THAY THẾ THÓI QUEN CŨ, HÌNH THÀNH THÓI QUEN MỚI

ROS TAYLOR

Trích: Khi Đã Có Chí, Hướng Đi Nào Cũng Được; Anh Tạ dịch: NXB Thế Giới, ibooks.

Ý chí đóng vai trò quan trọng cho lần đầu tiên “thực hiện” mục tiêu hoặc hành vi mới của bạn. Khi hành vi mới được hình thành, hãy biến nó thành thói quen, trở thành một phần của bạn. Chris là một trong những người đàn ông trẻ tuổi chúng tôi phỏng vấn ở Đại học Canal. Khi được hỏi về ý chí của mình, anh ấy nói: “Tôi là một người rất ý chí. Tôi đã cai thuốc lá đến 4 lần.”

Mục đích của chương này là chấm dứt sự cố gắng và thất bại liên tục trong việc hình thành một hành vi mới. Chúng tôi đã tìm ra mối liên kết giữa ý chí và thói quen. Bạn phải hiểu được bản chất của việc hình thành thói quen, bởi nó đóng vai trò quan trọng đối với thành công của bạn.

Sau đây, chúng ta sẽ điểm qua các tư duy triết học và tâm lý trong quá khứ lẫn hiện tại về chủ đề tư duy hợp lý và thói quen.

Triết học Hy Lạp: nổi bật là niềm tin của Plato cho rằng suy nghĩ và ý tưởng đã tạo ra thực tế con người. Freud củng cố lý thuyết này bằng cách đưa ra minh chứng “cái tôi” hợp lý của ông đã vượt qua bản năng ngỗ nghịch để có được một tinh thần tốt. Tuy nhiên, năm 1981, nhà tâm lý học William James đã khẳng định, trong mỗi chúng ta đều có một phần bản năng, bốc đồng và những cảm xúc, nhưng chúng không được xếp hạng cao như quan điểm của Plato và Freud. William là nhà lý thuyết đầu tiên tin rằng bản năng của chúng ta có mối liên kết tự động với suy nghĩ.


Aaron Beck đã lần lượt đưa ra các quan điểm hướng tới hình thành Tâm lý học Nhận thức hành vi. Đó chính là tư duy và phản ứng nhanh để cứu lấy tính mạng trong những trường hợp chúng ta bị đe dọa. Chúng cũng giúp củng cố hình thành thói quen.

Các cuộc thực nghiệm đã chứng minh, những thói quen đang làm chủ phần lớn cuộc đời chúng ta. Tỉ lệ này dao động trong khoảng 50%. Nghiên cứu MIT năm 1990 về mê cung học tập trên chuột đã khám phá ra rằng, mỗi con chuột sau khi tìm được đường đi trong mê cung, hoạt động ở vỏ não lại giảm. Chuyện gì đã xảy ra? Thói quen học tập mê cung của những con chuột trở nên tự động, có nhu cầu xử lý thông tin ít hơn, tương tự đối với con người chúng ta. Não chúng ta luôn muốn tiết kiệm sức lực đối với những hành vi cơ bản để tập trung vào các vấn đề cao cấp và phức tạp hơn, ví dụ như đưa ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề. Obama có một tủ quần áo toàn những bộ vét xám, vì vậy ông ấy không phải đưa ra quá nhiều quyết định vào mỗi sáng. Mark Zuckerberg cũng có cả núi những áo phông màu xám vì lý do tương tự. (Có vấn đề gì với màu xám mà tôi đã bỏ qua chăng?)

Nhược điểm của quá trình hình thành thói quen này là não chúng ta không phân biệt được đâu là thói quen tốt và xấu. Vì thế, nếu bạn sử dụng ý chí để hình thành thói quen, những hành vi tốt sẽ được lặp lại hàng ngày tự động mà không cần bất kỳ suy nghĩ có ý thức nào. Những thói quen này có thể trở thành vấn đề đáng lưu ý theo thời gian. Những thực nghiệm tâm lý đã sớm được tiến hành trên bồ câu. Chúng được khen thưởng bằng thức ăn mỗi khi nhấn vào một cái cần. Sau đó, những nhà thực nghiệm dừng cung cấp thức ăn để quan sát phản ứng của chúng. Những con chim bồ câu tội nghiệp vẫn tiếp tục nhấn vào cái cần dù không còn được cho thức ăn nữa trong suốt một quãng thời gian dài.

Thói quen được lưu trữ ở não giữa, đặc biệt ở các hạch cơ sở. Khi hoạt động ở hạch cơ sở tăng lên, hoạt động ở vỏ não trán trước sẽ giảm. Thói quen vô cùng quan trọng, chúng sẽ giúp chúng ta bỏ qua những chi tiết không cần thiết mỗi khi suy nghĩ. Đây là một điểm cộng trong quá trình tiến hóa. Chúng ta vẫn giữ não dưới trong khi vỏ não dành cho chức năng phức tạp hơn vẫn tiếp tục phát triển.

Thói quen được hình thành từ rất sớm. Ba năm đầu đời là khoảng thời gian vô cùng quan trọng, chúng ta sẽ học từ cha mẹ và những người xung quanh, nhưng không còn nhớ về những ký ức của quá trình này. Tin tôi đi, những thói quen bạn có được là từ thời điểm đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÓI QUEN

Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BẮT ĐẦU NGHĨ LỚN

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG