NĂM GIAI ĐOẠN CHO NGƯỜI THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM

TAI SITUPA XII

Trích “Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ”; Dịch giả: Nguyên Toàn; NXB: Tôn Giáo

Quá trình hay là thứ tự thực hành được mô tả rõ ràng cho những người thực hành bồ đề tâm. Từng bước một, quá trình này được chia ra trong năm yanas, hoặc là năm giai đoạn. Trong năm giai đoạn thực hành này, người thực hành thành công sẽ đạt tới các mức độ khác nhau, hay là bhumi – sự tỉnh giác bồ tát. Có mười cấp độ của quả vị bồ tát đạt được, cái này nối tiếp cái kia, thông qua thực hành năm giai đoạn theo thứ tự thích hợp. Sự tỉnh giác bồ tát là kết quả từ việc thực hành đúng đắn năm giai đoạn.

Trong tất cả các phương pháp này, nguyên tắc cốt yếu là áp dụng bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối. Việc nhận thức ra năm giai đoạn mà các cấp độ bồ tát đạt được cho thấy sự tinh tấn của bạn. Bồ tát đạt được sự tỉnh giác ở cấp độ sơ địa trong khi đang thực hành giai đoạn thứ ba. Giai đoạn đầu tiên là thực hành bồ đề tâm tương đối. Khi bồ đề tâm tương đối có thể tự phát trong các hoạt động hàng ngày, và bồ đề tâm tuyệt đối trở nên vững chắc khi thiền định, lúc đó giai đoạn đầu tiên hoàn thành.

Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc đưa bồ đề tâm tương đối và bồ đề tâm tuyệt đối vào trong sự cân bằng. Sau khi phát triển tự phát bồ đề tâm tương đối trong giai đoạn đầu tiên, bồ đề tâm tuyệt đối sẽ trở nên tự phát trong giai đoạn thứ hai. Giai đoạn này được mô tả như là “cái cổng giữa luân hồi và giải thoát khỏi luân hồi”. Người thực hành bồ tát đạo đạt tới giai đoạn này sẽ không rơi vào luân hồi mà không có lựa chọn. Trong khi người đạt giai đoạn đầu có thể rơi vào vòng luân hồi mà không được lựa chọn. Điều đó được miêu tả như là cánh cổng.

Trong suốt giai đoạn thứ ba, người thực hành sẽ đạt được tỉnh giác đầu tiên về bồ đề tâm tuyệt đối. Điều này không phải là sự hiểu biết tri thức mà là tỉnh giác. Đây cũng là trạng thái đạt được bhumi đầu tiên, hay là cấp độ bồ tát đầu tiên. Chứng ngộ về bồ đề tâm tuyệt đối là thành quả của giai đoạn thứ thứ ba.

Giai đoạn thứ tư tiếp tục phát triển những mức độ tinh tấn còn lại về tỉnh thức của bồ tát. Những mức độ này là một quá trình, sau tỉnh thức đầu tiên về bồ đề tâm tuyệt đối sẽ đưa đến việc đạt được giác ngộ đầy đủ, khi mà bồ tát trở thành hiện thân của bồ đề tâm tuyệt đối. Giai đoạn này chứa đựng tất cả những chứng ngộ bồ tát về các bhumis giữa tỉnh giác đầu tiên và giác ngộ đầy đủ.

Giai đoạn thứ năm là thực hành cuối cùng đưa tới giác ngộ hoàn toàn, và phần cuối cùng của giai đoạn này là khoảnh khắc trước khi có được giác ngộ cuối cùng. Sau khi đạt được mười cấp độ tỉnh giác của bồ tát đạo, một số giai đoạn phụ trợ được miêu tả là quá trình quyết định để một vị bồ tát trở thành một vị Phật. Phật là vị đạt được tỉnh giác trọn vẹn của bồ đề tâm tuyệt đối và là hiện thân của điều này, Phật có được khả năng vô hạn và tự nhiên để lợi lạc cho vô lượng chúng sinh.

Ngay bây giờ những người như chúng ta có thể thực hành năm giai đoạn này như áp dụng bồ đề tâm trong cuộc sống của chúng ta – được gọi là năm sức mạnh. Đây là sức mạnh sẽ không bao giờ bị hư hoại và được tiếp tục cho đến khi đạt được giác ngộ. Đó là sức mạnh bên trong.

Sức mạnh đầu tiên được miêu tả là “tôi sẽ đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh”. Nếu ý nghĩa giác ngộ của tôi, của chúng sinh, vân vân được hiểu một cách trọn vẹn, đó là sức mạnh đầu tiên. Ngay khi ta hiểu được điều này thì nó sẽ không bị phai nhạt.

Sức mạnh thứ hai sẽ đến sau khi ta cam kết một cách thành tâm là đạt giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Điều này sẽ cho ta một nỗ lực, một động lực để giúp ta tiếp tục các hoạt động liên quan đến sức mạnh đầu tiên.

Sức mạnh thứ ba sinh ra khi động lực được tiếp tục. Điều này nghĩa là mọi thứ đều trở thành hạt giống. Các hành động trong hiện tại trở thành hạt giống cho quả tiếp theo, và quả này lại trở thành hạt giống khác khác. Mọi hành động và quả trở thành hạt giống. Đứng ở góc độ này thì đó là nghiệp. Nghiệp là các nhân và duyên, do vậy mọi điều được tạo tác bây giờ là nhân và duyên cho các hiện tượng diễn ra sau này. Mọi điều đang diễn ra hiện tại đều có nhân duyên từ trước.

Sức mạnh thứ tư có thể giải thích bằng một tục ngữ Tây Tạng “Khi tôi thực hiện cuộc hành trình dài hàng vạn dặm, tôi có thể lỡ bước và trượt ngã nhiều lần, nhưng tôi vẫn đứng dậy để tiếp tục đi con đường của tôi”. Chúng ta sẽ phạm sai lầm, mặc dù không mong muốn. Đôi khi chúng ta có thể phạm sai lầm lớn.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta nên học được từ sai lầm, và cố gắng không tự lừa dối mình. Chúng ta không nên tự tẩy não và cho rằng đó không phải là lỗi của mình. Khi phạm sai lầm thì chúng ta nên học từ đó. Tốt nhất nên nói “đây là một sai lầm”. Rất đơn giản. Hãy chấp nhận nó, rút ra bài học, trở lại con đường đã chọn, và tiếp tục. Khi đó bạn trở thành vô song bởi vì không gì có thể phá hủy bạn. Mọi lỗi lầm bạn mắc phải, hãy nhận thức nó và tiếp tục. Bạn học được từ lầm lỗi. Bất kỳ hoàn cảnh tồi tệ nào cũng sẽ trở thành tốt đẹp theo cách này, vì điều này sẽ giúp bạn nhận ra được những lỗi lầm đó đã gây ra những hoàn cảnh bất lợi trong cuộc sống của bạn và những người khác. Sức mạnh thứ tư là chấp nhận lỗi lẫm của chính mình và rút ra bài học từ đó.

Sức mạnh thứ năm là hãy để mọi điều trôi qua trong mọi khoảnh khắc. Điều này cần giải thích một chút. Khi bạn làm điều tốt, nếu bạn không để nó trôi đi thì bạn sẽ bị bám víu vào đó. Có thể thấy được là bạn sẽ dấy lên niềm tự hào về những điều tốt bạn đã làm, và điều này sẽ dẫn đến kiêu ngạo và những thái độ ngăn trở sự tinh tấn của bạn. Chúng ta sẽ bị bám víu vào đó. Để tránh cạm bẫy này, chúng ta cần hồi hướng bất kỳ điều thiện nào có được để làm lợi lạc cho chúng sinh. Chúng ta không nghĩ về nó, chúng ta chỉ đánh giá nó và để lại cho mọi người.

Sức mạnh thứ năm là hồi hướng công đức. Hồi hướng công đức là một phần quan trọng trong việc thực hành Phật giáo Kim Cương Thừa. Cần nhấn mạnh rằng nếu bạn không hồi hướng công đức, những việc thiện của bạn sẽ không trọn vẹn. Mọi thực hành đều có ba phần: khởi đầu, quy y, và bồ đề tâm. Chúng ta nên tự nhắc nhở mình khi cầu nguyện quy y với Đức Phật, và những lời dạy của Ngài và học trò của Ngài, chúng ta cần suy tư về tứ vô lượng tâm để phát tâm đồ đề. Việc thực hành thật sự sẽ thực hiện ở phần hai. Phần ba kết thúc với hồi hướng. Hồi hướng đơn giản chỉ là bạn nói:

“Tôi xin hồi hướng công đức này, trí tuệ này vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh.” Bạn cũng có thể nói thêm “ Vì vậy tôi sẽ đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh”.

Năm sức mạnh này đưa đến bồ đề tâm tăng trưởng, trở nên trọn vẹn, mạnh mẽ, để động lực của nó luôn được tiếp tục không ngừng.

Trong nhiều kinh Đại thừa và các bình giải (như là Bát nhã Tâm kinh, kinh Pháp hoa, và kinh Lăng già), có một câu khích lệ rằng nếu bạn có tất cả: bồ đề tâm thanh khiết, tứ vô lượng tâm, và năm sức mạnh, lúc đó bồ đề tâm của bạn luôn tăng trưởng tự nhiên, ngay cả bạn không phải làm gì cả. Câu đó là “mọi nhịp đập của cơ thể bạn, mọi hơi thở của bạn đều thực hành (bồ đề tâm)”. Như vậy bạn là tâm bồ đề, và do đó bạn là một vị bồ tát.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁC NGỘ – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ
  2. 5 LỢI ÍCH CỦA VIỆC HIỂU BIẾT PHẬT TÍNH và 5 BẤT LỢI DO KHÔNG HIỂU BIẾT
  3. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT TÍNH

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG