NĂNG LƯỢNG BÍ ẨN CỦA ĐỒNG TIỀN

KAI ROMHARDT

Trích: Kinh Tế Học Phật Giáo, Dịch giả: Dương Ngọc Dũng, NXB Hồng Đức, Cty Phanbook

Trong hệ thống kinh tế của ta, đồng tiền chính là năng lượng. Sẽ rất hữu ích nếu ta hiểu được năng lượng này và truyền tải chúng. một cách thiện lương. Nhưng trong những năm gần đây, đồng tiền hầu như chỉ được truyền tải bằng những phương pháp bất thiện. Đồng tiền không còn một kết nối gì với nền kinh tế thực cả.

Hiddensee, Đức, tháng 2 năm 2009. Thiền viết ẩn dật. Sau khi dành cả ngày trời cho vấn đề đồng tiền, tôi liền đi xem tin tức. Tôi thấy báo đài họ chỉ toàn nói về những vấn đề, sự kiện tài chính, kinh tế. Gói cứu trợ cho Công ty Bất động sản Hypo, việc đóng cửa nhà máy tại Opel, gói kích cầu kinh tế của Obama, sự phá sản của Qimonda, lời phát biểu về vấn đề phát triển kinh tế của bộ trưởng Bộ Tài chính và thủ tướng Đức. Tiền, tiền, tiền. Cái gì cũng nhắc tới tiền. Câu chuyện về đồng tiền xảy ra ở mọi nơi và thống trị mọi thứ.

Chủ đề đồng tiền dường như đã tự sinh ra ý thức riêng của nó. Và nó muốn kiểm soát sự chú ý của ta. Đồng tiền cho ta một nơi để ta hướng những dục vọng chưa thỏa mãn của ta đến.

Khi tiền chảy vào túi, ta dường như thấy cánh cửa cơ hội đang rộng mở mời gọi. Việc dính mắc, chấp niệm vào đồng tiền, vào của cải, tài sản thường được mô tả như một trong những nguồn căn gây vấn đề trong Phật giáo. Chấp niệm là gốc rễ của tham (“Tôi muốn cái này!”) và chối bỏ (“Tôi không muốn cái này!”). Đức Phật dạy ta rằng bản chất ta nhiều hơn là những gì ta sở hữu hay những gì ta tiêu xài. Thế nhưng, tiền và các quá trình tiền tệ luôn xâm nhập cuộc sống hàng ngày của ta. Chúng xây dựng và cấu trúc những khu vực trung tâm, nền tảng của cuộc đời và công việc ta. Chúng ta làm việc vì tiền, và chúng ta mua sắm bằng tiền. Ta cho vay, tiết kiệm, và đầu tư. Bản chất thật sự của các quá trình kinh tế cũng như những yếu tố ta thật sự cần có thể bị màn che trừu tượng của đồng tiền che giấu. Làm cách nào ta có thể nhìn rõ ràng hơn, hành xử minh mẫn hơn đối với vấn đề này?

Đức Phật và đồng tiền

Đức Phật không sở hữu tiền. Con đường tu hành, giảng Pháp xuyên suốt Ấn Độ của Đức Phật không có bóng hình của cải, vật chất. Ngài sinh ra là hoàng tử, nhưng đã từ bỏ mọi chức tước, mọi quyền quý của bản thân để đi tìm ngọn nguồn khổ đau, hạnh phúc của nhân loại. Ngài nhiều lần đã dạy rằng việc trở thành nô lệ của đồng tiền, vật chất là hoàn toàn không đáng. Ngài chứng minh cho ta thấy cách để giải phóng bản thân khỏi những góc nhìn, tư tưởng sai lầm thông qua việc kiên trì tu tập tỉnh thức, đạo đức và sự rộng lượng. Thông qua quá trình tu tập này, ta sẽ đạt được hạnh phúc và bình yên.

Đức Phật và học trò của mình chứng minh cho chúng ta thấy sự hạnh phúc và thỏa mãn của ta không lệ thuộc vào các yếu tố tài chính. Chúng ta có thể nuôi dưỡng một mối quan hệ thiện lương với tiền bạc và của cải. Trong một xã hội cho rằng tăng trưởng là giải pháp cho mọi vấn đề, để tránh bị cuốn vào vòng xoáy của những luồng tư duy, lễ thói chính thống, ta sẽ cần phải có góc nhìn minh mẫn hơn về mọi sự trong cuộc đời của ta.

Ta cần phải hỏi bản thân rằng đồng tiền đại diện cho cái gì trong cuộc đời này. Chúng ta hy vọng gì từ những thành công về mặt vật chất của bản thân? Tư duy chúng ta hướng về vấn đề tiền bạc bao nhiêu lần trong ngày? Những dạng tự thoại gì sau đó sẽ bị kích ra bởi những luồng tư duy ấy? Một tấm đệm bông bằng tiền có thể giúp cho ta quên đi sự hiện sinh mong manh của ta. Mạng người thật rất mong manh. Ta sẽ bệnh, sẽ già, và cuối cùng cũng sẽ chết. Liệu ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc không, nếu ta biết hết những điều này?

Đức Phật dạy rằng ta có thể, nếu ta chịu nuôi dưỡng tỉnh thức và nhìn sâu vào những nhu cầu thật sự của bản thân. Lòng cầu tình yêu, cầu sự thấu hiểu sẽ luôn là kim chỉ nam tốt hơn lòng cầu tài cầu danh, cầu quyền lực.

Chúng ta kết nối lại với mọi thứ, mọi tồn tại trong môi trường của ta. Ta ngừng lại và xem xét tất cả những động lực thúc đẩy ta tiêu thụ mà không biến chúng thành hành động. Ta càng chạm vào nhiều phép màu nhỏ của cuộc đời, ta càng sẽ trở nên tự do hơn. Một mối quan hệ tỉnh thức hơn với đồng tiền và của cải sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực cho xã hội. Ta sẽ có thể truyền những năng lượng tài chính tích cực vào những lĩnh vực có lợi cho xã hội. Ta cũng có thể lấy đi năng lượng tiêu cực của các sản phẩm, công ty hay lối tư duy có tính hủy diệt. Cách ta dùng đồng tiền hàng ngày chính là sự thể hiện các giá trị và nhu cầu thật sự của ta.

Câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma về đồng tiền

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công thức hóa tám câu hỏi để ta nhận ra cách đối diện đúng đắn với đồng tiền và sự phú quý (The Dalai Lama, The Leader’s Way (New York: Broadway Books, 2009):

  1. Sự phú quý mà bạn đạt được có đến từ những cách đúng đắn không?
  2. Sự phú quý của bạn có phục vụ chỉ cho lợi ích của bạn hay không?
  3. Sự phú quý của bạn có làm người khác hạnh phúc không?
  4. Bạn có chia sẻ sự phú quý của mình với người khác không?
  5. Bạn có làm điều tốt bằng sự phú quý của mình không?
  6. Bạn có chấp nhất sự phú quý của mình không? Bạn có yêu sự phú quý không?
  7. Bạn có ý thức được những nguy hiểm mà sự phú quý mang lại không?
  8. Bạn có đủ kiến thức để hướng bản thân tới sự giải phóng tâm linh không?

Câu trả lời của bạn cho những câu hỏi trên là gì?

Dù là gì đi nữa, bạn cũng không nên xem những câu hỏi trên như sự đánh đố về nhân cách. Chúng xuất phát từ sâu trong cảm ngộ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu không san sẻ sự phú quý, ta sẽ bị tách rời khỏi thế giới. Ta sẽ bị tách rời khỏi những niềm vui trồi lên khi giúp người khác. Sự thịnh vượng của xã hội sẽ bị lãng phí nếu chúng ta san sẻ chúng một cách sai lầm.

Ngay cả khi mối quan hệ của chúng ta với đồng tiền khiến ta khó chịu, nhức đầu, việc thiền định về chúng vẫn là rất hợp lý. Khi tôi suy ngẫm về các hoạt động kinh tế tỉnh thức, chủ đề đồng tiền với tôi trước giờ vẫn luôn là một đề tài khó nói. Thật dễ để tôi ra siêu thị mua trứng hữu cơ và từ bỏ cái công việc nhàm chán vô ý nghĩa tôi đang có. Nhưng tôi lại thấy việc nhìn nhận một cách cởi mở và chân thật về cách tôi liên hệ bản thân với đồng tiền lại vô cùng khó khăn.

Do đó, ta sẽ xem phương diện tài chính của cuộc đời ta từ góc nhìn mà ta hiện đang quen thuộc nhất. Ta sẽ nhìn vào:

  • Mùi hương của đồng tiền và của cải của chúng ta.
  • Bản chất thật sự của đồng tiền và của cải.
  • Những cách đúng đắn để với tới đồng tiền và những cách cân bằng chúng.
  • Những kỳ vọng, động lực sâu sắc nhất của ta về đồng tiền, và những động lực trong và ngoài thúc đẩy ta về vấn đề tài chính.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HÀNH VI THÚC ĐẨY GÂY TỔN HẠI NĂNG LƯỢNG TIỀN BẠC
  2. HOÀNG THẦN TÀI LÀ AI?

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT CUỘC ĐỜI ĐƠN GIẢN VÀ ĐẦY ĐỦ – KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO
  2. ẢO TƯỞNG VỀ CÔNG VIỆC VÀ CÁCH LỰA CHỌN CÔNG VIỆC
  3. NHỮNG ẢO TƯỞNG VÀ SAI LỆCH VỀ CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP