MICHEAL NICHOLSON
Ngày 12/3/1930, Mahatma Gandhi và một nhóm những người ủng hộ đã bắt đầu cuộc Hành trình Muối (Salt March) kéo dài gần 400km qua phía tây Ấn Độ. Gandhi đã nảy ra ý tưởng về cuộc đi bộ này như một hành động trong cuộc biểu tình bất bạo động chống lại sự độc quyền muối của chính quyền thực dân Anh.
Mahatma Gandhi, tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ vào năm 1869. Năm 19 tuổi, Gandhi tới London (Anh) để theo học ngành luật. Ba năm sau, ông trở về Ấn Độ và trở thành luật sư.
Tuy nhiên do biến cố gia đình và công việc không mấy suôn sẻ nên ông chấp nhận sang Natal, Nam Phi làm việc. Những năm lưu trú tại Nam Phi với tư cách một người chủ trương hành động chuyên về xã hội chính trị chính là thời kì những khái niệm và kĩ thuật của phương pháp bất hợp tác và phản đối bất bạo động được phát triển. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Gandhi quyết định trở về Ấn Độ, mang theo tất cả những gì ông đã học được từ những kinh nghiệm tại Nam Phi.
— ??? —
Cao điểm của cuộc Tuần Hành Muối được quảng bá nhiều của Gandhi là lúc ông lặng lẽ cúi xuống bốc lên một nắm muối, cái cử chỉ đơn giản đó là kết quả cuối cùng của cuộc tuần hành đã được hoạch định cẩn thận và có kỷ luật trong thời gian 24 ngày, trên một đoạn đường 200 dặm. Bây giờ ở cái tuổi trên 60 với dáng vẻ mảnh khảnh, Gandhi đã dẫn đầu một toán nhỏ gồm 78 tín đồ, đi từ ashram (nông trại) ở Sabarmati của ông đến bờ biển. Lúc họ tới, vài nghìn dân làng đã tham gia với họ. Người Anh xem đó như là một trò đùa và bỏ qua tất cả các ý kiến. Tại sao có một bi kịch gì đó trong việc bốc lên một nắm muối? Một lần nữa họ đã đánh giá thấp Gandhi. Họ không có sự hiểu biết về những cảm xúc đang chạy qua khắp Ấn Độ và chắc chắn là họ không biết Mahatma Gandhi ghê gớm và thông minh đến như thế nào khi giờ đây ông là một người chống đối triệt để.
Cái ý tưởng tiềm tàng của cuộc tuần hành là gây ra phong trào chống thuế, chống pháp luật rộng rãi để gây bối rối cho chính phủ. Thuế muối mà Gandhi có ý triệt bỏ là một sự tượng trưng quyền đánh thuế của chính phủ và do đó quyền cai trị – đó là một vấn đề thuộc cảm tính. Sắc thuế đó gây ra sự nhọc nhằn nhất cho người nghèo bởi vì không có người nào, đặc biệt là ở một nước có khí hậu nóng, có thể sống mà không có muối. Người nông dân nghèo nhất được xét thấy phải trả thuế như người thương gia giàu có. Nhiều người cũng nghĩ rằng đánh thuế một sản phẩm mà thiên nhiên cung cấp miễn phí là đặc biệt đáng kinh tởm. Sự xem thường luật pháp về Thuế Muối của Gandhi thu hút trí tưởng tượng của dân chúng. Phong trào chống thuế, chống luật pháp bùng nổ ở hầu hết các bang. Khắp Ấn Độ, dân nghèo bắt đầu lấy muối từ biển. Ít nhất 60.000 dân bị bắt, bao gồm hầu hết những lãnh tụ của Quốc Đại.
Vào buổi tối ngày 5 tháng 5, chính Gandhi cũng bị bắt. Lúc đó ông đang ngủ dưới một cây xoài gần bờ biển. Cảnh sát đến giương súng lên. Gandhi hoàn toàn bình tĩnh, ông chà răng bằng một cành con theo cách thức của người Ấn Độ và để cho người ta bắt ông đi. Không có xét xử và không có bản án. Ông chỉ bị giam giữ.
Gandhi đã dựa vào việc bị bắt bớ đó; nó hoàn toàn là một phần của chiến lược.
? SATYAGRAHA (LỰC LƯỢNG TÌNH THƯƠNG) TRONG HÀNH ĐỘNG
Các cuộc phản kháng tiếp diễn sau khi Gandhi bị giam cầm. Bà Sarojini Naidu, thi sĩ, lãnh đạo 2.500 thành viên Quốc Đại tình nguyện đến ruộng muối Dharasana. Nơi đây được lực lượng cảnh sát trang bị gậy bọc sắt bảo vệ. Sau khi cầu kinh, nhóm người chống đối di chuyển về phía trước. Dòng người đầu tiên được Manial, một trong bốn người con trai của Gandhi, dẫn đầu. Họ bị binh lính tấn công và đánh vào đầu một cách dã man. Tuân thủ quy tắc bất bạo động, họ không tự mình chống trả. Họ ngã xuống ngay tại chỗ họ đứng trong khi gậy bọc sắt uỳnh uỵch mưa tới tấp trên đầu họ. Những người bị chấn thương vỡ đầu được các phụ nữ trong đoàn biểu tình khiêng đi. Dòng người thứ hai tuyệt đối yên lặng tiến đến hàng rào cản. Viên sĩ quan người Anh thét lên ra lệnh và cảnh sát đánh ngã những người biểu tình. Họ lại được khiêng đi.
Một dòng người mới hình thành.
“Họ đi một cách hiên ngang, đầu ngẩng cao, không có sự khích động của âm nhạc, hay sự cổ vũ hay ý nghĩ có thể tránh khỏi bị thương nặng hoặc chết. Cảnh sát ùa tới và hạ gục dòng người một cách có phương pháp và máy móc. Không có sự đánh nhau, không có xô xát; những người tuần hành chỉ tiến về phía trước cho đến khi họ gục ngã”.
Việc đó được lập lại giờ này qua giờ khác. 2 người chết và 320 người bị thương.
Cái cảnh khủng khiếp đó được chứng kiến bởi Webb Miller, một nhà báo Mỹ, mà bài tường thuật đáng sợ được đăng tải trên hàng nghìn tờ báo. Bài báo khuấy động nhiều lương tâm của nước Anh và thế giới về những gì xảy ra ở Ấn Độ. Tuy nhiên, một lần nữa satyagraha đã thành công. Người Anh càng bất công và tàn ác, họ càng khiến cho Gandhi dễ đi tới thành công.
Trong vòng một năm, Gandhi, “thầy tu kafir khổ hạnh nổi loạn, cởi trần, bước những bước dài lên bậc thang của dinh Phó Vương. Ở đó, ông thương lượng bằng tiếng nước ngoài một cách ngang ngửa với đại diện của Vua”, đó là lời bình giận dữ của Churchill.
Phó Vương, Lord Irwin, và Gandhi tin lẫn nhau. Những cuộc nói chuyện giữa họ đi đến kết quả được biết như là công ước Irwin – Gandhi. Đó là một thỏa hiệp, trong số nhiều sự kiện có sự kiện cho phép tự do làm muối. Phong trào chống thuế, chống pháp luật được bãi bỏ, tù nhân phải được thả ra và Quốc dân Đại hội phải được đại diện ở Hội nghị Đế chế lần thứ hai tại London vào tháng 10 năm 1930.
? NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA GANDHI CHO ẤN ĐỘ VÀ THẾ GIỚI
Thủ tướng Nehru, nói trên đài phát thanh, loan báo tin tức về cái chết của Gandhi cho nhân dân Ấn Độ ít lâu sau vụ ám sát. “Ánh sáng đã tắt khỏi cuộc đời chúng ta và ở mọi nơi là bóng tối và tôi không biết nói gì với các bạn cũng không biết cách nào để nói. Nhà lãnh đạo kính yêu của chúng ta, Bapu như chúng ta gọi ông, người Cha của Dân tộc, bây giờ không còn nữa”.
Nehru bảo, “Ánh sáng đã tắt, tôi nói, tuy nhiên tôi đã sai. Bởi vì cái ánh sáng chiếu lên đất nước này không phải là ánh sáng bình thường. Ánh sáng đã ngời rọi trên đất nước này trong nhiều năm qua sẽ làm rực sáng đất nước chúng ta trong nhiều năm nữa, và một nghìn năm sau, ánh sáng đó sẽ được thấy ở quốc gia này, và thế giới sẽ thấy nó và nó sẽ an ủi vô số những tâm hồn. Vì cái ánh sáng đó đại diện cho sự thực sống động, và con người vĩnh cửu cùng chúng ta hiện diện với sự thực muôn đời của ông nhắc nhở chúng ta con đường đúng, kéo chúng ta ra khỏi lỗi lẫm, đem quốc gia xưa cũ này đến bến bờ tự do”.
Chắc chắn đó là điểm chính yếu về Gandhi. Tính cách của ông là ánh sáng của lẽ phải. Ông là người hướng dẫn sự lành mạnh trong một thế giới điên cuồng. Hành động của ông là tiếng nói của tình thương, lòng khoan dung và hòa bình trong thế kỷ của bạo lực tuyệt đối.
Con người có vóc dáng nhỏ, mặc khố, để lại sau ông những vật sở hữu quá mức giản dị: cặp mắt kính có dây đeo của ông, chiếc đồng hồ mạ kền của ông, cây gậy của ông, hai con khỉ Trung Hoa đáng giá hai xu của ông.
Nếu thực sự con người phải sống trong cái ác nhưng theo họ vẫn có thể làm ra cái thiện theo cách của họ, thì họ vẫn cứ làm. Vấn đề là chúng ta không thể đo lường được nó.
Sự thành công lớn lao của Gandhi trong nhiều phương diện là chuẩn bị cho nhân dân của ông đi đến độc lập. Suốt cuộc đời ông, ông đã giảng dạy sự thành thực và sự trong sáng. Ông dạy cho người Hin-đu lòng tự hào đúng đắn về chính nền văn hóa và truyền thống của họ. Ông dạy sự tự trọng ở chỗ mà dưới ách của Đế Quốc chỉ có sự phục tùng. Bằng tấm gương của lòng can đảm và tính can trường của riêng ông, Gandhi dạy nhân dân của ông tự mình đứng ngẩng cao đầu.
Gandhi gắn liền vận mệnh của mình với người nghèo và họ gắn bó với ông. Ông được yêu mến bởi những công nhân nhà máy, những nông dân nghèo và những người thuộc tầng lớp tiện dân mà vì họ ông đã đấu tranh một cách có ý thức. Ông được cảm tình của nhiều người Hồi giáo nhờ những cố gắng của ông nhân danh họ. Ông là hiện thân của tinh thần đích thực của Ấn Độ.
—————
? Lord Louis Mountbatten và Edwina Mountbatten đã mời Gandhi đến uống trà trên sân cỏ của dinh Phó Vương. Sau ba thế kỷ Ấn Độ nằm dưới quyền cai trị của người Anh, Lord Louis đã đến Ấn Độ để chủ trì một cuộc chuyển giao nhanh chóng độc lập – cho một phần năm dân số của thế giới. Gandhi không đảm nhận một chức vụ chính thức nào, nhưng ông là người kiến tạo sự sụp đổ của Đế quốc, và Mountbatten nhìn nhận rằng chỉ có Gandhi là nắm chìa khóa của một cuộc chuyển giao quyền hành êm thắm. Ông đi đến việc xem Gandhi như là người vĩ đại nhất mà ông đã từng gặp. “Cuộc đời của ông là cuộc đời của sự thực khoan dung và yêu thương…Dĩ nhiên là thế giới sẽ khó mà thấy nữa những người giống như ông, có thể là trong nhiều thế kỉ tới”.
? “Chỉ khi nhìn trực diện cái tinh thần phổ biến và tỏa sáng của sự thật, người ta mới có thể yêu thương những kẻ thấp hèn nhất như yêu thương chính mình”. – Gandhi, trong bản tự truyện
? Giữa hai cuộc thế chiến, trong thời cực thịnh của chủ nghĩa Thực dân, sức mạnh ngự trị tối cao. Nó đặt ra một vấn đề về quyền lực mà kẻ yếu phải ép mình trước kẻ mạnh.
“Thế rồi Gandhi đến, ông xua đuổi khỏi nước ông, gần như chỉ với đôi tay, cái lực lượng quân sự lớn nhất trên quả địa cầu. Ông giảng dạy cho thế giới rằng có những cái cao hơn cả sức mạnh, cao hơn cả chính cuộc đời; ông chứng minh rằng sức mạnh đã tự nó đánh mất cái quyền lực thuyết phục của nó”. –Albert Szent-Gyorgyi Giải Nobel Hòa Bình
? “Chúng ta không thể chối bỏ Gandhi. Nhân loại muốn tiến bộ, cũng không thể chối bỏ Gandhi. Ông sống, suy nghĩ, hành động, và được gợi hứng bởi giấc mơ nhân loại sẽ tiến tới một thế giới hòa bình và thuận thảo. Bản thân chúng ta ắt phải gánh lấy mọi sự rủi ro nếu chúng ta không biết đến ông”. – Tiến sĩ Martin Luther King, Jr.
— ??? —
Nguồn: “Mahatma Gandhi” – Micheal Nicholson
NXB Văn Nghệ TP HCM