MỘT LÝ THUYẾT VỀ ĐỘNG LỰC

ROS TAYLOR

Trích: Khi đã có chí, hướng nào đi cũng được; Anh Tạ dịch; NXB Thế Giới, Vibooks.

Có rất nhiều lý thuyết về động lực, một trong những lý thuyết đó cho rằng động lực bên trong (nội tại) và động lực bên ngoài (ngoại cảnh) là những yếu tố ảnh hưởng đến ý chí.

Động lực bên trong

Động lực bên trong từng được nghiên cứu vào đầu những năm 1970 bởi Robert White và sau đó là Susan Harter. Động lực bên trong là ham muốn tìm kiếm những điều mới, những thử thách mới để phân tích năng lực của một người, quan sát và thu thập tri thức. Nó được thúc đẩy bởi sự quan tâm hoặc cảm giác tận hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ và luôn tồn tại trong mỗi cá nhân, chứ không phải vì những áp lực bên ngoài hay mong muốn được nhận phần thưởng. Hiện tượng của động lực bên trong lần đầu tiên được thừa nhận trong những nghiên cứu thực nghiệm trên hành vi động vật. Có một điều rất rõ ràng, loài động vật nào cũng sẽ có những hành vi tò mò dù không được phần thưởng. Những học sinh có động lực bên trong sẽ vui vẻ tự nguyện tham gia các hoạt động giúp chúng cải thiện kỹ năng bản thân, tức là chúng có thể phát triển năng lực của mình, và thực sự quan tâm đến vấn đề đó chứ không phải chỉ để đạt được điểm cao.

Động lực bên trong có thể rất lâu dài và tự duy trì được. Những nỗ lực để xây dựng loại động lực này thường thúc đẩy học sinh học tập. Phần lớn những nỗ lực này tập trung vào chủ thể hơn là những phần thưởng hay những hình phạt.

Động lực bên ngoài

Động lực bên ngoài thường được hiểu là hiệu quả của một hành động để đạt được kết quả mong muốn, nó đối lập với động lực bên trong. Động lực bên ngoài đến từ những ảnh hưởng ngoại cảnh đối với các cá nhân. Thường nó sẽ là động lực để một người cố gắng đạt được kết quả khi không thể trông cậy vào động lực bên trong. Những động lực bên ngoài phổ biến là phần thưởng (ví dụ như tiền hoặc điểm tốt) thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành vi mong muốn, và hình phạt để đe dọa, không cho chúng ta thực hiện những hành vi sai lầm. Các cuộc cạnh tranh là động lực bên ngoài bởi nó khuyến khích bạn đánh bại những đội khác và giành chiến thắng chứ không đơn thuần chỉ vì phần thưởng. Sự cổ vũ của đám đông và mong muốn giành được chiếc cúp chiến thắng cũng là động lực bên ngoài.

Teresa Amabile tiết lộ trong cuốn sách The Progress Principle (Nguyên tắc tiến bộ) đã xem nhật ký hằng ngày của hơn hai trăm nhân viên ở bảy công ty và nhận ra một số điểm. Với những nhân viên có động lực bên trong – tình yêu công việc, nếu bạn đưa ra phần thưởng để tạo động lực bên ngoài cho họ, điều này sẽ phản tác dụng. Những người này cảm thấy bị xúc phạm khi được tặng một khoản tiền thưởng. Quan trọng là cách những người đứng đầu đưa ra phản hồi khi họ hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những đứa trẻ khi đi học nếu nhận được phần thưởng là một cuốn sách thường sẽ đọc sách nhiều hơn trong tương lai. Những nghiên cứu này cho thấy, phần thưởng không làm suy yếu đi động lực bên trong, dĩ nhiên những đứa trẻ này thật sự thích đọc sách.

Sẽ rất thuận lợi nếu bạn có động lực bên trong để hoàn thành các thử thách ý chí, nhưng bạn thường không thể làm được điều đó. Khi thử thách của bạn là chống lại cám dỗ hút thuốc, đánh bạc, uống rượu bia, ăn đồ ăn không có lợi cho sức khỏe hay cố gắng không ngồi trước màn hình ti vi quá nhiều để chạy thể dục dưới thời tiết khắc nghiệt, bạn sẽ không được trải nghiệm niềm vui của cuộc hành trình phát huy động lực nội tại… hoặc ít nhất là chưa.

Sức mạnh ý chí là sức chịu đựng bền bỉ giúp chúng ta vượt qua cám dỗ để quay trở lại hiện trạng ban đầu. Tôi đã từng viết cần ba tuần để thiết lập một hành vi mới, và trung bình chín tuần lặp đi lặp lại để biến hành vi đó thành một thói quen. Trong các giai đoạn của ý chí, động lực bên ngoài cũng rất hữu ích. Với tôi, đó là một chuyến du lịch tới vùng đất ấm áp Lanzarote để viết cuốn sách này. Tôi sẽ không bị phân tâm để tập trung làm việc và tận hưởng không khí ấm áp.

Những động lực bên ngoài

  • Giám sát quá trình tiến bộ của bạn: thành công chính là phần thưởng cho mỗi chúng ta.
  • Nghe nhạc trong khi giải quyết một dự án.
  • Xem ti vi trong khi là ủi, may vá, sửa chữa vật dụng.
  • Nhận phản hồi từ những người bạn về tiến bộ của bạn.
  • Du lịch tới vùng có khí hậu ấm áp hơn để viết một cuốn sách!

Tăng lượng dopamine ở bất cứ nơi nào bạn có thể, nhưng không chỉ thưởng cho bản thân những thứ yêu thích. Trong ba tuần chịu đựng bền bỉ với tác động bên ngoài là phần thưởng bạn sẽ dần cảm thấy hành vi mới của mình đang tốt hơn lên. Bạn cứ lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần và tạo thành thói quen, lâu dần sẽ biến nó thành động lực nội tại. Bạn sẽ thấy thích thú với hành vi mới của mình bởi đó là kết thúc cho thói quen cũ. Bạn có thể tìm hiểu vấn đề này kỹ hơn ở chương ba.

Trong cuốn sách của mình, Allen Carr có nói, sau khi không hút thuốc trong ba tuần, bạn sẽ có cảm giác tự do đầy vinh quang bởi đã thoát khỏi sự kìm kẹp của nicotine.

Grace từng nói về lý thuyết 12 tuần của AA, đó là “Hãy luôn chú tâm, tập trung vào một việc, đừng phân tâm”. Hiện giờ cô ấy đã có thể thoải mái từ chối uống rượu, vui vẻ đến quán bar cùng bạn bè và thích thú nhìn họ chìm vào vô thức vì say trong khi mình vẫn tỉnh táo.

Khi tôi còn là sinh viên Đại học Glasgow, ở phòng sinh hoạt chung thường có khu vực cung cấp cà phê, nước nóng sữa nhưng không bao giờ có đường. Tôi đành cho những gói đường vuông nhỏ hoặc những viên tạo ngọt vào túi xách mang theo, nhưng lúc nào chúng cũng trở thành một mớ hỗn độn. Không người phụ nữ có lòng tự trọng nào lại thích túi của mình bị nhớp dính, vì thế tôi quyết định không cho đường vào cà phê nữa.

Mất khoảng ba tuần để tôi từ chối mọi lời mời cho đường vào cà phê ở phòng sinh hoạt (điều này không quá khó bởi chẳng ai mời tôi cả), tôi cũng bắt đầu cai nghiện đường ở nhà và hàng cà phê. Ba tuần đầu tiên, niềm vui tận hưởng cà phê của tôi giảm hẳn, nhưng ba tuần tiếp theo, việc đó trở nên dễ dàng hơn. Sang tuần thứ chín, khi một người bạn cho thêm đường vào cốc cà phê của tôi, tôi đã bỏ cốc cà phê ấy. Tôi đã không còn sử dụng đường nữa. Để chắc chắn đó không phải do tình cờ may mắn, tôi đã đề nghị mẹ mình thử làm theo tiến trình ba tuần. Mẹ tôi cũng không cho đường vào cà phê trong suốt ba tuần, sau đó là chín tuần tiếp theo và cuối cùng mẹ tôi không còn sử dụng đường nữa.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG NGHỆ SĨ ƯU TÚ VÀ 10000 GIỜ LUYỆN TẬP
  2. HÃY BẮT ĐẦU NGHĨ LỚN
  3. THAY THẾ THÓI QUEN CŨ, HÌNH THÀNH THÓI QUEN MỚI

Bài viết mới

  1. HIỂU BIẾT VÀ TRÍ TUỆ
  2. Ý THỨC VÀ TIỀM THỨC
  3. MA TRẬN THẦN THÁNH