NĂM GIỚI CỦA BỒ TÁT TẠI GIA

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Trích: KINH ĐẠI BẢO TÍCH (QUYỂN 82) – HỘI ÚC GIÀ TRƯỞNG GIẢ

Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia theo đúng pháp mà chứa họp tiền của đất nhà, cầu tìm chơn chánh đúng giá mà chẳng phải cầu tìm thô ác hay bức hiếp người. Được sản nghiệp đúng pháp, quan niệm vô thường chẳng có ý tưởng bỏn xẻn, ưa thích thí xả, đem tiền của đúng pháp để dâng cho cha mẹ và cung cấp cho vợ con quyến thuộc, các người giúp việc rồi sau đó dùng chánh pháp bố thí.

Lại nầy Trưởng giả! Bồ Tát tại gia mang vác gánh nặng phát đại tinh tấn. Đó là gánh nặng ngũ ấm của tất cả chúng sanh, bỏ gánh Thanh Văn Duyên Giác, giáo hóa chúng sanh mà không mỏi mệt. Tự bỏ sự vui của mình để vì chúng sanh, tám sự lợi suy hủy dự xưng cơ khổ lạc không làm khuynh động được, vượt khỏi thế pháp giàu có vô lượng mà không kiêu mạn phóng dật, mất lợi danh xưng mà không lo buồn, khéo quan sát hành nghiệp giữ gìn chánh hạnh, thấy người phá giới mà không giận, có đi qua đâu thì khéo an trụ giác sát trừ bỏ khinh tháo đầy đủ trí huệ, giúp nên việc người mà bỏ việc mình, không hi vọng gì, có làm việc chi không hề bỏ giữa chừng, biết ơn nhớ ơn, làm giỏi tốt, ban lộc cho kẻ nghèo, với kẻ thế lực thì dẹp đại kiêu mạn, với kẻ không thế lực thì khuyến dụ họ, trừ tên nhọn lo buồn cho người, nhịn người hạ liệt, trừ bỏ kiêu mạn và tăng thượng mạn, cung kính tôn trọng thân cận người đa văn, thưa hỏi bực minh huệ, chỗ thấy chánh trực, chỗ làm vô vi không có huyễn hoặc, với chúng sanh không ái nhiễm, tu lành không chán, học hỏi không nhàm, chỗ làm vững chắc đồng với hiền thánh, với người không phải thánh thì sanh lòng đại bi, thân hữu vững chắc, oan thân bình đẳng, tâm bình đẳng đối với chúng sanh, với tất cả pháp lòng không tham lẫn, khai thị như chỗ đã được học, suy gẫm chỗ đã nghe học, với các dục lạc tưởng là vô thường, chẳng mến luyến thân, xem sanh mạng như giọt sương, xem tài vật như mây như ảo, với con cái tưởng như lao ngục, với quyến thuộc tưởng như cảnh khổ, với ruộng nhà tưởng là tử thi, với chỗ cầu tiền tài tưởng là phá hư thiện căn, tại nhà mình tưởng là trói buộc, nơi thân tộc tưởng như lính ngục, nơi đêm nơi ngày tưởng không sai khác, với thân chẳng bền tưởng bố thí chỗ bền đó là làm giúp công việc cho người cần giúp, với sanh mạng chẳng bền tưởng bố thí chỗ bền đó là chẳng mất bổn thiện và thêm thiện căn hiện tại, với của cải chẳng bền tưởng là bố thí chỗ bền đó là hàng phục lòng tham lẫn mà thật hành bố thí !

Này Trưởng giả Úc Già ! Đó gọi là Bồ Tát tại gia tu tập công hạnh thiện trượng phu, với chư Như Lai không tất cả lỗi, gọi là lời nói tương ưng là pháp ngữ, không có dị tưởng hướng đến đạo vô thượng.

Lại nữa, nầy Trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên thọ thiện giới. Đó là năm giới:

Vị Bồ Tát ấy không thích sát sanh, vứt bỏ dao gậy, hổ thẹn thề nguyền không giết hại chúng sanh, chẳng làm khổ não tất cả mọi loài, thường mở lòng yêu thương bình đẳng đối với chúng sanh.

Vị Bồ Tát ấy chẳng trộm cắp, đối với của cải của mình thì biết đủ, đối với của cải của người không có lòng mơ ước. Trừ bỏ tham lam, không khởi ngu si, đối với lợi lộc của người không khởi lòng tham, cho đến cọng cỏ, lá cây, người ta không cho cũng không lấy.

Vị Bồ Tát ấy xa lìa tà dâm, đối với vợ mình thì biết đủ, không ước muốn vợ người. Chẳng đem tâm ô nhiễm nhìn nhan sắc của người nữ, tâm nhàm chán vì biết đó là gốc khổ, tâm thường lìa bỏ. Đối với vợ mình, lúc khởi lòng dục phải tự nghĩ là bất tịnh, đáng sợ, vì đó là sức mạnh của kiết sử; thế nên dâm dục chẳng phải là việc ta thích làm, mà thường nghĩ là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Vị Bồ Tát ấy phải nên nghĩ như vầy:”Ta còn không có một ý nghĩ về dục, huống là hai thân thể ôm ấp nhau!”

Vị Bồ Tát ấy phải nên lìa sự nói dối, phải nói lời chân thật, đúng như lời nói mà làm; chẳng gạt người khác, thành tựu tâm lành, trước nghĩ như thế nào sau làm như thế ấy; nói đúng sự thật việc đã thấy nghe; giữ gìn phép tắc, thà bỏ thân mạng quyết không nói dối.

Vị Bồ Tát ấy nên xa lìa rượu, chẳng say, chẳng loạn, chẳng nói dối trá, chẳng tự thô lỗ, cũng chẳng nói cười ồn ào, chẳng níu kéo nhau; phải an trụ trong chánh niệm, sau đó tâm mới sáng suốt. Nếu tâm muốn xả bỏ tiền của, đối với người cần ăn thì cho ăn, đối với người cần uống thì cho uống. Song lúc bố thí cho người, phải nghĩ rằng:” Nay là lúc bố thí ba la mật, tùy theo sự mong cầu của người, ta nên cung cấp và ta làm cho người đến cầu xin được đầy đủ”. Nếu có bố thí rượu cho người thì phải làm sao cho người nầy vẫn giữ được chánh niệm, không bị cuồng loạn. Vì sao? Vì làm thỏa lòng mong cầu của người, ấy là Bố thí Ba la mật.

Nầy Trưởng giả! Nếu Bồ Tát tại gia dùng công đức trì năm giới nầy hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải khéo giữ gìn năm giới.


Nguồn: Kinh Đại Bảo Tích (quyển 82) – Hội Úc Già Trưởng Giả

Bình luận


Bài viết mới

  1. AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH
  2. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  3. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG