HH. DALAI LAMA XIV
HOWARD C. CUTLER
Khả năng thay đổi góc nhìn đối với mọi sự vật, sự việc, hiện tượng, khả năng nhìn nhận những khó khăn ‘từ những góc độ khác nhau’ được phát huy bởi phẩm chất mềm dẻo, linh động của tâm hồn. Lợi ích cơ bản của một tâm hồn mềm dẻo là nó cho phép chúng ta dung hòa được cuộc sống của mình – sinh động và rất ‘người’. Qua một ngày trao đổi trước công chúng ở Tucson, chiều nọ Dalai Lama rảo bước về phòng khách sạn của mình. Người chậm rãi bước chân, bầu trời ửng hồng bởi một vệt mây dài đỏ hồng báo hiệu đêm sắp đến, không khí buổi chiều tối ở vùng núi Catalina thật bình yên, toàn bộ khung cảnh dường như đang chìm trong một màu tía bao la thật đẹp mắt.
Không khí ấm áp, đượm mùi hương quê, những cơn gió nhè nhẹ vi vu thổi qua mang theo nhiều không khí ẩm. Dalai Lama ngừng bước. Người ngước nhìn bầu trời một lúc lâu, quan sát toàn bộ bức tranh chiều tối, nói vài lời nhận xét về khung cảnh ngoạn mục này. Người lại tiếp bước nhưng sau vài bước thì Người lại dừng lại, cúi người để quan sát một cây oải hương nhỏ xíu đang đâm chồi.
Người nhẹ nhàng chạm tay vào nó, cảm nhận mức độ mỏng manh của nó và lớn tiếng hỏi tên của nó là gì. Tôi thật ấn tượng về tâm hồn phong phú của Người. Tâm hồn Người dễ dàng cảm nhận toàn bộ cảnh tượng bao la trong cuộc đời mà cũng dễ dàng tập trung cảm nhận từng sinh vật nhỏ bé nhất trong cuộc đời, thưởng thức toàn bộ môi trường xung quanh cũng như từng chi tiết nhỏ nhất. Khả năng cảm nhận từng chi tiết nhỏ và toàn bộ môi trường sống quanh mình.
Mỗi người trong chúng ta đều có thể phát huy được một tâm hồn như thế. Từng chút một, qua việc rèn luyện nhìn nhận mọi sự vật sự việc qua nhiều góc nhìn khác nhau, qua từng khía cạnh khác nhau, tâm hồn chúng ta sẽ linh động hơn, mềm dẻo hơn. Kết quả cuối cùng là chúng ta có thể vừa cảm nhận được tổng quát toàn bộ bức tranh đời sống vừa cảm nhận được từng chi tiết nhỏ của bức tranh đời sống này. Từ đó, ‘thế giới rộng lớn’ của kiếp người và ‘thế giới nhỏ nhoi’ của chính bản thân mình sẽ hòa hợp với nhau giúp chúng ta phân biệt được điều gì là quan trọng trong cuộc đời và điều nào không.
Bản thân tôi, tôi không hứng thú lắm với những vấn đề chính trị. Trong một buổi thảo luận nọ với Dalai Lama, tôi hỏi người về tầm quan trọng của việc phát huy tầm nhìn rộng lớn về mọi lĩnh vực trong đời sống. Vì trước buổi thảo luận đó tôi đã dùng vài tách cà phê nên tỏ ra rất sôi nổi hào hứng và tôi bắt đầu nói về khả năng thay đổi cách nhìn mới về cuộc sống ở mỗi cá nhân, một quá trình thay đổi tâm hồn, một quá trình độc lập – chính bản thân mỗi cá nhân tự ý thức và quyết định trau dồi những quan điểm mới.
Khi tôi đang hăng say nói thì Dalai Lama xen vào để nhắc nhở tôi “Dĩ nhiên, việc thay đổi tâm hồn bắt buộc phải xuất phát từ ý nguyện của chính bản thân mỗi cá nhân. Nhưng khi bạn tìm kiếm những giải pháp cho những khó khăn rắc rối toàn cầu, bạn cần phải có đủ khả năng để tiếp cận vấn đề này theo quan điểm cá nhân mình cũng như theo quan điểm của toàn thể cộng đồng. Vì vậy, khi bạn nói về khả năng mềm dẻo linh động, nói về việc trau dồi phát huy những quan điểm rộng lớn…, điều này đòi hỏi bạn cần phải có khả năng tiếp cận vấn đề ở nhiều mức độ: mức độ cá nhân, mức độ cộng đồng và mức độ toàn cầu”.
“Bây giờ, ví dụ, tại buổi trao đổi ở một trường đại học nọ, tôi đã nói về tầm quan trọng của việc giảm thiểu cảm xúc tức giận căm thù, trau dồi đức kiên nhẫn và khoan dung tha thứ. Việc giảm thiểu lòng căm thù cũng giống như việc giải giáp vũ khí. Nhưng, khi tôi đề cập việc này trong buổi trao đổi đó, tôi cần phải nhìn nhận vấn đề giải giáp vũ khí ở mức độ rộng hơn, mức độ cộng đồng và toàn cầu. Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng đấy. May mắn là vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước thì nguy cơ hủy diệt loài người bởi vũ khí hạt nhân không tồn tại. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây chính là thời điểm tốt nhất, vâng, thời điểm tối nhất để bắt đầu – chúng ta không nên bỏ qua cơ hội này! Giờ đây tôi nghĩ rằng chúng ta phải duy trì củng cố một nền hòa bình thực sự cho toàn cầu. Thực sự hòa bình, không phải chỉ đơn giản là không còn bạo lực và chiến tranh. Một nền hòa bình đích thực cần được đặt trên nền tảng là sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Và bởi vì vũ khí chính là chướng ngại lớn nhất khiến chúng ta không thể phát huy được thái độ tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau thực sự, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ xem làm cách nào để tống khứ mọi vũ khí biến mất trên thế gian này. Đó là điều quan trọng nhất. Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm được điều này chỉ qua một đêm. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tiến hành từng bước một.
Nhưng dù sao thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải đặt ra một mục tiêu rõ ràng: Một thế giới phi quân sự. Vì vậy, chúng ta cần phát huy sự hòa bình trong lòng chính bản thân mình, từng cá nhân một; đồng thời điều quan trọng là chúng ta cần phải tuyên truyền phát động thái độ hòa bình rộng khắp trên toàn thế giới, chúng ta cần góp phần tái tạo nền hòa bình trên toàn thế giới tùy theo khả năng của mình. Đó là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta”.
Tầm Quan Trọng Của Việc Suy Nghĩ Linh Động
Có một mối quan hệ hỗ tương giữa một tâm hồn mềm dẻo, linh động và khả năng thay đổi quan điểm về mọi sự vật sự việc trong đời sống: một tâm hồn mềm dẻo, linh động giúp chúng ta đối mặt với mọi khó khăn rắc rối của mình ở nhiều góc độ khác nhau và ngược lại, cố ý rèn luyện khả năng đối mặt với mọi khó khăn rắc rối ở nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp chúng ta có được một tâm hồn mềm dẻo, linh động. Trong thế giới ngày nay, việc cố gắng phát huy lối suy nghĩ linh động không đơn giản chỉ là một bài luyện tập lối suy nghĩ không thôi mà nó có thể đóng một vai trò quyết định sự sống còn của chúng ta. Thậm chí xét xã hội động vật, tất cả mọi loài đều phải linh động biến đổi hòa hợp với môi trường để có thể tồn tại và phát triển. Cuộc sống ngày nay luôn bị chi phối bởi những điều bất ngờ, những điều không mong đợi và đôi khi bởi những thay đổi bạo lực. Một tâm hồn mềm dẻo linh động có thể giúp chúng ta hòa hợp với những thay đổi của môi trường sống xung quanh liên tục thay đổi. Nó cũng giúp chúng ta hòa hợp với những xung đột mâu thuẫn từ trong lòng mình. Nếu chúng ta không trau dồi phát huy một tâm hồn mềm dẻo, linh động, tương lai của chúng ta sẽ mỏng manh, dễ vỡ và mối quan hệ giữa chúng ta với thế giới xung quanh sẽ liên tục bị chi phối bởi những nỗi lo sợ. Nhưng một khi chúng ta biết tiếp cận linh động với cuộc sống, chúng ta có thể duy trì được tinh thần bình tĩnh ngay cả khi chúng ta đối mặt với những thay đổi hỗn loạn bất ngờ. Qua việc trau dồi phát huy một tâm hồn mềm dẻo, linh hoạt, chúng ta có thể dung dưỡng được một sự bình yên trong tâm hồn.
Khi được biết Dalai Lama, tôi rất ngạc nhiên vì tính linh động của Người, khả năng hội nhập với nhiều quan điểm mới của Người. Mọi người có thể xem Người như là một Đức Phật sống, đặt hết niềm tin vào sự che chở của Người.
Tôi hỏi Người “Đã bao giờ ngài cảm thấy rằng mình quá cứng nhắc trong lối suy nghĩ và quan điểm của mình chưa?”.
“Hmm…”, Người suy nghĩ một lúc trước khi trả lời dứt khoát, “Chưa. Tôi nghĩ là chưa. Thực ra, ngược lại nữa là khác. Đôi khi tôi mềm dẻo đến mức bị gán tội là không dứt khoát kiên định gì cả”. Nói xong Người bật cười. “Một người nào đó đến gặp tôi để nói một ý tưởng nào đó và tôi nhận thấy rằng những điều anh ta nói là hợp lý, thế là tôi nói với anh ta ‘Thật tuyệt vời!’… Nhưng khi một người khác lại đến gặp tôi để nói một ý tưởng hoàn toàn ngược lại với ý tưởng của người trước đó và tôi nhận thấy rằng ý tưởng này cũng hợp lý, tôi cũng đồng ý với người này. Đôi khi tôi bị chỉ trích về việc này”.
Qua lời nói này, có thể bạn có ấn tượng rằng Dalai Lama là người không kiên định. Một người nhợt nhạt, gần giống như thế, chẳng có một nguyên tắc rõ ràng nào cả. Thực ra, Dalai Lama luôn thực hiện những hành vi của mình dựa trên nền tảng là lòng từ bi, lòng tốt, lòng yêu thương khoan dung tha thứ. Chính sách của Người là luôn sống hòa hợp với tất cả mọi người mọi vật.
Khi nói về tầm quan trọng của một tâm hồn mềm dẻo linh động, tôi không có ý muốn nói rằng các bạn nên luyện tập để trở thành một chú tắc kè đâu nhé – chúng ta chỉ nên luyện tập để có thể dễ dàng tiếp cận mọi vấn đề ở mọi góc độ khác nhau, cảm nhận đúng vấn đề, phân biệt được đâu là mục tiêu thực sự đáng giá, đâu là những mục tiêu vô nghĩa.
Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta làm sao để giữ vững được những giá trị bản thân nhưng vẫn mềm dẻo, linh động? Dalai Lama đã đạt được điều này bằng cách đặt niềm tin cơ bản của mình vào những yếu tố: (1) Tôi là một con người. (2) Tôi muốn được hạnh phúc và không muốn đau khổ. (3) Những người khác, cũng giống như tôi, họ cũng muốn được hạnh phúc và không muốn đau khổ. Việc tập trung vào những điểm cơ bản giống nhau giữa mình và mọi người hơn là tập trung vào những điểm khác nhau nhỏ nhặt giúp Dalai Lama dễ dàng hòa nhập cùng mọi người và giúp người có được niềm tin về giá trị thực sự của lòng từ bi, khoan dung, tha thứ.
Tìm Kiếm Sự Cân Bằng
Việc phát huy một thái độ tiếp cận cuộc sống một cách linh động, mềm dẻo không chỉ là một phương tiện giúp chúng ta đối mặt tốt với mọi khó khăn rắc rối trong đời sống hàng ngày – nó còn là nền tảng cơ bản cho yếu tố chủ đạo dẫn đến một cuộc đời hạnh phúc: sự cân bằng.
Vào một sáng nọ, sau khi đã ngồi vào ghế ngay ngắn thoải mái, Dalai Lama giải thích về giá trị của việc hướng đến sự cân bằng trong đời sống “Việc phát huy thái độ tiếp cận cuộc sống một cách linh động, mềm dẻo là một yếu tố quan trọng trong quá trình tồn tại của con người. Nó thật sự đóng một vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh cuộc sống. Ví dụ, khi bạn trồng một cây non nào đó bởi vì cây non này còn rất yếu ớt nên bạn cần phải thật khéo léo.
Quá nhiều nước cũng có thể giết chết nó, quá nhiều ánh nắng mặt trời cũng có thể giết chết nó. Quá ít cũng có thể giết chết nó. Vì vậy bạn cần phải tạo ra một môi trường sống thật cân bằng cho cây non đó, nhờ đó nó mới có thể phát triển mạnh khỏe. Hoặc đối với sức khỏe thể chất của con người cũng thế, nếu một yếu tố nào đó trong môi trường sống của con người trở nên quá nhiều hoặc quá ít cũng đều có thể gây hại cho con người. Ví dụ, quá nhiều Protêin sẽ gây hại cho con người và quá ít Protêin cũng gây hại cho con người”.
“Phương pháp tiếp cận khéo léo này, tránh quá nhiều hoặc quá ít, cũng được áp dụng cho quá trình phát triển tinh thần. Ví dụ, nếu chúng ta nhận thấy rằng mình quá kiêu căng, ngạo mạn, khoác lác dựa vào những thành tựu mà mình đã đạt được hoặc dựa vào những phẩm chất mà mình đang sở hữu, vậy thì liều thuốc giải độc cho chúng ta trong trường hợp này là chúng ta nên dành một ít thời gian để chiêm nghiệm về những khó khăn rắc rối và những đau khổ của bản thân mình hoặc về những khía cạnh bất lợi của đời sống con người. Điều này sẽ giúp bạn giảm mức độ tự cao tự đại của mình xuống, giúp bạn trở về với đời sống thực tại – không sống mơ mộng trên mây nữa. Và ngược lại, nếu bạn suy nghĩ quá nhiều về những bất lợi của đời sống con người, về những khó khăn rắc rối, đau khổ của bản thân mình và rồi bạn trở nên quá buồn chán, thất vọng, nản lòng… Lúc này bạn đang để cho tâm hồn mình quá đau buồn rồi đấy. Lúc này bạn có thể sẽ nghĩ rằng ‘Ồ, mình không thể làm được gì cho ra hồn cả, mình thật vô dụng’. Trong những trường hợp như thế, bạn cần phải kích thích tinh thần mình, nâng tinh thần mình lên cao bằng cách suy nghĩ về những thành tựu mà mình đã đạt được, về suốt khoảng thời gian phấn đấu không mệt mỏi của mình và về những phẩm chất tích cực khác giúp tinh thần bạn phấn chấn lên. Vì thế bạn cần phải tiếp cận mọi vấn đề một cách khéo léo và bám chặt vào nguyên tắc cân bằng”.
“Không chỉ tỏ ra hữu dụng đối với quá trình phát triển lành mạnh của thể xác và tinh thần, nó còn được áp dụng cho việc phát triển tâm linh của chúng ta. Ví dụ, học thuyết Phật giáo bao gồm nhiều kỹ năng hữu ích và nhiều bài luyện tập hữu ích khác nhau. Nhưng điều rất quan trọng là bạn cần phải áp dụng các kỹ thuật và các bài luyện tập này một cách khéo léo, tránh quá nhiều hoặc quá ít. Khi bạn tham gia rèn luyện các bài luyện tập này, điều quan trọng là bạn cần phải bám sát quan điểm ‘cân bằng’, kết hợp việc nghiên cứu và học hỏi với các bài luyện tập về suy niệm và thiền định của mình. Điều này rất quan trọng, bởi vậy nên bạn cần cân bằng giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế. Nếu bạn chỉ nghiên cứu lý thuyết suông, bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả, ngược lại, nếu bạn chẳng hề nghiên cứu lý thuyết thì bạn cũng chỉ có thể dậm chân tại chỗ…”.
Sau vài giây suy nghĩ, Người nói tiếp “Vì vậy, nói cách khác, việc luyện tập các bài luyện tập của Đạt-ma cần được áp dụng theo nguyên tắc cân bằng giống như nguyên tắc của bộ ổn áp điện vậy. Chức năng của bộ ổn áp điện là điều hòa dòng điện không thể cho nó quá mạnh hoặc quá yếu”.
Người lắc đầu và trả lời “Tôi nghĩ là bạn cần phải hiểu thêm một chút. Ví dụ việc chúng ta theo đuổi, mưu cầu của cải vật chất, quần áo, xe cộ,… Một mặt, của cải vật chất là những phương tiện phục vụ chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy thoải mái về thể xác và chúng ta luôn có quyền mưu cầu vật chất. Mặt khác, quá nhiều phương tiện vật chất, mưu cầu quá nhiều vật chất sẽ khiến chúng ta không còn ở trạng thái cân bằng được nữa. Mục tiêu cơ bản của chúng ta là tìm kiếm của cải vật chất ngày một nhiều thêm để cảm thấy hạnh phúc. Nhưng nền tảng cơ bản của việc tìm kiếm – ‘Ngày một nhiều hơn nữa’ – là một nền tảng sai lạc, một cảm xúc bất mãn. Làm sao bạn có thể tìm kiếm của cải liên tục ‘ngày một nhiều hơn nữa?’ Nếu bạn cứ mưu cầu hạnh phúc theo cách này thì chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy bất mãn, lòng tham của bạn thì vô hạn trong khi khả năng của bạn thì hữu hạn. Chính cảm xúc ‘bất mãn’ này sẽ khiến bạn không thể ở trạng thái cân bằng về tinh thần được… Ngoài ra còn có những yếu tố khác dẫn bạn đến với tình trạng mất cân bằng”.
“Những yếu tố khác nữa?”, tôi hỏi.
“Vâng, dĩ nhiên”, Người gật đầu.
“Thế Ngài có thể ví dụ được chứ?”.
“Tôi nghĩ rằng tính hẹp hòi nhỏ nhen cũng là một yếu tố khiến bạn mất cân bằng. Một ví dụ cụ thể cho những suy nghĩ thấp kém nhỏ nhen là việc câu cá, người đi câu cá là người có tầm nhìn thấp, họ không thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh bức tranh đời sống. Một ngày nào đó, loài cá sẽ biến mất trên thế gian này và rồi hậu quả sẽ ra sao chắc bạn cũng biết”.
Cầm tràng hạt của mình lên, Dalai Lama lâm râm đọc một đoạn kinh và rồi bất ngờ nói tiếp “Tôi nghĩ rằng nhiều thái độ thiển cận có thể dẫn đến lối suy nghĩ nhỏ nhoi nông cận. Và điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối. Ví dụ, Tây Tạng là một quốc gia Phật giáo đã nhiều thế kỷ nay. Và đương nhiên là người Tây Tạng sẽ xem Phật giáo là tôn giáo tốt nhất, những người theo Phật giáo thường có xu hướng nghĩ rằng sẽ tốt đẹp biết bao nếu tất cả mọi người trên thế gian đều là những tín đồ của Phật giáo. Suy nghĩ như thế là một suy nghĩ thiển cận, sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Và lối suy nghĩ đó sẽ dẫn đến rắc rối. Nhưng giờ đây chúng tôi đã rời Tây Tạng, chúng tôi có cơ hội để quan hệ giao tiếp với nhiều truyền thống tín ngưỡng khác và học hỏi được nhiều điều từ những tín ngưỡng đó. Qua việc quan hệ kết giao với những tín ngưỡng khác, tôi nhận thấy được nhiều yếu tố tích cực nơi họ. Giờ đây, mỗi khi chúng tôi có dịp tiếp xúc với một tôn giáo khác, cảm xúc đầu tiên, một cảm xúc tích cực, trỗi dậy trong lòng chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy rằng nếu một người nào đó cảm thấy rằng một tôn giáo nào đó là thích hợp với mình hơn, hữu ích với mình hơn, vậy thì tốt quá rồi! Điều này cũng giống như khi chúng ta vào một nhà hàng – chúng ta có thể ngồi xuống và gọi các món ăn khác với mọi người, miễn là món ăn đó hợp với khẩu vị của mình. Chúng ta có thể dùng những món ăn khác với mọi người nhưng chẳng ai phàn nàn về điều đó cả!”.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng qua việc cố ý mở rộng tầm nhìn, chúng ta thường có thể tìm được trạng thái cân bằng cho bản thân mình”.
Nói xong câu này thì Dalai Lama xin phép đứng lên để kết thúc buổi thảo luận.
——-