MỘT TÁI SINH TỐT LÀNH

HH. DALAI LAMA XIV

Trích “Ánh Sáng Chân Tâm”; Viet Nalanda Foundation 2012

Cho dù bạn đã gom góp được bao của cải,
Nhưng khi bỏ đời này để bước qua cuộc đời kế tiếp,
Bạn sẽ đơn độc một mình, không vợ chồng con cái,
Không áo quần và không bè bạn,
Như một người bị kẻ thù vây bắt giữa sa mạc.
Ngay cả tên gọi của mình cũng còn không có,
Thì cần quan tâm gì đến chuyện khác nữa?
— ĐỨC PHẬT

Đoản kệ thứ Mười Bảy:

Nguyện chúng con sẽ được tái sinh
nương vào sự hỗ trợ tối thượng
trong [thân tướng] của một hành giả Mật thừa
du hành trong không gian,
Hoặc trong thân tướng của một tăng sĩ, hoặc cư sĩ
với ba pháp tu [giới, định, tuệ],
Và nguyện chúng con hoàn tất chứng ngộ đường tu
của hai giai đoạn sinh khởi và viên thành,
Qua đó, nhanh chóng đạt được ba Thân Phật – Chân thân, Thọ Dụng Thân và Ứng Hóa thân.

Nối kết được với cuộc đời kế tiếp trong khi đang ở trong giai đoạn thân trung ấm là một quá trình của sự hấp dẫn và sự ghê tởm. Loài sinh vật được đẻ ra từ trứng ở bên ngoài thân thể của chúng, và loài người được sinh ra từ tử cung, cả hai đều sẽ thấy các cảnh tượng, một là cha mẹ đang thực sự trong trạng thái giao hợp tình dục, hoặc hai là nhìn thấy hình ảnh của sự kiện này, rồi phát khởi sự thèm muốn đến người cha hay người mẹ khác phái [ví dụ, đứa bé trai sẽ thèm muốn người mẹ], hoặc sẽ cảm thấy ghê tởm đối với người cha hay người mẹ đồng phái [ví dụ, đứa bé trai sẽ ghê tởm người cha]. Khi chúng sinh trong thân trung ấm khởi sự muốn ôm ấp người mà chúng thèm muốn [cha hay mẹ] thì bỗng chốc, tất cả cái gì mà chúng thấy sẽ chỉ là bộ phận sinh dục của người đó, và rồi chúng sinh ấy sẽ nổi cơn giận dữ. Qua sự kiện này, sự hấp dẫn và sự ghê tởm sẽ đem đến cái chết cuối cùng của chúng sinh trong thân trung ấm.

Chúng ta phải nói rằng đây là phương cách mà đôi lúc trạng thái trung ấm sẽ kết thúc. Bởi vì [trong thời đại này], sự thụ thai nhân tạo đã đi ngược lại với một số những gì mà trong kinh văn đã mô tả là những điều cần thiết [để thọ sinh]. Đặc biệt trong kinh văn nói rằng, cha mẹ phải nằm chung với nhau trong một sự kích thích tình dục rất mãnh liệt. Nhưng ngày nay, tinh trùng của người cha được giữ ở tại phòng thí nghiệm và được đưa vào trong tử cung của người mẹ mà không cần phải có sự kích thích tình dục. Phương pháp này đi ngược lại với kinh điển và đây là một sự thật mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Là những người đệ tử noi theo truyền thống của Đại học viện Nalanda tại xứ Ấn Độ cổ, chúng ta buộc phải chấp nhận lý luận và sự nghiên cứu, khảo sát đúng đắn. Nếu nhìn theo cái nhìn như thế [thụ thai nhân tạo] thì lối giải thích thông thường mà trước nay chúng ta vẫn tìm thấy [trong kinh điển Phật giáo] sẽ trở thành phiến diện.

Ngay cả trong kinh điển Phật giáo cũng có nhắc đến câu chuyện của một cặp vợ chồng nọ. Họ đã trở thành những người sống đời độc thân – một người là tu sĩ và một người là sư cô. Một ngày kia, người đàn ông, dưới sự sai sử của những hồi ức trong quá khứ, đã đuổi theo người vợ cũ. Khi ông chạm vào thân của bà thì tinh dịch của ông bị xuất ra, lấm vào y áo của bà. Sau đó, người đàn bà cũng bị sai sử bởi những hồi ức trong quá khứ, đã đặt một chút tinh dịch của ông vào trong âm hộ của bà. Một thời gian sau, một đứa bé đã chào đời. Cho nên, ngay cả trong kinh điển Phật giáo trong giai đoạn đầu tiên cũng đã đi ngược lại với lý thuyết cho rằng sự thụ thai chỉ có thể xảy ra trong khi cha mẹ đang ở trong trạng thái giao hợp tình dục.

Cũng tương tự như thế, trước đây cũng có câu chuyện kể về chính dòng truyền thừa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khởi thủy đến từ một người tên là Người Bạn Mặt Trời. Tinh dịch của ông bố của người này đã rơi vãi trên một cánh lá, và đã được sưởi ấm bởi hơi ấm của mặt trời, và sau đó đã tạo thành ra hai đứa bé.

Hai câu chuyện trên đây, khi xưa nghe có vẻ như là chuyện thần thoại, nhưng ngày nay, là chuyện hiện thực mà khoa học có thể làm được. Cho dù thông thường thì sự thụ thai cần có một số điều kiện nào đó để có thể xảy ra, nhưng không nhất thiết luôn luôn phải là như vậy. Cũng giống như thế, sự kết thúc của trạng thái trong thân trung ấm không nhất thiết đòi hòi sự khát ái đối với người cha hay người mẹ khác phái, hoặc đòi hỏi sự bức xúc khi cuối cùng chỉ nhìn thấy bộ phận sinh dục.

Trong thời điểm cái chết [cuối cùng] xảy ra trong trạng thái thân trung ấm, các chúng sinh này sẽ phải trải qua tám giai đoạn trong một tiến trình theo thứ tự từ trước đến sau:

1. ảo ảnh
2. khói mờ
3. đom đóm
4. đóm lửa của một ngọn đèn
5. bầu trời tâm thức màu trắng sáng chói
6. bầu trời tâm thức màu đỏ-cam sáng chói
7. bầu trời tâm thức màu đen nghịt
8. ánh sáng trong suốt

Vào thời điểm được thụ thai, chúng sinh ấy sẽ trải qua bảy giai đoạn còn lại theo một tiến trình đảo ngược:

7. bầu trời tâm thức màu đen nghịt
6. bầu trời tâm thức màu đỏ-cam sáng chói
5. bầu trời tâm thức màu trắng sáng chói
4. đóm lửa của một ngọn đèn
3. đom đóm
2. khói mờ
1. ảo ảnh

Có nhiều lối giải thích khác nhau bằng cách nào chúng sinh có thể nhập thai (nhập vào tử cung của người mẹ). Có một số kinh văn nói rằng chúng sinh ấy nhập vào qua cửa miệng hoặc qua đỉnh đầu của người cha, chuyển xuống thân thể phía dưới, xuống đến dương vật của người cha, rồi từ đó nhập vào tử cung của người mẹ. Có những tài liệu kinh văn khác lại nói rằng chúng sinh sẽ nhập trực tiếp vào ngay tử cung xuyên qua âm hộ của người mẹ. Một người tràn đầy thiện đức sẽ có cảm giác như mình đang bước vào một căn nhà tươi vui và nghe thấy những âm thanh cũng rất tươi vui. Trong khi một người bị tràn lấp bởi ác hạnh sẽ có cảm giác mình đang rơi vào một vũng lầy hoặc bước vào một cánh rừng âm u, giữa tiếng hét la ầm ĩ.

Chính luồng khí rất vi tế và tâm thức của chúng sinh ấy đã nhập vào thể tạng vật chất (trứng và tinh trùng) do cha mẹ góp phần. Thai nhi vào thời điểm này có kích thước chỉ khoảng bằng một hạt mù tạt lớn, và đường kinh mạch trung ương bắt đầu thành hình; hai đường khí mạch trái và phải quấn vòng chung quanh đường kinh mạch trung ương ba lần. Sau đó, luồng khí đẩy ngược lên (sinh khí) và luồng khí đẩy ngược xuống (khí thải) bắt đầu vận chuyển theo đúng hướng lên hoặc xuống của chúng trong hai đường khí mạch trái và phải, và qua đó, ba đường khí mạch bắt đầu nẩy nở. Thân thể của thai nhi bắt đầu phát triển và cuối cùng sẽ thoát ra khỏi tử cung [chào đời].

Nếu tiếp tục duy trì phần tu tập tâm linh như đã được cắt nghĩa trong các đoản kệ trước đây trong thi kệ do đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ Nhất biên soạn, thì sau đó, bạn sẽ có thể tái sinh trong một thân tướng đặc biệt để hỗ trợ cho sự sống của bạn. Qua đó, bạn sẽ có khả năng hoàn tất được những con đường tu tập còn lại của Mật thừa, dẫn đến đại giác ngộ viên mãn. Bạn cũng có thể tái sinh trong những cảnh giới lạ thường, là trú xứ của những chúng sinh có tên gọi “các vị du hành trên không trung,” là những hành giả tu tập Mật thừa. Hoặc cũng có thể bạn sẽ tái sinh trong những cảnh giới bình thường hơn, nơi có giáo pháp, có các bậc đạo sư và có được sự tự do để có thể tu tập. Trong những trường hợp tái sinh tốt lành như thế, bạn sẽ phải thọ các giới nguyện để giữ giới hạnh và đạt được tam học – tức là ba phương thức tu hành gồm có giới, định và tuệ (giới hạnh, thiền định và trí tuệ). Đây chính là gốc rễ của sự thăng tiến tâm linh của bạn. Với tam học – giới, định và tuệ như là cơ sở nền tảng, bạn sẽ nỗ lực thành tựu các chứng ngộ của hai giai đoạn tu tập của Tối Thượng Du Già Mật Điển gồm có:

  • bổn tôn du già kết hợp với thiền định về tánh không và tám dấu hiệu của cái chết.
  • bổn tôn du già cùng với thiền định về tánh không, đưa các luồng khí vào đường kinh mạch trung ương, và thực chứng được các mức độ vi diệu thâm sâu hơn của thức.

Qua các giai đoạn tu tập này, bạn sẽ hoàn tất viên mãn những bước còn lại để đạt đến Phật quả, là một trạng thái hiến mình trọn vẹn, phụng sự các chúng sinh khác. Tâm nguyện cuối cùng trong thi kệ của đức Ban Thiền Lạt Ma là hướng đến chính một tương lai như thế đó. Hãy nhớ rằng, mục đích tối hậu của việc tu hành trong đạo Phật là để phụng dưỡng các chúng sinh khác, và để có thể làm được việc này một các hữu hiệu nhất thì điều vô cùng cần thiết là phải đạt được thân và ý thuần tịnh. Mục đích là làm thế nào để có thể giúp được vô lượng vô số chúng sinh xuyên qua vô lượng vô số phương tiện thiện xảo khác nhau.

Khi bạn tu tập, đừng để cho con đường tu đơn thuần trở thành là một cái gì bên ngoài bản thân bạn, mà hãy làm thế nào để cho tâm của bạn trở thành chính con đường tâm linh. Nếu không, cho dù bạn có cố gắng tu tập đi chăng nữa thì có thể bạn sẽ trở nên mệt mỏi và ngay cả thế, đôi khi lại còn cảm thấy khó chịu nữa. Đừng chỉ tụng đọc suông những ngôn từ trong thi kệ Ước Nguyện Thoát Khỏi Những Ngõ Hẹp Đầy Hiểm Nguy Của Thân Trung Ấm, Kẻ Anh Hùng Thoát Khỏi Sợ Hãi của đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ Nhất, mà hãy công phu hành trì các điều ấy hằng ngày, qua phương thức quán chiếu (thiền quán) và đưa được ý nghĩa vào bên trong giòng tâm thức. Đây là lời khuyên của tôi.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
1. Trong việc đầu thai trở lại của bạn, hãy nhắm đến mục đích tái sinh trong một thân tướng và một hoàn cảnh thuận duyên để có thể hoàn tất những con đường tâm linh còn lại.
2. Mục đích của đại giác ngộ là để phụng dưỡng các chúng sinh khác một cách hoàn toàn trọn vẹn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỈNH GIÁC VỀ CÁI CHẾT
  2. TÍNH CÁCH VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC PHẬT
  3. BỒ ĐỀ TÂM TỊNH HÓA NGHIỆP XẤU – HẠNH PHÚC TỐI HẬU

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ