MÙA XUÂN CỦA TRÍ HUỆ BÁT NHÃ

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Đạo Phật Và Đời Sống; NXB: Thiện Tri Thức-2017

—–???—–

Trong đời con người, mùa Xuân là một hiện tượng của thời gian, nó báo hiệu một năm mới sắp đến và một năm cũ đã qua. Mùa Xuân đến, có nghĩa là mùa Hạ, Thu, Đông cũng sẽ tới và đã qua rồi Xuân – Hạ – Thu – Đông của những mùa trước. Cái gì có sanh thì cái đó có diệt, mùa Xuân có đến nghĩa là mùa xuân có đi. Cái biện chứng vô tình của thời gian cứ thế xảy ra, và con người cũng cứ thế chao đảo, hy vọng và lo sợ giữa hai bờ: cái sắp tới và cái đã qua. Lịch sử nhân loại, nói cho cùng là một sự phóng ảnh về cái vĩnh cửu, về cái không chết, về cái không đến không đi. Họ mơ tưởng đến cái vĩnh cửu, họ nghĩ ra một cái gì đó, một nơi chốn nào đó thoát khỏi thời gian, bất khả xâm phạm với thời gian. Nhưng con người mãi mãi thất bại; vì đứng trong chân lý của đạo Phật, thời gian là một vọng tưởng, một ảo tưởng; điều này trong thuyết Tương đối và vật lý học hiện đại cũng có một cái nhìn sơ lược như thế. Tạo ra một cái đối lập với thời gian vọng tưởng lại là một vọng tưởng khác, một vọng tưởng của một vọng tưởng, một vọng tưởng chồng lên một vọng tưởng.

Trí huệ Bát nhã thì không tạo thêm một vọng tưởng nào khác nữa, mà nhìn vào bản chất của vọng tưởng. Trong trí huệ giải thoát (trí huệ Ba la mật), thì tất cả các pháp đều không có tự tánh, đều không có thực chất, và do đó chỉ là danh tướng. Thời gian là một pháp, nên cũng không có tự tánh, không có thực chất, chỉ là danh tướng.

Đã đi qua thì không thể nói là đang có sự đi qua.

Chưa đi qua cũng không thể nói là đang có sự đi qua.

Lìa ngoài cái đã đi qua và chưa đi qua

Thời gian đang đi qua cũng không thể có mặt.

-Trung Luận Quán khứ lai 17

Cái đã đi qua (quá khứ) không thể nói là thời gian, vì thời gian là cái gì đang trôi chảy. Quá khứ không trôi chảy nữa, nó là một hình ảnh của tâm thức mà dẫu xa xôi bao nhiêu chúng ta cũng có thể đem vào tức thì trong hiện tại (hồi ức, nhớ lại). Nếu không có sự nhớ lại này, quá khứ không có mặt.

Cái chưa đi qua (tương lai) thì không thể gọi là đang đi qua, tương lai là cái gì chưa biết, chưa có mặt, sao có thể gọi là đang đi qua (thời gian)?

Nói có “cái thời gian đang đi qua” (hiện tại) thì phải quy chiếu với quá khứ đã và tương lai sẽ, khi không có đã và sẽ, lấy gì có đang?

Một tâm thức hướng đến cái gì, điều gì sẽ xảy đến, là một tâm thức hướng về tương lai. Khi có đối tượng là một tương lai, khi đó có chủ thể là một hiện tại. Khi không có một tâm thức hướng về tương lai, khi không có một đối tượng là một tương lai, khi ấy cũng không có chủ thể là một hiện tại. Tóm tắt, nếu không có sự hướng về, quy chiếu về thời tương lai hay thời quá khứ, thời gian hiện tại cũng không có.

Với cái nhìn tương tự, chúng ta đọc thêm vài chỗ nói về thời gian trong Trung Luận:

Trong cái đã qua đi không có chỗ xuất phát

Trong cái chưa đi không có chỗ xuất phát

Trong cái đang đi qua không có chỗ xuất phát

Thế chỗ nào có được sự bắt đầu?

Tất cả đều không có chỗ xuất phát

Cớ sao mà phân biệt quá khứ, hiện tại, vị lai ư?

(Quán khứ lai 28-30)

Thời gian trụ nó thật không có

Thời gian đi cũng thật không có

Thời gian nếu thật là không có

Thế nào là tướng thời gian?

(Quán thời gian 257)

Bằng sự quán chiếu, soi xét, tham cứu – mà thuật ngữ chuyên môn gọi là quán chiếu Bát nhã – về bản chất của thời gian như vậy, mà trí huệ nhận ra thời gian không có bản chất, không có thực thể, thời gian chỉ là một vọng tưởng của con người. Đó là sự giải thoát khỏi vọng tưởng thời gian, là chính sự giải thoát của đạo Phật.

Trí huệ không phải là lý luận. Lý luận chỉ là một công năng của ý thức, và vì thế không thể thoát khỏi cơ chế chủ thể – đối tượng, không thể vượt ngoài có – không, đoạn – thường, sanh – diệt.

Bởi thế mà cảnh giới giải thoát, cảnh giới không có thời gian đối với ý thức bình thường thấy như là một điều phi lý:

Tay không: cầm cán mai

Đi bộ: lưng trâu ngồi

Trên cầu qua sông nước

Cầu trôi nước chẳng trôi.

-(Phó Đại Sĩ)

Các học giả Tây phương thường nghĩ rằng Thiền tông ưa chuộng những điều nghịch lý, có lẽ đó là do ảnh hưởng của D.T.Suzuki, học giả Thiền tông Nhật Bản lần đầu tiên giới thiệu Thiền với Tây phương qua cuốn Thiền luận, khi ông cho rằng một trong những sự khai thị của thiền là “nói nghịch”.

Nhưng thật ra đó lại là cái có lý, cái chân lý đối với người không còn bị ràng buộc bởi thời gian. Trái lại, ở trong đời sống không có thời gian, nhìn lại cuộc đời bị trói chặt, kềm kẹp trong thời gian vọng tưởng mới thấy cái sanh tử kia mới là phi lý, nghịch lý.

Kinh nói: Bồ tát sống phi thời gian mà không hoại tướng thế gian. Cũng một đời sống, người thì không thấy thời gian, người thì thấy có thời gian và bị thời gian hành hạ; người sống không thời gian không hủy hoại hay chướng ngại cái thời gian của người kia. Không hoại tướng thế gian (thời gian của người đời) mà vẫn đồng hành, đồng sự với người đời, bởi vì đã thấy thực tướng của thời gian là không có thời gian. Cũng cùng một sự vật, sự việc, mà người thì giải thoát, người thì bị trói buộc, chứ không cần hủy hoại sự vật, sự việc ấy rồi mới được giải thoát.

Đi sâu vào trí huệ Bát nhã nghĩa là đi sâu vào bản chất để nhìn thật sự thời gian nghĩa là gì, như đức Phật dạy Bồ tát Đại Huệ trong kinh Lăng Già: Sát na tức là phi sát na. Thấy như thế nghĩa là sát na kia, thời gian kia chính là sự giải thoát.

Cái phi sát na, cái không thời gian đó lý luận danh tướng không thể đến được. Không những thế, đó là chỗ chấm dứt mọi ngôn ngữ danh tướng, mọi ý niệm tư tưởng, mọi khổ đau điên đảo: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Và bốn câu kệ mở đầu Trung Luận, xuyên suốt bộ luận này, trở thành câu nhật tụng, câu thần chú cho trí huệ giải thoát:

Không sanh cũng không diệt,

Không một cũng không khác

Không thường cũng không đoạn

Không đến cũng không đi

Trí huệ Bát nhã là trí huệ thấu rõ Niết bàn, vì trong trí huệ đó không có những tà kiến sanh – diệt, một – khác, thường – đoạn, đến – đi, những tà kiến vọng tưởng tạo nên sanh tử.

Nói một cách trần thế, trí huệ đó là mùa Xuân vô tận, trong đó không có sự sanh – diệt, một – khác, thường – đoạn, đến – đi. Trí huệ đó là cái siêu việt với phần đông chúng ta, nhưng với những vị đã chứng đắc, trí huệ đó chỉ là cái tâm bình thường, cái tâm bổn nhiên thường trực nơi mỗi con người: Bình thường tâm là đạo (Thiền sư Nam Tuyền). Bình thường tâm ấy là cái tâm không có vọng tưởng, không có những biến dạng méo mó (distortion) của tâm, nghĩa là không có vô minh tạo ra thời gian không gian. Tâm bình thường là tâm không có những thứ bất thường tạo ra sanh tử. Nói theo Duy thức, tâm ấy không có tánh biến kế sở chấp, và y tha khởi tánh cũng chuyển hóa thành viên thành thật tánh. Chỉ có viên thành thật tánh, chỉ có Chân Như.

Đó là cái tâm bình thường của Như Thị: ba mươi năm trước, khi chưa tu thấy sông là sông, núi là núi. Nhưng khi vào tu hành, sông không là sông, núi không là núi. Giờ đây đoạn đường tu học đã xong, sông vẫn là sông, núi vẫn là núi. Với cái tâm bình thường ấy, nhà vua Thiền sư Trần Nhân Tông ngắm nhìn mùa xuân không tuổi tác:

Niên thiếu chưa từng rõ sắc – không,

Một Xuân lòng ở tại trăm hoa,

Khuôn mặt chúa Xuân nay khám phá

Thiền bản, bồ đoàn ngắm rụng hồng.

(Xuân muộn)

Đó là mùa Xuân mà đạo Phật mở ra với con người. Lạ lùng thay mùa xuân đó không lìa sát na hiện tại, và bởi thế không ai không hiện đang ở trong nó. Đó là sự khai thị tích cực nhất, bao la nhất của đạo Phật cho con người. Đó là hy vọng của mọi hy vọng, tin mừng của mọi tin mừng; bởi vì hy vọng đó, tin mừng đó không phải để loan báo về tương lai hay cho dự phóng nào khác, mà tất cả hy vọng, tất cả tin mừng nằm ngay trong sát na hiện tại: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nói theo thiền sư Đạo Nguyên, khai tổ phái Tào Động Nhật Bản thì: Tất cả chúng sanh vốn có Phật tánh. Vốn có bởi vì ngay sát na hiện đây, có đầy đủ tất cả Niết bàn, tất cả sanh tử.

Trí huệ Bát nhã là cái ngay trong giây phút hiện tiền đây làm hiển lộ Niết bàn bất sanh bất diệt và làm tiêu tan tất cả sanh tử.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH