NĂNG LƯỢNG, NIỀM TIN VÀ ĐỘNG LỰC

AKIHIRO ANKATAKI

Trích: 50 Việc Cần Làm Ở Tuổi 20; Việt dịch: Trương Huyền; NXB. Trẻ, 2004

CỘI NGUỒN ĐỘNG LỰC

Tôi bắt đầu viết sách năm hai mươi tuổi. Hai mươi chín tuổi thì cuốn sách đầu tiên của  tôi được xuất bản. Đúng một ngày trước khi tôi tròn ba mươi tuổi. Trước đó ngày nào tôi cũng viết, nhưng bao nhiêu sách viết ra đều không được xuất bản.

Các bản thảo đó tôi đều giữ lại. Đó là cội nguồn động lực của tôi hôm nay. Ngoảnh lại  thời trước, không một nhà xuất bản nào chịu ký hợp đồng xuất bản sách với tôi, thật là bi thảm.

Tôi tự hỏi: tôi ngày ấy so với tôi hôm nay, cuối cùng thì ai cố gắng hơn?

Tôi ngày ấy còn chưa có kinh nghiệm, kỹ xảo viết văn cũng chưa thành thạo. Tôi hôm nay so với hai mươi mấy năm trước, mạnh gấp trăm, ngàn lần. Đấy chỉ là về phương diện kỹ thuật.

Còn về nhiệt tình thì sao? Đó mới là vấn đề cốt yếu. Một người hai mươi mấy tuổi, ngồi nhà tự do viết lách, tất nhiên sẽ không ai biết để chủ động đến nhà ký hợp đồng.
Viết sách không được in mà vẫn viết, đòi hỏi phải có nhiệt tình cao độ. Tôi hôm nay vô cùng kính phục tôi hai mươi mấy năm trước. Dĩ nhiên, có nhà xuất bản đến đặt viết sách, đúng là việc tốt. Nhưng không thể cứ làm công việc do người khác chỉ định. Hiện tại tôi có hợp đồng viết rất nhiều sách. Nhưng đôi khi tôi cũng lén viết vài quyển ngoài hợp đồng.

Mỗi năm in 40 cuốn sách mỏng, cơ hồ ngày nào tôi cũng ngồi trước màn hình máy vi tính. Tuy mỗi năm xuất bản 40 cuốn sách, mà đề tài để viết vẫn không hết.
Vì lẽ gì? Bởi vì từ năm hai mươi tuổi trở đi, tôi đã quyết đem tâm huyết của mình dồn vào những hàng chữ, làm món ăn ngon cho hàng triệu độc giả.

Những điều muốn viết mỗi ngày một nhiều. Tác phẩm đầu tiên của tôi mãi năm 29 tuổi mới được xuất bản. Để có được ngày hôm ấy, tôi đã phải tích luỹ “năng lượng” ngót 10 năm.

Đạo lý mà tôi muốn thuyết minh, không chỉ giới hạn ở việc viết sách.

Người làm công ăn lương cũng vậy. Quan trọng là “công việc” làm thêm ngoài công tác chính. Trước ba mươi tuổi, không có ai đến đặt viết sách. Ngoài ba mươi tuổi, hợp đồng đặt viết sách tăng dần, không còn thời gian và công sức để ý đến việc khác nữa.

Đối thủ cạnh tranh của tôi hôm nay là tôi ở tuổi hai mươi, cái hồi ngồi viết sách không hề có đơn đặt hàng. Ngày ngày tôi đều tự đối chiếu với chính mình, đều nói với mình: “Này! Đừng có thua cái thằng tôi hồi chưa có râu đấy nhé!” Thế là ngày ngày tôi vẫn cố gắng đều đều.

GẶP GỠ TÌNH CỜ “ĐẠI SỰ MỘT ĐỜI”

Bạn bè hỏi tôi: “Gần đây anh bận việc gì?”

Tôi bận làm một việc mà tôi dự tính phải mươi năm nữa mới hoàn thành. Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn luôn kiên trì làm một vài việc mà người ta cho phép. Mấy việc tôi làm không phải để kiếm tiền. Cũng không phải để hưởng vinh quang gì.

Việc ta làm không ai biết, không ai khen thưởng ta. Song ta vẫn cứ kiên trì làm, tuy biết rằng có thể phải hai hoặc ba mươi năm sau mới hoàn thành.

Năm hai mươi tuổi tôi từng nói với mọi người rằng vì tương lai, tôi cần làm một vài việc. Một vài việc phải tốn tám năm, mười năm mới có thể hoàn thành. Có việc một ngày đã hoàn thành. Có việc phải dành tinh lực cả đời mới hoàn thành. Có việc dành tinh lực cả đời cũng chưa hoàn thành.

Đời người, phải không ngừng thách thức cực hạn.

Hoạt động sân khấu là vô tận. Phải cống hiến cả đời cho nó. Diễn xong một vở, bạn không thể nói là mình đa hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Diễn xong một buổi, ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm, sao cho buổi diễn sau hay hơn, đó chính là công việc của người diễn viên. Chưa biết đến bao giờ mới đạt được buổi công diễn hay nhất. Thời gian hoàn thành công việc có thể dài ngắn khác nhau. Một tháng hoặc một ngày. Việc một ngày có thể hoàn thành, thì niềm vui cũng chỉ kéo dài không quá hai mươi bốn giờ.

Nếu gặp được công việc phải dành tinh lực cả đời mới hoàn thành, thì hạnh phúc xiết bao! Công việc dành tinh lực suốt cả đời, không mệt mỏi, mà vẫn chưa hoàn thành, thì chỉ tình cờ gặp được, chứ chẳng thể cầu mong.

ĐỪNG QUÊN ƯỚC MƠ CỦA BẠN

Đối với một người mơ ước làm diễn viên kịch, thì đi xem diễn kịch có một ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ để hiểu diễn biến đầy kịch tính. Mà còn để thưởng thức bầu không khí nghệ thuật toát ra từ sân khấu. Những người yêu thích sân khấu, nếu có dịp nhất định hãy đến kịch trường làm thuê một thời gian. Tại kịch trường, các nhân viên làm nhiệm vụ dẫn đường chỉ chỗ cho những khán giả tới muộn. Bạn đến muộn, sẽ được họ nhanh chóng, an toàn đưa đến đúng chỗ ngồi đã định.

Những nhân viên dẫn đường ấy đều là những người say mê sân khấu thật sự. Cùng một tình tiết của vở kịch, họ xem đi xem lại bao nhiêu lần vẫn không chán.

Một diễn viên ngôi sao trên sân khấu hôm nay, rất có thể hôm qua từng là nhân viên vô danh, làm nhiệm vụ dẫn đường chỉ chỗ cho những khán giả tới muộn. Trong lúc dẫn đường, họ khéo léo không để ảnh hưởng đến tâm trạng của diễn viên và đông đảo khán giả. Họ thuộc diễn biến của vở kịch như trong lòng bàn tay.

Lần sau bạn có đi xem kịch, bạn hãy thử để ý đến các nhân viên ấy. Và hãy thầm vỗ tay khen ngợi họ.

CÓ CHÍ THÌ NÊN

Ở thủ đô Tokyo, nhạc hội thường được tổ chức ở quán “Võ đạo”, nơi trên mái nhà có hình “củ hành tây” rất lớn, có thể nhìn thấy từ xa.

Lần đầu tiên tới Tokyo, tôi cũng đã tới nghe diễn xướng ở quán “Võ đạo” ấy. Mỗi khi kết thúc một tiết mục hay, tiếng hoan hô nổi lên như sấm.

Nghe nói Trung Dã tiên sinh của ban nhạc SLUMP từng làm vệ sĩ riêng ở quán “Võ đạo”. Lần đầu tiên Makasuki tiên sinh đến quán “Võ đạo” nghe Alice biểu diễn. Lần thứ hai Makasuki tiên sinh tới đó với tư cáhc vệ sĩ riêng. Vì làm vệ sĩ riêng, nên đương nhiên phải đừng quay mặt về phía khán giả. Chủ yếu là giữ trật tự hiện trường. Makasuki tiên sinh là một nhân viên trong số đó. Lần thứ ba thì Makasuki tiên sinh đến “Võ đạo” quán để biểu diễn.

Rồi sẽ có ngày tôi đứng trên sàn diễn của quán “Võ đạo”. Bất kể là đi xem thi đấu thể thao, hay xem kịch, xem biểu diễn ca nhạc, chỉ cần trong lòng có niềm tin mãnh liệt, rằng có lúc mình được đăng đài, thì sẽ có ngày mơ ước hoá thành hiện thực.

Làm vệ sĩ, không được trực tiếp nhìn thấy diễn biến của nhạc hội, chỉ nghe sau lưng vọng lại tiếng nhạc, tiếng hát. Nhưng trong lúc làm vệ sĩ hoặc người bảo vệ trật tự ở hiện trường, đang nung nấu trong lòng ý định trở thành ngôi sao ca nhạc mai sau.

GIẢI PHÓNG TIỀM NĂNG

“Tuổi trẻ thời nay ủ ê buồn bã quá”. Bạn đọc, các bạn thì sao? Các bạn có tràn đầy sức sống trẻ trung hay chăng?

Tuổi trẻ gần đây hình như không quan tâm đến cái gì cả. Có một số cái đối với bạn hoàn toàn không quan trọng thật, điều quan trọng là thái độ của bạn.

“Tôi cứ bị chê là hoàn toàn không có chí tiến thủ, nhưng tôi nghĩ không phải vậy, tôi vẫn muốn học tập”. Như vậy thì bạn còn có hi vọng. Người không có sức sống sẽ không chủ động học tập. Bản thân việc học tập là thể hiện sức sống. Một cá nhân muốn xác định đúng trạng thái của mình quả không dễ. Thực ra tất cả những người trẻ tuổi đều dồi dào sức sống, song không phải ai cũng biết giải phóng sức sống đó mà thôi.

Không biết giải phóng sức sống, khác với không có sức sống.

Vì sao không biết giải phóng sức sống? Vì bạn căn bản không biết bên trong con người mình tiềm tàng năng lượng rất lớn.

Bạn chưa từng cố gắng thật sự, nên chưa biết gì về tiềm năng của mình. Chưa có kinh nghiệm về phương diện đó, thành thử không biết giải phóng tiềm năng. Người không có kinh nghiệm, cũng khó hình dung cách kích thích tiềm năng. Khi giải phóng năng lượng tiềm tàng, sẽ có khoái cảm. Bất kể có thành công hay không, khi dốc toàn lực, bạn sẽ có cái khoái cảm đó.

Khi đã có kinh nghiệm một lần thành công, bạn sẽ không dừng tay. Đó chỉ là vấn đề cơ hội. Nói thế hoàn toàn không có nghĩa người không biết giải phóng sức sống sẽ sống một cách vô vị. Ngược lại, họ không cảm thấy nỗi bất hạnh đó. Nhưng tôi cho rằng một người thật sự trải nghiệm khoái cảm ấy thì mới cảm nhận được sự phòng phú đa dạng của cuộc đời. Đáng tiếc rằng vừa khởi đầu thì đã hoài nghi tiềm năng của mình.

Bạn đang dồi dào sức sống. Có điều là bạn chưa thử vận dụng sức sống đó thôi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM TIN LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI THÀNH CÔNG VĨ ĐẠI
  2. QUY LUẬT CỦA NIỀM TIN – SỨC MẠNH TIỀM THỨC

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG