một triết lý sống. Nếu bạn không có một mục tiêu lớn lao trong đời, tức là bạn không có một triết lý sống chặt chẽ.
Nhưng tại sao có một triết lý sống lại quan trọng? Vì nếu không có nó, bạn sẽ có nguy cơ sống lầm lạc – bất kể bạn đã làm gì, bất kể mọi niềm vui thú mà bạn đã thụ hưởng lúc sinh thời, chung quy bạn vẫn sẽ sống một cuộc đời tồi tệ. Nói cách khác, có nguy cơ là vào lúc lâm chung, bạn sẽ nhìn lại và nhận ra rằng mình đã uổng phí một cơ hội sống. Thay vì dành cuộc đời mình để theo đuổi điều gì đó thực sự đáng giá, bạn đã phung phí nó khi mặc cho bản thân bị xao lãng trước vô số thứ phù phiếm mà cuộc đời đưa đến.
Giờ giả sử bạn đã xác định được mục tiêu lớn lao trong đời mình. Và bạn cũng biết rõ tại sao mục tiêu này lại đáng để phấn đấu. Dù thế, bạn vẫn có nguy cơ sống lầm lạc. Bạn có thể sẽ không đạt được mục tiêu này, nhất là nếu không có một chiến lược hiệu quả. Do đó, yếu tố cấu thành thứ hai của một triết lý sống là một chiến lược để đạt được mục tiêu lớn lao của bạn. Chiến lược này sẽ chỉ rõ cho bạn những gì phải làm trong cuộc sống hằng ngày, từ đó tối đa hóa khả năng đạt được điều mà bạn xem là đáng giá nhất trong cuộc đời mình.
Nếu muốn thực hiện các biện pháp nhằm tránh lãng phí tiền bạc, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Nhìn vào danh bạ điện thoại, chúng ta sẽ tìm thấy vô số chuyên gia lập kế hoạch tài chính có chứng chỉ. Họ có thể giúp chúng ta làm rõ các mục tiêu tài chính: Chẳng hạn, chúng ta nên tiết kiệm bao nhiêu tiền cho lúc về hưu? Và khi chúng ta có được những mục tiêu rõ ràng này, họ có thể tư vấn giải pháp để đạt được chúng.
Tương tự, giả sử muốn thực hiện các biện pháp nhằm tránh lãng phí không chỉ tài sản mà cả cuộc sống của mình, chúng ta có thể tìm kiếm chỉ dẫn từ một chuyên gia: một triết gia về cuộc sống. Người này sẽ giúp chúng ta xem xét các mục tiêu trong cuộc sống và mục tiêu nào thực sự đáng theo đuổi. Bà ấy sẽ nhắc nhở chúng ta rằng bởi lẽ các mục tiêu có thể xung đột với nhau, chúng ta cần xác định mục tiêu nào nên được ưu tiên trước khi mâu thuẫn xảy ra. Do đó, bà ấy sẽ giúp chúng ta xác định và sắp xếp thứ bậc các mục tiêu. Cái mà tôi gọi là mục tiêu lớn lao trong cuộc sống chính là mục tiêu nằm ở vị trí cao nhất: Nó là mục tiêu mà chúng ta không nên hy sinh để đạt được những mục tiêu khác. Và sau khi giúp chúng ta lựa chọn được mục tiêu này, một triết gia về cuộc sống sẽ giúp chúng ta hoạch định một chiến lược để đạt được nó.
Nơi hiển nhiên để tìm gặp một triết gia về cuộc sống là ở khoa triết của trường đại học địa phương. Khi đến thăm văn phòng của những khoa triết này, chúng ta sẽ tìm thấy các triết gia chuyên về siêu hình học, lô-gic, chính trị, khoa học, tôn giáo và đạo đức. Chúng ta cũng có thể tìm thấy các triết gia chuyên về triết học thể thao, triết học nữ quyền và thậm chí cả triết học về triết học. Nhưng trừ phi đến một trường đại học khác thường, còn không chúng ta sẽ chẳng thể tìm được các triết gia về cuộc sống theo định nghĩa của tôi.
Nhưng câu chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. Đơn cử như nhiều triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại không chỉ cho rằng các triết lý sống là đáng suy ngẫm mà còn cho rằng lý do triết học tồn tại là để phát triển chúng. Các triết gia này cũng thường quan tâm đến những lĩnh vực khác của triết học – chẳng hạn như lô-gic – nhưng chỉ vì họ cho rằng theo đuổi mối quan tâm đó sẽ giúp họ phát triển một triết lý sống.
Hơn nữa, các triết gia cổ đại này không giữ các phát hiện của họ cho riêng mình hoặc chỉ chia sẻ với các triết gia. Họ thành lập các trường phái và thu nhận làm học trò bất kỳ ai mong muốn có được một triết lý sống. Các trường phái khác nhau đưa ra lời khuyên khác nhau về những việc con người phải làm để có một cuộc sống tốt đẹp. Antisthenes, một học trò của Socrates, đã thành lập trường phái triết học Yếm thế, chủ trương lối sống khổ hạnh. Aristippus, một học trò khác của Socrates, thành lập trường phái Cyrenaic, lại chủ trương lối sống tận hưởng lạc thú. Giữa những thái cực này là nhiều trường phái khác, trong đó có trường phái Epicurean, trường phái Hoài nghi, và được chúng ta quan tâm nhất ở đây là trường phái Khắc kỷ, do Zeno xứ Citium sáng lập.
Các triết gia gắn liền với những trường phái này không ngần ngại thể hiện mối quan tâm với các triết lý sống. Ví dụ, theo Epicurus: “Lời nói của một triết gia không chữa lành được nỗi đau nào của con người là lời nói rỗng tuếch. Cũng như thuốc thang là vô dụng nếu không loại trừ được bệnh tật của cơ thể, triết học cũng vô dụng nếu không loại trừ được khổ đau của tâm trí.” Và theo triết gia Khắc kỷ Seneca, người mà tôi sẽ nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách này: “Mỗi ngày, một người học hỏi từ một triết gia cần phải gặt hái cho bản thân một điều tốt đẹp nào đó: mỗi lần quay về nhà, anh ta phải là một người minh triết hơn hoặc đang trên con đường trở nên minh triết hơn.”
Cuốn sách này dành cho những người đang tìm kiếm một triết lý sống. Trong các trang tiếp theo, tôi sẽ tập trung vào một triết lý mà tôi thấy hữu ích và tôi nghĩ rằng nhiều độc giả cũng sẽ thấy như vậy.
Đó là triết lý của trường phái Khắc kỷ cổ đại. Tuy triết lý sống này đã lâu đời nhưng ngày nay nó xứng dáng nhận được sự chú ý của bất kỳ cá nhân nào mong muốn có được một cuộc sống vừa ý nghĩa vừa trọn vẹn – những người mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp.
Nói cách khác, cuốn sách này đưa ra lời khuyên mọi người nên sống như thế nào. Đúng hơn, tôi sẽ là cầu nối mang đến cho bạn lời khuyên của các triết gia Khắc kỷ từ hai ngàn năm trước. Đây là điều mà các triết gia đồng nghiệp của tôi thường miễn cưỡng thực hiện, nhưng nói đi cũng phải nói lại, họ chủ yếu quan tâm đến “tính học thuật” của triết học; tức là họ chuyên nghiên cứu về lý thuyết hoặc lịch sử. Ngược lại, tôi quan tâm đến tính thực tiễn của chủ nghĩa Khắc kỷ: mục tiêu của tôi là áp dụng triết lý này vào cuộc sống của mình và khuyến khích người khác áp dụng nó vào cuộc sống của họ. Tôi cho rằng các triết gia Khắc kỷ cổ đại sẽ khuyến khích cả hai đường hướng này, nhưng họ cũng sẽ khẳng định rằng lý do chính để tìm hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ là nhằm áp dụng nó vào thực tiễn.
Điểm nữa cần hiểu rõ là mặc dù chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý, nhưng nó cũng bao hàm cả yếu tố tâm lý. Các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng một cuộc sống đầy rẫy cảm xúc tiêu cực – bao gồm tức giận, lo lắng, sợ hãi, đau buồn và ghen tị – không phải là một cuộc sống tốt đẹp. Do đó, họ trở thành những nhà quan sát nhạy bén về hoạt động của tâm trí con người và kết quả là trở thành một số nhà tâm lý học uyên bác nhất thời cổ đại. Họ tiếp tục phát triển các kỹ thuật để ngăn không cho các cảm xúc tiêu cực xuất hiện và để dập tắt chúng khi những nỗ lực ngăn chặn thất bại. Ngay cả những độc giả không tin tưởng phương pháp suy diễn của triết học cũng nên quan tâm đến các kỹ thuật này. Suy cho cùng, ai lại không muốn giảm bớt số lượng cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thường nhật cơ chứ?